Thứ Năm, 1 tháng 2, 2007

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TÔI


CÂY ÐA LỐI CŨ,


GỌI HỒN NGƯỜI XƯA

Ðàm Trung Phán

Lời mở đầu:

Tôi rất do dự trước khi viết bài này vì tính cách riêng tư không những cho tôi mà còn liên quan tới nhiều người thân khác trong gia đình. Một số thân hữu sau khi đã được nghe tôi kể chuyện về vụ Gọi Hồn tại Việt Nam đã khuyến khích tôi “tới đi, bác tài!” Tôi vẫn đợi một thời gian nữa “để xem sao!” Cuối cùng thì một động lực nội tâm đã “bật đèn xanh” và cho tôi cái hứng thú để viết bài này.

Có vài phần trong bài viết: Phần Một là “Cây đa lối cũ”, Phần Hai là “Gọi hồn người xưa”, Phần Ba là “Cảm xúc và những tín hiệu kỳ lạ”, Phần Bốn là “Xuôi Nam”. Những phần này liên quan tới nhau và trong Phần Ba, tôi đối chiếu những sự việc mà những nhân vật bên Cõi Âm trả lời những câu hỏi của người bên Cõi Dương qua lời nói của cô đồng.

Phần “Gọi hồn người xưa” do chính tôi ghi chép lại từ trong 3 đĩa VCD mà cũng chính tôi quay camcorder lấy. Tôi đã bỏ nhiều thì giờ để ghi chép từng chi tiết trong phần Gọi Hồn.Vì lý do trung thực của phần ký sự (reporting), tôi chỉ ghi lại những gì mà tôi đã “thấy” (as is). Những tên người trong phần này, tôi chỉ viết tắt (dùng mẫu tự đầu) nhưng những nhân vật này tôi không hề bịa đặt.

Trong Phần Ba, tôi cũng ghi lại những cảm xúc riêng tư và nhất là những giấc mơ, những tín hiệu lạ lùng mà tôi từng nhận được trong những lúc nửa đêm về sáng. Phải chăng, chúng ta không thể nào phủ nhận được sự hiện hữu của “thế giới bên kia”?

Xin mời quý vị đọc.

Phần Một: CÂY ĐA LỐI CŨ

http://www.pbase.com/bac_ninh/viet_nam_an_expatriates_album

Hồi tôi còn nhỏ, sau khi mẹ tôi qua đời, tôi thường có những giấc mơ lạ kỳ: tôi thường thấy mẹ tôi ngồi trên giường ngay bên cạnh tôi - vừa vui, vừa buồn vì tôi đã “cầu được, ước thấy”. Trong nhiều năm sau đó, tôi vẫn thường được gặp mẹ tôi trong những giấc mơ và những câu chuyện trao đổi giữa mẹ con chúng tôi cũng thay đổi theo thời gian. Sau tuổi 50 thì tôi không còn mơ thấy mẹ tôi nữa nhưng trong thời gian này thì lâu lâu tôi gặp được thân phụ tôi trong những giấc mơ đầy thương yêu.

Anh lớn tôi khi phải đi cải tạo cũng đã từng được gặp mẹ trong những giấc mơ và mẹ thường báo mộng cho anh ấy biết những diễn biến sắp xảy ra. Nhờ những lần báo mộng này mà đã có lần anh ấy thoát chết vì đạn nổ khi những người tù cải tạo phải “đi làm rẫy”. Chính thân mẫu của chúng tôi cũng đã báo mộng cho anh ấy biết khi nào anh ấy được Cộng Sản thả tù và khi nào anh ấy thoát nạn phải sống với CSVN. Sau khi anh ấy đã định cư tại Hoa Kỳ thì mẹ chúng tôi không còn báo mộng cho anh ấy nữa.

Cũng vì những giấc mơ này mà vợ chồng chúng tôi muốn tìm hiểu về thế giới bên kia. Chúng tôi may mắn có cái duyên được người bà con cho xem cuốn “phim” DVD thâu lại buổi gọi hồn tại Hà Nội khi họ về thăm quê hương. Tôi chăm chú ngồi xem những cuộc đối thoại giữa người bên Cõi Âm và người bên Cõi Dương nhất là những gì đã xảy ra. Chỉ những người trong cuộc mới biết tường tận các chi tiết mà thôi và tôi đã được người bà con giải thích những chi tiết riêng tư này. Người bà con của chúng tôi rất tin về vụ gọi hồn này vì những chi tiết rất là xác thực liên quan giữa người Cõi Âm và người Cõi Dương. Điều đặc biệt là cả hai anh chị đều là hai chuyên gia và đã đi làm nhiều năm tại ngoại quốc trước khi về hưu nên khó có thể mà họ mê tín dị đoan một cách mù quáng được. Xem xong, bà xã tôi - BN- cũng rất háo hức muốn “gọi hồn” để được gặp bố mẹ và những người đã khuất khi chúng tôi về thăm Việt Nam. (Xin đón xem Phần Hai: “Gọi hồn người xưa”).

Đầu thập niên 90, một người coi tử vi và tướng số đã cho tôi biết là tôi được vong linh của một bà tổ cô đang phù hộ cho tôi rất nhiều. Ông ta khuyên tôi nên lập bàn thờ để tưởng nhớ đến bà. Tôi rất cảm động nhưng vẫn bán tín bán nghi, chả là vì rằng tôi được đào tạo trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật tại Tây Phương; tôi phải cần có được những chứng minh cụ thể là linh hồn bà tổ cô có luôn luôn theo dõi và phù hộ cho tôi hay không. Tuy nhiên tôi cũng không phủ nhận vì rằng tôi cũng có những giấc mơ kỳ lạ, nhẹ nhàng và thật tĩnh lặng trong những năm tôi sống một mình hay hai mình. Cũng nhờ những giấc mơ này mà tôi đỡ thấy lẻ loi trong những lần bất chợt tôi tỉnh giấc trong đêm khuya. Tôi không biết là có phải do mẹ tôi, bố tôi hay bà tổ cô đã về thăm hỏi và an ủi tôi? Tôi chỉ mơ hồ cảm nhận được một sự êm đềm, nhẹ nhàng trong tâm hồn mà thôi sau mỗi lần “gặp gõ” nàỵ

Anh chị P. (anh ruột tôi) và vợ chồng chúng tôi hẹn gặp nhau tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 12, năm 2005. Vợ chồng chúng tôi tới Hà Nội trước đó một ngày. Tôi đã sống tại hải ngoại từ hơn 40 năm trước đó cho nên tôi lại càng náo nức muốn đi kiếm lại những hình ảnh của Hà Nội và đất Bắc sau khi gia đình chúng tôi di cư vào Nam năm 1954.

Người ra đón chúng tôi tại phi trường Nội Bài là chú H., em con chú con bác với BN. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chú H. nhưng anh em chúng tôi rất hợp tính nhau nên tôi không cần phải “rào trước, đón sau” và chú H. bắt đầu “chạy việc” giúp chúng tôi ngay. Sau khi chúng tôi đã vào khách sạn là BN gọi điện thoại ngay cho cô đồng M. để hẹn ngày mời cô ấy từ Hải Phòng lên Hà Nội để tổ chức vụ gọi hồn cho các gia đình nội ngoại của BN, tôi, chú H., thím L.(vợ chú H.) vài ngày sau đó.

Sau khi tắm rửa xong, tôi bắt đầu đi kiếm căn nhà của bố mẹ tôi tại phố Kim Liên ngày xưa nhưng chẳng thấy nó đâu. Tôi vẫn thấy cái đường rầy xe lửa chạy trước nhà ngày xưa nhưng hỏi thăm thì chẳng ai biết tông tích được cái nhà đó. Tôi đi thăm Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Ba Mẫu gần nhà b mẹ tôi hồi đó. Cảnh vật đã đều thay đổi rất nhiều. Tôi thấy lâng lâng buồn, nhưng chắc là buồn hơn Bà Huyện Thanh Quan khi bà “bước xuống Đèo Ngang bóng xế tà ...”

Ngày 14 tháng 12, 2005 “phái đoàn” chúng tôi trèo lên xe bus về thăm làng quê chúng tôi tại Bắc Ninh. Chuyến về thăm làng quê này chúng tôi đã tổ chức qua email từ cả hơn một, hai tháng trước đó. Chú H. là người lo thuê xe và vụ ăn trưa cho “phái đoàn”. Cháu G. (gọi tôi bằng cậu), cháu Q. (gọi tôi bằng chú) bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để làm hướng dẩn viên cho chúng tôi từ Hà Nội về thăm quê cũ tại làng Me tại Phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Xe bus đi qua Gia Lâm, đi qua làng Đồng Kỵ (nổi tiếng về đồ gổ) trước khi tới làng Me. Đường đi rất chật hẹp với những con phố nhỏ bụi bậm, ồn ào và cây cối khẳng khiu vì bị mạt cưa bám đầy và khô ráo.

Xe đậu trước đình làng Me. Cái đình trông rất khang trang và mới mẻ. Tôi không nhận ra được phương hướng nữa. Cháu G. là hướng dẫn viên của chúng tôi đi từ đầu đình tới cái ngõ mà hơn 50 năm về trước, anh em tôi thường bị chó rượt trước căn nhà ở đầu ngõ.

Làng tôi bây giờ khác hẳn với cái làng trong trí nhớ của tôi với những ao bèo, cây bàng nhiều lá và vườn rau tươi mát. Bây giờ chỗ nào cũng có nhà, ồn ào và cây cối bị mạt cưa bám đầy vì phần lớn dân làng đều làm nghề thợ mộc. Những cái ao trông bây giờ thật nhỏ và chứa nước ao tù đen ngòm. Tôi thấy thất vọng nhưng đồng thời tôi cũng thấy rất vui vì đây là những hình ảnh mà tôi hằng đi lùng kiếm trong nửa thế kỷ vừa qua.

Tới đầu ngõ, chúng tôi ghé thăm nhà cụ đồ D. mà ngày xưa anh P.và tôi rất sợ con chó dữ hay rượt anh em chúng tôi mỗi khi đi qua. Anh Q. - cháu gọi cụ đồ D. bằng ông - trở thành người hướng dẫn cho chúng tôi đi thăm những nơi khác trong làng.

Anh P. và tôi đứng sững sờ trước cái cổng của gia trang mà ngày xưa chính cha mẹ chúng tôi thuê người xây cất trước khi anh em chúng tôi sinh ra đời. Cái cổng gỗ chắc nịch ngày xưa nay đã bị thay bằng cái cửa “trông chẳng ra cái cửa!” Căn nhà này ngày nay đã bị chia làm ba “hộ” cho ba gia đình cư ngụ. Họ đã lấp đất mất cái ao sau vườn để có thêm đất đai. Bụi tre sau vườn bây giờ nhỏ xíu, trông rất tội nghiệp so với cái bụi tre trong tâm thức của tôi cao vót với các tổ cò và các con cò trắng đậu trên đỉnh ngọn tre ngày xưa khi gia đình chúng tôi còn sống rất là hạnh phúc trong gia trang đó!

Hai anh em tôi đứng chụp hình trước cái cây hương đầy rêu xanh và rêu đen mà ngày xưa mẹ chúng tôi thường ra cúng vào những ngày mùng một, ngày rằm và Tết Nguyên Ðán. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi đã nối lại được cái “mạch điện” của hiện tại và dĩ vãng. “Mạch điện” này đã từng làm tôi khắc khoải. Cây hương, căn nhà còn đó nhưng chủ nhân của nó đã bỏ nhà cửa, bỏ ruộng đất, bỏ cuộc đời mà vĩnh viễn ra đi mất rồi! Tôi nghẹn ngào trong nước mắt: “Mẹ ơi, con đang về thăm nhà, thăm Bố, Mẹ đây!”

Chúng tôi đi thăm đền thờ cụ Quốc Sư Ðàm Công Hiệu (ngày xưa đã từng dạy chúa Trịnh Cương học), và đền thờ cụ Tiết Nghĩa Ðàm Thận Huy (ngày xưa đã từng là một thành viên của Tao Ðàn Nhị Thập Bát Tú đời vua Lê Thánh Tôn). Tôi cảm thấy rất gần gũi, rộn rã một niềm vui được trở về thăm quê cha đất tổ; vừa kính trọng, vừa hãnh diện về tổ tiên.

Chúng tôi vào thăm từ đường, khói hương nghi ngút. Tôi thấy hình thờ của các bác họ và nhiều người thân khác. Từ đường này là một căn nhà đã được di chuyển từ cái ngõ của đại gia đình chúng tôi. Căn nhà này nay được dùng dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của chi họ Ðàm Duy - Ðàm Trung. Anh P. và tôi thay mặt các anh chị em và con cháu tại Bắc Mỹ tặng cho từ đường một số tiền để lo cho việc cúng giỗ và tu bổ.

Ngay bên cạnh từ đường là nghĩa trang của họ nội chúng tôi. Bước vào nghĩa trang, tôi thấy lòng thanh thản lạ thường, và tôi tự nhủ: “Bôn ba chi lắm rồi cũng nằm xuống. Nhưng khi nằm xuống, hồn mình phải cảm thấy được thảnh thơi. Cái thảnh thơi này, tôi đang cảm nhận đuợc ngay tại nơi này!” Tôi đang mải chụp hình lia lịa thì nhận ngay ra được ngôi mộ lớn của Bà Tổ Cô ĐTK của tôi. Tôi gọi BN và hai vợ chồng chúng tôi thắp hương, khấn vái bà. Tôi thấy thật vui, thật nhẹ nhàng và mừng rỡ trong nội tâm. Tôi thực sự được thấy mộ bà tổ cô trong cái nghĩa địa yên tĩnh này, một điều rất bất ngờ, bất ngờ đến ngỡ ngàng! Bây giờ tôi đang có BN luôn luôn bên cạnh tôi để bù lại những ngày trống vắng của nhiều năm tháng ngày xưa. Các con của chúng tôi và của anh chị P. đã khôn lớn và bây giờ chúng đã có gia đình. Chúng tôi không còn phải quá bận tâm về con cái nữa. Hai anh em tôi được sống lại trong cái cảnh “ngày xưa thân thương“ấy mà chỉ mình hai anh em tôi mới cảm nhận được mà thôi! Chúng tôi đã thực sự về thăm được quê cha đất tổ và viếng thăm mồ mả tổ tiên, một điều mà hai anh em chúng tôi đều mong mỏi trong rất nhiều năm, thật là vui mừng biết chừng nào!

Chúng tôi vào chùa lễ Phật. Chùa này đã hơn nửa thế kỷ trước, mẹ tôi thường ra lễ chùa vào những ngày mùng một, ngày rằm hay ngày Tết. Ngôi chùa khang trang, toạ lạc trong một mảnh đất yên tĩnh. Chúng tôi tặng chùa một số tiền và ngồi ăn trưa ngay tại sân chùa. Lên xe bus về Hà Nội để buổi tối đại gia đình chúng tôi đi ăn bún ốc Hà Nội.

Quốc Tử Giám tại Hà Nội đã mang lại cho tôi một hình ảnh rất đẹp, đầy tính cách lịch sử và văn hoá cội nguồn Việt Nam. Tự nhiên tôi có cảm tưởng như hồi tôi mới 10,11 tuổi khi tôi vào thăm Văn Miếu lần đầu tiên. Tôi thích nhất là các bia đá trên đó có khắc tên các vị Tiến Sĩ tiền nhân, tôi cảm thấy hãnh diện về lòng trọng sự học hành của người Việt. Tôi ghé xem buổi trình diễn hát quan họ. Bài hát “Người ơi, người ở đừng về” làm tôi liên tưởng ngay tới mẹ tôi, cũng đã từng là một thiếu nữ Nội Duệ Cầu Lim với áo Tứ Thân và khăn mỏ quạ.

Tôi đứng lặng người nhìn cầu Thế Húc mà tôi thường lui tới trong những đêm giao thừa trước hồi 1954. Chúng tôi vào thăm đền Ngọc Sơn và cây đa trong đền là cây đa mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy lại sau nhiều năm sống xa nhà; tôi chụp hình lia lịa. “Cây đa bến cũ …” âm hưởng đó thường vang trong đầu tôi và hình ảnh đó tôi vẫn thường đi tìm kiếm, nhất là mỗi lần đi du lịch trong những nơi vùng nhiệt đới. Ở Hà Nội, tôi chỉ dám ăn bánh cuốn nóng và giò chả, ngon tuyệt nhưng tôi không dám ăn phở vì sợ bị ... quan Tào rượt đuổi.

Tới chùa Trầm tại Hà Ðông, tôi “kiếm ra” được cây sấu, cây nhãn, tượng Phật và cái thanh tịnh của Cửa Phật. Tôi thấy êm đềm, vui vẻ đến độ mừng rỡ vì tôi đã kiếm lại được những hình ảnh, những cây cối, nhất là cảnh chùa và tượng Phật, những cảm xúc mà tôi những tưởng đã bị đánh mất từ lâu.

Sapa có một cái gì rất lạ lùng nhưng lại rất là quyến rũ. Chúng tôi đích thân đi “book tour” ở Hà Nội để tìm hiểu các chuyến đi du lịch ở Việt Nam. Hãng du lịch “ruớc” chúng tôi bằng 2 cái “xe ôm” từ nhà chú H. đến nhà ga xe lửa , chính là “Ga hàng cỏ” ngày xưa gần nhà của b mẹ tôi tại phố Kim Liên . Trong xe lửa, chúng tôi được hai cái giường ngủ và tôi chọn giường trên, BN giường dưới. Chúng tôi ở cùng toa với một cặp vợ chồng trẻ người Pháp. Tôi nằm giật giờ, chẳng ngủ được, phần vì mùi dầu nồng nặc thổi qua hệ thống thông hơi trong toa xe lửa, phần vì náo nức muốn được tới Lào Cai ngay. Ngủ không được, tôi ngó qua cửa kính để ngắm phong cảnh. Trời tối mịt, lâu lâu mới thấy le lói ánh đèn điện yếu ớt. Ðôi khi, tôi thấy một ngọn đuốc dẫn đường đi cho vài người đang cùng đi bộ, ngoài ra chỉ thấy ánh đêm mà đối với riêng tôi, tôi thấy rất quý vì đó là ánh đêm Việt Nam của riêng tôi! Tôi mơ hồ cảm thấy tôi đang “mò mẫm trong bóng đêm” đi tìm kiếm những gì mà tôi đã bỏ lại trong một thời gian dài đằng đẵng, những gì mà tôi đang muốn “kiếm cho ra”.

Chúng tôi tới ga xe lửa Lào Cai vào sáng sớm và lấy xe bus về Sapa. Tuy rất mệt nhưng tôi ngồi ngay bên cạnh cửa kính xe và sẳn sàng chụp hình để ghi lại những hình ảnh có một không hai này. Cuối tháng 12, Sapa có một cái lạnh thật là lạ kỳ, chẳng giống Canada, Mỹ, Úc hay Âu Châu, nhưng tôi thấy cái lạnh này rất là quyến rũ. Các khách sạn trải cho khách một cái chăn điện trong giường để sưởi ấm thay vì cả căn phòng được sưởi ấm như tại Bắc Mỹ.

Tôi bị thu hút mê mẩn bởi phong cảnh và khí hậu Sapa trong lúc chúng tôi bắt đầu cuốc bộ khi đi “tua”. Tuy tôi thiếu ngủ nhưng tôi được đi bộ trên cao độ của đồi núi, với không khí thật trong lành, không ngột ngạt như ở Hà Nội, nên tôi cảm thấy rất khoan khoái và không hề cảm thấy buồn ngủ. Cái thú đam mê chụp hình của tôi đã được thoả mãn và trước khi trở về khách sạn, chúng tôi mua bánh chưng trong chợ Sapa. Bánh chưng ngon chưa từng thấy mà lại còn rẻ nữa. Chẳng lẻ vì tôi quá đói, quá vui hay thực sự là bánh chưng ngon? Rau cải xanh tại khách sạn ăn hoài mà chẳng thấy chán! Đã hơn một năm rồi mà tôi vẫn còn thấy vui vui, là lạ mỗi lần nghĩ tới Sapa. Tôi vẫn khẳng định là Sapa mình chỉ đến thăm hai, ba ngày rồi từ giã vì ở lâu sẽ mất cái thú của nó. Một ngày nào đó, tôi sẽ về thăm lại Sapa để xem cái cảm xúc đó nó còn như vậy không.

Xin mời quý vị xem các hình ảnh Sapa qua website dưới đây:

http://www.pbase.com/bac_ninh/sapa

Qua Internet, tôi đã được xem rất nhiều các hình ảnh của Vịnh Hạ Long từ mấy năm trước nên tôi “biết” là Hạ Long rất đẹp. Chú H. thuê riêng một cái xe nhỏ để chở BN, chú và tôi đi thăm Hạ Long. Ngồi trên xe từ Hà Nội ra Hạ Long, tôi chẳng thấy vui thú gì hết mà còn thấy sợ hãi nữa. Chả là vì đường đi đầy ổ gà mà bác tài nhà ta cứ lạng xe sang bên trái mà đi để tránh ổ gà. Tôi thấy hú hồn mỗi lần thấy các xe bus, xe vận tải lù lù tiến tới từ đằng xa! Tôi được đền bù khi vào xem các hang động và khi chèo lên thuyền đi trong Vịnh Hạ Long. Trời hơi âm u, nhưng không lạnh. Chúng tôi thuê riêng một chiếc thuyền có 24 chổ ngồi nhưng chỉ để dành riêng cho 3 anh em chúng tôi mà thôi. Tôi ra ngồi “hóng gió” trước thuyền để chụp hình cho rõ ràng trong khi BN và chú H. ngồi bên trong nói chuyện với nhau. Khí trời lành lạnh, nhưng rất dể chịu làm tôi nhớ tới nhiều bãi biển bên Úc vào những tháng mùa đông. Tôi cũng nhớ đến những bải biển tại Âu Châu, Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ mà tôi đã thăm viếng. Nhiều cảnh biển trên thế giới rất là đẹp, nhưng tôi thấy dửng dưng và tôi cảm thấy một khoảng cách giữa cảnh và tôi: tôi tới rồi tôi đi, chẳng có gì để mà lưu luyến! Tuy nhiên, trên mui thuyền tại Vịnh Hạ Long, tự nhiên tôi cảm nhận thấy rất xúc động được trở về với quê hương thực sự của tôi và nơi này rất là gần gủi với tôi. Tôi cảm thấy phần hồn tôi cũng thuộc về nơi này, thuộc về quê hương Việt Nam của tôi đã từ lâu rồi mặc dù tôi biết chắc chắn rằng tôi sẽ trở về Canada để sống hết quãng đời còn lại của tôi với các con, các cháu.

Tôi đã từng đi vào nhiều nghĩa trang tại Bắc Mỹ và những lần này tôi thấy rất yên tĩnh, yên tĩnh đến độ dửng dưng. Khi tôi vào thăm nghĩa địa gia đình bên nội của chúng tôi tại Bắc Ninh, tôi thấy rộn lên một niềm vui, những xúc cảm của một “ngày về” và của một cuộc hội ngộ đột ngột với những người thân thương nay đã quá vãng. Tôi cũng cảm thấy gần gủi với tổ tiên, với chính tôi và tôi thấy thanh thản vô cùng. Khi tôi vào thăm nghĩa địa Yên Kỳ tại Sơn Tây, tôi cảm thấy rất xa lạ, ma quái, trống vắng và có một cảm giác trong tôi thôi thúc tôi phải ra khỏi vùng đất bất ổn đó càng sớm càng tốt. Tôi cảm thấy đây không phải là “vùng đất của tôi” và tôi không hề có một ràng buộc gì với vùng đất này.

Trên đường về Nam Định thăm từ đường của giòng họ Phạm Ngọc, “phái đoàn” của chúng tôi đã viếng thăm nghĩa trang của họ Phạm. Giữa mùi hương tại một cánh đồng hoang và làn khói của nhang cắm trên các mộ thờ, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và bình an vô cùng. Tôi cảm thấy như tôi đang được trở về thăm lại những người thân, họ hàng sau khi tôi đã sống lưu vong trong rất nhiều năm. Tôi ước ao được ở lại nơi này lâu hơn để tôi được “huởng” thêm những giây phút “giao cảm” này. Tôi bước lên xe bus với cảm giác thơ thới và cảm thấy rất mãn nguyện, giống như mỗi lần tôi kiếm ra được một thứ gì mà tôi đã đánh mất vậy.

Tôi sẽ mang về lại Canada những hình ảnh, những xúc cảm của tôi với Sapa, với Vịnh Hạ Long, với những nơi tôi đã đi thăm tại Việt Nam. Cái bức tường vô hình ngăn cách giữa tôi và quê hương cội nguồn Việt Nam của tôi đã không còn tồn tại nữa. Tôi cũng sẽ chẳng luyến tiếc và u sầu nữa vì thực ra quê hương tôi vẫn còn sống trong tôi. Tôi vẫn sẽ tiếp tục đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Đi để mà tôi có thể “móc nối lại được mạch điện nội tâm” mà đã nhiều lần bị đứt đoạn tại nhiều chỗ.

Trong vòng một tuần về thăm lại quê hương tại xứ Bắc trước vụ Gọi Hồn, tôi cảm nhận thấy tôi được trở về với quê cha, đất tổ và với chính bản thân tôi. Tôi thấy tôi bị thu hút, lôi cuốn rất nhẹ nhàng, rất thân thương bởi nhiều địa danh. Tuy nhiên, tôi thấy ngẩn ngơ thương nhớ cha mẹ tôi đã phải bỏ quê hương mà vào Nam để rồi thân mẫu của tôi đã mất tại Sài Gòn vào năm 1955 và thân phụ của tôi đã mất tại Montreal, Canada vào năm 1988. Tôi ao ước có được một cuộc du lịch tâm linh để hy vọng chúng tôi có thể đối thoại được với cha mẹ, họ hàng đang sống ở “thế giới bên kia” và nhất là để tôi tự thuyết phục chính tôi rằng linh hồn con người vẫn còn tồn tại sau khi chết …

Xin xem tiếp Phần Hai: “Gọi Hồn người xưa”.

Ðàm Trung Phán

Jan.20, 2007

Canada

4 nhận xét:

Domluahong nói...

chời ơi thú quá ...bác Xẹt ơi, pờ lizzz cho tiếp phần 2 lè lẹ nhe, đlh thít bức tranh cây liễu bên bờ hồ Hòan Kiếm (?) của bác đó!

nhanh lên bác ơi....à!

đlh

Ðồ Lãng Xẹt nói...

Bác ÐLH và Quý Vị:

Tưởng rằng Bác ÐLH và HL đang "buông" trong am và bị "am khí" không cho đọc sách, đau ngờ Bác đọc ào ào, chời ơi!

Cám ơn Bác đã ... nóng ruột!
:-)))) Hóa ra Bác chưa ... buông được! Như vậy Xẹt tui khỏi cần phải dóng lên tiếng chuông ... buông Lãng Xẹt làm chi:

Forget me not when you eat hot food.

Just forget me when there is "tham, sân, si"!

He he !!!

Phâ`n 2 bị ngâm tôm vì cô đánh máy dùm bị ốm, nay bà Cai uýnh dùm. Xẹt tui sẽ edit đến ... tê mông cho xong càng sớm càng tốt.Khi xong, sẽ đưa lên Web. Có nhiều đoạn, Xẹt viết trong nước mắt vì "gặp" Bố, Mẹ, Bà Tổ Cô và anh trai đã mất. Cảm động lắm cơ, các Bác ơi!

Cây đa đó chụp trong lăng Minh Mạng hay Tự Ðức ở Huế. Tôi mê Cây Ða, Cây Si lắm . Hồi trẻ Xẹt là 1 ca^y Si hay đứng lù lù trước trường TV lă'm. Người xưa rất hiền lành nay đã vĩnh viê~n ra đi mất rồi. Khi "khôn lớn" (hay khôn dại?) Xẹt đã gặp nhiều "hoa Hồng" lă'm cưa, hoa thì ít mà ... gai thì lại nhie^`u làm chẩy máu tim dại khờ của Xẹt, ma^'t cả 10 lít máu (goat) đấy, khổ quá đi mất!
:-))))

Trong khi chơ` đợi "thai nhi" của Xẹt ra đời , xin mơ`i QV vào xem hình hình ảnh VN vâ.y:

http://www.pbase.com/bac_ninh
(Về thăm Việt Nam)

http://www.pbase.com/bac_ninh/viet_nam_an_expatriates_album
(Viet Nam quê hương tìm lại)

http://www.pbase.com/bac_ninh/ha_noi
(Ha Noi)

http://www.pbase.com/bac_ninh/sapa
(Sapa)

http://www.pbase.com/bac_ninh/bac_ninh
(Bac Ninh)

http://www.pbase.com/tamlinh/mini_reunion_2006
(Họp bạn tại Saigon - Nhóm SV Colombo Plan VN du học Úc Đại Lợi)

http://www.pbase.com/bac_ninh/ha_long (Vịnh Hạ Long)

http://www.pbase.com/bac_ninh/tam_coc_and_ha_dong
(Tam Cốc, Hà Ðông)

http://www.pbase.com/bac_ninh/hue
(Huế)

http://www.pbase.com/bac_ninh/hai_van_and_hoi_an
(Ðèo Hải Vân, Hội An)

http://www.pbase.com/bac_ninh/nha_trang
(Nha Trang)

http://www.pbase.com/bac_ninh/da_lat_nam_cat_tien
(Ðà Lạt, Nam Cát Tiên)

http://www.pbase.com/bac_ninh/saigon
(Saigon)


http://1000d.notlong.com/
(Nước non ngàn dặm ra đi - Vịt Ðư.c là "tác giả" đó!)

Have a good day!

ÐLX

Domluahong nói...

bác Xẹt ơiiiiii,XONG CHƯA???? Shốt dụt quá à...

wí mà sozi bác Xẹt, đlh mắt cập bà lời nhìn cây đa của bác ra lá liễu, nhưng sao lá nó dài phủ cả xuống mặt hồ vậy? Ừ nhỉ, nhìn kỹ gốc đa mới thấy cây này cổ thụ lắm(hay có ma ???).

híhí, bi giờ bao nhiêu lít máu (goat) còn sót lại của bác Xẹt đã được bác Cai Xẹt đem đánh tiết canh hết chơn zồi đó!!!

Bác Xẹt oi bao giờ bác viết thêm bài "Cây Si lối cũ" nhe!!!

đlh (patiently waiting for pạc tu!)

Ðồ Lãng Xẹt nói...

Bác ÐLH à:

Tui đang Edit túi bụi đây nè. Cái cô đả tự viên đang ốm đau nên Bà Cai "lên nắm chính quyền" đánh bằng 4 đầu ngón tay. "Ngài" kiểm ruyệt tứ tung làm Xẹt tui ... xẹt ra khói. Giời ơi là Giời.

Các "tuyệt tác phẩm" phải trên dưới 9 tháng mới xong, sáng nay nhà cháu chưa ăn lót dạ gì mà đã thấy bác réo làm lòng dạ nhà cháu đâm sót xa, mất thêm vài milli lít máu ... tốt ( máu tốt ấy mà! Cái trò máu 12 con lơ tơ mơ thì chết đòn, mo cau cũng chă?ng giúp được gì cho nhà cháu! Hi hi !).

Các Bác à, cái cây đó là Cây Ða . Hy vọng là nó có ma, lưỡi dài bằng cái đòn gánh. Ai mà thù oán Xẹt thì cái lưỡi ma đó sẽ liếm cho một hèo, người đó lăn queo, hết theo mà ám Xẹt. Cây Liễu cũng đẹp lắm co+ : Liễu yếu đào tơ, tuy mơ mà đã hú hồn rồi đó. Know what I mean? :-))))


To whom it may concern

Cây Si Lối Cũ,
Chết đòn Thầy U!
Bà Cai bỏ tù:
Xẹt bỏ đi ... tu!

Kín miệng, êm ru
Tha hồ ngủ bù!

-:))))

Hê't chiện,
ÐLX