Thứ Hai, 9 tháng 10, 2006

TIE^'NG QUE^HU+O+NG

Nghe Ý Lan hát bài “” Quê Hương “” , nghe Diễm Liên với “” Nhớ SàiGo``n “”, DL xin gởi một bài thơ :

TIẾNG QUÊ HƯƠNG

Là tiếng sóng vỗ mạn xuồng đêm đi biển
Cha ra khơi mùa gió bấc lạnh căm
Đời gắn chặt mãnh đất chài nhỏ bé
Mặc ngoài kia xuôi ngược,thăng trầm

Là tiếng hát, lời ru đưa của mẹ
Thưở nằm nôi vang vọng điệu ầu ơ
“” Tàu síp lê một còn thương còn nhớ
Tàu síp lê hai còn đợi còn chờ ….””

Là tiếng võng đưa buổi trưa hè kẽo kẹt
Tiếng sáo diều cao vút buổi chiều êm
Đêm gió mát tròn trăng nghe cổ tích
Ngày rong chơi chạy nhảy bước chân chim

Là tiếng thước gõ mặt bàn thầy nhịp
Thưở đến trường làm bạn giấy trắng mực xanh
Dăm ba chữ tập đánh vần bỏ dấu
O thì tròn , ô đội mũ ,dấu huyền ngang

Là tiếng râm ran lũ ve sầu mùa hạ
Hàng phượng cao lửa rực đỏ sân trường
Mùa tạm biệt viết đôi dòng lưu bút
Chuyện ngày xanh ghi đậm nét mến thương

Là tiếng “” solex “” em về vang hẽm nhỏ
Áo trắng nữ sinh sáng cả cuộc đời
Đêm thao thức làm thơ ôm mộng mị
Ngày nôn nao chờ thấy một nụ cười

Đã xa lắc xa lơ âm thanh ngày cũ
Những tiếng xưa một thưở ấm tình thương
Trời đất khách nghe như trời cố quốc
Bởi vì lòng còn vọng tiếng quê hương

Lâm hoài Thi

5 nhận xét:

Ðồ Lãng Xẹt nói...

ÐL, LAK và Quý Vị :

Tôi xin viết đôi hàng về “Tiếng Gọi Quê Hương” . Năm ngoái, 2005, sau khi xa VN đã 44 năm, tôi quyết định về thăm quê hương, nhất là nơi tôi sinh trưởng tại Bắc Ninh.

Ðời tôi có thể ví như là một hòn đá suốt đời bị lăn lộn từ nơi này sang nơi khác, từ diễn biến này sang diễn biến khác! Sáu tuổi đầu, tôi phải đi chạy loạn với thân phụ và phải xa mẹ tôi. Bẩy tuổi, tôi phải chứng kiến cảnh Tây về làng và trói thân phụ tôi bắt giam vào tù. Tám tuổi, tôi được gửi lên Phúc Yên theo thân phụ đi học sau khi thân phụ tôi được Tây thả tự do để đi dậy học. Gia đình được thực sự đoàn tụ 2 năm tại Hà Nội rồi sau đó, ở tuổi 12 thì gia đình chúng tôi di cư vào Nam. Ở tuổi 13 , năm 1955, thân mẫu chúng tôi qua đời lúc bà 50 tuổi để lại những chuỗi ngày trống không trong hồn tôi. 19 tuổi, tôi ra di biền biệt để lại Saigon một ông bố già và đứa em trai út mới 13 tuổi đầu . Tôi đã phải ngụp lặn với sách vở của ngành Kỹ Sư, với Anh Văn của người Úc, với văn hóa Tây Phương, với những tin tức tàn phá về chiến sự VN... Có những nỗi nhớ nhà, nhớ văn hóa VN, nhớ những tình cảm của người Việt ... Nhớ lắm, nhớ da diết!!

Tôi đã xem trên màn hình TV tại Sydney các tin tức về Tết Mậu Thân, đâu đâu cũng thấy VC: Saigon, Huế, các tỉnh Miền Nam, các tỉnh Miền Trung ... Thảm thương nhất là cảnh những người vợ trẻ khóc chồng bên nấm mồ cỏ chưa kịp mọc cùng với đàn con nheo nhóc. Trong bối cảnh này, tôi đã nộp đơn đi Canada cùng với một bà vợ vừa mới cưới được 5 tháng.

Canada vào những năm 1969 tới 1975 thật là tẻ lạnh, tẻ lạnh đến băng giá luôn: thành phố Toronto có chừng lèo tèo 50 người Việt mà thôi . Tôi phải làm việc như chết ở tuổi 28 vì mới vào nghề đi dậy, công việc ngập đầu: sách vở, dụng cụ, soạn bài ... Có những đêm, sau khi đã tạm lo xong cho công việc, chạnh nhớ tới thân phụ tôi đang mong tin tôi, tôi đã từng bị cơn đau bao tử nó hành. Một đi không trở lại! Cái nghịch lý của cuộc đời là chính thân phụ tôi đã khuyên tôi phải tìm cách ở lại ngoại quốc bằng bất cứ giá nào. Phần thiệt thòi nhớ con trai thì người cắn răng chịu đựng . Tôi chỉ thấu hiểu phần hy sinh và chịu đựng của Cụ sau khi tôi đã có con và cảm nhận được tình cha mẹ yêu thương con cái như thế nào.

Ðầu tháng 5 năm 1975, tôi nhận được một cú phôn báo cho biết là thân phụ tôi cùng chú em trai út và anh tôi đang ở Camp Pendleton Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được, ướt mi vì vừa được gặp được gia đình nên gia đình tôi cũng như biết bao gia đình khác bị tạm thời “mất quê hương”!

Tôi những tưởng sẽ được ở với thân phụ tôi đến mãn đời Cụ, đã tưởng “có” mà rồi lại “không” . Ðiều sướng nhất cho tôi là những lúc nào phần hồn tôi bị giao động mạnh mẽ thì trong những giấc ngủ, Cụ luôn luôn xuất hiện bên tôi để trấn an cho tôi. Còn cảm động hơn nữa là trong chuyến về thăm Hà Nội và Bắc Ninh năm 2005, cha mẹ tôi đã về nói truyện với tôi trong Chuyến Gọi Hồn . Cách xưng hô (Bố và Mẹ) và những chi tiết của buổi nói truyện này thì chỉ có Bố, Mẹ tôi và tôi mới biết mà thôi : chính xác 100% . Tôi cảm nhận được lòng yêu thương của hai đấng sinh thành và các Cụ luôn luôn sống gần với con, cháu và chắt!

Sau những diễn biến này, tôi rút tỉa được kinh nghiệm sau đây. Quê hương chúng ta là gỉ? Là VN ư? Tôi nghĩ không hoàn toàn là vậy . Chúng ta sinh ra tại VN nhưng chúng ta là những hạt giống VN được đem đi reo mầm tại rất nhiều nơi trên thế giới và tạo nên rất nhiều “Viet Nam away from Viet Nam”. Chúng ta còn giữ được Văn Hoá VN thì chẳng bao giờ chúng ta “mất quê hương” VN của chúng ta cả .

Quê hương của tôi là Việt Nam và Canada . Canada đã đem lại cho tôi sự bình an và là nơi chốn mà tôi đã có con, cháu của tôi và những thế hệ nối tiếp tại hải ngoại này sẽ là những chi nhánh VN để thế giới biết thực sự người Việt của chúng ta như thế nào khi chúng ta thực sự được sống trong tự do, dân chủ, an lành và nhân đạo .

Văn Khoa
Oct. 10, 2006

Hương Mai nói...

Anh Xẹt mến ( cho HM gọi nhe ) , cám ơn anh đã viết về anh và tâm sự của anh . HM rất cảm động khi đọc đoản văn của anh . Rất gần gủi in hình như lời tâm sự của anh đang gởi tới các bạn . Cám ơn anh nhiều nhe bác Xẹt ..
Mến
HM

Hương Mai nói...

Anh ĐL ơi, HM hông ngờ chỉ có 2 bản nhạc mà làm anh mượn bài thơ nói lên một thời niên thiếu dường như của chính anh gởi đến cho các bạn . HM sẽ ráng tìm kiếm những bài nhạc hay để gởi tặng anh và các bạn nhe . Dạo nầy HM bận nên ít có post, nhưng vẫn scan emails để thoi dõi các anh , các chị và các bạn tâm sự . Khi nào rảnh HM sẽ tham gia nhiều hơn .
Mến
HM

lam hoai thi nói...

Gởi Bác DLX,
Rất cãm động khi đọc được đoản văn của Bác . ĐL cũng nghĩ còn văn hóa VN là còn VN dù ở bất cứ nơi nào .
Gởi HM,
Đl rất mong HM post thêm nhạc để các bạn cùng thưởng thức , cùng đấu hót nhau cho vui .
ĐL

Hương Mai nói...

Anh ĐL ơi, HM sẽ ráng kiếm thêm nhạc hay hay để post cho anh và các anh chị, các bạn thưởng thức nhe .
Mến
HM