Thứ Hai, 18 tháng 9, 2006

MÙA THU


THÁNG CHÍN VÀ CHA TÔI

Ðể tưởng nhớ thân phụ của anh chị em chúng tôi
Ðàm Trung Pháp
Ðàm Trung Phán


Ðàm Trung Phán

Sáng nay, khi thức dậy, tôi chợt thấy lành lạnh. Cái lạnh từ ngọn gió
thổi qua cửa sổ vào nhà. Dụi mắt, nhìn cái hàn thử biểu thấy 12 độ C, tôi thầm nghĩ:

- Nàng Thu thực sự đến rồi!

Tôi định bụng sẽ ra khỏi nhà ngay để đi bộ ra cái park gần nhà với ý định vừa tập thể dục và vừa để chụp hình lá vàng rồi “ngồi trên ghế gỗ công viên” mà viết bài .
Tôi muốn tránh những cú phôn, tôi cũng muốn tạm lánh cái computer để mà được thực sự đối diện với con người tôi và lật trang nhật ký dĩ vãng cuộc đời để tìm kiếm lại những hình ảnh về cha tôi và những cảm xúc đã từng làm tôi vui buồn lẫn lộn trong nhiều năm qua.

Nhiều người xung quanh thường có bà mẹ già sống ở một nơi chốn xa xôi để mà thương, mà nhớ. Riêng tôi, tôi không có cái “may mắn” đó vì anh chị em chúng tôi đã phải mất mẹ từ lâu lắm rồi, khi chúng tôi còn nhỏ dại. Mất mẹ, ba anh em trai nhỏ tuổi nhất trong gia đình chúng tôi sống với bố. Chúng tôi được cụ dậy dỗ trong tinh thần Khổng giáo. Nhưng cảnh “gà trống nuôi con” cũng có những cái thiếu sót của nó: ba anh em chúng tôi và ngay cả thân phụ chúng tôi có nhiều lúc thấy trống vắng nội tâm. Ðiều này, khi chúng tôi còn nhỏ, cụ không hề nói ra, chỉ khi tất cả các anh chị em tôi đã có gia đình, lâu lâu cụ mới “tiết lộ” cho chúng tôi hay:

- Ta sống đủ rồi, tất cả các anh chị em tụi bay đã khôn lớn và có gia đình. Ta sống cũng bằng thừa, xin ông Trời cho ta được đi sớm, thế là vui rồi!

Ðã nhiều lần, tôi đã định viết một bài về thân phụ chúng tôi, nhưng cứ mỗi lần đặt bút xuống, tự nhiên tôi thấy rất khó viết vì tôi đã được cụ dậy bảo là sống phải nghiêm túc, cứng cỏi và không để lộ phần tình cảm. Tôi bàn với anh Ðàm Trung Pháp, anh ruột của tôi là tôi “có nên viết về Cụ” hay không, anh ấy góp ý liền:

- Thì Phán cứ viết đi, anh sẽ viết thêm những phần nào Phán viết còn thiếu. Hai đứa tụi mình viết dùm cho tất cả các anh chị em mình để tưởng nhớ về cụ, OK?

Hôm nay, tôi “phá lệ” và viết đại vì biết đâu đấy, ngày mai, vì một lý lẽ gì đó, tôi không còn có thể viết ra được, thì sao? Và nếu mai này, tôi không còn khả năng viết lách và nhớ lại những gì mà tôi muốn viết, tôi sẽ hối hận là tôi chưa có cơ hội viết ra những gì mà các anh chị em chúng tôi vẫn hằng tưởng nhớ và hay nhắc nhau về cụ.

Bạn bè cùng trang lứa với tôi, cả nam lẫn nữ, thường hay nói với nhau:

- Bọn mình thuộc vào “thế hệ sandwich”!

Có nghĩa là thế hệ của chúng tôi bị kẹp giữa hai thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái. Thế hệ chúng tôi đã bị đảo lộn giữa hai nền văn hóa Ðông và Tây. Hai thế hệ này thật là khác biệt và đôi lúc cũng rất khác biệt với thế hệ của chúng tôi nữa, ấy vậy mà thế hệ chúng tôi phải đóng vai của “thế hệ sen kẽ” để móc nối thế hệ ông bà và thế hệ con cháu với nhau.

Những lúc tĩnh lặng, một mình trong đêm khuya hay khi đi bộ dọc theo bờ hồ, ngoài park, nghĩ về thế hệ cha mẹ của chúng tôi, tôi chỉ thấy thương cảm mà thôi. Cha tôi “sinh bất phùng thời” và mẹ tôi đã luôn luôn phải đầu tắt mặt tối và lo âu. Hoàn cảnh gia đình của ông nội tôi đã không thể giúp cha tôi được đi học như ý muốn. Theo Nho học thì đã lỗi thời, theo Tây học và chữ quốc ngữ thì đã “hơi già”. Cụ phải tự học để trở thành một ông giáo trường làng tại Phúc Yên, Bắc Việt. Tuy chỉ tự học trong vài năm thôi, tiếng Pháp của cụ vững lắm, nhất là về văn viết. Cụ dậy học rất nghiêm trang và kỹ lưỡng, học trò ai cũng kính phục. Quê nội tôi tại Bắc Ninh nên cha tôi phải đạp xe đạp đi đi về về, mỗi tuần ít nhất một lần, giữa Bắc Ninh và Phúc Yên, có khi phải đi ban đêm nữa. Mẹ tôi ở nhà tại Bắc Ninh để thuê người làm ruộng và chăm nom đàn con còn nhỏ dại.

Cha tôi có rất nhiều sách chữ Nho, chữ Nôm, chữ Tây, chữ Quốc Ngữ. Thuở còn bé tí teo, thú vui của tôi là lấy sách chữ Nho của bố ra làm đồ chơi vì tôi thích lấy ra và bỏ vào những tờ lá khô được ép giữa các trang sách. Cha tôi chỉ vui vẻ nhìn tôi và không hề la mắng tôi. Tôi cũng rất thích dở các sách chữ Tây ra để mà xem hình, chữ nghĩa lúc đó thì chưa biết một tí gì! Nạn lụt năm Ất Dậu 1945 đã làm hư hại nhiều sách của cụ và cụ đã phải tốn nhiều thì giờ để “chữa bệnh” cho từng cuốn sách.

Cha tôi lập gia đình sớm, và vài năm sau khi có con trai đầu lòng thì cha
tôi góa vợ. Cha tôi “đi bước nữa” khi lấy mẹ tôi, và hai cụ có thêm bốn trai và một gái. Anh cả của chúng tôi được gửi lên Hà Nội để học trường Bưởi và được hai cụ cưới vợ cho theo phong tục Việt Nam. Chị gái duy nhất của chúng tôi, cũng “được” theo phong tục Việt Nam hồi bấy giờ: chị không được cha mẹ cho đi học lên cao và bắt buộc phải ở nhà để trông nom các em trai và công việc đồng áng. Tới tuổi khôn lớn, các em trai của chị rất thương cảm vì chị sinh vào thời buổi và xã hội với quan niệm “cho con gái đi học để chúng viết thư cho trai và về làm dâu người ta, phí của”!

Khi anh em trai chúng tôi còn trẻ, nhiều lần, chị tức khí và la chúng tôi:

- Chỉ vì tụi mày mà tao phải ở nhà và không được đi học!

Tôi “hứng chí” trả lời chị:

- Ði học để chị viết thư cho trai ấy à!

Nói xong, tôi chạy cho lẹ, nhưng nếu lỡ mà chị tóm được thì cuõng chỉ ăn vài cái củng đầu mà thôi! Bây giờ, chúng tôi đã ở tuổi có con, có cháu, mỗi khi nhắc đên truyện xưa, tích cũ, chúng tôi , nhất là chị chỉ bò lăn ra mà cười với nhau cho … huề cả làng .

Sau khi em trai út của chúng tôi sinh ra được ít lâu, chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp lan tràn đến làng quê của gia đình chúng tôi tại Bắc Ninh, và cha tôi phải mang anh chị em chúng tôi chạy loạn trên Thái Nguyên. Mẹ tôi và em út phải ở lại nhà vì sức khỏe không cho phép. Chạy loạn thì phải chạy ban đêm vì ban ngày, máy bay của Tây trông thấy sẽ bắn chết. Tôi rất buồn ngủ và đói bụng và nhiều lúc ngỗ nghịch tôi đã chu chéo lên:

- Con không thèm đi chạy loạn nữa đâu, Bố ơi!

Tội nghiệp, thế là cha tôi phải cõng tôi mà đi, nếu không cả gia đình chạy loạn sẽ bị nguỵ đến tính mạng. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại chuyên xưa, tôi thấy thương cha mẹ tôi vô cùng. Những hình ảnh và tình cảm này vẫn còn được “stored” trong cái “memory card” của đầu óc tôi:

Tôi vẫn trôi theo giòng định mệnh,
Hàng triệu người, sao chỉ thấy mình tôi?
Tôi sinh ra giữa lúc bom đạn ngang trời,
Người nằm xuống vì bom rơi, vì nạn đói!
Những đêm tối, theo Cha tôi đi chạy loạn
Mẹ ở lại nhà vì vướng bận em thơ.
Buổi tối đói, tôi mong mỏi đợi chờ
Hình bóng Mẹ và im lìm tiếng súng.

Sau lúc tản cư này, chính tay cụ đã viết chữ bằng bút chì và hai anh em chúng tôi (Pháp, Phán) phải “đồ” (tô) lại bằng bút mực cho đúng nét chữ. Chúng tôi phải viết đâu ra đó, nếu không sẽ bị “thước kẻ đánh vào tay!” Ngoài môn toán đố, cụ còn dậy kèm chúng tôi môn Pháp văn, cụ bắt đọc to và thật rõ từng chữ một. Những năm về sau, khi toàn gia đình chúng tôi đã được đoàn tụ tại Hà Nội, cụ thường đọc dictée cho hai anh em chúng tôi viết.

Gia đình chúng tôi được thực sự sống quây quần hạnh phúc tại Hà Nội từ 1952 đến 1954. Di cư vào trong Nam, cha mẹ tôi hầu như tay trắng vì tất cả nhà cửa, ruộng vườn đã để lại ngoài Bắc hết. Năm 1955, thân mẫu của chúng tôi đột ngột qua đời tại Saigon khi mới 50 tuổi. Anh cả của chúng tôi đã có gia đình và ra ở riêng từ lâu. Chị lớn của chúng tôi phải đi làm tại lục tỉnh để kiếm tiền phụ giúp cho cụ. Anh thứ của chúng tôi được học bổng học Nông-Lâm-Mục tại Bảo Lộc. Cha tôi bắt buộc phải trở thành “gà trống nuôi con” chăm nom cho ba anh em trai út chúng tôi tại Saigon.

Sau khi thân phụ chúng tôi không còn dậy tại trường Tiểu học Phú Nhuận nữa, cụ được mời dậy Hán văn tại trường Trung học Gia Long vào năm 1957 cũng như dịch sách chữ Hán sang chữ Quốc Ngữ cho Sở Tu Thư thuộc Bộ Giáo Dục trong những năm kế tiếp. Cụ luôn luôn mặc quần áo ta rất chỉnh tề mỗi khi đi dậy học hay khi ra phố. Mỗi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cụ huấn luyện cho ba anh em trai chúng tôi ngồi xuống bàn mà học và Cụ thường kèm thêm Pháp văn và Việt văn cho chúng tôi. Cụ còn thuê thợ đóng một cái bảng đen thật dài để cho chúng tôi giải những bài toán và vẽ hình.
Trong thâm tâm, cụ luôn luôn mong ước cho các con cháu của cụ biết trọng sự học, phải học hành cho đến nơi đến chốn, và nhất là phải biết trọng luân thường, đạo lý.

Mấy năm trước đây, một chị bạn của chúng tôi ngày xưa học trường Gia Long đã cho tôi xem một bức hình chụp chung của các giáo sư dậy trong trường Gia Long hồi cuối thập niên 50. Trong hình, tôi nhận ra ngay một giáo sư khăn đóng, áo dài: vị này chính là cố giáo sư Ðàm Duy Tạo, thân phụ của chúng tôi! Tôi thấy bàng hoàng và sững sờ: cả một thời “hoa bướm ngày xưa” hiện ra trước mắt! Hồi đó một số nữ sinh Gia Long đã hay đến thăm ông thầy dậy môn Hán văn tại căn nhà chúng tôi. Cỡ tuổi của họ và của tôi cũng chỉ “xêm xêm” với nhau mà thôi! Tự nhiên tôi thấy tôi trở về với căn nhà của gia đình chúng tôi tại đường Yên Ðổ với cái bảng đen rất dài trong phòng ngoài và thân phụ chúng tôi đang ngồi đọc “chữ Tây” hay chữ Nho. Thế rồi anh Pháp và tôi đi du học, căn nhà nay chỉ còn có cha tôi sống lủi thủi với chú em út mới vừa lên trung học. Những hình ảnh này không làm sao tôi quên được, để rồi sau khi tôi đã 50 tuổi, trong lúc ngồi chấm bài trước bàn thờ của cha mẹ chúng tôi, tôi đã ghi lại những giòng thơ dưới đây:

Con còn nhớ …
Năm con mười ba tuổi
Một đêm Trung Thu
Bất thần Mẹ ra đi vĩnh cửu
Bố gánh chịu thân gà trống nuôi con!
Mười chín tuổi, con ra đi
Máy bay cất cánh
Bố ở lại...
Bạn đời với văn chương chữ nghĩa,
Bần thần thương nhớ con trai.
Vì tương lai, sự nghiệp
Hay vì con vướng mộng giang hồ?

Cụ không hề tục huyền. Sau khi anh Pháp và tôi đã xuất ngoại, Cụ chỉ ước nguyện còn được sống thêm vài năm để trông nom cho chú em út của chúng tôi tốt nghiệp đại học, thế là cụ mãn nguyện lắm rồi!
Cụ viết thư đều đặn cho tôi và có một lần, cụ đã viết cho tôi: “Nếu Bố giầu có, Bố đâu muốn để hai đứa phải đi du học xa nhà vì Bố nhớ hai đứa lắm!” Ðêm hôm đó, tôi lang thang ra bờ biển ngắm về phương trời quê hương xa vời vợi nơi nào để nhớ về cha tôi.

Năm 1965, tôi được chính phủ Úc cho vé máy bay về thăm gia đình nhưng chính thân phụ tôi đã gửi điện tín sang khuyên tôi không nên về vì cụ sợ tôi sẽ bị kẹt lại Việt Nam vì những “coups d’etat” bất tử. Sau biến cố Mậu Thân 1968, cụ cũng đã khuyên tôi nên ở lại ngoại quốc mặc dù cụ cũng rất muốn gặp lại tôi.
Rồi tôi đi biền biệt sang lập nghiệp tại Canada và không còn hy vọng gì để gặp lại cha già và các anh chị em của tôi nữa. Tới tuổi “tri thiên mệnh” tôi mới thấu hiểu được những cái nhọc nhằn, đơn độc của kiếp “gà trống nuôi con” và những hy sinh gan dạ của cụ chỉ vì cụ thực sự mong mỏi cho tôi được sống an bình tại ngoại quốc trong khi đó hàng ngày cụ vẫn mong thư của tôi gửi về:

Cuộc đời ra sao?
Con đi vào một thế giới khác
Không người thân bên cạnh.
Bố ở nhà canh cánh mong con,
Đời thiếu vuông tròn!

Trong niềm đau thương của đất nước, tôi gặp lại được cha già, anh em trong lúc mất nước nhà tan vào hồi tháng Sáu, 1975. Lúc này, cụ đã gần 80 tuổi. Hồi nhỏ, tôi không hề thấy cha tôi khóc, nhưng lần này, cụ đã thật sự khóc, khóc thương đất nước rơi vào tay cộng sản, khóc thương cho các con cháu của cụ còn kẹt lại bên Việt Nam .
Sau khi các anh chị em chúng tôi đã được sống ổn định tại Hoa Kỳ và Canada, cụ đã mừng rỡ thấy anh Pháp và tôi trở thành hai nhà giáo theo truyền thống của gia đình họ nội. Cụ thường hỏi thăm tôi về công việc nhà trường của tôi. Cụ chẳng đòi hỏi gì, có chăng chỉ là:

- Nếu có thể được, nhớ mua cho Bố mấy cuốn sách chữ Hán và nhất là cuốn tự vị chữ Hán và tiếng Pháp, nghe con!

Tôi lên phố Tầu mua biếu cụ một bộ tự điển chữ Hán sau khi cụ đã viết tên bằng chữ Hán cho tôi. Có lần tôi phải đợi họ đặt mua từ bên Hồng Kông dùm cho cụ. Một lần tôi thấy một cuốn báo chữ Tầu có nhiều hình ảnh đẹp, tôi hí hửng mua về tặng cụ với niềm vui thú như ngày xưa tôi đã “mong mẹ về chợ” để có quà vậy! Ngày hôm sau, cụ tặc lưỡi và nói với tôi:

- Người Tầu bây giờ họ “lãng mạn“ thật! Ai lại trai gái mới quen nhau mà chưa chi đã nhẩy lên giường liền! Thật chẳng còn có cái lễ nghĩa gì cả!

Tôi phải quay mặt ra chỗ khác mà phì cười. Chẳng qua chỉ là vì tại tôi không biết chữ Hán mà vớ đại ngay phải một cuốn báo “porno” của dân Hoàng Kông!

Khi cụ đã gần cửu tuần, sức khỏe sa sút, anh Pháp tôi từ Texas lên thăm cụ tại Montreal, Canada. Anh tôi có xin cụ một đôi câu đối để treo trong phòng làm việc. Cụ vui vẻ tự mài mực Tầu, cắt hai miếng giấy đỏ dài, miệng lẩm bẩm những lời sắp viết. Tay trái cầm kính “lúp” và tay phải cụ xoay xoay ngọn bút lông ưng ý nhất. Cụ viết chậm lắm và nét bút đã run nhiều. Cụ viết cho anh tôi đôi câu đối lấy từ một bài thơ của Trình Hiệu đời nhà Tống:

Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc
Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng

Ý nghĩa rất hiền hòa, nhân ái: hãy bình thản quan sát để mà thấy mọi vật đều tự đâu vào đó, và trong khắp bốn mùa hãy tìm hứng thú mà giao hảo với tha nhân. Ðó cũng chính là lối sống trong suốt cuộc đời của cụ, một nhà nho can đảm, bình thản đã chấp nhận cuộc đời mà mệnh Trời đã định.


Giờ đây, tuy thân xác của cụ không còn nữa nhưng cụ vẫn còn sống ngay trên các ngón tay của chúng tôi: những giòng chữ viết của tất cả các anh chị em chúng tôi đều từa tựa giống như chữ cụ đã viết vì chính cụ đã đích thân viết bằng bút chì để cho chúng tôi đồ lại khi anh chị em chúng tôi mới tập viết chữ! Cụ đã không để lại cho chúng tôi tiền bạc nhưng cái di sản quý báu nhất của Cụ để lại cho anh chị em chúng tôi và cháu, chắt của cụ, đó là chúng tôi sống thuận hòa với nhau, trọng sự hiếu nghĩa, trọng sự học hành cho đến nơi đến chốn và cố gắng làm sao sống cho hợp với đạo làm người.

Lâu lâu, tôi vẫn thường gặp cụ trong những giấc mơ. Cụ trông tuy rất già nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Khi tôi gặp khó khăn trong những giấc mơ, cụ luôn luôn tự nhiên xuất hiện bên cạnh tôi như để chia sẻ và giúp đỡ cho tôi qua khỏi những giây phút căng thẳng trong đời sống. Cụ sống trong tâm tưởng của tôi và tôi thấy rất nhẹ nhàng và thương yêu mỗi lần tôi nghĩ tới cụ.


Ðàm Trung Phán
Tháng Chín, 2004
Toronto, Canada

Không có nhận xét nào: