Thứ Hai, 25 tháng 9, 2006

VIỆT NAM


VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TÌM LẠI

Hô`ng Vũ Lan Nhi

Bác Lãng,
Mấy hôm nay trời bỗng dưng đổ lạnh, cái lạnh có thêm buốt giá làm cóng cả tay chân. Trời đã lạnh, lại không có nắng, làm cho không gian bàng bạc, mờ nhạt, khiến những người có tâm hồn bén nhậy như tui đây, lại thấy buồn dâng, xâm chiếm cả cõi lòng. Tui đang lang thang ngoài vườn, chẳng có mục đích, cho nên, khi có cơn gió thổi mạnh, tui vội vào nhà tránh gió. May quá, bác đã gọi phone cho tui đúng lúc. Có bác trò chuyện, tui cũng thấy thời giờ mau qua. Cái vui của bác đà làm tui vui lây, và bác cho biết, bác đã đi khắp nước Việt Nam, từ ảỉ Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu. Tui cũng mừng cho bác còn có sức khoẻ để lê gót giày trên khắp vùng trời từ Bắc chí Nam. Rồi bác báo cho biết, bác đã gửi hình trong website

http://www.pbase.com/bac_ninh

vào Quán Hẹn Bên Sông

http://www.Hongvulannhi.com

cho tui rồi đó.Lần sau, nếu Bác có đi chơi xa, thì ới một tiếng cho bà con đi theo với nha. Ít ra cũng có tui xách cạp táp theo chân bác và bà Cai của bác.Nhìn hình bác chụp với những nơi bác đã đi qua, tui mê quá, và đã xem hết rồi, đang chờ bác post hình mới nữa đây. Bác chụp hình đẹp quá. Phải nói một câu “chụp đẹp như thợ” mới diễn tả được đúng lời khen của tui. Có nhiều tấm hình bác chụp, có thể in ra làm Post Card được đó. Bác còn nhớ không, cái thời bác ở Canada, bác đã có lòng " chìu” tui, vác máy ảnh đi chụp phong cảnh thơ mộng, có quán bên sông...khi tui ngỏ ý muốn có một hình đẹp cho Quán Hẹn Bên Sông của tui... Bác cũng đã chịu khó vác máy đi chụp nhiều hình phong cảnh lắm, nhưng tui vẫn chưa ưng ý cái hình nào. Có lẽ dù cũng là cảnh sông nước, nhưng vẫn thiếu hình bóng con đò quê hương, cho nên, nhìn hình, tui không cảm thấy giống ý muốn của tui. Mà tả ra, tui lại cũng không biết phải tả sao cho đúng ý. Có phải tui khó tính không bác? Và không biết bác có nghĩ:- Khó tính như rứa, cho ở ế suốt đời cho đáng kiếp.Nếu bác có nghĩ thế, tui cũng cám ơn, vì tui đã ế suốt đời rồi. Còn gì để than thở nữa đâu!Rồi thời gian trôi qua lặng lẽ, cả bác lẫn tui đều quên...Bỗng dưng hôm nay, trong cả ngàn bức hình bác chụp, tui đã xem và tui vẫn luôn mê phong cảnh thơ mộng, cây si đầu làng, con thuyền lơ lửng trên dòng sông, cảnh trời mây non nước, và tui đã reo lên vui mừng khi bắt gặp những hình ảnh đẹp miền quê... đó là những tấm hình bác chụp ở Bình Quới... và tui đã chọn được hình cho Quán Hẹn Bên Sông của tui rồi. Cám ơn bác nhiều. Đôi khi người ta lại bắt gặp nhau trong những tình cờ của cuộc đời! Cũng như tình cờ bác và tui đã gặp nhau vậy!Tui nhìn những hình bác chụp ở "quê tôi" tức là quê Bắc Ninh cúa bác đó, tui không phải là dân Bắc Ninh, vậy mà khi đọc đến hai chữ Bắc Ninh, lòng tui cũng vui vui, và khi được nhìn cây si đầu làng, và những phong cảnh nơi quê Bắc Ninh của Bác, tui có chút ngậm ngùi, vì Bắc Ninh, hai chữ thân thương đó, cũng là quê của "cố nhân" tui. Gái Bắc Ninh đẹp, trai Bắc Ninh tài, và cả hai, tâm hồn tràn đầy thơ văn thi phú...Hình như tâm hồn tui mong manh như một cung tơ, chỉ một tiếng chim hót, chỉ một giọt nắng bên thềm, chỉ một hình ảnh nào trong tuổi thơ, cũng đủ cho hồn tui rung lên những điệu nhạc...Cám ơn bác một lần nữa, vì những bức hình của làng quê Việt Nam, tui đã nhìn lại được cảnh đẹp của 3 miền đất nước. Bắc Ninh quê của bác, phong cảnh cũng hữu tình và thơ mộng như Ninh Bình quê của tui. Đã lâu lắm, từ ngày tui bỏ xứ ra đi từ năm 1949 đến bây giờ, tui mới được nhìn lại “quê tui” qua hình chụp rõ nét của bác. Vậy mà khi đọc đến hai chữ Ninh Bình, tui cảm động đến nghẹn ngào. Bao giờ nhỉ, tui mới được bước chân lên những con đường quê xưa. Bao giờ nhỉ, tui mới được nhìn lại dòng sông cũ, với những cánh hoa bồng bồng màu tím trôi lờ lững theo dòng nước. Lưu Phương, làng xóm quê tui có luỹ tre bao bọc, có dòng sông uốn khúc, có tiếng chuông nhà Thờ vang lên sáng, chiều…Lòng nhớ quê cũ đang trào dâng trong hồn tui.Tui cũng đã ở Hà Nội, đã đứng chụp hình ở chân cầu Thê Húc, đã đi qua đi lại hàng bao nhiêu lần con đường bờ Hồ, từ nhà tui, số 46 Phố Hàng Chuối, tức phố Béylié, tui đi bộ đến chợ Hôm, đứng chờ xe điện, để tới trạm dừng ở bờ hồ. Tui đã đi bộ nhìn cảnh liễu rủ xuống mặt hồ trong ánh nắng chói chan của một buổi sáng hồng. Tui cũng đã nhìn cảnh sương mù giăng giăng khắp bầu trời Hà Nội vào những chiều Thu... Tui đi bộ lên phố hàng Đào, đi thẳng nữa lên phố Mới, quẹo phải là tui ghé thăm anh chị Cả của tui là anh chị Lê Ngọc Huỳnh... Cũng tại nơi đây, trong lứa tuổi 13, vừa thi đỗ bằng Tiểu Học xong, tui đã "được" lọt vào đôi mắt đen láy của một chàng trai đang học lớp đệ Tam trường Nguyễn Trãi. Cho đến bây giờ tui vẫn nhớ như in, dáng chàng vừa tầm, mập mập, trắng như cục bột, và thuộc loại đẹp trai. Lá thư đầu đời cúa chàng gửi cho tui, qua tay thằng em họ học cùng lớp với chàng, đã làm cho tui mất ăn mất ngủ. Chữ viết của chàng đẹp, lá thư thơm mùi giấy pelure xanh, và chàng đã ví tình chàng say mê tui giống như Lamartine say mê Elvire vậy. Thuở ấy, tui mới đỗ xong cái bằng Tiểu Học, tui làm sao biết Elvire là ai, lại càng không biết Lamartine làm nghề ngỗng gì, hay vẫn còn đi học như chàng, có khi lại học cùng lớp với chàng cũng nên, có thể, vì có cùng lớp, chàng mới biết rõ họ yêu nhau đến như vậy chứ… Lá thư với những lời lẽ say đắm như vậy làm sao tui đành xé bỏ. Thỉnh thoảng, ngó quanh nhìn quẩn không có bóng ai, tui vội vàng mở tờ thư ra đọc lại. Tui cất kỹ vào túi aó, sợ nó rơi ra, Mẹ tui bắt được là mách Bố, Bố sẽ cho tui ăn đòn nát đít. Tui sợ roi đòn của Bố tui lắm. Chỉ hình dung ra cái roi mây cong vút quắn vào mông, hồn vía tui đã bay lên tận mây xanh rồi. Tui bèn nghĩ cách dấu nó trong đáy valise nhỏ, mà tui thường để áo quần của poupée, cùng những chiếc khăn tui đang tập thêu thùa cho ra dáng con gái …Tui tưởng tui sẽ yên tâm, nhưng khi đang nằm ngủ cạnh Mẹ, tui lại nghĩ, nhỡ có chuyện gì, Mẹ lục valise của tui ra tìm cái gì đó, lá thư nằm chình ình trong valise thì lại nguy cho tính mạng tui hơn, nên tui lại nhỏm dậy, nghĩ cách chuyển nó đi nơi khác cho an toàn hơn. Và dù cho có dấu ở đâu đi nữa, tui cũng không cảm thấy yên tâm, cho nên, tui cứ nằm chưa kịp chợp mắt, đã lại dậy chuyển lá thư sang chỗ khác...Thực ra, chỉ tại có tật giật mình thế thôi. Mẹ tui đâu có thì giờ rảnh làm chuyện vớ vẩn ấy. Cũng tại tui thức dậy nhiều lần, đã làm Mẹ tui thức giấc, cất giọng nhẹ nhàng hỏi tui:- Sao không ngủ đi con, mà cứ dậy hoài vậy?Sợ mẹ nghi ngờ, tui đành bóp bụng nằm im, và giấc ngủ đã giúp tui qua được một đêm ngủ bình an!Lá thư đã làm tui điêu đứng như vậy, nhưng trên thực tế, tui chưa dám nói chuyện với chàng lần nào. Một vài lần, chàng đi cùng thằng em họ đứng hỏi tui vài câu, tui cứ cúi gầm mặt nhìn hai ngón chân cái của tui di di dưới đất, và tui nghĩ, nếu chàng đứng đó lâu thêm tí nữa, chắc ngón chân cái của tui cũng có thể đào sâu xuống chỗ đất tui đứng.Có lẽ thằng em họ thấy tui nhát quá, đã kéo chàng đi ra bờ hồ uống cà phê. Tui thở phào nhẹ nhõm.Lại một bất ngờ xảy đến cho tui. Anh Kha từ Huế về Hanoi đi công tác, đã đến nhà thăm Thày Mẹ và đua lá thư của anh Khoa nhờ chuyển cho Thày mẹ tui. Cái tin tui sẽ được theo anh Kha vào Huế ở với gia đình anh Khoa, đã làm tui vui quá là vui. Vui ngang khi tui đuợc nghe đọc tên tui đỗ khi tui đứng ở trường Thanh Quan nghe xướng danh qua máy phóng thanh:- Lê Hồng Diệp. Tui đã hét vang trời, và chạy bay về nhà (dĩ nhiên là bằng xe đạp) để báo tin vui tui đã đỗ. Gia đình tui vui lắm, và bữa cơm chiều đã thịnh soạn hơn mọi bữa.Niềm vui thi đỗ, cộng với lá thư tỏ tình của chàng NQH, và bây giờ tui lại được đi xa, còn gì vui cho bằng. Từ sau khi thi đỗ xong mảnh bằng Tiểu Học, tui cảm thấy mình bỗng nhiên lớn hẳn …Tui sửa soạn aó quần, sắp xếp vào valise to tất cả mọi thứ cần thiết cho một người con gái sắp xa rời vòng tay thương yêu của Mẹ. Mẹ tui dặn dò con gái đủ thứ. Nào là đừng ham chơi, đàn đúm; nào là nhớ đi lễ chủ Nhật, hãy cố gắng học hành cho giỏi, nhất là đừng chơi thân với con trai, đừng đi đâu một mình với con trai… Sao lại cứ nhắc đi nhắc lại hai chữ con trai nhỉ, làm như con trai là ông Kẹ ác độc, ăn thịt con nít. Nghe riết, tui cũng đâm sợ con trai, nhìn con trai không mấy thiện cảm...… Hình ảnh Hà Nội do bác chụp đã làm tui nhớ lại cả một thời thơ ấu của tui…trong tuổi ngây thơ, dại khờ nhưng dễ yêu …Tiếp theo là những bức hình phong cảnh Huế, với các lăng tẩm cuả vua chúa ngày xưa …Trí óc tui lại lần mò về khung trời thơ mộng tiếp nối …Hình ảnh đầu tiên của Huế đập vào mắt tui là chiếc cầu Trường Tiền bắc ngang sông Hương . Thời đó tui nghe có người gọi là Tràng Tiền, có người gọi là Trường Tiền. Và sau này, tui đã thuộc lòng câu hò:… Cầu Trường Tiền có sáu vài, mười hai nhịp,Em theo không kịp, khổ lắm anh ơi …Thà rằng không biết thì thôi,Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn!Tui trở thành nữ sinh Đồng Khánh, là một trong 4 người Bắc học ở trường Đồng Khánh lúc bấy giờ. Tui nhớ B1 có Nguyễn Thị Nga, B3 có tui, và B4 có hai chị em Trần Mạnh Quang, Trần Thục Chiêm con cụ Trọng Lang, nhà văn …Tui nhớ là tui chả hiểu người dân Huế nói gì, khi họ hỏi tui. Nhất là một vài kỷ niệm khó quên, trong thời gian đầu tới Huê. Ngày đầu tiên vào lớp, chưa biết nếp tẻ ra sao, Thày Trần Điền đã goị tên người cuối sổ là tui lên đọc giảng văn: Bầy chiên trở xuống đồng. Tui vừa cất tiếng:- Bầy chiên “chở” xuống đồngThì cả lớp đều cười bò lăn bò càng ra bàn, rồi họ hỏi nhau:-Tiệng chi mà lạ rứa bay!Nhưng Thày Điền đã giảng giải, người Bắc người ta đọc đúng dấu hỏi, dấu ngã, chữ có g và không g … Họ chỉ đọc sai chữ s và chữ x, cũng như tr với ch như chữ “trở” là tr thì lại đọc giống như ch …Và lại một chuyện vui nữa, khi nghe cô Trung Thu, dạy môn Vật Lý. Sau khi nghe cô giảng bài đã chẳng hiểu gì, lại còn phải chép bài do cô đọc, thế nên, khi cô đọc đến chữ “phột pho”, thì tui đã viết rõ ràng thành “ thuốc phong”. Buổi tối khi ngồi học bài, chị Hồng đã ngạc nhiên khi có chữ thuốc phong trong môn hóa học, và nhắc tui ngày mai mượn vở bạn xem lại. Thì ra đó là chất phosphore, báo hại tui nghe thành thuốc phong …Ấy thế mà chỉ trong vòng sáu tháng sau, tui đã như tinh chằng trong lớp. Đến năm lên lớp Đệ Lục, thì tui đã nói y chang tiếng Huế lúc nào không hay. Huế thơ mộng và hữu tình, với dòng sông uốn khúc, với cầu bắc ngang sông, và những con đò xuôi ngược trên dòng sông, trong cảnh chiều tà, giữa ánh nắng chiều đang nhạt dần trên mặt nước, và chiếu xuống lòng sông ánh đỏ ối của mặt trời đang lặn.Huế đẹp trong nét cổ kính. Những bức tường thành dạn dầy mưa gió, bao phủ rêu xanh, loang lổ những rạn nứt của thời gian, để từ phia bên trong tường, ngạo nghễ vươn lên những cây cổ thụ xum xuê cành lá, che rợp bóng mát của một khu vuờn rộng lớn bao la, mà những dân giả đi phía ngoài thành, chỉ được nhìn ngọn cây cổ thụ xanh um màu lá …Tui ở vùng Tây Lộc, gần thành Mang Cá, ngày ngày đi học, đều đi qua hai hồ sen trắng và đỏ. Con đường đất phía giữa chia đôi hai hồ, đã cho tui tầm nhìn bao la, và cho tui hưởng mùi thơm ngào ngạt của sen mỗi buổi sáng. Dòng Hương Giang đã chia đôi thành phố Huế, giống như dòng sông Seine đã chia đôi bờ thành phố Paris, khiến cho tui nghĩ đến hai chữ Đôi Bờ đã cho tui thấy cảnh thơ mộng, dù có chút gì đó chia ly… Bài thơ Đôi Bờ của tui ngày xưa, tui chép lại đây cho bác đọc nhé:Anh ở bên này sôngVẫn chiều chiều ngóng trông,Một bóng hình yêu dấuGiữa bầu trời mênh mông. Thướt tha aó trắng dàiEm đứng tựa cành mai,Nắng chiếu vào đôi máCho hồng má hây hây.Đôi mắt đẹp xa xămNụ cười như trăng rằmĐã làm anh xao xuyến,Trong nỗi nhớ âm thầm.Em ở bên kia bờNét đài các, ngây thơNgày hai buổi đi họcGặp anh giả làm ngơ! Tình chưa lần thổ lộBởi ngăn cách đôi bờChỉ nhìn theo dáng nhỏ,Đêm nằm mộng vu vơ …Huế có những mùa mưa thối đất thối đai, dai dẳng từ tuần này qua tháng nọ, khiến bầu trời lúc nào cũng âm u, lạnh lẽo! Những cơn gió thổi càng làm cho cái buốt giá thấm vào cơ thể, khiến chân tay tui lúc nào cũng lạnh tê. Những chiều tan học về, tui chỉ còn biết ở nhà cho ấm áp, và quanh quẩn nơi phòng học nghe radio, có tiếng hát Hương Thủy, diễn đạt Đêm Tàn Bến Ngự tuyệt vời; có tiếng Thanh Nhạn cao vút trong Tiếng Sáo Thiên Thai...Và tiếng Hương Việt trong Khối Tình Trương Chi ...Và rồi tiếp tục là Mộng Chiều Xuân, Giáo Đường Im Bóng, Ai Về Sông Tương, Trăng Mờ Bên Suối, Hẹn Một Ngày Về, Chiều Cô Đơn...còn một bài gì nữa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mà thời đó rất nổi tiếng, mà tui bỗng dưng quên tên...Hình như là Bóng Chiều Xưa ...Sau mùa mua, là những ngày tháng nắng, nắng chói chang, gay gắt, nóng nhu thiêu như đốt, chắc là ông trời muốn công bằng để bù lại những ngày ướt át, lạnh lẽo vừa qua. Dù sao, những ngày nắng, nhất là vào mùa nghỉ học, 3 tháng hè cho tui rong chơi cùng bè bạn. Tui cùng nhóm bạn Nam Sâm, Ngọc Liệu, Như Lan, đã hẹn hò nhau đi thăm chùa Thiên Mụ. Tới nơi, trèo lên đuợc tới cổng Chùa, thì chúng tôi cũng đã mệt đừ. Tuy nhiên tui vẫn còn nhìn thấy hai bên tường, bên vẽ Ông Thiện, bên vẽ Ông Ác. Người hiền bao giờ cũng có nụ cười bao dung. Người ác, chỉ cần nhìn đôi mắt xếch ngược, cũng đủ khiếp vía rồi.Vào trong Chùa, mùi nhang, tiếng mõ đều đều, trong không khí tĩnh mịch, lặng lẽ, càng làm cho cảnh chùa thêm trang nghiêm. Nam Sâm có quen một sư cô ở đây, cho nên chúng tôi được sư cô dẫn đi vãn cảnh chùa. Chùa được xây trên một địa thế cao, phải bước bao nhiêu bực, kể từ mặt đường, mới lên được tới sân chùa. Sư cô dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh chùa. Đất rộng mênh mông, có khu đất chưa xây cất, để hoang, cỏ dại mọc chi chít, cộng thêm những cây hoang mọc chen chúc nhau, tạo thành vẻ đẹp hoang vu. Từ cuối dãy, tui phóng tầm mắt ra xa thật xa, thấy được, những con đò lơ lửng, và tiếng gió vi vu, trong cảnh ngả về chiều, ánh nắng theo ngọn cây đong đưa, đã làm cho lòng tui chùng xuống, một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm cả tâm hồn tui. Tui mê cảnh hoang vu, thơ mộng này, và ước ao giá có được một cái nhà nhỏ trong khung cảnh nên thơ này mà ở, thật thú vị biết bao! Còn nếu bảo tui đi tu để hưởng cảnh đẹp này, thì tui đành trở về trần, vì tui không có căn tu. Khi tui xem phim Sister Act, thì tui thích lắm, vì gía tui đi tu, thì chắc tui cũng nổi loạn, cũng phải tạo cái vui nhộn cho cá nhân tui và cho các bạn sống chung quanh tui. Tui chỉ ở Huế có hai năm thôi. Trong thời gian đó cũng chẳng được đi chơi đâu xa, hay đi thăm các lăng tẩm của vua chúa, vì thời đó không được yên ổn. Tui nghe nói loáng thoáng đâu đó rằng, tụi VC ẩn hiện nơi đó như ma, cướp của, bắt cóc người... nên tui sợ lắm. Tui chỉ quanh quẩn trong thành phố, ra chợ Đông ba mua guốc, mua nón, và vẫn không ngửi quen mùi thuốc lá Cẩm Lệ nồng nặc. Gần như người đàn bà nào trong chợ trên môi cũng lủng lẳng điếu thuốc vê, khi nói, họ khéo léo dính chặt điếu thuốc trên môi, và khi nói xong câu chuyện, họ lại lấy lưỡi kéo điếu thuốc ra giữa để hút... Tui nhớ thế đó, không biết đúng hay sai!Tui còn nhớ mấy o người làm nhà tui, thì o Đào là hút thuốc triền miên. Vì o giữ phận sự nấu cơm, giặt giũ aó quần. O Hanh thì coi bé Hồng Mai lẫm chẫm biết đi, và Hồng My mới sinh được mấy tháng. Hanh không hút thuốc, vì còn trẻ lắm, chừng 16, 17 tuổi là cùng. Anh Khoa tui ghét hút thuốc lắm. Đào biết vậy, cho nên dù o đang hút, mà nghe tiếng anh tui nói ở ngoài nhà khi đi làm về, là y rằng, o dính ngay điếu thuốc lên tường bếp. Tui tình cờ vô bếp, được nhìn những điếu thuốc dính trên tường, chẳng khác gì những tổ sâu kèn, xếp hàng dài trước mặt. Đào thích đi ra ngoài, sau khi đã làm xong phận sự, chỉ để trò chuyện với bạn hàng xóm, và để hút thuốc mà thôi.Nếu không có ngày đất nước chia đôi bờ vĩ tuyến, chắc gì tui đã biết Saigon hoa lệ.Bác Lãng ạ, hình Bác chụp ở Saigon, làm tui nhớ những ngày tháng tui học Trưng Vương. Vì là mới di cư từ Bắc vào Nam, nên trường Trưng Vương phải học chung với trường Gia Long mấy năm.Tui đi bộ từ đường Cao Thắng, ra đường Phan Thanh Giản đến trường Gia Long. Tui còn nhớ hồi đó, mới di cư vào Nam, trường Trưng Vương chưa bắt mặc đồng phục trắng. Tui không nhớ rõ, tui học sáng hay chiều .Tui chỉ nhớ, học trò buổi sáng viết thư để lại gầm bàn cho người học buổi chiều, cùng ngồi y chỗ. Thư đi, thư lại, có khi để lại cho nhau trái me, quả Ô Mai, có khi chép cho nhau những bài thơ mình thích ...Có nhiều người còn gửi hình để biết mặt nhau nữa!Cái thời chơi thư gầm bàn nếu tui nhớ không lầm, thì sau bị các Bà Hiệu Trưởng của cả hai trường cấm tiệt. Chắc sợ lỡ hai đứa con gái mê nhau chăng. Từ đó chúng tôi đã không viết lẩm cẩm để dưới gầm bàn cho nhau nữa.Sau 3 năm học chung trường với Gia Long, trường Trưng Vương đã dọn về cơ sở mới ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần sở thú.Tiếc rằng Bác đã không chụp được hình trường Trưng Vương của tui, sau bao chục năm xa cách.

Từ ngày ra trường đến giờ, tui chưa một lần quay trở lại. Tuy nhiên, hình ảnh ngôi trường vẫn đậm nét trong tui. Tui có thể nhắm mắt buớc qua cổng trường, tới sân, quẹo tay trái, đi vào cuối hành lang, sát với chân cầu thang là lớp của tui. Nơi đó tui đã sống những ngày tháng đẹp. Biết bao là kỷ niệm của một thời aó dài trắng nữ sinh mang phù hiệu Trưng Vương.Ra trường học, tui bước vào trường đời với đủ mùi vị hỉ, nộ, aí, ố ...Saì Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, đã không hổ thẹn với danh xưng đó. Tui vui với Sai Gòn, Tui buồn với Sai Gòn. Tình yêu của tui nở trong lòng đất Sai Gòn. Kỷ niệm của đời cũng theo từng bước chân tui rong chơi khắp phố phường trong hai mùa mưa nắng. Thời xưa tui nghe tiếng Huế lạ tai, thì bây giờ tui lại một phen không hiểu gì khi nghe người Saigon nói. Cùng là đất nước Việt Nam, mà sao Nam, Bắc, Trung vẫn có nhiều điều khác biệt.Tui nhớ nhất sự ngạc nhiên đến sững sờ, khi mua cái kem 50 xu, tui đưa tờ giấy 1 đồng, thằng bé bán kem thản nhiên cầm tờ giấy 1 đồng xé đôi, nó cất 1 nửa, đưa cho tui một nửa. Tui vẫn còn nhớ hình dáng của tui khi đó, cầm tờ giấy xé nửa, tui nhìn thằng bé, tui nhìn tờ giấy, định hỏi, nhưng miệng câm đến khi thằng bé bỏ đi khá xa, tui mới cất tờ giấy 50 xu vào túi áo. Và không khỏi thắc mắc, taị sao thằng bé làm như vậy, và nửa tờ giấy 50 xu tui đang cất trong túi, liệu có mua được món gì với người khác không ? Và tui đã không dám mua gì với tờ giấy 50 xu cho đến khi tui biết là ở trong Saigon được phép tiêu như vậy. Nhưng tui vẫn không đủ can đảm cầm tờ giấy 1 đồng để tự mình xe. Sau naỳ khi có lệnh cấm, tui lại tiếc hùi hụi đã không dám thử một lần cho biết cảm giác khi xé ra sao!Tui còn nghe chuyện cười ra nước mắt, khi một bà Bắc Kỳ thứ thiệt, nghĩa là đầu vấn khăn đen, miệng nhai trầu bỏm bẻm, vào một tiệm bán các thứ đo6` dùng, kể cả vali ...Sáng hôm ấy hai bà Bắc Kỳ đến tiệm của bà Nam Kỳ hỏi mua cái hòm. Người Bắc dân quê dùng hòm để đựng áo quần. Hòm đóng bằng gỗ, hình chữ nhật, khá lớn, có nắp mở lên đóng xuống, có khoá, giống như chiếc valise, chỉ khác nhau, hòmm bằng gỗ, valise bằng da ..

.- Thưa bà ở đây có bán hòm không?
- Hòm thì ra chỗ bán hòm mà mua, chứ ở đây không bán.
- Thưa bà làm ơn chỉ dùm hòm bán ở đâu ạ?
- Hai bà đi thẳng lên đường Cao Thắng, gần xe hủ tiếu, có tiệm bán hòm đấy.

Hai bà Bắc Kỳ cứ nhắm theo hướng tay bà Nam Kỳ chỉ mà đi, rồi cũng đến nơi. Nhìn quanh nhìn quẩn, không thấy tiệm nào bán hòm, mà chỉ thấy có một tiệm duy nhất bán áo quan, tứa quan tài, tức hòm đựng xác người chết. Một trong hai bà đã hỏi một khách qua đường:

- Thưa ông, ông làm ơn chỉ dùm tôi tiệm bán hòm?
- Kia kìa, ngay bên tay phải của bà đó!

Bây giờ hai bà Bắc Kỳ mới vỡ nhẽ : thì ra trong Nam, người ta gọi cái hòm là aó quan, là quan tài. Thế thì cái hòm người Bắc đựng áo quần thì gọi là gì ? Mãi sau mới biết hòm ngoài Bắc, trong Nam gọi là cái « rương ».Tui nhớ trong nhà có chị người làm tên Mười. Mắt dài, to, đen láy có hai hàng lông mi cong, dài... Mắt Mười đẹp lắm. Trong câu chuyện, tui nói tui thích ăn cá rô nấu canh cải với ít lát gừng...Chị Mười hỏi lại:

- Cô thích ăn cá gô ?
- Không, tui thích cá rô cơ. Cá gô là cá gì?
- Thì con cá gô bỏ trong gổ, nó nhảy gọt ghẹt, gọt ghẹt ...

Tui chợt hiểu ra, và cả hai người cùng cười đến bể bụng

.- Tui nhắc lại: Con cá gô bỏ trong gổ, nó nhảy gọt ghẹt, gọt ghẹt...

Từ đó, mỗi lần thấy con cá rô, tui lại nhớ đến Mười, dù Mười chỉ giúp việc cho gia đình tui có một năm rồi về quê lấy chồng! Bác Lãng à, tui mà kể những chuyện vui, cười ra nước mắt của tui, thì nhiều lắm. Cũng chẳng hiểu sao nó lại chỉ xảy ra với tui. Ngay cả thời tui đi học ở trường Trưng Vương, có lẽ vì thông minh nhưng lười biếng, cho nên bộ ba tam nương là tui, Kim Bảo cùng Vân Khanh đã làm trò hề cho cả lớp cười một mẻ vỡ bụng. Chỉ vì dốt toán, đã đi cóp, mà lại cóp không nên thân, nhìn chữ tác ra chữ tộ, chữ ngộ ra chữ quá, cho nên trong bài toán Đại Số, có chữ x, y đi kèm với con số ...chả biết cô bạn Tân Tỵ, ngồi giữa Kim Bảo với Vân Khanh và tui, viết làm sao để Vân Khanh không nhìn rõ, hay tại không hiểu, cũng ngoằn ngoèo như giun nửa như chữ S, nửa như số 5. Tui ngồi xa, và vì tam sao thất bản, cho nên tui đã viết rõ ràng con số 5, và ba chúng tui đều chép sai phần chứng minh, nhưng lại đúng y boong phần kết quả. Ông Thày Tá dạy Toán thì biết rõ cái sự giốt nát của ba đứa tui, biết rõ tụi tui đi cóp, nhưng cũng thương tình, không cho hai 00, mà lại cho 8 điểm, trong khi Tân Ty lại nhất Toán với số điểm 18/20. Hôm trả bài, ông Thày than thở với giọng chế diễu:- Này chị Tân Ty, lần sau, chị làm ơn viết chữ to to và rõ ràng cho hàng xóm người ta nhờ vả với nhé. Chị viết nhanh, lại chữ nhỏ qua, làm hàng xóm nhìn không rõ, viết sai bét ...Cả lớp cười thoải mái, vì ai cũng hiểu hàng xóm chị Tân Tỵ chỉ là ba đứa ngồi cùng bàn ...Học hành thì dốt, nhưng bộ ba chúng tôi cũng hay đi bát phố vào những chiều cuối tuần. Tuị tui đi ăn hàng ở Quán Bà Ba Bủng phía chợ bến Thành. Tui nhớ mãi lời nói vui toàn bằng chữ B của ai đó: Bà Ba Bủng, bán bánh bèo, bị bắt bỏ bót ba bốn buổi...Cách sống của người Saigon, tự nhiên và phóng khoáng hơn, khiến những học sinh Hà Nội như chúng tôi, lúc đầu không dám đứng mua đậu đỏ bánh lọt ở bên hông chợ Bến Thành. Nhưng sau này, chúng tôi cũng đã hòa mình rất nhanh vào đời sống thoải mái, dễ chịu ấy, nên cũng đã nhiều lần dừng chân đứng uống nước, ăn chè đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt nước dừa ...Chắc bác Lãng thế nào chả có cái ảnh đi trên đường Bô Na, được bác thợ chụp ảnh dạo, chụp cho một « bô » lúc đang đi trên đường với bạn bè...Tui cũng có một cái hình đó, bác phó nhòm chụp lúc tui đang giơ chân bước. Tiếc rằng tấm ảnh đó đã theo thời gian mà biến mất trong cuộc đời tui rồi ...Trong 3 miền đất nước, Saigon là nơi tui ở lâu nhất, từ năm 1954 đến 1975, nếu không có vụ di tản 30/4, chắc giờ này tui cũng vẫn còn ở Saigon. Saigon trong tuổi mộng mơ, vui buồn vô cớ. Saigon trong tuổi biết yêu. Saigon trong nỗi đau. Saigon trong niềm nhớ...21 năm có biết bao kỷ niệm, kỷ niệm của riêng tui, kỷ niệm gia đình, kỷ niệm bạn bè và với đất nước thân yêu. Thế nhưng, bây giờ, trong tui luôn vương vấn bài nhạc « Saigon ơi, Vĩnh Biệt » của Nam Lộc:...Saigon ơi, ta đã mất người trong cuộc đời...Thôi tui ngừng đây nha bác Lãng. Chúc bác và bà Cai mọi điều tốt đẹp.

HONG VU LAN NHI

2 nhận xét:

Ðồ Lãng Xẹt nói...

Quý Vị:

Tác giả Hồng Vũ Lan Nhi tên thật là Lê Hồng Diệp, em gái của GS Lê Hữu Mục. Tác giả HVLN và Lãng Xẹt đã "quen nhau" trên Vietbao Online và đã có dịp gặp gỡ tại Nam Cali .

Tác giả HVLN đã sáng tác rất nhiều các bài thơ và văn được phổ biến trên nhiều Websites.

Bác HVLN đã có hứng viết dùm ÐLX bài này dưới chủ đề Việt Nam Quê Hương Tìm Lại mà ÐLX đã được TS Phạm Ngọc Phước có nhã ý cho phép dùng tựa đề này của bộ phim DVD do chính ông thu hình và thu âm.

Xin cám ơn hai tác giả HVLN và Phạm Ngọc Phước. Chắc rằng Quý Vị sau khi xem như~ng hình ảnh trong các DVD với chủ đề "Viê.t Nam Quê Hương Tìm La.i", sau khi đọc bài viết VNQHTL của tác giả HVLN và sau khi xem các hình ảnh Digital của Bắc Ninh Ða`m Trung Phán, Quý Vị cũng sẽ tìm lại được những tình cảm của thuở ban đầu với quê hưong Việt Nam yêu quý của chúng ta!

http://www.pbase.com/bac_ninh/viet_nam_an_expatriates_album
(Viet Nam quê hương tìm lại)

http://www.pbase.com/bac_ninh/ha_noi
(Ha Noi)

http://www.pbase.com/bac_ninh/sapa
(Sapa)

http://www.pbase.com/bac_ninh/bac_ninh
(Bac Ninh)

http://www.pbase.com/tamlinh/mini_reunion_2006
(Họp bạn tại Saigon - Nhóm SV Colombo Plan VN du học Úc Đại Lợi)

http://www.pbase.com/bac_ninh/ha_long
(Vịnh Hạ Long)

http://www.pbase.com/bac_ninh/tam_coc_and_ha_dong
(Tam Cốc, Hà Ðông)

http://www.pbase.com/bac_ninh/hue
(Huế)

http://www.pbase.com/bac_ninh/hai_van_and_hoi_an
(Ðèo Hải Vân, Hội An)

http://www.pbase.com/bac_ninh/nha_trang
(Nha Trang)

http://www.pbase.com/bac_ninh/da_lat_nam_cat_tien
(Ðà Lạt, Nam Cát Tiên)

http://www.pbase.com/bac_ninh/saigon
(Saigon)


Gọi là đôi lời tâm sư.

Ðàm Trung Phán
Toronto

Thơ Nguyễn Chí Hiệp nói...

Rất H6an Hạnh Được Biết , Chúc vui vẻ và nhiều sức khỏe

Đông Hoà