Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2006

TỰU TRƯỜNG


NHỮNG LẦN TỰU TRƯỜNG

Đàm Trung Phán

Tôi đi học lúc tám tuổi, hơi chậm trễ vì chiến tranh. Kể từ đó đến lúc viết bài này, thời gian tôi gắn bó với nhà trường đã khoảng 50 năm vì tôi vừa là một học trò vừa là một nhà giáo.
Đối với tôi, đề tài ‘Tựu Trường’ rất có ý nghĩa và tôi vui vẻ nhận lời viết bài ngay cho Đặc San Sinh Viên, nhất là tựu trường 1999 đánh dấu kỳ tựu trường cuối cùng của thế kỷ 20!
Tôi xin vào đề với quí bạn đọc, bắt đầu từ khi tôi còn trẻ, cho đến bây giờ khi tôi sắp sửa đến tuổi về hưu non.

Tôi và anh trai hơn tôi một tuổi, theo cha đi học tại thành phố Phúc Yên, Bắc Việt vào đầu thập niên 50. Giữa cái hoang vu của những căn nhà gạch bị bom đạn làm sập đổ và gia đình ly tán, nửa ở Bắc Ninh (quê tôi), nửa ở Phúc Yên, là một cậu bé, tôi thấy buồn man mác. Tôi cũng thấy hơi khiếp sợ nhà trường vì chưa bao giờ được đi học đàng hoàng!
Anh em tôi phải cố học, vì cha tôi rất nghiêm khắc và cũng là một trong ba ông thầy dậy duy nhất của Phúc Yên ‘tỉnh lẻ đêm buồn’.
Rồi gia đình tôi được về đoàn tụ tại Hà Nội vào năm 52. Hai anh em tôi lại theo chân cha đi học, cha dạy trường nào, con học trường đó tại Hà Nội. Thật ra chỉ những ngày tháng ở Hà Nội, tôi mới có ý niệm rõ rệt về ngày tựu trưòng. Chính trong những năm này mà tôi đã học thuộc lòng bài viết của nhà văn Thanh Tịnh:
"... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm dẫn tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này, tự nhiên tôi thấy lạ vì cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi và chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học!“

Gia đình tôi ở Hà Nội cho tới năm 1954, sau đó di cư vào Nam để lánh nạn Cộng Sản. Trong ký ức non dại của tôi, Hà Nội để lại cho tôi rất nhiều hình ảnh đẹp, mặc dù là các hình ảnh này bây giờ không còn rõ rệt cho lắm, nhưng tôi luôn luôn cảm nhận thấy nó đẹp và rất quí báu đối với tôi! Mùa hè Hà Nội với cái nóng oi ả, với các quả sấu rụng, ve kêu, phượng nở. Mùa Thu với tựu trường của hai năm cuối tiểu học và mùa phá xa, hạt dẻ. Mùa Đông với mũ bê rê, áo blouson đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm. Mùa Xuân với chợ hoa ở chợ Đồng Xuân, đi lễ Tết tại đền Ngọc Sơn và đi chợ phiên dọc quanh hồ Hoàn Kiếm. Chỉ tiếc là tôi không được ở Hà Nội lâu cho lắm và khi di cư vào Nam, tôi bị mất liên lạc với hai người bạn thân của tôi!

Một buổi sáng, khi còn mờ hơi sương của năm 1954, cha mẹ chúng tôi khóa trái căn nhà tại phố Kim Liên và dẫn anh chị em chúng tôi sang phi trường Gia Lâm để vào Nam. Tôi còn nhớ là đã nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm mờ mờ trong hơi sương khi xe hơi chạy trên đường đi đến phi trường . Sau vài tiếng bay, trong chiếc Dakota cánh quạt, gia đình tôi tới Tân Sơn Nhất . Đây là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, nhưng cái buồn man mác này đã theo tôi từ hồi đó, và về sau này tôi đã ghi lại cái cảm giác ấy bằng mấy câu thơ dưới đây:

"... Phi cơ đem đến chờ mong
Bay đi biền biệt, ai lòng buồn ai!"

Tôi bắt đầu vào Ðệ Thất tại trường Trần Lục khi vào Sài Gòn. Những năm trung học tôi nhớ nhất là các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài Một và Tú Tài Hai . Những năm này tôi học rất chăm vì không những tôi phải thi viết mà tôi còn phải thi vấn đáp nữa. Nhờ những kỳ thi này mà tôi phải học nhóm cùng với vài người bạn, vì vậy mà tình bạn càng khắng khít hơn. Nhiều mùa hè, hoặc là tụi tôi đi học các lớp hè, hoặc là học nhóm cùng nhau. Mùa tựu trường, trong những năm trung học, rất vui vì được gặp lại nhiều khuôn mặt vắng bóng sau mấy tháng hè. Tuy đời sống ở Việt Nam hồi đó của chúng tôi không có được nhiều phương tiện vật chất như bây giờ nhưng phần tình cảm và tinh thần, chưa chắc các học trò bên Âu Mỹ đã có thể có được như chúng tôi hồi đó. Nói tóm lại, những vốn liếng học hành và kỷ niệm của tôi trong những năm trung học tại Sài Gòn đã là những hành trang sắc bén giúp cho những năm tôi đi học bên Úc. Những hình ảnh và kỷ niệm ở Sài Gòn tôi nhớ rõ hơn ở Hà Nội vì tôi lớn lên ở trong Nam lâu hơn và chắc cũng vì khi còn nhỏ, tôi bị tình cảnh ly tán ảnh hưởng tôi nhiều hơn hồi ở Saigon.

Hình ảnh tựu trường khi tôi đi học đại học tại Sydney, Úc Đại Lợi là những tuần lễ nhập học (Orientation week). Chúng tôi phải tự đi ghi danh lấy (Registration), sau đó dự các chương trình hướng dẫn về các lớp học, nhà trường, cách học... Đặc biệt là Đại học New South Wales- nơi tôi học-thường tổ chức những đêm dạ vũ trên các chuyến tàu chạy xung quanh vịnh Sydney (Sydney Harbour cruise). Thật là một cơ hội tốt cho các chàng trai và các nàng sinh viên mới lớn, dĩ nhiên trong đó có tôi luôn! Rồi trong năm, ai nấy đều phải điên đầu với bài vở.

Riêng trong ngành tôi học, tôi phải đi thực tập trong những công trường lớn tại nội địa Úc, ban ngày rất nóng, ban đêm lại rất lạnh. Những ngày hè tôi phải sống xa các bạn Việt và Úc, lâu lâu tôi mới có dịp được trở lại Sydney vào những ‘long weekend’. Những năm này, tôi rất mong mỏi ngày tựu trường để gặp lại bạn bè, được có dịp nói chuyện bằng tiếng Việt và nhất là được đi dự Harbour Cruise với các nàng mắt xanh! Ngày tựu trường cũng có nghĩa là sinh viên muốn học xong cho nhanh để kiếm việc và có dịp áp dụng trong việc làm các kiến thức đã thâu nhập được khi đi học.

Tôi đi dậy tại Centennial College ở Toronto, Canada, vào niên khóa mùa Thu 1970. Thú thực là chưa bao giờ tôi thấy cực nhọc, lo lắng như cái kỳ tựu trường này vì tôi chỉ có hai tuần để làm quen với hai phòng thí nghiệm của trường Công Chánh. Còn biết bao nhiêu thứ để sửa soạn và nhất là tôi chưa có một chút kinh nghiệm dậy học nào trước khi bước chân vào ngưỡng cửa của ngành giáo dục. Những ngày tháng này, tôi luôn luôn thấy cồn cào trong bao tử vì lo lắng và vì chưa đủ thời giờ để sửa soạn. Trong thâm tâm, tôi hy vọng nhà trường sẽ hoãn lại ngày tựu trường để cho tôi có đủ thời giờ chuẩn bị!

Những kỳ tựu trường sau đó, tôi thấy bình tĩnh hơn trong cương vị của một nhà giáo vì tôi đã bắt đầu quen việc, từ giảng dậy cho đến thu nhập sinh viên. Tựu trường, dưới con mắt của một giáo sư dậy College, có nghĩa là tôi đã, đang, sẽ dạy một hai môn mới trong Khóa Học Mùa Thu (Fall Semester); có nghĩa là cổ họng tôi sẽ bị đau vì lại phải nói liên tục vài tiếng trong lớp sau mấy tháng hè không phải ... “ăn nói” ; có nghĩa là hai con mắt tôi sẽ cay xè và chảy nước mũi vì cái mùa “Hay fever” vĩnh cửu của tôi . Nhưng tựu trường cũng có nghĩa là tôi sẽ được gặp lại các giáo sư đồng sự và các nét mặt sinh viên quen thuộc sau mấy tháng hè để trao đổi với nhau vài câu chuyện trước khi khóa học mùa Thu bắt đầu. Tựu trường cũng có nghĩa là tôi sẽ không còn gặp lại những sinh viên mà tôi đã có dịp dậy hai hay ba năm về trước vì các sinh viên này đã ra trường, một chút gì để nhớ thương và hãnh diện cho ban giảng huấn của chúng tôi.

Từ giữa thập niên 80, về phần Hội Sinh Viên Việt Nam tại Centennial College, tựu trường có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi: lại có ban Đại Diện Sinh Viên Việt Nam mới với ít nhiều bỡ ngỡ, nhiều khi ảnh hưởng đến sự sống còn của hội. Nhân dịp này, tôi xin đề nghị với các anh chị em sinh viên các College và Đại Học khác là nên có một Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam tại trường mình đang học trong đó Ban Đại Diện gồm có một số người đã ra trường (và đang đi làm) với một số sinh viên đang đi học để Ban Ðại Diện mới dễ bề tiếp tục các sinh hoạt tập thể liên tục từ niên khóa này sang niên khóa khác. Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam tại Centennial đã thành công đáng kể khi áp dụng phương cách này, kể từ ngày thành lập trong đầu thập niên 90.

Trong cuộc đời, ai trong chúng ta mà chẳng gắn bó với nhà trường từ lúc trẻ đến lúc già? Này nhé, khi còn nhỏ phải đi học, khi đi làm rồi cũng còn phải học thêm, rồi khi trở thành cha mẹ và ông bà, lại còn phải mang con hay cháu mình tới nhà trường! Đặc biệt là người Việt chúng ta còn quí mến đời đi học hơn ai hết. Phải chăng đó là vì lòng ham học, tình người, tình quí trọng thầy cô của truyền thống Việt Nam? Đẹp thay! Hy vọng rằng chúng ta và nhất là con cháu chúng ta sẽ không bao giờ đánh mất cái truyền thống cao quí này! Mong lắm thay!

Đàm Trung Phán
Centennial College
Canada
(Trích từ Đặc San Tựu Trường 99,
Liên Hội Sinh Viên Ontario, Canada)

2 nhận xét:

bbt nói...

Bác lãng Xẹt
Tựu trường là một haòi niệm đẹp. Nhớ lại thời niên thiếu thật vui. Tuy nhiên với một người tị nạn, tóc đã muối tiêu, vì muốn có việc làm tốt mà cong xương sống vừa đi làm vừa đi học thì đúng là đang trải qua cơn ác mộng.

bbt

lam hoai thi nói...

Bác DLX ,
Tựu trường, với tôi , cho đến bây giờ là một phần đời không thể thiếu . Tất nhiên bây giờ để nhớ ,để giữ , để cất , và để hồi tưởng một thời tay mộng đầy
ĐL