Đầu Năm Đinh Hợi nói chuyện...Trư Bát Giới
đồ khỉ gió
đồ khỉ gió
-Nếu Tôn Ngộ Không là người để cho chúng ta vị nể vì Tài Năng, vì Lý Trí; Đường Tam Tạng là người để chúng ta kính trọng vì tấm lòng Từ Bi và sự Quyết Tâm thì Trư Bát Giới là người gần gủi với chúng ta hơn hết, gần gủi với những khuyết điểm cũng như ưu điểm. Vì vậy khi đọc chuyện Tây-Du, nhân vật làm cho chúng ta Thương, Ghét, Cười, Giận, hay Bực mình chính là Trư Bát Giới mà thực sự cũng là hình ảnh của đại đa số con ngườI chúng ta trong cuộc sống. Bát Giới tánh tình tham mê nhục dục, thích rượu chè, nữ sắc, thích ăn uống và làm biếng, đâm thọt, thị phi… nhưng rất có tài xử dụng ngôn ngữ, biết dùng lời ngon ngọt, xảo trá để mê hoặc lòng người; lại biết đánh đúng vào yếu điểm tâm lý của người nghe, vì thế mà Đường tăng Tam Tạng ưa nghe theo… Bát giới là tập hợp những bản năng rất vật dục tầm thường nơi con người và là sự ngăn trở to lớn cho con đường hành đạo giải thoát.
-Nói như Vô-Vi thì Linh Hồn Bát Giới bị giam vào khám lớn là Bao Tử nên tham ăn, lúc nào cũng nghĩ tới ăn, bị giam vào Hạ bộ nên lúc nào cũng nghĩ tới nhục dục, bị giam vào Thân xác nên lúc nào cũng làm biếng…. Phần trí của Bát Giới cũng bị giam hãm tù tối nên chưa nhìn thấy rõ mình mà bị chủ động hoàn toàn bởi Tham, Si, Dèm pha, Thi Phi, Trần Trược của Bản Năng …….Có thể nói trong con nguời Bá t Giới, ông chủ thực sự là lục căn lục trần vậỵ
I)-NGUỒN GỐC TRƯ BÁT GIỚI :
Bát Giới nguyên là Thiên Bồng Nguyên Sóai trên thiên cung cũng vì tánh si mê Tửu Sắc và làm biếng nên bị đầu thai xuống trần gian:
-Tôi không phải heo rừng, cũng không phải Ông Chãng (heo rừng lâu năm quá, mọc nanh bó hàm, tục sợ như hùm, kêu tưng bằng Ông Chãng) tôi là Thiên Bồng nguyên soái ở sông Ngân (Thiên Hà) bởi say rượu đi lạc vào cung Nguyệt mà chọc Hằng Nga, bị ông Linh Quan bắt giải về Thượng Ðế, Thượng Ðế bắt tội đánh tôi hai ngàn dùi, rồi đày xuống Trung Giai. Tôi đi đầu thai lạc đường nhằm heo rừng nái, mới ra thân thể như vậy. Tôi tức giận cắn heo nái chết tươi, và giết bầy heo rừng tuyệt tộc. Chiếm cứ hòn núi nầy, ăn thịt người đở đói, không dè nay gặp Phật Bồ Tát, xin cứu độ làm ơn .
(TDK hồi 8)
Hãy nghe chính Bát Giới nói về mình :
"Bát Giới ngay mỏ nói lớn rằng:
- Lão Trư hơn bảy đời tham vui làm biếng, bị theo thế sự mà mê tâm, sau gặp thần tiên khuyên dỗ, mới ăn năn chừa lối tu hành, rốt lại thượng đế ban phong làm chức Thiên Bồng Nguyên Soái cư trị tại Thiên Hà, tiêu diêu khoái lạc. Ngày kia ăn hội bàn đào, uống rượu say quá, đi lạc vào cung Quảng Hàn, trêu hí Hằng Nga nên phải đọa, đầu thai nhằm heo rừng nái, mới sanh ra đầu thú mình người, ở núi Phước lăng làm nhiều điều thất đức. Sau nhờ Quan Âm khuyên bảo tu hành, theo bảo hộ Ðường Tăng thỉnh kinh cho tiêu tội, hiệu là Bát Giới, pháp danh Ngộ Năng ."
(Trích đọan Tây Du Ký)
II)-NGUỒN GỐC TÊN TRƯ BÁT GIỚI :
-Pháp danh của Bái Giới là Ngộ Năng nghĩa là Thấy và Vuợt qua được cái Bản Năng của mình và do chính Quan Âm đặt cho:
Quan Âm nói:
- Ta vâng sắc Phật Tổ, xuống cõi trần mà tìm kẻ thỉnh kinh. Nếu ngươi chịu làm đệ tử người thỉnh kinh, mà tới Tây Phương thì phước đủ trừ tội, ta cứu ngươi nạn khỏi tai qua .
Con tinh nói:
- Chịu theo, chịu theo"
Quan Âm thí phát (thế phát) xong rồi cứ theo dèo đặt họ, gọi là Trư, đặt tên thánh là Ngộ Năng, giữ theo phép Phật, phải ăn chay cử mặn và cử ngũ uẩn (năm món như đồ mặn là: Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu và ngò) ở đợi thầy thỉnh kinh đi tới .
(TDK-Hồi 8)
Và bát giới là 8 món mà người tu Phật Giáo phải kiêng cử là “ngủ huân” (Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu và ngò) và “tam yểm” (thịt trâu, bò và chim nhạn). Không phải là sự tình cờ mà Tam Tạng bàn đến sự kiêng cử trong sự ăn uống của Ngộ Năng vì biết tánh Bát Giới là người đam mê ăn uống nên phải đặt tên mà răn dạy..
Tam Tạng nói:
-… ngươi đã cử ngũ huân và tam yểm là tám món, vậy ta cho hiệu riêng là Bát Giới .
(TDK-19)
III)-NHỮNG TÁNH XẤU CỦA TRƯ BÁT GIỚI:
Nếu tính ra thì Bát Giới có rất ít tánh tốt còn tánh xấu thì đầy rẫy :
1)-Tham ăn :
Đây là môt trong bản tính nổi bật của Trư Bát Giới :
Hành Giả nói:
- Thiệt hay lắm, em đã biết trái nhơn sâm, khi trước ăn tại đâu mà rõ?
Sa Tăng nói:
- Tôi tuy chưa ăn nó, mà hồi làm Quyện Liêm đại tướng, thường thấy các tiên ngoài biển đem dâng cho Ngọc Hoàng, song chưa ăn đặng. Ðại ca cho tôi xin một chút, đặng nếm cho biết mùi!
Hành Giả nói:
- Không cần xin một chút làm chi, cứ ba anh em mỗi người một trái .
Bát Giới lấy một trái, nhấp vào cái rồi nuốt, lật đật không kịp nhai.
Liền hỏi rằng:
- Sư huynh sư đệ, hai người ăn nó ra làm sao?
Hành Giả nói:
- Ngươi ăn trước hết thảy, còn trở lại hỏi ai .
Bát Giới nói:
- Tôi ăn mau quá, chẳng biết có hột hay không? Tôi nhấp sơ rồi nuốt trọng. Anh ôi! Hễ làm ơn thì làm ơn cho trót. Kiếm thêm một trái nữa, tôi ăn thủng thẳng cho biết mùi .
Hành Giả nói:
- Bụng ngươi tham không cùng, biết bao nhiêu cho đủ? Mình cũng có phước lắm mới ăn đặng một trái nầy. Thôi thôi đã đủ rồi, đừng có đòi nữa .(TDK-25)
2)-Mê Tửu Sắc:
Đây là tánh nổi bật thứ hai của Bát Giới. Bát Giới không từ bỏ cơ hội nào để tán tỉnh đàn bà con gái hoặc tỏ ý muốn lấy vợ. Nhìn thấy đàn bà là Bát Giới như bị say, quên hết mục đích chính của mình, bất chấp lời đại nguyện đi thỉnh Kinh đã hứa với Quan Âm, với Tam Tạng.
"Hành Giả nói nhỏ với Sa Tăng rằng:
- Ngươi ngồi đây với thầy, ta theo coi nó đi đâu cho biết .
Nói rồi ra khỏi nhà khách, dùn mình biến ra con chuồn chuồn đỏ, bay theo Bát Giới coi chơi. Thấy Bát Giới dắt ngựa gặp cỏ không cho ăn, cứ dắt ra phía sau đứng đó. Xảy thấy người đàn bà dắt ba đứa con gái, đứng coi bông cúc nơi cửa sau.
Bát Giới dắt ngựa đi trờ tới, ba nàng kia bước trái vào trong.
Người đàn bà ấy hỏi rằng:
- Thầy đi đâu đó?
Bát Giới buông dây cương bước tới, bái và nói rằng:
- Thưa mẹ, tôi đi cho ngựa ăn .
Người đàn bà ấy nói:
- Thầy ngươi không biết tính, ở nhà ta thì sung sướng, chẳng hơn đi tới Tây Phương?
Bát Giới cười rằng:
- Mấy người ấy vâng lệnh vua Ðường đi thỉnh kinh, nên không dám ở đây. Song tôi còn ngại lắm. Sợ mẹ chê tôi mỏ dài tai lớn, không chịu gả con .
Người đàn bà ấy nói:
- Ta không chê đâu. Bởi vì nhà không có đàn ông, miễn đặng một người cầm lái. Song ngại vì ba đứa nhỏ, sợ tánh con gái hay chê .
Bát Giới thưa rằng:
- Xin mẹ nói dùm với mấy cổ: Ðừng chê mập chê ốm. Tuy thầy tôi tốt mã, song cũng chẳng đặng mà ham, chớ như tôi diện mạo xấu xa, mà có ích lắm.
Người đàn bà ấy hỏi rằng:
- Ngươi có tài chi, thì nói cho ta nghe thử .
Bát Giới ca rằng:
Tuy vấn sanh tướng xấu, Song cũng có tài năng
Ðào giếng chừng ba khắc. Câu mưa nội nửa ngày,
Giữ nhà hơn chó sủa: Cào đất quá trâu cày,
Trăm việc đều thông cả: Siêng năng ít ai tày.
Người đàn bà ấy nghe nói khen rằng:
- Giỏi như vậy thì xong lắm. Song ngươi về thưa lại với thầy. Nếu thầy ngươi bằng lòng thì ta bắt rễ .
Bát Giới nói:
- Thầy ấy không phải cha mẹ chi tôi, mà phải thưa đi thưa lại, ưng không là tại nơi tôi .
Người đàn bà ấy nói rằng:
- Như vậy thì xong lắm, để ta tính lại với con ta .
Nói rồi bước vào đóng cửa.
(TDK-23)
Mỗi khi nhìn thấy đàn bà con gái là Bát Giới bị mê hoặc đến cao độ nhiều khi không còn liêm sĩ, luân lý gì hết :
- Thưa mẹ, tính gả người thứ mấy cho tôi?
Người đàn bà ấy nói rằng:
- Chuyện ấy chưa nhất định, muốn gả con lớn thì sợ con giữa nó phiền, muốn gả con giữa thì sợ con út nó giận. Bằng gả con út, chắc hai đứa nó hờn, nên chưa định chắc .
Bát Giới nói:
- Thưa mẹ, nếu sợ phàn nàn xin gả cho tôi hết thảy, thì khỏi lo việc ghen tuông . Người đàn bà ấy nói rằng:
- Không lẽ ba đứa con, mà có một thằng rễ?
Bát Giới thưa rằng:
- Nói như mẹ thì người ta không có hai ba vợ hay sao? Rất đổi là vua Nghiêu còn gả hết hai con cho ông Thuấn. Tôi khéo ở lắm, chẳng hề bỏ phép công bình?
Người đàn bà ấy nói:
- Không đặng, ta đưa cái khăn vuông cho ngươi đội, chụp con nào thì con ấy phải ưng, ấy là lối bói thiên hôn đó .
Bát Giới nghe lời lấy khăn che mặt, rồi nói rằng:
- Xin mẹ kêu mấy cổ ra đây .
Người đàn bà ấy nói rằng:
- Chơn Chơn, Ái Ái, Liên Liên. Ra cho rể mới choàn thiên hôn mà kết duyên gá nghĩa .
Nói rồi nghe ba nàng đều dạ, đeo vàng ngọc khua rổn rảng, mùi xạ hương bay bát ngát. Lòng mừng khấp khởi, chụp trước rồi chụp sau. Chụp chẳng đặng người nào, té ngiêng rồi té ngửa! Rán sức đổ mồ hôi hột, té đập mặt u đầu! Chụp cột nầy rồi ôm cột kia, đụng vách nầy nhào vách nọ!
Mệt ngồi thở dốc và nói rằng:
- Mẹ ôi! Ba cô ấy qủy quyệt quá! Chụp không nhằm biết tính sao?
Người đàn bà ấy nói:
- Không phải nó qủy quyệt đâu, ấy là mắc nhượng cho nhau, nên không đứa nào chịu hết .
Bát Giới nói:
- Mấy cô không chịu, thì mẹ chịu cho rồi .
(TDK-23)
Lòng mê gái này Bát Giới bất chấp là người nữ là người phàm tục hay yêu tinh, thí dụ mặc dầu biết rõ 7 nàng gái đẹp này là yêu tinh nhền nhện Bát giới cũng không đè nén dược lòng tà dục của mình:
Bát Giới nín cười không đặng, liền nói pha lửng rằng:
- Lúc này nóng nực lắm! Xin các cô lấy lòng rộng rãi để bần tăng tắm với cho vui! .
Lũ nữ quái nổi giận mắng rằng:
- Hòa Thượng gì vô lễ vậy nà! Sao đòi tắm với con gái? .
Bát Giới nói trây rằng:
- Nực nội quá chừng không biết lễ nghĩa gì hết!
Nói rồi tuốt quần áo, nhảy đại xuống ao.
Bảy nàng ấy mắc cỡ nổi xung, đồng đánh Bát Giới.
Bát Giới tánh chịu nước hay lắm, liền hóa ra con cá leo, bảy nàng ấy chụp hoài mà bắt không đặng. Ví Ðông thì lội Tây, ví Nam thì lội Bắc, con cá ác nghiệt, cứ thông vào háng bảy nàng mà tung hòanh!
Bảy nàng ấy thất kinh, cứ ngồi xếp chè he dưới nước mà thở dốc. (TDK 72).
3)-Làm Biếng:
Thêm một bản chất nổi bật nữa của Bát Giới. Trong mọi việc Bát Giới luôn luôn thông minh tìm ra được kẻ hở hay lý do để làm biếng:
Nói về Bát Giới ra đi xăng xái, đặng bảy tám dặm đường day mặt lại chỉ Tam Tạng mà lầm bầm rằng:
- Lão thầy cả yếu xiệu, ai nói cũng nghe. Còn hòa thượng đen thui dưỡng thây cho mập. Bật Mã Ôn là con khỉ ốm, muốn ở không cho khỏe với nhau. Sai Lão Trư đi dọ đường, đặng thỉnh kinh cho thành chánh quả. Biết có yêu dữ không dám đi trước, lại biểu ta nạp mình! Ta lại dại gì mà đi tới động. Kiếm chỗ nhủ chơi cho mãn giấc, rồi về nói bướng cũng xong .
Nói rồi thấy dưới kẹt núi, có một đám cỏ hòe. Liền nằm ngay uốn mình một cái mà nói rằng:
-"Sướng biết dường nào! Dầu cho Bật Mã Ôn, cũng không được thảnh thơi nằm ngủ như vầy".
4)-Phá luật lệ:
Mặc dầu đã chấp nhận luật lệ với Quan Âm, trường chay mà đi thỉnh kinh nhưng khi có dịp để phá giới luật là Bát Giới không ngại gì mà không đặt lại thành vấn đề:
Trư Ngộ Năng bạch rằng:
- Tôi thọ phép Quan Âm bấy lâu cử Ngũ Huân Tam yểm chịu cực như vậy mà đợi thầy, nay đã gặp rồi, xin cho trở đũa .
Tam Tạng nói:
-Không nên! Lẽ nào gặp thầy lại thôi ăn chay…
(TDK-19)
5)-Khẩu Nghiệp:
a)-Thị phi:
Đây là một đặc tài của Bát Giới. Thường thì người ta chỉ dèm pha hay thị phi được nếu người trong cuộc ở xa mình và không biết rõ sự thực, còn đằng này Tam Tạng là người hằng ngày ở sát bên Bát Giới thế mà Bát Giới vẫn thi phi, dèm pha và Tam tạng vẫn nghe lời Bát Giới. Đó là nhờ Bát Giới biết xử dụng ngôn ngữ và chiến thuật đánh đúng vào chỗ yếu của Tam Tạng là lòng thương người.
Ngày kia trời tối, Tam Tạng nói với đồ đệ rằng:
- Mặt trời chen lặn, biết nhà nào ngủ đỡ một đêm?
Hành Giả thưa rằng:
- Người tu hành thì uống nước suối, ăn trái cây, ngủ ngoài sương, nằm dưới nguyệt, chỗ nào cũng là nhà hết thảy, hỏi thăm xóm làm chi?
Bát Giới nói:
- Anh đi không, thì thong thả hơn hết, chẳng hề thương kẻ nặng nề, cái gánh đồ nầy, có một Lão Trư ra sức. Anh theo làm học trò lớn, để tôi làm chức trưởng công, tôi biết tánh anh muốn làm tiên, chẳng hề gánh vật, còn ngựa của thầy mập quá, để cho tôi gởi gánh đồ . (TDK)
b)- Dèm pha:
Bát Giới có tài dèm xiểm ngay cả việc trước mắt để gieo sự nghi ngờ trong lòng Tam Tạng:
"Khi ấy Tam Tạng run lập cập nói rằng:
- Con khỉ nấy dữ quá, khi không dám đập chết người ta!
Tôn Hành giả thưa rằng:
- Xin thầy coi trong xách đựng chi, thì biết chơn giả .
Tam Tạng dở xách không thấy cơm, toàn những giòi bò lúc nhúc, giở bình bát không thấy bánh, chỉ những cóc nhảy lom xom, cũng có ý tin là yêu quái.
Bị Bát Giới gièm siễm rằng:
- Người đàn bà ở đồng, sao gọi là yêu quái! Chẳng qua đại ca giết lỡ, nên mà con mắt mà dối thầy, vì sợ có niệm thần chú .
Tam Tạng nghe lời gièm siễm, niệm chú tức thì.
Tôn Hành Giả la lớn rằng:
- Nhức đầu chết đi thầy ôi! Khoan niệm để tôi nói chuyện đã .
Tam Tạng giận rằng:
- Người tu hành thì giữ lòng từ thiện, sao ngươi vô cớ mà sát nhân. Ði thỉnh kinh làm chi, còn có chuyện gì nữa. Thôi ngươi đi về cho rảnh .
Tôn Hành Giả thưa rằng:
- Thầy đuổi tôi đi đâu bây giờ?
Tam Tạng nói:
- Ta chẳng nhìn ngươi là học trò, muốn đi đâu tự ý .
Không phải một lần mà nhiều lần Bát Giới chỉ nói vào một câu là Trắng hóa thành Đen và Tam tạng trừng trị TÔN NGộ KHÔNG ngay, cũng là nhờ Bát Giới biết khai thác điểm yếu của Tam tạng và gieo sự nghi ngờ trong lòng Tam tạng vậy:
Khi ấy Tôn Hành Giả đánh một thiết bảng, con yêu ấy chết ngay, xuất hồn không đặng.
Còn Tam Tạng xem thấy run rét hãi kinh.
Bát Giới cười ngất nói rằng:
- Bữa nay Hành Giả điên rồi, nửa ngày giết hết ba mạng!
Tam Tạng muốn niệm chú, Tôn Hành Giả thưa rằng:
- Xin thầy đừng niệm chú, giục ngựa đến mà coi! Một đống xương khô rủ tại đó . Tam Tạng xem thấy hãi kinh hỏi rằng:
- Ngộ Không! Người nầy mới chết, sao đã rủ xương?
Tôn Hành Giả nói:
- Nó là Thi ma, xương khô thành quỷ . Nay bị tôi đánh nó biến không kịp, đã hiện nguyên hình. Trên xương sống có bốn chữ Bạch Cốt Phu Nhân, nghĩa là con ma đàn bà bộ xương không mục .
Tam Tạng xem thấy mới tin.
Bị Bát Giới chót mỏ nói dua rằng:
- Thầy ôi! Rõ ràng Hành Giả đánh người lương thiện thác oan. Sợ niệm chú nhức đầu, nên biến hóa dối thầy cho xuôi việc .
Thiệt Tam Tạng hay nghe lắm, tin lời niệm chú tức thì. Thương hại Tôn Hành Giả nhức đầu quá, quì bên đường mà thưa rằng:
- Xin thầy đừng niệm nữa, muốn chi thì nói cho rồi .
(TDK)
c)-Nói Láo:
Bát Giới có tài bịa đặt câu chuyện một cách chi tiết khiến người nghe tuởng như thật:
Tam Tạng hỏi rằng:
- Có yêu quái hay không?
Bát Giới thưa rằng:
- Có yêu quái rất nhiều kể không hết .
Tam Tạng nói:
- Sao ngươi về đặng?
Bát Giới nói:
- Chúng nó kêu tôi bằng Trư Tổ, đứa thì kêu bằng ông ngoại. Dọn trôi nước đồ chay mà đãi tôi. Rồi gióng trống kéo cờ mà đưa tôi trở lại .
Tôn Hành Giả nói rằng:
- Có khi ngươi ngủ chiêm bao thấy như vậy, nên thuật chuyện lại phải chăng?.
d)-Nịnh bợ & Khích Bác :
Bây khỉ vâng lời mà đè xuống. Bát Giới lạy mãi mà năn nỉ rằng:
-"Xin anh vị tình thầy, dung thứ em một thuở".
Tôn Hành Giả nói:
-"Thầy ở nhân nghĩa lắm, không vị tình làm sao".
Bát Giới lạy nữa, thưa rằng:
-"Anh không vị tình thầy thì thôi, xin vị tình Quan Âm mà tha tội ngu đệ".
Tôn Hành Giả nghe nhắc tới Quan Âm, trong lòng cảm động, liền nói rằng:
-"Biết lỗi thì thôi, ta cũng không đánh. Song phải nói cho thiệt. Nay Ðường Tăng đến đâu mà mắc nạn, nên ngươi tới gạt ta?"
Bát Giới thưa rằng:
-"Thiệt tình thầy nhớ anh, chớ không mắc cạn chi hết".
Tôn Hành Gả nổi giận mắng rằng:
-"Ngươi muốn ta đánh một thiết bảng phải không, sao cứ gạt ta hoài vậy? Tuy ta về động Thủy liêm chớ lòng hằng lo việc sư phụ. Thầy mắc nạn nhiều chỗ không phải lần nầy. Phải cứ thiệt khai ngay, còn nói giấu thì đừng có trách số".
Bát Giới thưa rằng:
-"Thiệt tôi nói dối mà rước anh. Không dè anh thiệt tánh linh biết trước hết thảy. Xin tha tội, tôi xin thưa thiệt sự tình".
Tôn Hành Giả nói:
-"Chờ dậy mà nói chuyện nghe thử?"
Bầy khỉ buông tay ra, Bát Giới chờ dậy chạy dòm ngó lăn xăn. Tôn Hành Giả hỏi rằng:
-"Làm cái cái gì lạ vậy?"
Bát Giới nói
-"kiếm đường mà chạy cho mau".
Tôn Hành Giả nói:
-"Ta chấp ngươi chạy trước ba ngày, ta theo bắt lại lập tức. Chạy đâu cũng không khỏi, chuyện chi nói thiệt cho mau?"
Bát Giới túng phải thuật chuyện lại. Rồi nói rằng:
-"Bởi Tiểu long đốc tôi đi thỉnh anh nói anh là người quân tử biết nhân nghĩa chẳng hề nê cố việc cũ, sao chắc cũng cứu thầy. Vậy xin anh xét lại một ngày cũng đạo làm thầy, đi cứu cho toàn tánh mạng".
Tôn Hành Giả nổi giận nói rằng:
-"Khi ta giã từ có dặn như vầy: Nếu gặp yêu quái thì nói ta là học trò lớn của thầy, thì nó chẳng dám làm hại. Sao ngươi cãi lời ta?"
Bát Giới nghe nói nghĩ rằng: "Môi hỉnh chẳng bằng nói khích". Nghĩ rồi nói rằng:
-"Anh ôi! Phải đừng nói tên anh, hãy còn khá khá. Bởi vì nói tên anh nó mới làm dữ vô cùng!"
Tôn Hành Giả hỏi:
-"Ngươi nói làm sao đó?" Bát Giới đáp rằng:
-"Tôi nói: Yêu tinh đừng vô lễ mà làm hại thầy ta. Ta hãy còn một vị đại sư huynh là Tôn Hành Giả, thần thông quảng đại, năm xưa phá tới thiên cung. Nếu anh ta đến đây, thì bây chết cả lũ. Huỳnh Bào nổi giận nói lớn rằng: "Mi tưởng Tôn Hành Giả là tài lắm, dám chọc ta sao? Nếu nó đến đây thì ta lột da rút gân, ăn thịt và lấy xương mà làm thuốc. Chớ bộ nó ốm lắm, rán mỡ có bai nhiêu. Tại mi đem con khỉ mà nhát ta, nên ta làm cho khỉ ốm ra mặt. Vậy mới biết thấp cao".
Tôn Hành Giả nghe nói nổi giận, trợn mắt cào tai, nhảy xuống hét lớn rằng:
-"Sao dám mắng ta như vậy?"
Bát Giới thưa rằng:
-"Xin đại ca bớt nóng. Ấy là Huỳnh Bào nói, tôi học lại cho anh nghe".
Tôn Hành Giả nói rằng:
-"Thôi em chờ dậy. Ta phải đi đánh mới xong. Vì nó mắng ta nên giết nó báo cừu cho đã giận. Rồi trở về Thùy Liêm Ðộng chớ không theo bảo hộ Ðường Tăng".
Bát Giới nói:
-"Miễn anh giết nó mà báo cừu, còn sự ở đi mặc ý".
(TDK-31)
6)-Thù Dai:
Bát Giới bị Tôn Ngộ Không đánh đòn nhiều lần nên đâm oán , chỉ chờ cơ hội là trả thù. Bản chất của Bát Giới còn là con người thù dai, cất dấu những tư tưởng hận thù chỉ chờ dịp là bùng dậy:
Khi ấy Tam Tạng nói với Tôn Hành Giả rằng:
- Ngươi có phép cứu đặng một mạng, hơn lập bảy kiểng chùa, dầu thỉnh kinh công đức cũng không bằng cứu mạng .
Tôn Hành Giả nói:
- Thầy khéo nghe lời thằng điên nói bậy. Phàm con người chết 49 ngày trở lại, thì đã đi đầu thai, nay người chết đã ba năm, tôi cứu làm sao cho đặng!
Tam Tạng nghe nói hỡi ôi!
Bát Giới nổi giận nói rằng:
- Ấy là lời nói gạt thầy, sao lại cứu không đặng, thầy cứ niệm chú, chừng nào tử thi sống lại thì thôi .
Tam Tạng y lời, Tôn Hành Giả nhức đầu lòi con mắt.(TDK-38)
Khi Tôn Hành Giả nhức đầu chịu không nổi liền năn nỉ rằng:
- Thầy ôi! Xin đừng niệm nữa, để tôi chạy thuốc .
Tam Tạng hỏi:
- Ði kiếm ở đâu bây giờ?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
- Trừ ra xuống Diên vương, mà lấy hồn vía .
Bát Giới nói:
- Thưa thầy, đừng nghe lời ấy, bởi sư huynh có nói trước với tôi rằng: Chẳng cần xuống Âm ti, ở trên dương gian cũng có thuốc .
Tam Tạng ngỡ thiệt, liền niệm chú, Tôn Hành Giả thưa rằng:
- Thầy đừng niệm nữa, để tôi kiếm thuốc trên dương gian .
Bát Giới thưa rằng:
- Xin thầy niệm hoài anh tôi phải phục .
Tôn Hành Giả nổi giận mắng rằng:
- Mi là súc vật, sao quyết hại ta .
Bát Giới cười ngất nói rằng:
- Tại anh hay khuấy tôi, nên tôi phải khuấy lại .
Tam Tạng hỏi:
- Dương gian có thuốc chi mà cứu đặng .
Tôn Hành Giả thưa rằng:
- Nay tôi đi tìm ông Thái Thượng xin một viên thuốc hườn hồn thì cứu vua Ô Kê mới sống .
Tam Tạng mừng rỡ hối đi.
7)-Trốn trách nhiệm, phản bạn:
Chỉ vì làm biếng Bát Giới đôi khi bất chấp tín nghĩa, lòng trung thành cùng huynh đệ, sẵn sàng đạp trên sức phấn đấu của huynh đệ mà hưởng thụ:
Bát Giới đã đuối tay, Sa Tăng cũng hết sức. (Bởi lúc nầy chư thần bảo hộ Tam Tạng tại đền vua Bửu Tượng, nên Sa Tăng, Bát Giới đánh không lại Huỳnh Bào).
Khi ấy Bát Giới nói gạt Sa Tăng rằng:
- Hiền đệ rán sức mà cự, ta đi ngoài rồi vào đánh tiếp tức thì .
Sa Tăng tin lời rán sức đánh cố mạng.
Chẳng ngờ Bát Giới chạy riết, kiếm chỗ mát mà nằm ngủ ly bì.
(TDK-29).
8)-Con người không ý chí, bỏ dở nửa chừng, trong đầu luôn luôn tính chuyện xuất tu hòan tục:
Đây là trở ngại chính của công cuộc đi thỉnh kinh, không phải từ bên ngoài thiên nhiên, rừng, sông, thú dữ, đói kém mà từ trong lòng phát ra mà Trư Bát Giới là đại diện, lúc nào cũng muốn bỏ cuộc, quay đầu về.
Bát Giới nói:
- Thôi ngươi lặn xuống sông mà về biển. Còn ta gánh đồ về xóm cao lào mà ở thì xong hơn .
Bạch mã nghe nói, cắn áo Bát Giới kéo lại khóc mà than rằng:
- Xin sư huynh đừng lanh nặng tìm nhẹ, bỏ bạn phụ thầy. Nỡ nào làm biếng ngặt không biết tính làm sao. Sa Tăng bị yêu bắt trói, ta đánh không lại nó, ngươi cự cũng bị thương. Lúc nầy phá hùm cho rồi, còn đợi chừng nào nữa?
Bạch mã khóc rằng:
- Anh đừng nói chuyện chia phôi, tôi đau lòng lắm. Nếu anh không cứu đặng sư phụ, xin đi cầu viện người ta!
(TDK)
Khi ấy Sa Tăng với Tam Tạng đương đứng ngó mông, thấy Bát Giới chạy về thở hào hển, Tam Tạng kinh hãi hỏi rằng:
- Bát Giới, sao ngươi về có một mình, còn Ngộ Không đâu vắng?
Bát Giới khóc rằng:
- Sư huynh bị yêu quái nuốt rồi!
Tam Tạng nghe nói kinh hồn, té nhào xuống đất.
Giây phút Tam Tạng tỉnh dậy, đấm ngực khóc rằng:
- Ðồ đệ ôi! Ngỡ là thuở nay ngươi có tài đánh yêu, không dè bây giờ bị yêu nuốt! Thảm khổ biết chừng nào?
Bát Giới không thèm khuyên giải, liền kêu Sa Tăng mà nói rằng:
- Sư đệ ôi! Hãy đưa đồ hành lý, ngươi với ta chia hai!
Sa Tăng hỏi:
- Sư huynh chia đồ ấy làm chi?
Bát Giới nói:
- Chia chát cho phân minh, đặng ở đâu về đó. Ngươi về sông Lưu sa, ăn thịt người như khi trước, còn Lão Trư về ông nhạc, bảo hộ ở nhà ta, và bán con ngựa, mua cho sư phụ một cái quan tài, chớ còn trông thỉnh kinh gì nữa?
Tam Tạng nghe nói động lòng, kêu trời rồi khóc lớn.(TDK-75)
9)-Xúi Dục người khác làm chuyện phi pháp:
Nói dèm, xúi dục, kích thích lòng tham của người khác thì Bát Giới quả là thiên tài, ngay đến Tôn Ngộ Không cũng còn rơi vào bẩy của Bát Giới :
Bát Giới nói:
- Anh biết nhơn sâm quả hay không?
Hành Giả nói:
- Tuy ta chưa thấy, mà nghe người nói: Nhơn sâm quả là Thảo huờn đơn, nếu ăn nó thì sống lâu lắm. Mà ở đâu có bây giờ?
Bát Giới nói:
- Hai đạo đồng dâng hai trái cho thầy. Thầy không biết là trái nhơn sâm; chẳng hề động tới. Hai thầy khốn nạn quá. Phải chi thầy không hưởng, thì nó hiến cho mình. Té ra hai đứa đem nhơn sâm vào phòng, nuốt ọt với nhau hết trọi! Chúng ta không đặng một miếng, cũng nên hái trộm mà ăn .
Hành Giả nói:
- Chuyện ấy dễ như chơi, để ta đi hái . (TDK)
10)-Nhẫn Tâm:
Mặc dầu là người tu đôi khi Bát Giới bộc lộ thú tánh của mình là chỉ biết hưởng thụ dửng dưng trước cái chết của người khác:
Nói rồi đứng dậy đi liền, Tam Tạng nghe nói kinh hồn, tay chơn bủn rũn! Cầm lòng không đậu, rơi lụy chứa chan, kêu lớn nói rằng:
- Hôn quân, hôn quân, đắm sắc cho sanh bịnh, nở nào giết con nít dư ngàn, tội nghiệp quá chừng, ta thương đứt ruột!
Bát Giới lại gần nói rằng:
- Sao thầy không khiêng thọ đường người ta về nhà mà khóc! Thôi, thầy đừng phiền não làm chi, họ giết dân họ, không động phạm tới thầy, hãy đi ngủ cho khỏe, hơi nào lo việc người dưng?
(TDK-78)
11)-Giấu diếm tiền bạc :
Tiền bạc thời nào cũng có người mê, ngay cả Bát Giới là người tu hành cũng giấu diếm tiền bạc:
Còn Tôn Hành Giả bay lên ngó xuống, thấy Bát Giới nằm ngửa, giơ bốn cẳng lên trời, còn mỏ hụp lên hụp xuống, nửa nổi nửa chìm, mệt thở è è, coi thấy tức cười lắm!
Tôn Hành Giả thấy Bát Giới ra thân ấy hết giận rồi thương, bèn nghỉ rằng:
- Bát Giới cũng là một người từng phó hội Long hoa, song giận một đều, hể có động thì nó đòi về xứ, lại hay nói đốt cho thầy niệm chú nhức đầu! Ngày trước ta có nghe Sa Tăng nói rằng: Nó có giấu đút đặng tiền riêng, không biết qủa thiệt hay chăng? Ðể ta dọa nó một cái mà tra mẹo thữ?
Nghĩ rồi liền bay bên tai Bát Giới kêu giọng éo éo rằng:
- Bớ Trư ngộ Năng, bớ Trư ngộ Năng.
Bát Giới hoảng hồn nói rằng:
- Xui quá! Bồ Tát đặt pháp danh là Ngộ Năng, từ theo Ðường Tăng đến nay, cứ kêu tên Bát Giới, ai ở đây sao lại biết pháp danh ta mà kêu?
Nghĩ rồi, nín không đặng liền nói rằng:
- Ai kêu ta đó ?
Tôn Hành Giả nói:
- Ta đây.
Bát Giới hỏi:
- Ta đây, là ai đó?
Tôn Hành Giả nói:
- Ta là quỉ vô thường chớ ai.
Bát Giới hoảng hồn hỏi rằng:
- Chẳng hay quan lớn đi đâu đó?
Tôn Hành Giả nói:
- Vua Diêm Vương sai ta đi bắt hồn ngươi.
Bát Giới nói:
- Quan lớn về tâu lại với vua Diêm Vương rằng Ngài có quen lớn với sư huynh tôi là Tôn Hành Giả xin ngài vị tình chế một ngày, để mai sẽ bắt.
Tôn Hành Giả đáp rằng:
- Ðừng có nói xàm, lời ngạn ngữ rằng:
- Diêm Vương đã định canh ba chết, nào ai dám để tới canh tư. Ngươi hãy đi theo ta cho mau, đừng đợi lấy giây vòng mà kéo.
Bát Giới nói:
- Sao quan lớn chẳng rộng lượng làm ơn, coi bộ mat tôi còn sống lâu đặng hay sao, bề nào cũng chết, xin nán lại một ngày, đợi con yêu bắt thầy tôi và sư đệ, sư huynh về đây, sẽ giủ sổ thâu hồn một lượt luôn thể, chớ bắt kẻ sau người trước cũng mất công .
Tôn Hành Giả nói:
- Thôi, cái giấy của ta đi bắt, cọng ba chục hồn, đều có kẻ sau người trước, ta đi bắt hai mươi chín hồn kia, chừng lối một ngày trở lại. Thôi, ngươi đưa tiền phí lộ cho ta đi .
Bát Giới nói:
- Tội nghiệp quá, tôi là người tu hành, có tiền đâu mà lo lót .
Tôn Hành Giả nói:
- Nếu không chịu tiền phí lộ, thì với ta bây giờ .
Bát Giới hoảng hồn nói rằng:
- Xin quan lớn đừng trói, tôi biết sợi dây của quan lớn tên là dây truy mạng, tròng vào cổ thì tắt hơi. Thôi tôi chịu có, song có chút đỉnh mà thôi, nhớ nhiều không có .
Tôn Hành Giả nói:
- Có bao nhiêu thì đưa hết cho mau .
Bát Giới nói:
- Tội nghiệp quá, ấy là tiền lương tôi góp nhóp mấy năm nay, tính bạc vụn chỉ có năm chỉ, kỳ trước tôi cậy thợ bạc nấu cốn lại một cục, nó không sợ tội phước, ăn bớt hết bốn phân, một cục cân còn bốn chỉ sáu, tôi thường giấu bên kẹt tai bên tả, tôi bị trói nên lấy ra không đặng, thôi quan lớn chịu khó mà lấy cho rồi .
Tôn Hành Giả nghe nói, liền mò trong lỗ tai Bát Giới, thiệt lấy đặng một miếng bạc cong cong như yên ngựa, nặng chừng bốn chỉ sáu mà thôi. Lấy bạc cất xong xả liền hiện nguyên hình vỗ tay cười ngất, Bát Giới nằm dưới nước, ngó thấy Tôn Hành Giả liền nổi giận rũa rằng:
- Bật mả ôn bị trời đánh còn ở bất nhơn, tôi khổ sở như vầy, nở lòng nào mà gạt lấy của .
(TDK-76).
IV)-NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA TRƯ BÁT GIỚI:
Nhưng không phải vì có nhiều tánh xấu mà Trư Bát Giới không có những tánh tốt. Thực ra Trư Bát Giới là người có bản chất tốt và phục thiện:
1)-Chấp nhận đi Thỉnh Kinh:
Điểm hướng thiện lớn nhất của Bát Giới là chấp nhận phò Tam tạng đi thỉnh kinh để chuộc lại lỗi mình:
Quan Âm nói:
- Người xưa rằng: Muốn có đường đi tới, thì đừng làm mất đường lui. Nếu mất đường đi tới, thì phải cùng đường. Khi ngươi ở cõi trên đà phạm phép, thì nay phải đọa mà không bỏ lòng hung, lại giết người hại vật, thì một tội sinh hai, ấy là muốn cùng đường đó .
Con tinh nói:
- Còn cùng chẳng còn cũng không cần. Nếu cử ăn thịt người thì thấy ngáp gió, hèn chi người ta nói: Y theo phép quan thì đánh chết, y theo phép Phật thì đói chết. Là phải lắm mà. Tính bề đi phức cho xong thê. Thà bắt chúng đi đường, ăn mỡ tươi béo lắm, cần gì 2 tội, 3 tội, ngàn tội, muôn tội nà .
Quan Âm nói:
- Lòng người muốn phải, trời cũng thuận theo. Như ngươi tu theo phép, ta cũng có món nuôi mình được, trái cây, rau, gạo, ăn cũng no lòng, lựa phải ăn mỡ người ta mới sống?
Con tinh nghe nói như tỉnh giấc chiêm bao, lạy Quan Âm mà nói rằng:
- Tôi muốn giải nghiệp mà đi tu, song mắc lấy tội trời, cầu sao cho khỏi?
Quan Âm nói:
- Ta vâng sắc Phật Tổ, xuống cõi trần mà tìm kẻ thỉnh kinh. Nếu ngươi chịu làm đệ tử người thỉnh kinh, mà tới Tây Phương thì phước đủ trừ tội, ta cứu ngươi nạn khỏi tai qua .
Con tinh nói:
- Chịu theo, chịu theo"
2-) Thông Minh, Có tài ăn nói, Biết khai thác yếu điểm của con người:
Qua các trích đoạn về tánh xấu của Trư Bát Giới, ta thấy rõ là Trư Bát Giới rất thông minh, có tài ăn nói, biết rõ mình cần phải nói gì để gieo sự nghi ngờ trong lòng Tam Tạng và cũng hiểu rõ yếu điểm của Tam Tạng và Tôn Ngộ Không hơn ai hết nên nếu Trư Bát Giới muốn khích bác, thi phi, dèm pha hay nịnh bợ …hầu như đều thành công hết . Tiếc thay Tài Năng và Sự Thông Minh này Trư Bát Giới chỉ dùng để phục vụ cho Bản Năng riêng của mình.
3-) Có Sức Khỏe Hơn Người:
Không những có Tài mà họ Trư còn có Sức khỏe hơn người, đôi khi có những việc mà ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không làm được phải giao cho Trư Bát Giới:
Tôn Hành Giả nói:
-"Nếu vậy thì dùng ít giạ gạo trắng, nấu cơm phơi khô hoặc làm bánh bao cũng đặng. Ta sẽ bảo hòa thượng mỏ dài ăn no, rồi hóa làm con heo lớn, ủi đường này cho sạch mà đi".
Bát Giới nói:
-"Ðại ca tệ thời thôi, các cha muốn sạch sẽ cho sướng thân, sai tôi làm việc dơ dáy?" Tam Tạng nói:
-"Ngộ Năng, nếu ngươi có tài phép thì dọn cái đường nầy, ta đi tới Tây Phương, tính công ngươi thứ nhứt".
Bát Giới cười rằng:
-"Lão Trư biến ba mưới sáu cách, hóa làm lợn lớn lại khó gì? Song biến hình lớn chừng nào, thì bao tử lớn theo chừng nấy, phải ăn no mới đủ sức dọn đường; nếu đói chắc làm không nổi".
Các người ấy đồng nói rằng:
-"Chúng tôi quyết đem cơm khô và bánh in, bánh bao, vật thực theo ăn mà dọn đường, mỗi người mỗi gánh. Vậy thì chúng tôi đem ra hết cho thầy dùng; rồi sai người về nấu cơm gánh theo, phòng khi bổ khuyết".
Bát Giới nghe nói mừng rỡ, cởi y phục và nói rằng:
-"Xin ai nấy đừng cười, coi Lão Trư lập cái công thúi hoắc!"
Nói rồi dùn mình biến ra con heo lớn quá, mình dài một trăm trượng, ai nấy đều kinh! Tôn Hành Giả bảo đem cơm khô và đồ vật thực đổ đống, mời Bát Giới đỡ lòng. Bát Giới xốc một hồi mới hết, rồi ra sức ủi đường. Tam Tạng cởi ngựa theo sau, Tôn Hành Giả theo phò tả hữu, Sa Tăng gánh đồ hành lý theo sau. Tôn Hành Giả day lại nói rằng:
-"Thôi các ông trở về mà nghỉ, như tưởng tình thì sai người đem thêm cơm đặng sư đệ dùng thêm cho mạnh sức".
Mấy người cỡi ngựa chạy về trước hối nấu cơm, rồi bắt lừa chở theo mà không kịp, theo riết tới bữa sau mới thấy dạng, liền cả kêu rằng:
-"Các lão gia chậm chậm vậy, đợi chúng tôi dưng cơm".
Tam Tạng mừng rỡ tạ ơn, bảo Bát Giới nghỉ mà ăn cho thêm sức. Bát Giới ủi hai ngày đã đói, thời may gặp cơm nhiều, ăn một bữa no nê rồi ủi nữa. Thiệt là nhờ Bát Giới ủi tám trăm dặm đường Thất tuyệt trống trơn, quá khỏi truông mới hườn hình như cũ. (TDK – 67).
4-) Lạc quan, không Sân Giận:
Trái hẳn với TÔN NGộ KHÔNG, Trư Bát Giới gần như là không Giận bao giờ, cũng ít khi buồn, có buồn cũng chỉ chốc lát, rồi quên đi, tánh tình luôn nhìn gần và luôn luôn vui sống..
5-) Thương thầy, thương huynh đệ (Lòng Nhân)
Ẩn trong bản chất tham ăn, tham dục là lòng nhân thương thầy, thương huynh đệ và tâm hướng thiện:
Khi ấy anh em về thấy Sa Tăng còn khóc! Bát Giới mủi lòng ôm mã khóc kinh!
Tôn Hành Giả nói:
-"Chúa yêu đã lấp cửa trước, trong chất đá dẫy đầy, chắc có ngỏ sau thông thương, nên nó mới bít cửa trước. Vậy thì hai đứa bây ở đây, để ta đi thám thinh".
Bát Giới và khóc và dặn rằng:
-"Anh phải có ý tứ cho lắm, đừng lơ lĩnh mà nó ăn thịt nữa, báo hại chúng tôi khóc sư phụ, lại khóc sư huynh, khóc thét đui hai con mắt".
Tôn Hành Giả nạt rằng:
-"Ðừng có nói xàm".
(TDK – 86)
V)-CON ĐƯỜNG GIẢI NGHIỆP:
Bát Giới chấp nhận đi Thỉnh kinh vì biết đó là con đường duy nhất để giải nghiệp.
Đi thỉnh kinh là con đường Đạo để thoát ra khỏi cái vòng trầm luân của nhân quả, vì nếu tiếp tục sống trong vòng duyên nghiệp này ta sẽ lẫn quẩn trong vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử (Khổ Đế của Tứ Diệu Đế ). (Đừng quên Tây Du Ký là câu chuyên hoang đường để quảng bá Phật pháp). Sanh ra, lớn lên, lập gia đình, lo sự nghiệp, đẻ con rồi bệnh họan, rồi chết. Cứ vậy mãi… Cái vòng Luân Hồi ràng buộc đời sống với lề lối suy nghĩ trần tục: Tình, Tiền, Danh, Nghiệp , Tham, Sân, Si vv….. Muốn thóat khỏi cái vòng lẩn quẩn đó, phải có con đường giải thóat. Con đường giải thóat nằm trong Kinh Phật mà tượng trưng qua cuộc hành trình thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng. Tôn Ngộ Không muốn thóat khỏi cái nghiệp nặng trịch trong núi đá cần phải có cái Duyên của Quan Âm dẫn độ và phát đại nguyện đi thỉnh kinh. Thực ra Kinh kệ chỉ dành cho người trần tục, riêng đối với Trư Bát Giới thì cuộc hành trình thỉnh kinh thì đã là thực hành giải nghiệp rồi. Con đường thỉnh kinh cũng là con đường mà Trư Bát Giới đối diện với chính Bản Năng của mình và khắc phục được các Bản Năng đó.
Vì thế Quan Âm mới đặt pháp danh cho Trư Bát Giới là Ngộ Năng.
Khi đạt đạo rồi, không còn xác phàm nữa thì Con Nguời được giải phóng khỏi cái ăn cái uống, khỏi các nhu cầu khác của thân xác :
Mấy thầy trò gói kinh gánh theo Trần Trừng, nội xóm hay tin, đồng ra nghinh tiếp, kẻ thắp đèn thắp hương, người dọn bàn ghế, tốp thì đờn ca gióng trống như thỉnh sắc, giây phút rước tới cửa xóm, Trần Thanh và nội nhà ra nghinh tiếp vào nhà, ai nấy đồng lạy tạ ơn. Rồi dọn tiệc chay thiết đãi. Tam Tạng hết xác phàm nên không đói như khi trước, vì tình nhậm lễ chút đỉnh mà thôi. Tôn Hành Giả không ăn đồ nấu, dùng chút đỉnh trái cây. Sa Tăng cũng chấm chút! Bát Giới rán ăn một chén, rồi thì cầm đủa bái liền,
Tôn Hành Giả hỏi:
-"Sao thôi sớm như vậy?"
Bát Giới nói:
-"Không biết thể làm sao tì vị yếu quá, chắc là no hơi. Ðến xế Trần Thanh dọn tiệc, đãi bốn thầy trò xong xả. Chiều lại Trần Trừng dọn tiệc mời nữa, \
Bát Giới cười rằng:
-"Tôi vô phước quá chừng, lúc ăn đặng không thấy ai mời, nay no hơi lại nhiều đám thỉnh".
Nói rồi ngồi vào tiệc, ăn rán một hai miếng gọi là, khó làm thẳng nghỉnh như trước.
(TDK – 99)
V)-BÀI HỌC RÚT RA TỪ TRƯ BÁT GIỚI :
-Ngòai cuộc chiến đấu chống kẻ thù bên ngòai còn phải chiến đấu chống kẻ thù bên trong, đó là Nịnh bợ, Dèm xiểm, Tham ăn, Làm biếng, Mê tửu sắc, tính bỏ cuộc…luôn luôn ẩn tàng trong con người, mà ta không thể tiêu diệt nó được, chỉ có thể khắc phục, kiểm sóat và giáo dục nó để trở nên hướng thượng hơn lên.
-Bát Giới là bản năng trong con người chúng ta, luôn luôn kéo chúng ta đi theo chiều hướng chúng muốn. Nhiều người bỏ cả cuôc đời để chạy theo dục vọng hay những đòi hỏi của thân xác, để xây dựng và lệ thuộc vào 4 bức tường giam hảm cuộc đời mình (tứ đổ tường). Bát Giới mà không có TÔN NGộ KHÔNG hay Tam Tạng kềm chế thì chỉ biết buông thả theo dục vọng của mình. Muốn cho đời sống nhẹ nhàng, phải hướng thượng, nghĩa là chế ngự Bản Năng (Trư Bát Giới) và tăng cường phần Trí (TÔN NGộ KHÔNG) hay phần Tâm, Ý Chí (Tam Tạng).
-Bát Giới cũng tựng trưng cho Tham, Si (Tôn Ngộ Không thì Sân), và Khẩu Nghiệp của Phật Giáo.
-Trong đời sống thực tế gia đình và xã hội nhiều người chỉ sống theo Bản Ngã và Bản Năng của mình mà quên đi thức Hòa Đồng với người xung quanh. Sự kiện này đôi khi đưa đến sự tan vỡ gia đình hay công việc mà chính mình cũng không tự ý thức tới. Biết bao nhiều gia đình đổ vỡ, biết bao cuộc đời thân bại danh liệt cũng vì Tửu Sắc, Nhục Dục, Bài bạc, Khẩu nghiệp……tức là sống thỏa theo bản năng, không tự kềm chế mình ….Bài học Bát Giới còn đó từ Nguyên Bồng nguyên soái trên thiên cung bị đọa trần vào lớp nửa người nửa heo cũng vì cái bản năng này.
-Trong cuộc sống đầy máy móc, thiên về vật chất và nhiều căng thẳng (Stress) như hiện nay, đôi khi có được những đặc tánh như Trư Bát Giới cũng là điều tốt. Ăn được, Ngủ được Sức Khỏe tốt quả là điều cần thiết cho chúng ta. Không lo lắng, không muộn phiền. Sống vô tư, biết quẳng gánh lo đi và vui sống, luôn luôn tìm đuợc trong bất cứ nghịch cảnh nào cũng có đôi phút nghỉ ngơi, an nhàn. Dĩ nhiên không được để cho Bản Năng chỉ huy đời mình.
VI) CẢM ĐỀ TRƯ BÁT GIỚI :
Giam hãm cuộc đời trong bản năng
Thiên Bồng hóa kiếp thành Ngộ Năng
Con đường giải nghiệp bào mòn tánh
Dục vọng xuân thời một ánh băng .
Xuân Đinh Hợi
2007
đồ khỉ gió
2007
đồ khỉ gió
Cùng một thể loại, xin bấm vào đây để xem thêm :
Phiếm Luận về Tôn Ngộ Không
2 nhận xét:
Bài phân tích của ĐKG thật sâu sắc . Mong ĐKG viết thêm nhiều bài nữa
ĐL
Lần đầu tiên hl được biết nhiều về Trư Bát Giới, nhớ hồi xưa cứ nghe ai nhắc đến Tôn Ngộ Không là luôn có nhắc tên TBG.
ĐKG lấy được tài liệu ở đâu ra mà có được đầy đủ cả tính tốt lẫn 11 tính xấu của TBG. (đọc cũng vui ghê)
Cám ơn ĐKG
Hôm nay hl nhân tiện xin gời lời khen ngợi đến bài hát Ông Đồ Già của bác ĐKG và tiếng hát của bác ĐL. :)
Đăng nhận xét