Thứ Ba, 24 tháng 10, 2006

TÔI PHẢI SỐNG, LM. NGUYỄN HỮU LỄ

Lm. Trần Cao Tường

TÔI PHẢI SỐNG, LM. NGUYỄN HỮU LỄ
Mùa thu đến, lá mùa thu úa vàng rơi lả tả trong gió lạnh. Lá nào mất, lá nào còn? Mỗi chiếc lá thu rơi như một công án phá vỡ "breakthrough" cái màn vô minh, phá vỡ cái vô thường, nổ tung cái hữu hạn của một kiếp người, nổ tung cái thành trì tưởng rằng đỉnh cao với những so đo thắng thua hơn thiệt, miếng to miếng bé, để mở ra một khoảng trống mênh mang, để mở ra một nhãn quan mới trong một tầm nhìn mới. Mỗi chiếc lá thu rơi gợi lên những bâng khuâng, những trăn trở, những bồng bềnh xa vắng...

Bao nhiêu người đã nằm xuống, mà tôi vẫn còn sống. Có liên hệ gì đến tôi không? Tôi phải sống? Bạn phải sống? Sống mà làm gì? Sao chúng ta lại vẫn hiện hữu trên mặt đất này? Phải có một mục đích và một lý do nào chứ?!

Sống trên đời nhiều chuyện ghê gớm quá,

Vậy mà ta sống có kỳ không?

(thơ Tô Thùy Yên)

TỪ ĐÁY CÙNG ĐỊA NGỤC ĐEN KHỦNG KHIẾP


Đấy, tôi phải vòng vo một chút vậy để diễn tả cái xúc động không sao diễn tả được của tôi khi gặp lại linh mục Nguyễn Hữu Lễ bằng xương bằng thịt người (chứ không phải hình ảnh một con thú vật đang bị hành hạ vẫn lởn vởn trong đầu), và dự buổi ra mắt sách "Tôi Phải Sống." Cách đây cả mười năm gì đó, trên chuyến máy bay từ California về New Orleans, tôi đã đọc một loạt bài viết "Một Vấn Đề của Lương Tâm" (tức chương 7, chương 8 và chương 9 trong sách "Tôi Phải Sống" bây giờ). Từ đó tôi cứ bị ám ảnh hoài, như một tiếng nghẹn trong đời không sao phát ra được lời, về hình ảnh một linh mục bị một bộ máy theo đúng bài bản cố ý biến con người thành khốn nạn hơn những con vật, trần truồng giẫy giụa nhiều năm trong cõi đen kịt đáy cùng địa ngục khủng khiếp nhất của một kiếp người. Cái bộ máy huấn luyện này quái gở đến nỗi có thể biến cả một con chiên hiền thành một con sói dữ, khi dùng cái bao tử để chôn sống tinh thần, tạo ra được một cõi ác để tước đoạt lẽ sống khi "tước đoạt quyền hy vọng là lý do sống của con người." (trang 596).

"Khi con người sống chen chúc nhau trong cảnh khốn cùng, đói khát và tuyệt vọng trong thời gian dài hơn chục năm trời, đã cho tôi rút được bài học sau đây: "Lòng nhân đạo của con người có giới hạn, nhưng sự ác độc của loài người thì vô tận, nhất là khi sự ác độc đó được dung dưỡng bởi hoàn cảnh xấu xa." (trang 597)

Cuốn sách dày 650 trang với cái hình bìa rất gợi cảm nói lên tất cả nội dung bên trong. Cái màu đen kịt thật rùng rợn. Màu đen của chết chóc. Màu đen của hận thù. Màu đen của tuyệt vọng, của đường hầm tối dài vô tận không một kẽ sáng, không một lối thoát. Màu đen khủng khiếp này đang muốn nuốt chửng cả mấy cái bông hoa hướng dương có vẻ đang rũ héo cố hút lấy một vài giọt nước cuối cùng để sống còn giữa một vũng máu đỏ.

Tôi mở cuốn sách với cái cảm giác màu đen ghê rợn này. Rùng mình. Nổi da gà. Bị hút thật mạnh, tôi đọc một hơi từ trang đầu đến trang cuối cùng, không bỏ sót một hàng. Rôì lại đọc lại, chầm chậm, giữa hai hàng chữ. Tôi ít khi đọc một cuốn sách nào kiểu như thế. Thử tập đặt mình một phần nào vào chính cái rung cảm của người viết qua những "chặng đường thương khó" của đất nước mình từ những ngày hống hách của những người Tây thống trị và cái vòng đai những tai to mặt lớn trâng tráo bất công đè nén người dân quê thấp cổ bé miệng, đến những cái xác bị mổ bụng trôi sông mà trẻ con miền thơ ấu gọi là "thằng chổng." Tôi chảy nước mắt.

Tôi biết nhiều người đọc "Tôi Phải Sống" đã khóc. Không phải chỉ thương người viết, thương bao người bị tù đầy trong tuyệt vọng, mà thương cả cái dân tộc khổ đau quằn quại của mình. Đầy máu. Đầy nước mắt. Người mình bị các thế lực xâu xé hành hạ, rồi các "ông thần nhiều râu" đến từ phương tây lại dạy cho người mình biết đỉnh cao mà hành hạ nhau, chú Sáu giết dượng Tư anh em trong nhà, móc mắt nhau, mổ bụng nhau, chặt đầu nhau, chôn sống nhau, làm lễ vật tế "thần nhiều râu." Râu đỏ lẫn râu xanh. Bị đẩy vào những hệ thống, như những móc xích, cứ thế mà chạy, không sao ra khỏi, không cần dùng đầu nữa, chất nhân tính biến mất dần, lòng nhân ái và cái tâm lương thiện bị đui chột dần!

Chả lẽ dân tộc mình đã đến thời mạt vận hết đường ngóc đầu lên được?! Chả lẽ dân tộc mình cứ mãi phải nuốt nhục cúi đầu trước cộng đồng nhân loại đang tiến quá xa về mọi phương diện?! Nghe những vụ buôn con gái Việt Nam sang Tàu mà đau. Con mình đấy chứ, cháu mình cả đấy chứ!!!

"Cuối cùng rồi trên quê huơng ta đã im tiếng súng, nhưng trong lòng dân tộc Việt nam cuộc chiến vẫn chưa tàn. Một điều trớ trêu là mặc dù đã im tiếng súng nhưng cuộc chiến đó không có kẻ thắng mà chỉ có những người thua. Những người thua cuộc chính là toàn thể dân tộc Việt nam.” (trang 605)

ĐẾN THỊ KIẾN PHỤC SINH

Từ lâu tôi vẫn nghĩ, thế nào rối từ những đầy đọa cùng tột, từ những xâu xé tương tàn phi lý ghi đậm một vết nhơ nhất của lịch sử dân tộc mình, cũng sẽ nẩy sinh ra những tác phẩm lớn, có sức bật sáng và đánh thức, mở cửa thay chuyển cả một hướng đi, và hồi sinh như bông hoa hướng dương mọc lên từ nấm mồ thối tha và đen kịt.

Cuộc tái lập quốc cuả dân Do Thái vào năm 1948 đã chỉ thành hình từ một cuốn sách mỏng cuả Herzl: Quốc Gia Do Thái. Cuốn sách này manh nha từ cuối thế kỷ 19 tại Âu châu, đã là linh hồn cho phong trào Sion phục hưng đất nước.

Nhưng cái tinh thần này lại bắt nguồn tự Bộ Kinh Dân Tộc của họ, mà bây giờ đã là một phần của Cựu Ước trong Bộ Kinh Thánh của Đạo Chúa. Điển hình là Thị Kiến Phục Sinh của tiên tri Ezekiel trong cảnh lưu đày thảm khốc vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.

Không ai có thể tin nổi trạng huống của dân Do Thái lưu đầy bi thảm và tuyệt vọng như một đống xương khô nằm rải rác khắp cánh đồng như kiểu ”Killing Fields” mà lại có một chút hy vọng nào được!

Thế mà tiên tri Ezekiel và đám môn đệ của ông đã dám tin vào một cuộc phục sinh Do Thái. Sở dĩ ông có niềm tin ấy là vì dưới con mắt ông, Đấng Toàn Năng vẫn đang dẫn đầu cuộc hành trình của dân tộc ông, mặc dầu đang đi qua đêm đen hãi hùng, đang mò mẫm qua vùng mồ mả đầy xác chết và xương trắng ngổn ngang.

Lịch sử của dân tộc Do Thái phải có một ý nghĩa, mặc dù dưới con mắt của nhiều người là phi lý chán chường. Cái hướng lịch sử này đang được mở tới theo một con đường huyền bí, nói theo kiểu người mình là do Ông Trời xếp đặt, đúng thời, đúng điểm.

Ta về ta dựng mây lên

Trời xe mây lại một bên hòn Lèn.

Ðã đến thời điểm chiếc xe lịch sử chuyển bánh thì không một sức mạnh nào cản ngăn được nữa. Ezekiel đã thành công trong việc khắc sâu niềm tin này vào tâm khảm những kẻ lưu đầy khi họ phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc họ:

Tay quyền phép Ðức Giavê chạm đến,

Thần Khí Người chợt giáng xuống mênh mông,

Ngài đem tôi đặt chính giữa cánh đồng,

Ôi ghê rợn đầy xương khô rải rác.

Ngài hỏi tôi ”Xương có nhập với xác?”

Tôi trả lời ”Ngài biết rất tỏ tường”.

Rồi bảo tôi ”truyền sấm chỉ trên xương,

Ta cho chúng Thần Linh và sức sống.

Ta cho gân là sinh lực chuyển động,

Ta cho thịt mọc lấp kín xương người,

Ta căng da và khí lực bởi trời,

Cho dương sức chúng trở về cõi thế.

Ðể chúng biết một mình Ta Chúa Tể”

Vâng lời Ngài tôi tuyên sấm trên xương,

Sấm truyền xong, kìa huyên náo lạ thường,

Các bộ xương đã từ từ ráp nối,

Cả thịt da mọc đùn lên tựa thổi,

Nhưng vẫn là những đống xác vô tri.

Ngài lại bảo ”Truyền sấm đến tử thi,

Ðể Thần Khí Ta nhập vào xác ấy”.

Dứt lời truyền, cả đoàn người đứng dậy,

Ðông đảo thay người người sát vai chen.

Ngài bảo ”Ðó toàn thể Israel,

Ta cho chúng phục sinh từ cõi chết.”

Chúng nhủ thầm ”Xương héo khô gần hết,

Hy vọng gì sắp mục nát tiêu ma.”

Ngài bảo chúng ”Ta mở mộ ngươi ra,

Cứu ngươi sống làm dân Ta tuyển chọn,

Ðưa ngươi đến đất lành Ta đã chọn,

Nơi sữa mật triền miên chảy không ngơi,

Cho Thần Lực nguyên khí sống muôn đời,

Ta thi hành lời sấm truyền đã hứa.

(Ezekiel 37:1-14; Hoàng Vũ chuyển thành thơ)

Quả thực, người Do Thái đã dựng lại quê hương của họ từ một niềm tin, từ một Bộ Kinh Tin làm nên Bộ Kinh Dân Tộc của họ. Và người diễn lên viễn tượng cho một cuộc dựng lại quê hương chính là Ezekiel.

HOA ƠI TÊN GÌ CÓ PHẢI HOA HƯỚNG DƯƠNG?

Cách đây mấy năm, nhạc sĩ Phạm Duy trong "Ngụ Ngôn Mùa Xuân" đã thấy một viễn kiến một người đội khăn tang đi chôn xác. Cả triệu xác chết không phải là phi lý, nhưng đang thành hoa màu cho muà xuân mới của dân tộc. Người đội khăn tang cũng đang chôn luôn các chủ nghĩa giết người, chôn "cả tội hèn của chúng ta." Tiếng hát Thái Hiền rất truyền cảm đang vang lên êm ả như một lời vỗ về ru con, ru những trẻ em bất hạnh trên khắp nẻo đường quê hương.

Người đi trong mùa đông

đội khăn tang mang tình thương

theo người phu đi vùi lấp mộ phần...

Chôn mộ xong nghe mùa xuân đang rộn rã tới gần.

Mai đây nấm mồ một nụ vàng sẽ hé

Hoa ơi tên gì có phải hoa hướng dương?

Hoa ơi tên gì hoa tình yêu đó em.

Phải đọc tới Cuối Chuyện, người ta mới thấy được khá rõ điều tác giả muốn nói trong suốt những bước ngoặt ngoèo tại sao "Tôi Phải Sống." Toàn tập Bút Ký rất giá trị này không chỉ nhằm nói lên cõi ác tối đen thăm thẳm trong những năm tù đầy của mình và của biết bao người như nhiều người đã nói, mặc dù rất khủng khiếp, nhưng chính là để cho thấy sự vượt thắng của cái Thiện, của Nhân Ái, của Thứ Tha, của Tình Thương của Đấng vẫn dẫn đầu hướng đi lịch sử đời mình và của cả dân tộc. Chính chất Nhân Ái này mới có đủ nhựa sống làm hồi sinh những bông hoa hướng dương kia, mà mới là chất keo gắn liền tình dân tộc, mở ra viễn kiến chung cho dân tộc. Chính bông Hoa Tình Yêu luôn hướng về Mặt Trời mới có thể còn chất sống mà vươn lên.

"Trước tiên, về phương diện tôn giáo, trong cảnh khốn cùng đó, tôi nhận thấy vai trò của một linh mục thật vô cùng cần thiết để mang lại tình thương và niềm hy vọng trong khung cảnh mà hai thứ giá trị này rất hiếm, nếu không muốn nói là không có. Chính tình yêu và niềm hy vọng của chân lý Phúc Âm đã cho tôi điểm tựa và tôi chia sẻ hồng ân này với các bạn tù mà tôi có dịp sống chung. Tôi nghĩ rằng, trong môi trường tù ngục đọa đầy đó, tôi đã sống sứ mệnh linh mục có nhiều kết quả hơn sáu năm trước ngày tôi vào tù... Hơn nữa, qua biến cố xảy ra tưởng như vô tình, nhưng sau này, tôi nhận ra đó chính là sự quan phòng của Thiên Chúa, và tôi luôn nghĩ rằng, trong hết mọi hoàn cảnh, luôn có bàn tay Thiên Chúa che chở cuộc đời tôi." (trang 595)

"Không bao giờ oán trách con người, không bao giờ thù hận con người, không bao giờ tiêu diệt con người, nhưng phải bằng mọi cách loại bỏ bất cứ chế độ xấu xa nào đã khuyến khích và dung dưỡng sự hận thù giữa người với người, và thay vào đó một xã hội lành mạnh để con người được phát triển phần Lương Thiện của mình.” "Không một chế độ nào dùng họng súng và nhà tù để cai trị mà vững bền được, chỉ có lòng nhân mới cảm hóa con người."

Như thế "Tôi Phải Sống" không phải là một tập bút ký mang màu sắc chính trị nào cả, mà là một lời chứng hùng hồn về sức mạnh của Tình Thương thắng được bạo tàn, mở ra một viễn kiến về một bình minh dân tộc, vượt lên trên được mọi xung khắc để góp phần khai triển bộ Kinh Tin dân tộc.

"KHI CON NGƯỜI TÌM RA LẼ SỐNG." (Man's Search For Meaning)

Từ trong trại "tập trung sát tế" thời Đức Quốc Xã, Viktor Frankl đã tìm ra lẽ sống còn và giúp nhiều bạn tù Do Thái đứng vững giữa những đấy đọa tột cùng. Frankl bị mất hết người thân trong gia đình, thân xác bị lột trần, nhân phẩm bị tước đoạt, mà vẫn còn là mình, mà vẫn cứ là mình. Và ông đã để lại cho nhân loại một cuốn sách mỏng nhưng mang giá trị siêu việt về tâm lý, tâm linh và giáo khoa. Đó là cuốn "Khi Con Người Tìm Ra Lẽ Sống," (Man's Search For Meaning) với khám phá về Logotherapy.

Khám phá đó là: Con người khác con vật ở chổ biết tự thức về bản ngã của mình, mang tự do căn bản để chọn lựa thái độ sống mình vẫn cứ là mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi mọi thứ quyền khác bị tước đoạt thì mình vẫn còn cái quyền căn bản đó. Và khi con người đã tìm ra lý do để sống, thì không một quyền lực nào hay hoàn cảnh nghiệt ngã nào lay chuyển nổi. Sở dĩ có những người phải tự tử vì thấy đời buồn chán, phi lý và tẻ lạnh. Hãy bắt đầu làm một cái gì cho mình và giúp người khác được thì tìm ra được lẽ sống. Stephen Covey đã áp dụng thành công vào trong chương trình "The Seven Habits of Highly Effective People" rất nổi tiếng ngày nay.

So sánh như vậy ta mới thấy "Tôi Phải Sống" quả là một tác phẩm lớn và giá trị về văn chương cũng như đường hướng. Chuyện kể của Viktor Frankl rất khô khan và đầy tính lý luận. Đang khi "Tôi Phải Sống" lại rất sống động hào hứng đọc mà không rời ra nổi. Những chuyện "ngày xưa còn bé" kể lại lần đầu được đi Sài gòn thì tuyệt quá. Tôi có cảm tưởng chuyện "Tô Phở Đầu Đời" hay hơn Phở Tráng trong Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng xa. Hạnh phúc dân mình giản đơn vậy đó mà người ta lại đưa cho bánh vẽ cùng với những trái bom. Nhiều người đọc "Tôi Phải Sống" với một cung cách hơi lạ đời: cứ xụt xùi thương cảm khóc một hồi rồi lại phá ra cười. Cái cười thật tinh vi hóm hỉnh lẫn xả láng. Cười xong rồi lại khóc! Khổ sở vậy đấy mà cứ phải đọc!

Trong "Tôi Phả Sống," nhiều lần những tù nhân khốn khổ đã dùng những cái cười để gọi là ngạo nghễ "cười vào mặt nhân gian." Cười để thấy rằng những người đang hành hạ mình thực ra chẳng có quyền gì trên mình cả, mà chỉ là những kẻ mê muội đáng tội nghiệp. Như chuyện Lm. Phạm Quý Hòa "bị ngựa đá," chuyện Lm. Trần Văn Nghị vì quá thương tình cho anh em một cái khăn tay mà bị đánh nhừ tử rồi bị cùm bảy ngày đêm. Thế mà vẫn nhe răng cười hề hề...

Một khi đã thấy được lẽ để sống, thấy được một sứ mạng để đi tới thì không gì chế ngự được nữa. Đó là trường hợp khi 28 anh em linh mục được thả về mà tác giả phải ở lại một mình. Cái cảm giác bị bỏ rơi cô đơn tuyệt vọng quá xót xa thân phận mình. Nhưng "qua sáng ngày, tôi cảm thấy mình đã trở nên một con người khác," khi nhận ra tiếng Chúa: "Cha muốn con tiếp tục ở lại đây với những tù nhân khốn khổ còn lại, để con yêu thương, an ủi, giúp đỡ và chia xẻ đời con với họ..." (trang 552)

TÌM RA LẼ SỐNG TRONG MỘT NHÀ TÙ MỚI

Hồi còn làm học trò từ nhà quê lên "du học" tại Sài gòn, mỗi lần từ giã Bố tôi thường dặn: "Ra đường có ai hạ nhục con, con đừng nổi giận đánh lại hoặc nguyền rủa họ. Hãy dành sức mà làm một cái gì cho con có thể ngẩng đầu lên. Hãy dành sức mà làm một cái gì ý nghĩa hơn cho đời."

Bây giờ bước vào trường đời tôi vẫn còn phải học nhiều lắm. Và đọc "Tôi Phải Sống," tôi càng thấm thía câu Bố dặn cũng như câu Mẹ ru văng vẳng trong tâm:

Ầu ơ,

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi.

Con đi trường học mẹ đi trường đời.

Trong những ngày cuối tại trại tù Nam Hà ngoài Bắc, có người báo tin sắp có tên trong danh sách được tha, cậu Đực Mẫm ngày xưa hay Cậu Bảy Nguyễn Hữu Lễ ngày nay đã tỏ ra chẳng mấy hào hứng. "Vì nếu có về đi nữa thì cũng là chuyển từ một nhà tù nhỏ sang một nhà tù lớn. Khi bước chân ra khỏi đây để trở về xã hội bên ngoài chắc gì tôi đã yên thân. Trong khi đó, tôi đã tìm được ý nghĩa đích hực của cuộc đời phục vụ trong nếp sống ở đây." (trang 582)

Không phải là vô tình mà tác giả đã mở đầu bằng chuyện khi ra khỏi nhà tù. Vào tòa giám mục Hà nội thì gặp ngay thầy Trác rồi thầy Trạc. Hai người này giống nhau quá không sao phân biệt được. Anh em sinh đôi mà. Chưa chi mà đã lẫn ông này với ông kia. Đêm hôm đó, đêm đầu tiên ra khỏi tù mà lại trằn trọc không sao ngủ được. Thế là một cuốn phim từ tuổi thơ cho đến lúc này quay chậm lại trước mắt. Bố cục và diễn tiến cuốn sách như thế thật tuyệt. Đời người như một giấc mơ qua đêm. Buồn đau vật vã rồi cũng qua đi như thế. Nhưng có cái gì đó vẫn còn lại. Sáng hôm sau, lại cũng một trong hai thầy lên gõ cửa mời xuống ăn sáng. Tập Bút Ký đã kết xem ra rất đột ngột, như có người gõ cửa gọi dẫn mình đi vào một nhà tù lớn. Và đây là câu cuối cùng thật dí dỏm:

"Tôi không kịp nhìn đồng hồ trên tường, vội đáp lại: "Chào thầy..." và lí nhí thêm câu gì tôi không nhớ, nhưng còn nhớ là lúc bước vội vào nhà tắm tôi tự hỏi: "Ông này là Trác hay Trạc đây hả trời?!" (trang 610)

Thì ra chúng ta tất cả cũng đang ở trong một loại nhà tù mới, tinh vi hơn và, biết đâu, còn cằn cỗi đen kịt khủng khiếp hơn. Hoa chưa chắc đã mọc lên nổi. Vì bị tước đi nhiều chất người. Bên kia hay bên này. Ở cái thời còn kháng chiến, Doãn Quốc Sỹ trong "Ba Sinh Hương Lửa" đã chợt nhận ra: "Bên kia không óc, bên này không tim." Duy vật hay duy con vật thì cũng vậy.

Sau một cuộc chiến không có kẻ thắng mà chỉ có người thua là cả dân tộc, chúng ta lại trở thành những nạn nhân của một vòng hệ lụy nghiệt ngã hận thù vay trả trả vay không có lối thoát và không có đáp số. Vết thương tâm lý này lại đẩy xa hơn tới hiện tượng "giận chó đá mèo, giận cá băm thớt." Người bị thương phải giẫy giụa làm người khác bị thương theo. Và cứ thế lây lan, trong gia đình, trong cộng đồng. Kẻ thù luôn ẩn mặt. Hiện tượng phân hóa nơi các cộng đồng cũng do đó. Chẳng ai nói ai nghe vì thiếu viễn kiến chung. Vậy là mình lại quằn quại một lần nữa bởi chính những vết bầm mưng mủ mà mình không đủ can đảm buông xả nổi, thành những đợt sóng ngầm "càng kéo dài nó càng tích lũy sức tàn phá tinh thần dân tộc." (trang 602)

Biết đâu mình cũng đang bị quẳng vào một vòng xích mới, trở thành một tên tù mới có mặc quần jean và áo Polo hẳn hòi, nhưng chất nhạy cảm nhân ái có thể đã bị tê liệt mất đi kháng thể, lương tri có thể đã bị gậm nhấm, khi tôi không còn cảm thấy đau cái đau tột cùng của anh em tôi, tim và óc đã bị cả một hệ thống "trật tự mới" móc đi, mà tiếng thời mới gọi là sức ép xã hội (society pressure). Có những lúc tôi chả cảm thấy liên đới trách nhiệm gì với những người đã bị hành hạ, hay ngay cả với những người mê muội một thời đã đang tâm hành hạ anh em mình, với những người đã nằm xuống bỏ xác nơi góc rừng u tối hay trong lòng biển cả mênh mông... Chả lẽ họ chết một cách lãng xẹc như vậy hay sao?! Và đây là lúc tôi cảm thấy thật sâu xa thế nào là cần thiết của một cuộc "Sám Hối Tập Thể" hay "Tổ Quốc Ăn Năn."

HỒN DÂN TỘC ĐÂU RỒI?

Một thế hệ nằm xuống đã trở thành hoa màu cho một thế khác phải mọc lên. Làm một cái gì cho người mình ngóc đầu lên đi chứ! Khi còn sống, triết gia Kim Định hay nói vậy. "Tôi Phải Sống" cũng đặt ra câu hỏi: "Đứng trước tình cảnh của dân tộc Việt nam như thế, bạn phải làm gì, và làm như thế nào?"

Câu hỏi đặt ra cho người khác mà cũng là đặt ra cho chính mình. "Ðừng ngồi đó để ngâm nga lịch sử và than van oán trách, nhưng hãy dùng lịch sử như một bài học để có thể tránh tái diễn tảm cảnh cho dân tộc... Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh Dân Tộc.”

Giữa cảnh đen kịt tù mù của cả một bài toán không đáp số, dân tộc mình còn gặp được túc duyên mà cùng thấy được một viễn kiến chung, một con đường đi tới, thì có phúc biết chừng nào. Và điều này người mình vẫn gọi là cái Đức, cái HỒN DÂN TỘC, là kết tinh của biết bao xương máu, tim óc trăn trở và tinh thần khảng khái quyết giữ cho được chất người, chất nhân ái của dòng tộc mình, dù phải lấy cả mạng sống mình mà đối đầu với những đầy đọa có bài bản đẩy con người đến bên vực cầm thú. Điều này ta thấy được rất rõ trong lời khẳng định: "Khi nguồn sức mạnh của ý chí quật cường và lương tri tổng hợp của dân tộc được khơi dậy sẽ không có một thế lực chính trị nào dù bạo ngược tới đâu có thể cưỡng lại được." (trang 602)

Tôi xúc động và hãnh diện biết bao vì thấy dòng máu nòi giống mình có quá nhiều người đã góp phần trồng cây Đức đó, những người đã bị bầm dập đầy đọa, nhưng vẫn cứ nhất định ngẩng đầu lên lấy mạng sống mình làm mố cầu bác cho thế hệ sau bước tới. Nhìn như vậy, chúng ta mới cảm thấy mình mắc nợ nhiều quá. Món nợ nào rồi cũng đến lúc phải trả. Người ra đi cũng như người người ở lại.

Và cũng chính vì thế mà nhiều người đang nhìn thấy "Tôi Phải Sống" quả là một thời điểm, một tác phẩm lớn, mang tính lương tri nhân bản lấy lại phẩm giá cho chủng loại người, và góp phần thổi sinh khí cho một Việt Nam phục sinh trong một viễn kiến chung. Với sức hút nổi bật như thế, chẳng ai lạ gì, "Tôi Phải Sống" đã trở thành một hiện tượng lạ với số sách bán chạy nhất trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay trong nước cũng như ngoài nước.

Vì "Tôi Phải Sống" không phải chỉ được viết bằng óc, bằng tim, mà bằng máu, bằng chính mạng sống. Và nhất là bằng con đường tìm ra lẽ sống. Vì chính lúc bị dồn vào đáy vực của cái chết, linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã hét lên ba đợt: Tôi Phải Sống... Tôi Phải Sống... Tôi Phải Sống...

Tiếng hét này vẫn tiếp tục vang lên trong tim mỗi người Việt khi mình cứ phải cúi đầu chung phận với một Việt Nam nghèo khổ nhục nhằn trước đà tiến của ngay cả những nước láng giềng thua mình xa mấy chục năm về trước. Mình không thể để vậy mãi được. Bây giờ đã chậm lắm rồi. Nhưng vẫn chưa quá muộn để bắt đầu.

Tôi Phải Sống để làm chứng một chuyện gì. Tôi Phải Sống để biết rằng tôi có một sứ mạng, một ơn gọi, một món nợ phải trả cho dân tộc tôi, cho sự hiện hữu của tôi trên mặt đất này, làm một điều gì có ý nghĩa hơn cho đời. Đó là lẽ sống.

Tại sao tôi phải sống? Tại sao bạn phải sống? Và tại sao chúng ta vẫn còn tiếp tục sống? Đặt câu hỏi tức là đang tìm ra cho mình câu trả lời làm lẽ sống.

Hình bìa "Tôi Phải Sống" đang được đặt ngay trước mặt tôi đây như một công án để chiêm nghiệm. Lẽ sống của mỗi người là nhận lấy trách nhiệm góp giọt máu trong tim của mình tưới cho những bông hoa hướng dương kia hồi sinh, bật sáng được lối đi cho đàn con bước tới trong một viễn kiến chung: mùa xuân đang rộn rã tới gần. Hoa ơi tên gì? Hoa Tình Yêu đó. Dòng sinh mệnh dân tộc đang chảy tới đó.

Đúng vậy. "Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh Dân Tộc.”

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường.

http://www.dunglac.net/donghoa.htm

Không có nhận xét nào: