Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

TÌNH NGƯỜI

LÁ THƯ CỦA MỘT BÀ MẸ NUÔI GỐC CANADIAN

Ðàm Trung Phán chuyển ngữ

Lời người dịch lá thư:

Ðây là một lá thư của một bà mẹ nuôi gốc Canadian tên là Julie Johnson gửi đến một bà mẹ đỡ đầu ở Việt Nam. Lá thư được viết bằng Anh Ngữ và tôi có cái duyên được dịch sang tiếng Việt để bà ta gửi sang Việt Nam. Tất cả các tên trong bài viết này đều không phải là tên thật, nhưng đây là một câu truyện có thật mà tôi được biết và tôi được bà mẹ nuôi gốc Canadian cho phép đăng bài này để quý vị có một khái niệm về Những Gia Ðình Canadian có con nuôi Việt nam (Families with Children from Vietnam) và tình yêu thương chân thật bất luận mầu da.

Con gái nuôi của bà - cháu Kim Lan - đã được gia đình bà sang tận Lạng Sơn, Việt Nam, đón về Canada khi cháu mới được mấy tháng. Mẹ ruột của cháu đã mang cháu đến một trại mồ côi tại Lạng Sơn và cháu đã được bà Phạm Thị Vân - một nhân viên xã hội tại trại trẻ con mồ côi- trông nom cho cháu với tư cách một bà mẹ đỡ đầu.

Xin kính mời Quý Vị đọc lá thư dưới đây.

Toronto ngày 26, tháng 10, năm 2004

Bà Phạm Thị Vân thân mến,

Tôi viết lá thư này để báo tin cho bà và gia quyến biết tin tức về cháu Kim Lan. Tôi nghĩ rằng chắc bà còn nhớ cháu Kim Lan là ai. Khi bà trông nom cho cháu, tên cháu là Hoàng Thị Kim Lan. Khi về đến Canada, vợ chồng chúng tôi đặt tên Canadian cho cháu là Kim Lan Mary Hoang Johnson. Tôi cầu mong là lá thư này tới tay bà. Tôi nhờ một người bạn Mỹ sang viếng thăm Việt Nam mang theo lá thư này và khi về tới Lạng Sơn, bà bạn tôi sẽ đích thân gửi lá thư này tới bà.

Tôi cũng gửi tặng bà vài tấm hình của bé Kim Lan. Mặc dù là cháu còn nhỏ xíu khi chúng tôi rời Lạng Sơn vào tháng Sáu năm 2001 nhưng tôi nghĩ chắc bà còn nhận ra cháu Kim Lan. Cháu là một bé gái đáng yêu tuyệt trần đời. Cháu rất thông minh mà lại còn dí dỏm nữa. Cháu làm chúng tôi cười suốt ngày. Cháu hay cười mà cháu còn cười rất to và sảng khoái đến nỗi chúng tôi không thể ngờ một bé gái như cháu mà có thể cười như vậy được. Kim Lan còn thích vẽ và ca hát nữa . Cháu thường tự hào nói:

“Con sinh ra tại Việt Nam

Hiện nay, mỗi buổi sáng, Kim Lan đi học trường mẫu giáo. Cháu rất thích được đi học. Các cô giáo đều nói với tôi rằng cháu là một đứa trẻ dĩnh ngộ, vừa thông minh lại vừa sống động nữa. Cháu muốn học đủ thứ, cháu rất tự tin lại còn có đầy nghị lực nữa. Thật là tuyệt trần đời!

Chúng tôi thương cháu vô vàn và tôi cũng biết là bà cũng đã từng thương yêu cháu như vậy. Trong ba năm qua, tôi hằng nghĩ đến bà. Tôi đã viết thư cho bà nhưng tôi nghi rằng bà không hề nhận được những lá thư này.

Chắc có lẽ là tôi đã gửi quá nhiều hình trong những lá thư đó. Tấm hình mà bà đã tặng cho vợ chồng chúng tôi, trong đó có hình bà ẵm bé Kim Lan, đã được chúng tôi lên khung và treo vào chỗ khang trang nhất ở phòng khách của gia đình chúng tôi.

Tôi sẽ rất vui mừng khi nhận được tin tức của bà. Chúng tôi cũng sẽ rất là hoan hỉ được biết thêm những mẩu truyện về cháu Kim Lan khi bà còn nuôi cháu. Tôi chỉ được biết ít nhiều vê Kim Lan khi cháu còn ở bên Việt Nam. Tôi còn nhớ là bà đã cho tôi biết rằng ban đêm cháu đi ngủ rất khuya. Bây giờ thì cháu Kim Lan vẫn vậy. Cháu thường thức khuya. Mười giờ đêm mà cháu vẫn còn tươi rói với đôi mắt sáng ngời và nhẩy múa không ngừng.

Xin bà làm ơn cho chúng tôi biết khi cháu đến ở với bà, cháu được mấy tháng? Cháu ngủ tại đâu? Có những điều gì khác biệt về cháu không? Tôi tin rằng Kim Lan - con gái yêu quý của tôi - cũng rất muốn biết những điều này và vì vậy mà tôi muốn biết để kể lại cho cháu nghe .

Tôi đã tự làm một cuốn sách và dán tất cả các hình ảnh của Kim Lan vào đó để cho cháu coi. Cuốn sách này ở trang đầu có ngày sinh của Kim Lan vào ngày 15 tháng Giêng, năm 2001. Có vài trang với hình bà bế bé Lan. Tôi gửi tặng bà 2 trang sách này mà tôi đã in ra để bà có một khái niệm về cuốn sách đó.

Tôi còn nhớ những câu truyện mình đã nói với nhau trong chiếc xe Van trên đường đi tới toà án. Vợ chồng chúng tôi thường nói với bé Kim Lan là bà cũng đã rất yêu thương cháu.

Chúng tôi hy vọng chừng hai hay ba năm nữa chúng tôi sẽ sang thăm Việt Nam. Chúng tôi sẽ rất hân hạnh được gặp lại bà lần này.

Tôi xin gửi biếu bà vài cái phong bì có địa chỉ của chúng tôi và vài con tem. Hy vọng rằng bà sẽ hồi âm cho chúng tôi để chúng tôi biết thêm tin tức về bà.

Chúng tôi xin chân thành gửi lời hỏi thăm bà cùng toàn thể mọi người trong quý quyến.

Kính chào bà,

Julie Johnson

Ðàm Trung Phán

Mississauga

October 26, 2004


PHÂN ƯU


Được tin buồn Thân mẫu của Trần Xuân Việt
Bà Trần Xuân Nam
Nhủ danh Trần Thị Đường đã mãn phần
Ngày 24 tháng 01 năm 2008 tại Toronto
Hưởng thọ 77 tuổi

Xin thành thật chia buồn cùng anh chị Trần Xuân Việt và tang quyến
Cầu hương hồn Bác gái tiêu diêu miền cực lạc

Gia đình Lâm Thanh Liêm

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2008

TIN BUỒN




PHÂN ƯU

Ðược tin buồn:

Thân mẫu của Webmaster Trần Xuân Việt:

Bà quả phụ Trần Xuân Nam

Khuê danh Trần Thị Đường

Ðã tạ thế ngày 24, tháng 1, năm 2008

tại Toronto

Hưởng thọ 77 tuổi.

Xin thành thực chia buồn cùng anh chị Trần Xuân Việt và tang quyến.

Nguyện cầu hương linh Bác Gái sớm tiêu diêu miền cực lạc.

Gia đình Ðàm Trung Phán

Gia đình Phạm Văn Khang

Toronto, Canada

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

Slide Show : Saigon Niềm Nhớ Khôn Nguôi ...

Xin mời các bạn xem lại vài hình ảnh Saigon 1969

Saigon 1969

XẾ CHIỀU



Con đường tôi đi


Thuở còn đi làm, mỗi ngày tôi phải lái xe băng qua Centennial Park, nằm trên đường Mill của thành phố Toronto. Sở dĩ tôi thích lái xe trên khúc đường này vì phong cảnh qúa đẹp và thơ mộng mặc dù phải đi xa hơn một chút.

Vừa qua khỏi đường Rathburn, tôi đã thấy phía bên phải xa xa là cả một rừng cây mọc san sát nhau, ôm vòng một bãi cỏ xanh rì. Tới gần hơn là một hồ nước với những cây liễu rủ thướt tha mà mồi lần gió thổi nhẹ, trông giống như cô thiếu nữ đang đong đưa làn tóc xõạ. Con đường chỉ dài hơn có một cây số với đường cong uốn lượn như một con mãng xà khổng lồ, một bên là hồ nước, rừng cây, một bên là sân Golf rộng lớn với nhừng bãi cỏ xanh được săn sóc, cắt xén công phu.

Tôi chợt nhớ tới cuốn phim “Xuân, Hạ,Thu, Ðông” vì khúc đường này mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng của nó.

Mùa Xuân đến như nàng công chúa thức dậy sau một giấc ngủ dài cả một mùa đông. Sau khi tuyết tan hết, chỉ vài tuần sau là trên các cành cây đã bắt đầu nhu nhú những chồi non, chỉ ít lâu sau những chồi này đã bung ra những chùm lá non xanh nõn trông thật mát mắt, ấy thế mà quay đi quay lại những chùm lá này đã trở thành những tàng cây như một caí lọng to lớn che khuất cả ánh nắng mặt trời làm cho con đường dịu mát hẳn. Những bầy chim ở đâu bay về làm tổ, ríu rít hót véo von, làm sống động hẳn khỏang không gian đang yên lặng. Buổi sáng, mỗi khi cứ đi qua con đường này là tôi lại hạ cửa kính xuống dể được hít mùi cỏ ngai ngái thoang thoảng trong không khí mát dịu của buổi sớm mai.

Con đưòng tuyệt đẹp này lại có rất ít xe cộ qua lại, thỉnh thỏang tôi mới thấy một vài chiếc xe chạy ngược chiều, bởi vậy vào mùa hè,những bầy vịt cả hai, ba chục con cứ thong thả dạo phố băng từ bên này qua bên kia đường. Gần hồ tôi còn thấy có cả những con vịt mẹ đủng đa đủng đỉnh dắt bầy con lẫm chầm chạy theo sau đi kiếm mồi.

Thế rồi mùa Thu đến, lá trên cây bắt đầu đổi mầu, thoạt mới lái xe vào Park, tôi đã thấy cả một rừng cây như một bức tranh tuyệt tác với ánh mặt trời xuyên qua lá đỏ, lá vàng đong đưa theo gió mùa Thu…

Trước cảnh đẹp như vậy, đôi khi trong đầu tôi cũng nẩy ra được vài câu thơ hay vài câu văn, nhưng khi đến sở thì bao nhiêu văn thơ đã bay đi hết. Giữa Tháng Mười, gần cuối Thu cũng là dịp chúng tôi đi dạo trên những con đường ngập lá vàng rơi, rồi đi ra hồ coi cá Hồi bơi ngược dòng nứơc lũ về để đẻ trứng . Những con cá dài gần một mét, cố bám vào những tảng đá, lội ngược dòng nước. Cũng bởi vì vất vả, cố sức như vậy nên khi đẻ trứng xong, con cá đáng thương kia trôi dạt vào bờ nằm chết và làm mồi cho những đàn chim. Kiếp sống của lòai cá này sao quá ngắn ngủi.

Mùa Thu rồi cũng qua đi, trời bắt đầu trở lạnh, lá rụng trơ cành. Gần đến Giáng Sinh, tuyết rơi trắng xóa hai bên bờ đường đi, vì ít người qua lại nên mặt tuyết mịn và đẹp như làn da của cô gái xuân thì. Buổi chiều tối trên đường trở về nhà, qua khỏi con đường trong Park, tôi đã thấy những căn nhà hai bên đường, treo đầy đèn mầu lung linh đón mừng Giáng Sinh và Năm mới, đem lại một chút ấm cúng trong cái lạnh lẽo của đêm đông.

Ngày này qua ngày khác, tôi đã đi trên con đường thân yêu được gần bẩy năm thì một tai nạn giao thông đã xẩy ra cho tôi - do một xe cảnh sát vượt đèn đỏ đụng phải xe tôi - tôi may mắn chỉ bị yếu cánh tay phải một chút nhưng tôi cũng không trở lại làm việc nữa sau mấy tháng chữa trị. Tôi đã giới thiệu công việc làm của tôi cho một bà mẹ Việt Nam cần việc làm hơn tôi để nuôi ba đứa con còn nhỏ.

Ðôi lúc đi bách bộ như một hình thức thể dục cho khỏe người, chân thì bước đều đều nhưng đầu óc lại mông lung nhớ đến con đường năm xưa, rồi chuyện nọ xọ ra chuyện kia, làm tôi liên tưởng đến con đường đời mà tôi đang trải qua…

Bị kẹt lại Việt Nam sau biến cố 75, mãi đến năm 1990, hai mẹ con tôi mới tới đinh cư ở Montreal, Canada. Sau những bất hạnh xẩy đến trong gia đình, hai mẹ con tôi dọn về London, Ontario. Mẹ con tôi ở cùng với anh chị Cả của tôi để tiện bề cùng trông nom cho bố tôi lúc đó đang đau nặng. Sau khi bố tôi mất, hai mẹ con chúng tôi dọn về Mississauga. Những năm tháng đầu ở một vùng đất xa lạ, ngoại trừ một người bạn quen thân từ hồi còn ở Viêt Nam, tôi cảm thấy rất cô độc vì không có anh em, họ hàng thân thích nào cả.

Do một sự tình cờ, tôi được gia nhập nhóm Gia Long Toronto. Mặc dù chẳng gặp được người bạn nào cùng lớp, nhưng với những tình cảm chân tình, đầy thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, các chị đã cho tôi một niềm vui và một sự tự tin để tự mình cố gắng vươn lên. Nhớ lại hồi mới tới đây, tôi chưa biết đường xá và cũng không có ai chỉ dẫn, cho nên một đôi lần, khi dắt con đi học, tôi đã bị lạc đường. Trời lại mưa tầm tã, hai mẹ con ôm nhau lạnh run vì không có aó mưa, vừa khóc vừa chạy băng qua cánh đồng cỏ. Hai mẹ con đi tìm xe bus, nghe con bé khóc hỏi “Mẹ ơi! Tại sao mà mình khổ quá vậy hả mẹ? “, tôi cũng chẳng biết trả lời ra sao, chỉ biết khóc theo con. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn chẩy nước mắt vì thương con. Lo trường học cho con xong tôi mới lo tìm thuê một căn phòng nhỏ gần trường để cháu có thể đi bộ đi học được. Cuộc sống tuy vất vả vì phải vừa học vừa làm nhưng hai mẹ con lúc nào cũng quấn quít bên nhau.

Thời gian trôi nhanh, cháu đã học xong và trở thành một thiếu nữ rồi cháu lập gia đình với người mà cháu yêu thương. Cháu đi lấy chồng, đến lúc đó tôi mới thấm thía thế nào là sự cô quạnh, nhất là về ban đêm, đi ra đi vào cũng chỉ có mỗi một mình mình. Các chị trong nhóm Gia Long, nhất là chị G, đã cảm thông tình cảnh của tôi và của anh Phán nên đã ra tay vun vén, thế là “thày Phán” nhà ta đang sống cu ky một mình ở tận Scarborough đã được tôi đón về Mississauga để chung sống sau một tiệc cưới vui nhộn do ba trường Gia Long, Trưng Vương và Chu Văn An lo phần văn nghệ.

Chúng tôi chung sống đã được gần 10 năm. Mặc dù mấy năm đầu vì chưa quen tính, quen nết nên cũng có nhiều sóng gió, những tưởng đã phải bỏ nhau nhưng lại được bạn bè hàn gắn, Giờ đây đang bước qua tuổi 62, tôi mới ngộ ra được nhiều điều: không đòi hỏi, sống nhẹ nhàng, bớt sai bảo, bớt cằn nhằn… nhờ đó mà hai đứa chúng tôi sống rất thuận hòa.

Hiên tại chúng tôi đã có được hai cháu nội trai và một cháu ngoại gái, vậy là đủ cả Nếp lẫn Tẻ. Anh Phán tuy đã về hưu từ năm năm nay nhưng nghiệp nhà giáo vẫn chưa hết nên lại dậy kèm thêm cho các cháu bị mất căn bản ở trường, những mong các cháu không bỏ lớp học rồi từ từ sẽ theo kịp chương trình của nhà trường.

Mặc dù cuộc sống của chúng tôi tuy đạm bạc, nhưng hơn lúc nào hết, trừ thuở còn nhỏ ở với cha mẹ, đối với tôi, bây giờ là thời gian mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời. Ðây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của chị bạn thân của tôi: “Trong cuộc đời, lúc nào là lúc Nga thấy sung sướng nhất?”

Mỗi sáng sớm, chúng tôi đẩy xe đưa cháu ngọai ra Park ở gần nhà để cùng đi bách bộ. Hai đứa chúng tôi có dịp chuyện trò nhiều và chia xẻ vui buồn cùng nhau. Nhìn cháu ngoại lẫm chẫm chạy, thỉnh thoảng lại ngã lăn kềnh trên cỏ cùng tiếng cười trẻ thơ, tôi thấy cuộc đời thật là đẹp với con cháu quây quần bên cạnh ông bà. Tuổi cả hai đứa cũng đã về chiều, được hạnh phúc ngày nào là mừng ngày ấy, đúng như ý nghĩa của một câu thơ mà tôi đọc được khi ghé thăm Hội An:

Cám ơn đời, mỗi sáng mai thức dậy,

Ta có thêm ngày nữa, để yêu thương…

Dương Bích Nga

Mississauga

Mùa thu 2007