Thứ Năm, 20 tháng 4, 2006

Cóc cuối tuần -- Cõng Mẹ


Nhân mùa Quốc hận, xin kính gửi đến quý anh chị con cóc làm mấy năm trước.


Dẫn:
Tháng 4 năm 1975, những ngày cuối cùng của cuộc chiến.Trong một cuốn phim thời sự ghi lại cảnh di tản kinh hoàng của người dân Việt trên các đại lộ máu từ miền Trung vào và từ Cao nguyên xuống,có xuất hiện trong ít giây ngắn ngủi hình ảnh của một ngườilính Việt Nam Cộng Hòa mặc đầy đủ quân phục tác chiến,đầu đội nón sắt, lưng cõng mẹ già di tản theo đơn vị.Có thể nói đây là một trong những hình ảnh bi hùng nhất của những ngày tàn cuộc chiến, và nó cũng cho thấy sựkhác biệt giữa con người Quốc gia và con người Cộng sản.Trong khi người Cộng sản sẵn sàng đem cha mẹ ra đấu tố, và dạy dỗ trẻ con rình rập báo cáo hành vi của cha mẹ, thì ngược lại, người lính Quốc gia không ngại gian nguy và khó khăn, cõng mẹ đi lánh nạn với đơn vị mình. Lúc đóchính phu? VNCH vẫn còn tồn tại, và quân đội VNCH vẫn chưa tan hàng; người lính chiến đó không thể làm điều này nếu không có sự cảm thông của các cấp chỉ huy đơn vị. Đẹp thay tấm lòng của người lính miền Nam.
Không biết sau cơn hồng thủy số phận của hai mẹ con người lính chiến ra sao . Phần cuối của câu chuyện được dựng lên dựa trên kết cuộc bi thảm của hàng ngàn đồng bào mình đã bỏ mạng trên đường chạy giặc. Xin kính gởi đến mọi người bài thơ "Cõng mẹ" như một lời buồn tháng Tư .



Cóc cuối tuần:

Cõng mẹ

Huế,
Đà nẵng,
Phú yên,V
và Cao nguyên thất thủ.

Bom đạn thù tuôn đổ,
Tiếng súng nổ rung trời,
Chân chạy giặc rã rời,
Xác người rơi lả tả.

Vượt qua đèo Cả,
Xuôi nga? Nha Trang,
Người dân Nam từng lớp từng hàng,
Cố chạy trốn làn sóng tràn địa ngục.

Con lộ máu, hàng vạn người lúc nhúc,
Kẻ lết đi, kẻ ngã gục ven đường.
Tiếng đạn gào dìm tiếng khóc bi thương,
Mù mịt bãi chiến trường không ranh giới .

Những người lính miền Nam trong phút cuối,
Vẫn kiên trì mở lối dẫn dân đi,
Vẫn hiên ngang thép súng vững tay ghì,
Nén phẫn uất, lầm lì xuyên lửa đạn.

Người lính chiến trên bước đường di tản,
Cõng mẹ già lánh nạn, bóng lênh khênh,
Chân thấp cao trên sỏi đá gập ghềnh,
Vành nón lá nhịp nhàng va nón sắt.

Mừng vui lên ánh mắt,
Mẹ hiền buộc chặt trên lưng,
Dù mai đây có gục ngã nửa chừng,
Cũng cùng mẹ được vùi chung nấm mộ .

Lập loè mệnh số,
Đường dài trắc trở mấp mô,
Ngọt ngào nước đục lương khô,
An lòng bữa no bữa đói .

Đoàn quân âm thầm mở lối,
Diệt chốt, bắc cầu,
Khuya sớm dãi dầu,
Đương đầu gió bão .

Đạn dày như châu chấu,
Khói cuộn tựa mây đùn.
Trong tiếng rít lạnh lùng,
Đã thoáng nghe mùi máu .

Đạn tơi màu áo,
Trên xác thân gượng gạo mỏi mòn.
Viên đạn nào cho con,
Viên đạn nào cho mẹ?

Dòng máu từ tim mẹ,
Thấm ướt đẫm lưng con.
Dòng máu từ ngực con,
Nhuộm đỏ bàn tay mẹ.
Viên đạn này cho mẹ,
Viên đạn này cho con.

Nắng tàn lê lết,
Quét lên người những vệt tang thương,
Mẹ con nằm gục chết,
Như cỏ úa bên đường.

Người lính chiến, mắt dường còn mở hé,
Cánh tay quài giữ chặt mẹ sau lưng ,
Trên dung nhan lem luốc bụi núi rừng,
Nét mãn nguyện và đau thương lẫn lộn.

Khuôn mặt mẹ, cuối một đời lận đận,
Phớt hiện lên chút thanh thản an bình,
Vòng tay khô ôm trọn xác con mình,
Đành dang dở cuộc hành trình bi thảm.

Ánh trời chiều ảm đạm,
Vết thương sạm tím màu,
Rã rời từng giọt máu bầm nâu,
Lạc lõng cố tìm nhau trong cát bụi .

Dòng máu trẻ xưa xa rời nguồn cội,
Lang thang đi khắp nửa cõi u buồn,
Trong phút giây sum họp với cội nguồn,
Cùng máu mẹ trào tuôn trên đất lạ.
x
x x
Rồi từ đấy qua bao mùa nắng hạ,
Đường kinh hoàng, cây trổ lá đơm hoa,
Vết máu xưa, mưa nắng đã xóa nhoà,
Tìm đâu thấy dấu can qua ngày trước.

Ngựa xe lũ lượt,
Đêm ngày xuôi ngược đường xưa,
Khách qua lại hững hờ,
Mấy ai còn nhớ đến,
Những ngày tàn cuộc chiến,
Có người lính Cộng Hoà,
Trên lưng cõng mẹ già,
Dặm trường xa tránh loạn,
Dập vùi cơn kiếp nạn,
Đã bỏ mạng bên đường .
Trần Văn Lương
Cali, tháng tư 2002

3 nhận xét:

Đồ Khỉ Gió nói...

Cõng mẹ cõng định mệnh buồn
Quê hương héo hắt qua truông gập gềnh
Nổi trôi sóng nước bập bềnh
Thêm bao thế-hệ lót nền bình yên.

KQĐ nói...

Kính chào "Thầy" Lương, eah ... cho anh đoán xem ai đó nhen . Nhắc nì, kí người mờ muốn làm đệ tử học chữ Hán đó . Biết rùi thì đừng có la lớn nha :)).

Bài thơ làm hôm qua, gửi chút ngậm ngùi chia sẻ với anh và các bác nơi nì (Khách Qua Đường gọi "bác" ở đây nà vì dân Bắc Cờ hay gọi nhau bằng "bác" í muh).


Góp Nhặt

Như con ốc
tôi thu mình trong vỏ
Trốn ngày dài
quên nỗi nhớ vây quanh
Muốn bỏ đi, ký ức bảo không đành
Nên vật vã quắt quay về thâu lượm

Nhặt gì đây?
Mảnh khăn đầy máu nhuộm
rớt từ tay cô gái trẻ bị thương
bởi viên đạn xước ngang khi băng đường
theo đoàn người gồng gánh nhau ra biển

Nhặt gì đây?
Quả pháo cay vừa liệng
từ bàn tay giặc ngăn chặn bước chân
chen lấn nhau níu tự do xa dần
trong khói tỏa nước mắt tràn chua xót

Nhặt gì đây?
Chiếc thẻ bài sau ót
của anh hùng mới tử trận đêm qua
bảo vệ quê hương em thơ mẹ già
cho tôi được tạ ơn người nằm xuống

Nhặt gì đây?
Trên dòng người xô cuốn
chiến hạm đầy gương mặt chất thương đau
những ngơ ngác bên trái tim nát nhàu
rời đất mẹ, tương lai chờ định hướng

Nhặt gì đây?
Tiếng súng còn âm hưởng
ánh đèn pha, tiếng gào thét trong đêm
xác vừa quăng tan nát mộng êm đềm
mẹ cố ủ giữa khoang thuyền giông bão

Nhặt gì đây?
Dấu chân trên hoang đảo
kéo lê người, té gập ướp cát nung
cháy xạm da của những kẻ khốn cùng
ôm một góc linh hồn còn sót lại

Nhặt gì đây?
Mắt thất thần hoang dại
giữa cõi đời trơ trọi một tấm thân
dựng mộ bia đi nốt quãng đường trần
khoá nhục nhằn tủi hờn người dân Việt

Nhặt gì đây?
Những bi thương thống thiết
ba mươi mốt năm buồn trắng màu tang
mốc lịch sử làm xẩy nghé tan đàn
những chia ly rã rời tìm hội tụ

Tôi nhặt nhạnh hạnh phúc
hoài không đủ
mà niềm đau lại miên viễn khôn cùng
quá khứ hoang tàn, kỷ niệm mông lung
vẫn đeo đuổi tháng năm dài thức, ngủ

Tôi ôm sẹo ký ức tuồng như cũ
đang hừng lên
nhức nhối tận buồng tim
xé toạc da vết thương ngỡ nằm im
cho rỉ máu,
lệ tuôn
hoài cố quận...

Khách Qua Đường
2042006

Đồ Khỉ Gió nói...

ĐKG rợn da gà khi đọc bài thơ này.
Không biết làm gì hơn:

Nguyện cầu Tử Sĩ Vong Linh
Hồn Linh siêu thóat u minh luân hồi
đkg.