Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

NHỮNG VẤN ÐỀ LIÊN QUAN ÐẾN GIÁO DỤC

THẢM SÁT TẠI VIRGINIA TECH

VÀ NHỮNG VẤN ÐỀ GIÁO DỤC

Ngày hôm 17 tháng 4, 2007, khi tôi đọc tin tức về vụ thảm sát tại Ðại Học Virginia Tech ở Hoa Kỳ, tôi vừa ở trong trạng thái sững sờ, vừa trở về lại với những năm tôi còn đi dậy tại Centennial College ở Canada.

Sững sờ, hãi hùng, hoang mang... là những gì mà tôi đã cảm nhận được trong lúc đọc mẩu tin đen tối này cũng như những năm tháng trước, khi tôi đọc những mẩu tin về thảm sát tại các trường trung học, cao đẳng và đại học tại Bắc Mỹ. Tôi đã có dịp gặp gỡ hàng ngàn sinh viên tuổi từ 18 đến 50 trong những năm đi dậy. Tôi đã tiếp xúc với một số sinh viên với “personalities” (tạm dịch là tính nết) rất lạ kỳ và tôi đã cảm thấy bất an những lúc tôi nghĩ tới những sinh viên “bất bình thường” này. Họ sống tách rời với bạn bè cùng lớp (loners); họ sống rất âm thầm và im lặng đến độ lầm lì (quiet); họ thường trả lời cộc lốc chỉ có “Yes” hay “No”. Chữ viết không đều đặn, nguệch ngoạc; lời văn không mấy thiện cảm mà còn có gì lạnh lùng, trách móc và oán ghét người đời nữa. Ðiểm đặc biệt là họ không muốn điền tên vào danh sách mà nhà giáo chúng tôi yêu cầu sinh viên viết vào tờ “name list” trong những lần thi tests hay những lần có những “lecture” quan trọng (điều này khá giống như vụ sát thủ Cho Seung-Hui chỉ điền tên bằng dấu chấm hỏi (?) trong cái “Name List” và được cả lớp mệnh danh là “Mr. Question Mark”). Nhà giáo chúng tôi muốn nói chuyện cởi mở để giúp đỡ sinh viên (reaching out) nhưng đối với các sinh viên lạnh lùng này, cá nhân tôi, tôi có cảm tưởng họ là những tảng băng đá!

Nhiều lần, trong phòng làm việc của tôi tại College, trong những buổi chiều tà khi mọi người đã ra về, tôi thả hồn vào những suy nghĩ vẩn vơ. Ðiều mà tôi quan tâm và lo sợ nhất: nếu lỡ có một kẻ mang súng vào lớp và nổ súng thì giáo sư và học trò trong lớp chẳng khác gì một đàn thú đang bị vây bắt và “kẻ đi săn” tha hồ mà hạ sát. Tôi không dám nghĩ tiếp nữa nhưng mà sự thực vẫn là sự thực, khổ nỗi là tôi không tìm được cách để đối phó trong trường hợp đó!

Tôi đã đặt vấn đề này với Ủy Ban An Ninh Nhà Trường (Campus Safety Committee). Chúng tôi cũng đã có nhiều buổi họp để thảo luận về vấn đề nghiêm trọng này. Nhờ vậy mà tất cả các sinh viên và nhân viên nhà trường không được phép mang súng ống vào trong trường. Nhà trường cũng không cho phép bất cứ sinh viên hay nhân viên nào được đánh lộn trong trường (zero tolerance). Tuy nhiên, mỗi Campus của College có hàng ngàn sinh viên toàn thời gian và bán thời gian (full time and part time students) thì làm sao mà họ có thể kiểm soát chặt chẽ được vấn đề võ khí này? Tôi cảm thấy bất an...

Cuối thập niên 80, một buổi sáng khi tôi lái xe vào trường, cảnh sát đã chặn đường và báo cho tôi biết có một anh chàng sinh viên đang núp trong phòng của một khách sạn ngay trước khuôn viên nhà trường và nổ súng vào bất cứ xe nào đang đi vào trong trường chúng tôi. Cũng may là không ai bị thương tích trước khi anh chàng điên kia nổ súng tự sát. Hôm đó thầy trò chúng tôi phải hoãn lại kỳ thi test và vì vậy mà cái lịch trình dậy học (teaching schedule) của thầy trò chúng tôi bị sáo trộn một cách bất ngờ.

Nhà trường cũng đã nhận được những “bomb threats” (dọacho bom nổ) nhất là trong mùa thi cử (exam giữa tháng 12 cho Học Kỳ Mùa Thu và cuối tháng Tư cho Học Kỳ Mùa Ðông). Giáo chức chúng tôi đã điên đầu vì rời lại ngày thi cuối học kỳ rất là khó khăn (vì dễ bị trùng ngày, trùng giờ thi), ngoài ra các giáo sư chúng tôi còn phải “meet the deadline” để nộp điểm cho nhà trường đúng kịp thời hạn nữa. “May mắn thay”, cái vụ dọa có bom nổ này đều là những chuyện phịa (hoax) do những sinh viên hoặc là bị bệnh tâm thần, lười biếng hay ác ý gây ra. Chưa hết, trong 2 kỳ thi Term Tests (trong một học kỳ, tiếng Anh là Semester, mỗi môn học có 2 kỳ Term Tests và 1 kỳ Final Exam), lắm “quân gian” còn đập bể cửa kính để kéo còi báo động cháy (Fire Alarm) của Campus. Một khi nghe còi báo động cháy, tất cả mọi người trong Campus phải rời khỏi phòng ốc mà ra sân trường. Báo hại cho tôi là vì tôi là một trong những “Fire Warden” nên tôi phải trở lại “căn cứ” (assigned zone) của tôi để vào từng lớp, từng phòng thí nghiệm mà “báo động di tản” cho các giáo sư và sinh viên phải mau mắn chạy ngay ra sân trường. Nhiều lần trong mùa lạnh, chúng tôi lạnh muốn chết vì không kịp mang theo áo lạnh ra ngoài sân. Ðây là cái “trò chơi trả thù đời” của những kẻ ác ý, đầu óc có phần điên dại và “anti- social” (thù oán cuộc đời).

& & &

Trong những năm gần đây, nhiều trường tiểu học tại tỉnh bang Ontario đã khuyên các phụ huynh nên để ý và dậy kèm thêm con cái ở nhà. Ðiều này tôi không lấy gì làm ngạc nhiên vì hiện trạng đã cho thấy khá nhiều các sinh viên đã học xong đại học hay cao đẳng mà tiếng Anh viết vừa sai cả chính tả lẫn văn phạm. Kết quả là những tân khoa này, nếu may mắn thì họ vẫn còn có “job” nhưng mà họ cứ dậm chân tại chỗ vì hãng xưởng không cho họ lên chức. Nhiều phụ huynh di dân (trong đó có rất nhiều nhụ huynh Việt Nam!) đã ngây thơ cho rằng con cái của họ được các thầy cô dậy dỗ từ A đến Z trong khi đó nhà trường lại đang rất kỳ vọng vào sự giúp đỡ của cha mẹ trong việc dậy dỗ thêm tại nhà!

Sau khi về hưu, tôi đã tìm hiểu nhiều sách giáo khoa cấp Tiểu Học và Trung Học để “tham quan cho biết sự tình”. Tôi nhận xét thấy chương trình học (curriculum) và nội dung (content) của các sách giáo khoa này rất hay và hiện thực (up-to-date) nhưng tiếc thay, quá nhiều học sinh không theo kịp lối dậy của thầy cô và lực học của nhiều học trò rất yếu kém khi họ lên Ðại Học hay Cao Ðẳng .

Tôi xin đối chiếu vài nhận xét cá nhân của tôi về sự khác biệt giữa học sinh Việt Nam thời tôi còn đi học và học sinh / sinh viên thời nay tại Canada. Thế hệ chúng tôi (đã trên 60 tuổi và đi học tại Miền Nam nước Việt trước hồi 1975) đã được đào tạo trong tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng tôi đã có những bài học về Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục. Chúng tôi đã học thuộc lòng Bảng Cửu Chương và thời đó chưa có TV, computer, games ... Chúng tôi thực sự được thấm nhuần tinh thần Khổng Mạnh: trọng sự học, kính trọng thầy-cô-giáo, cha mẹ và yêu mến bạn bè. Nếu chúng tôi có bị nhà trường phạt vì tội nghịch ngợm, chúng tôi tự biết nhận lỗi và chẳng dám oán giận thầy-cô. Ðời sống vật chất hồi đó của đa số chúng tôi rất nghèo so với đời sống học sinh Bắc Mỹ thời nay nhưng chúng tôi lại rất là “giầu có” về tình thầy - trò, bạn bè! Ðặc biệt là sau 40, 50 năm xa cách nhau, chúng tôi vẫn còn giữ được tình bạn bè sâu đậm của những năm đầu đời.

Thế giới văn minh thời nay tại Bắc Mỹ (và có lẽ của nhiều nơi khác nữa!) không còn chú trọng đến môn Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục và trọng sự học nữa. Học trò Tiểu Học không còn bị ép buộc phải học thuộc lòng Bảng Cửu Chương. Cũng chính vì vậy mà học trò đâm ra lúng túng khi học cách làm tính nhân, tính chia ... Chúng chỉ thích dùng cái máy tính (calculator) mà bấm ra các con số, đầu óc không chịu suy nghĩ và tự đặt câu hỏi “Tại Sao”? Vì thiếu tự tin về những điều căn bản trong môn Toán cho nên học trò đâm ra chán nản, mất tự tin khi bắt đầu học phân số, đại số ... Tôi đã từng kinh ngạc khi thấy vài sinh viên trong lớp tôi dậy Toán cho Phân Khoa Thương Mại đã làm phân số như sau:

1/2 + 1/3 = (1+1) / (2+3) = 2/5

Tôi phải gửi họ vào tự học lại phần này trong Computer Lab cho môn Toán (nhà trường cũng có Computer Lab cho môn Anh Văn).

Các nhà mô phạm tại Bắc Mỹ cho rằng một đứa trẻ, nếu nó nói được tiếng Anh thì khi lớn lên, tự nó có thể viết ra bằng tiếng Anh những gì mà nó nghĩ và nó nói được. Sự thực thì không phải là như vậy. Kinh nghiệm chấm bài của tôi đã cho thấy những câu hỏi mà học trò phải trả lời bằng tiếng Anh đã có nhiều lỗi về chính tả (spelling) và văn phạm (grammar) vì những phần này học trò không được dậy dỗ cho đến nơi đến chốn tại hai cấp Tiểu Học và Trung Học! Tôi đã kiếm ra được những cuốn sách mà nhà trường phát cho học trò (workbook) về môn Tập Làm Văn (communicating skills) rất là hay nhưng tiếc thay, học trò không được dậy kỹ càng, chỉ học lướt qua theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Một cách gián tiếp, nhà trường muốn phụ huynh phải dậy kèm thêm cho con cái của họ. Nhưng tiếc thay, rất nhiều phụ huynh không đủ khả năng để dậy thêm cho con cái của họ, trừ khi chính họ cũng là những nhà giáo hay những người còn nhớ được những môn học của cấp Tiểu học và Trung Học!

Tôi đã từng có những nỗi khổ tâm khi giảng bài. Tôi đã phải dùng Toán Học để giảng giải một số bài tập cho học trò trong nhiều môn kỹ thuật (technical subjects). Những đoạn nào dính dáng đến phần Toán từ lớp 10 trở lên là tôi hay bị một số sinh viên phê bình rất “kỹ càng”:

- Thầy giảng gì mà em không hiểu!

Thật ra “em không hiểu” vì em đã mất căn bản từ những năm Tiểu Học và Trung Học về môn Toán. Kết cuộc, tôi phải dậy ôn lại (crash course) phần Toán mà tôi đang áp dụng trong những môn kỹ thuật, dậy theo kiểu “mì ăn liền” cho đỡ tốn thì giờ của môn tôi đang dậy! Tôi cảm thấy mệt mỏi, mất hứng thú khi tôi chấm những câu trả lời bằng Anh Ngữ viết bất thành cú của học trò. Hồi mới đi dậy, tôi còn ngây thơ ngồi sửa lại phần Anh Văn cho học trò nhưng rồi càng ngày, số sinh viên trong lớp càng đông vì nhà trường thâu nhận thêm nhiều sinh viên để “tăng ngân sách”. Tôi không còn đủ thì giờ mà “sửa-Anh-Văn-làm-việc-nghĩa” nữa nên chỉ viết “English!” để ra hiệu cho học trò biết họ phải tự ý sửa lại phần Anh Văn. Tôi bị khựng lại với câu hỏi này: “Tôi chấm Anh Văn hay là tôi đang chấm phần nội dung của câu trả lời trong môn kỹ thuật”? Chấm bài xong, tôi thấy mệt nhoài, nhiều khi váng cái đầu, đó là chưa kể đến những lần tôi bị học trò than phiền: - Thầy chấm bài của em quá nghiêm khắc, bài của em lẽ ra phải được điểm A hay A+ mới đúng!

Tôi chỉ biết nở một nụ cười méo mó, lắc đầu và chẳng nói gì.

Chắc vì các môn Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục không còn được dậy nữa, cho nên học trò tại Bắc Mỹ (và có lẽ học trò nhiều nước khác trên thế giới?) đã quen với lối sống cá nhân chủ nghĩa đến độ ích kỷ, vì vậy mà tinh thần vị tha hầu như đã bị lãng quên trong không khí nhà trường. Tôi thấy nhớ tiếc tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn” đã được tiềm ẩn trong văn hóa Việt Nam từ đời này sang đời khác. Nhiều nhà mô phạm tại Canada nhận thức được những điều sai lầm và thiếu sót của chương trình học nhất là cách dậy dỗ trong trường cho nên trong những lần phụ huynh gặp gỡ các thầy cô, họ đã khuyến cáo các phụ huynh nên dành nhiều thời giờ để theo dõi và dậy thêm con cái của họ tại nhà. Tôi cũng quan tâm tới vấn đề này và tôi đã viết bài “Hướng dẫn con cái trong việc học hành” dưới đây:

http://cvatoronto.blogspot.com/2007/04/hng-dn-con-ci.html

Con cái được cha mẹ hướng dẫn đàng hoàng không những sẽ tránh được những tai hoạ cho gia đình, xã hội mà còn đạt được những thành tích học hành rất sáng giá. Theo hai tác giả Soo Kim Abboud và Jane Kim, mặc dù người Hoa Kỳ gốc Á Châu chỉ chiếm 4% dân số Hoa Kỳ nhưng trong những đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, sinh viên gốc Á Châu đã chiếm tỉ lệ 24% tại Ðại Học Stanford, 18% tại Ðại Học Harvard, 25% tại Ðại Học Columbia, 25% tại Ðại Học Cornell. Lý do chính của sự thành công này là vì người Hoa Kỳ gốc Á Châu rất trọng đời sống gia đình trong đó mỗi thành viên đều có nhiệm vụ rõ ràng. Người cha có nhiệm vụ đi kiếm tiền nuôi gia đình nhưng lại trở thành một nhà giáo dậy con cái buổi tối. Người mẹ trông nom phần tài chính và cai quản việc nhà cửa, gia đình nhưng buổi tối cũng trở thành cô giáo dậy dỗ con cái. Con cái biết tôn trọng ông bà và những người lớn tuổi. Chúng phải chăm lo việc học hành để có tương lai tốt đẹp. Con cái cũng phải phụ giúp cha mẹ trong công việc dọn dẹp nhà cửa và không được phép coi TV, chơi Computer games, vào Internet, đi chơi ... quá nhiều. Các cha mẹ gốc Á châu này rất quý trọng việc học, kính trọng thầy cô và cùng chung sức với nhà trường trong việc dậy dỗ con cái của họ. Họ tạo không khí vui tươi và cùng ngồi xuống giúp con cái trong lúc chúng ngồi học nhất là khi chúng còn nhỏ.

Tôi thấy vui thú khi đọc bài viết của hai nữ tác giả này. Vui mới được 2 ngày thì nhận được tin về hung thủ Cho Seung-Hui đã nổ súng giết 32 người tại Ðại Học Virginia Tech. Ðiều không thể ngờ được là hắn cũng là một người Hoa Kỳ gốc Á Châu mà lại đi ngược chiều hướng những điều mà hai nữ tác giả đã nêu ra trong bài viết về sự thành công của người Á Châu tại Hoa Kỳ. Tôi chỉ biết lắc đầu và tự hỏi: “Tại sao”? Thôi thì cứ coi như hắn là tên điên khùng và đang sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương vậy!

Xin đốt nén hương lòng cho những nạn nhân của vụ thảm sát tại Virginia Tech. Trách nhiệm này là của ai? Chẳng lẽ đây là mệnh trời đang đánh một tiếng chuông như để thức tỉnh lương tâm nhân loại đang đắm chìm trong cơn mơ muội với vũ khí và bạo lực của nền văn minh nhân loại?

Ðàm Trung Phán

Giáo Sư về hưu

Canada

April19, 2007

Tài liệu tham khảo:

http://www.greatschools.net/cgi-bin/showarticle/ca/933?cpn=20070404pa1

Không có nhận xét nào: