Thứ Ba, 2 tháng 10, 2007

Phiếm Luận về Lời Ca Trịnh Công Sơn – Phần Hai


Phiếm Luận về Lời Ca Trịnh Công Sơn – Phần Hai:
CHỦ ĐỀ VÀ TRIẾT LÝ TRONG LỜI CA TRỊNH CÔNG SƠN

A)-CHỦ ĐỀ:
Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục chính: Tình yêu - Thân phận - Quê hương.

I)-Tình yêu:
Tình yêu là một chủ đề lớn của Trịnh Công Sơn. Như nhiều nhạc sĩ khác, tình yêu trong nhạc Trịnh Công Sơn là cuộc tình nam nữ mong manh, cô đơn trong hien tạI tiếc nuốI cái đẹp đã qua.
Ông là hiện thân của tuổi thanh niên vào thời đại mình, không già, luôn sống với các mối tình, sống giữa thực và ảo của tình yêu, mơ mộng viễn vông, triết lý về cuộc đời, sinh và tử....vì vậy trong nhạc ông không đề cập đến những chủ đề như hạnh phúc trong tình yêu, tình yêu trong sự sum họp gia đình ….

1)-Yêu là sự sống:
-Đối với Trịnh Công Sơn Tình Yêu là thiết yếu cho cuộc sống và là chính cuộc sống trong khi Tôn Giáo (theo ý nghĩa quyền năng thiêng liêng) không có thực:
Chúa đã bỏ loài người

Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người.
(Này Em Có Nhớ)
-Vì vậy tình yêu của ông là vô điều kiện:
yêu em trái tim thật thà

yêu đầy mùa nắng mùa mưa
yêu trong nỗi vui đợi chờ …
Tôi đã yêu em trong mùa gió

khi lá cây khô bay đầy ngõ
yêu em không cần vội vã
Tôi đã yêu em như trẻ thơ
(Trong Nỗi Đau Tình Cờ)
Hãy yêu cho tình còn xanh mãi
Hãy chia cho đều những cuộc đời vui
(Tôi Sẽ Nhớ)
Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn

Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom
(Hãy Yêu Nhau Đi)
Còn đây những đêm này

Còn em hãy yêu tôi
(Còn Có Bao Ngày)

2)-Định Nghĩa Tình Yêu:
Nhưng thế nào là tình yêu ? Như thường lệ lối diễn tả của ông rất mơ hồ, không rõ rệt tùy theo sự tưởng tượng của người thưởng ngoạn. Chỉ biết một điều Tình Yêu đối với ông là một cái gì rất đẹp, rất lãng mạn.
Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền
(Như một Lời Chia Tay)
Tình xa như trời,
tình gần như khói mây,
tình trầm như bóng cây,
tình reo vui như nắng,
tình buồn làm cơn say
(Tình Sầu)
Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
(Lặng Lẽ Nơi Này)

3)-Có Một thời Để Yêu:
Mặc dù cổ võ cho Tình Yêu, nhưng ông cũng phảI chấp nhận rằng có một thời điểm nào đó, có một tuổi nào đó để Tình Yêu nở hoa, (như trong Kinh Thánh "mọi việc dưới trờI có kỳ định…có kỳ yêu, có kỳ ghét" -Truyền đạo 3:1):
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
(Còn tuổi nào cho em)
Rồi từ đó tôi yêu em.
(Xin Cho Tôi)
đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu
đốt cơn buồn, đi đến tình yêu
Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu
(Dã Tràng)

4)-Và Lúc Nào Cũng Là Một Thời Để Tiếc:
-Để trôi qua thời tuổi này, thời kỳ này thì Tình Yêu chỉ còn là sự tiếc nuối:
Ôi buồn!
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
(Còn tuổi nào cho em)
-Và cho dù con tim có muốn hò hẹn trở lại cũng chỉ là bắt đầu cho những ngày mưa mà thôi :
Cuối đời rồi còn gì nữa đâu

Đã tàn mộng mị khát khao
Đôi khi con tim hò hẹn
Ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu ...
(Ru em)
- Ôi mơ mộng ngày xưa đã trở thành mộng mị như đám cỏ non bên đường (nói như Nguyễn Gia Thiều: trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu bên đường ):
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
(Một Cõi Đi Về)

5)-Nhưng Mãi Cám ơn Tình-Yêu-Em:
-Vì Tình Yêu đối với ông là cuộc sống nên ông luôn cám ơn EM (viết hoa) người đã mang Tình Yêu đến cho cuộc đời ông.
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Là lời hát ca cho trần gian
Dưới phường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường
(Cho Đời Chút Hương)
Một ngày tình cờ biết em

Là ngày lạ lùng biết trần gian
Cuộc đời này đã có em
Từng ngày từng ngày nhớ ơn đời
(Còn Thấy Mặt Người)
Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời

Em đã cho tôi yêu thêm loài người
(Em Đã Cho Tôi Bầu Trời)
Từ nay anh đã có nàng

Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
(Đóa Hoa Vô Thường)

6)-Cám ơn Tình Phụ:
Đến với Tình Yêu là phải có thái độ chấp nhận, chấp nhận mặt tốt lẫn mặt xấu của Tình Yêu, không thể chờ đợi một tình yêu lý tưởng (như chấp nhận Hoa Hồng thì có gai). Và Tình Phụ là mặt trái của tình Yêu, nên không thấy ông hằn hộc, uất ức hay có sự thù hằn khi nghĩ về Tình phụ:
Này em xin cứ phụ người.
Này em xin cứ phụ tôi,
(Này Em Có Nhớ)
Vì từ đây Thôi xót xa chờ đợi
Vì từ đây Không có ai phụ người
(Em đã Cho Tôi Bầu Trời)
Yêu em, yêu thêm tình phu.
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ
(Ru Em)

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
(Xin Trả Nợ Người)

II)-Thân Phận Con Người .
(Đây là Thân Phận con người nói chung để phân biệt với thân phận con người VN do chiến tranh gây ra trong phần Quê Hương).
-Thân Phận Con người trong nhạc TCS là Kẻ bị Lưu Đày trong cuộc Sống và chờ giờ để về Quê Nhà thiên đàng vĩnh cửu (như thân phận Sisyphus trong huyền thoại bị phạt lăn cục đá lên đồi, nhưng gần tớI đỉnh thì cục đá rơi xuống, như thân phận dã tràng chở cát để lấp cạn biển đông:
Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng
(Vết lăn trầm)
tôi xe cát nghe thân lưu đày
(Dã Tràng)
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đầy chốn đây ??
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên than này
(Phúc âm buồn)
-Con người sống như kẻ rong chơi, lang thang, phiêu du trong cuộc đời này:
Ôi nhân loại còn người và tôi thôi
Rồi lang thang như mây trời
(Xin mặt trời ngủ yên)
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
(Cát Bụi)
người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà
Đá lăn, vết lăn trầm từ cơn đau ấy, lưu thân mỏi mòn
(Vết lăn trầm)
- Và ngày tháng đối với kẻ lưu đày chỉ là sầu dâng:
Chân qua đây . . . sương khói
Đường hư vô . . . trên tay
Rồi tình yêu . . . cũng xa khơi
Phiên sầu . . . là tháng ngày
(Lời của dòng sông)
-Lòng luôn chờ đợi một ngày quay về quê nhà là thiên đàng vĩnh cửu:
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà
(Lời Thiên Thu Gọi)

III)-Quê Hương và thân phận con người VN:
Phần Quê huơng được TCS trình bày trong các tập nhạc:
Ca Khúc da vàng (1966), Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy Mặt trời (1970).
Quê Hương qua phần lớn lời ca TCS là một Quê hương đổ vỡ, đầy chiến tranh kéo theo thân phận lầm than của con người VN, cùng khát vọng Hoà Bình của người VN.

1)-Thân Phận con người VN:
-Thân phận người VN được biểu trưng qua hình ảnh người nô lệ da vàng nô lệ, cùm xích :
Người nô lệ da vàng
ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ
đèn thắp thì mờ
ngủ quên, quên đã bao năm
ngủ quên không thấy quê hương
bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
(Người Nô Lệ Da Vàng)
-Một thân phận bị phục vụ cho chiến tranh:
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
(Xin Mặt trời Ngủ Yên)
Hai mươi năm .. đàn con đi lính
Đi rồi không về, đứa con da vàng của mẹ
(Ngủ Đi Con)

2)-Quê Hương VN:
-Hình ảnh của quê hương VN yên bình trong trí nhớ TCS thì thật là đẹp:
Chiều trên quê hương tôi
Có những chốn riêng cho mọi người
Những con đường lứa đôi
Những góc hè phố vui
Giọt chiều trên lá
Như mắt người cười giữa chiều phai
(Chiều Trên Quê hương Tôi)
-Nhưng chiến tranh đã lôi đi tất cả sự yên bình và mang đến bao nhiều là đổ vỡ, điều tàn, mất mát. Hình ảnh quê hương bây giờ được biểu trưng qua hình ảnh của một bà mẹ già ngồi ru con và ru cho thân phận mình :
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình
Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong
Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương
Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù
(Mẹ Ngồi Ru Con)
-Rồi 20 năm sau ôm xác con mà tiếp tục ru cho con ngủ giấc nghìn thu:
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai mươi năm .. đàn con đi lính
Đi rồi không về,
đứa con da vàng của mẹ
Ngủ đi con ...
(Ngủ Đi Con)
-Dấu tích của cuộc chiến tàn khốc gieo tang tốc khắp nơi:
Xác người nằm trôi sông
phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố
trên thềm nhà hoang vu...
(Bài ca dành cho những xác người - Ca khúc da vàng 2)
từng vùng thịt xương có Mẹ có em …
cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn…
(Đại Bác Ru Đêm)
Ôi bom đạn cày trên những xác
Trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang
(Đêm Bây Giờ Đêm Mai)
-Nhưng tác giả vẫn vững niềm vào Hoà Bình sẽ tới:
Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội
Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn
Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất (…) niềm tin
Vì quê hương sẽ có ngày hoà bình
Cố nuôi vững bền những tình thương lớn.
(Chưa mất Niềm tin)
-Ngay cả trong Nguyện Cầu :
Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
(Xin Cho Tôi)

B)-Các Chủ Đề Phụ:
Các đề tài thường thấy trong lời ca của Trịnh Công Sơn
1)-Về Cái Chết:
Cái Chết như Tình Yêu dầy dẫy trong nhạc của ông. Bằng nhiều hình ảnh khác nhau ông luôn cho thấy sự hiện diên của cái Chết “nhiều như nấm” trong cuộc đời hiện hữu và trong đầu óc của ông.
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
(Xin Cho Tôi)
Sống chết mong manh
như thân cỏ hèn mọc đầy núi non …
(Giọt Lệ thiên thu)
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
(Lời Thiên Thu Gọi)
tôi sẽ đi thăm,
đi thăm nhiều nghĩa địa buồn
đi xem mộ bia đều như nấm
(Tôi Sẽ Đi Thăm)

Ôi hư vô phong kín
Tuổi thơ ngây mong manh
Rồi dòng sông . . . cũng miên man
Đưa người . . . về mộ phần
(Lời Của Dòng Sông)
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
(Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ)
Đối với TCS Sống và Chết là cặp bài trùng, Trong Sanh đã có Tử rồi :
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
(Cỏ Xót Xa Đưa)
Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây
(Buồn từng phút giây)
Trong xuân thì thấy bóng trăm năm
(Gần như niềm tuyệt vọng)
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
(Cát Bụi)
Có một điều là ông nói về cái Chết rất nhẹ nhàng, thơ mộng, không ghê rợn, không sợ hãi mà trái lại cái Chết thật gần gủI với ông:
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi
(Bên Đời Quạnh Hiu)
Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần
(Phúc Âm buồn)
Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua
Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu
(Chìm dưới cơn mưa)
Không có đâu em này
không có cái chết đầu tiên
và có đâu bao giờ ?
đâu có cái chết sau cùng ?
(Ngẫu Nhiên)

2)-Về Sự Cô Đơn:
Niềm Cô Đơn phải chăng là thiết yếu cho cuộc sống ? Đối với TCS cô đơn không buồn chán mà trái lại rất thơ mộng và là con đường để dẫn vào Tình Yêu:
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài
(Còn Tuổi Nào cho Em)
Niềm hoang vu gói đầy mắt dại
Niềm cô đơn như mây ngàn tới
(Ngỏ Ý)
Còn gì đâu em
Tuổi nhỏ cô đơn
(Lại Gần Với Nhau)
Tôi tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.
(Lời Buồn thánh)
Có những giọt mưa khuya
cô đơn dệt hè phố
(Có Những Giọt mưa Khuya)
đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu
đốt cơn buồn, đi đến tình yêu
Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu
(Dã Tràng)

3)-Ảnh hưởng của Phật Giáo:

Trịnh công Sơn chịu ảnh hưởng nhiều của Phật Giáo nên các chữ “vô thường, hư không, luân hồi, tiền kiếp…” thường thấy trong lời ca của ông
(Xem phần một – 5)- Những chữ Hán Việt-Tôn Giáo …).
a)-Luân Hồi, Tiền Kiếp:
Chắc chắn là ông phải tin vào thuyết Luân Hồi, Nhân quả của Phật giáo nên tự vấn mình:
- ba trăm năm trước tôi là ai?
Trở lại hoá kiếp rong chơi giữa nơi này.
(Tôi Là Ai)
(Câu này khiến không khỏi nghĩ đến Nguyễn Du, có điều ND hỏi 300 năm sau ai khóc Tố-Như thì TCS hỏi 300 năm trước Ai là tôi ?).
- Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi,
(Cát bụi)
-Những ngày ngồi rủ tóc âm u
Nghe tiền thân về chào tiếng lạ
(Cỏ Xót Xa Đưa)
-Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô,
(Rừng xưa đã khép)

c)-Cuộc Đời Là Cõi Tạm :
Cuộc đời là Phù Du, là Hư Ảo, là Cõi tạm, là Vô Thường, Sống Gửi Thác Về (Sinh Ký Tử Qui).
Sanh và Tử là hai mặt của đồng tiền không tách rời ra được (Xem phần về Cái Chết bên trên).
Theo Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La mật thì tất cả các pháp hữu vi đều:
Như mộng huyển, bọt bóng
Như giọt sương, như điển chớp
(Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyển bào ảnh
Như lộ diệt như điển)
Bởi vậy :
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
(Một Cõi Đi Về )
Cuộc đời có năng nổ lắm rồi cũng qui về Không mà thôi:
Một đời về không hai tay qui hàng
(Vẫn Nhớ Cuộc Đời)
Ở cõi đời tạm này, Đẹp và Xấu, Hư không và Tồn Tại chỉ là một, tất cả đều phù du.
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
(Ở Trọ)
Lòng Yêu Thương không còn giới hạn vào tình yêu Nam Nữ, ích kỷ, nhỏ nhen mà là yêu cái đại đồng, cái vô thường nên Tình yêu và Tình phụ chỉ là một.
-Yêu em yêu thêm tình phụ
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ
(Ru em).

d)-Đời là Vô thường sao còn Định Kiến ?
Có thể vì vậy mà cái nhìn của TCS về sự việc rất tương đối, không còn chấp mê vào một trạng thái hay một nguyên tắc tuyệt đối nào (không nhất quyết phải Sắc hoặc Không mà thực sự Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc - Bát Nhã Ba La Mật Kinh)
Không xa đời và cũng không xa loài người
Không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười
Không xa đời và cũng không xa mộ người
Không xa rạng ngời và cũng không xa đoạ đày
Không xa tình và cũng không xa thù hận
Không xa nồng nàn và cũng không xa lạnh lùng…
(Đời Cho Ta thế)

e)-Tình Yêu là đóa hoa thật đẹp nhưng Vô Thường:
Dù cuộc đời có đẹp nhưng cũng chỉ phù du, bọt bèo:
Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà
(Đóa Hoa Vô Thường)
Và Tình Yêu dù tuyệt đẹp cũng chỉ là ….đóa hoa vô thường:
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...
sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn …
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường ...
(Đóa Hoa Vô Thường)

C)-Triết lý sống và Nguyên tắc sống:

Qua các lời ca rải rác đây đó ta có thể đoán biết về triết lý sống và nguyên tắc sống của TCS :
I)-Triết Lý Sống :

1)-Theo TCS điều cần thiết đầu tiên để “Sống trong đời sống” là phải :
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió (...) cuốn (...) đi
(Để Gió Cuốn Đi)

2)-Một Thái Độ Tích Cực:
Thay vì ngôi than vãn, ngậm ngùi thì ông cám ơn:
a)-Cám ơn Đời:
tạ ơn đời, tạ ơn ai
đã cho tôi còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi
(Tạ Ơn)
Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
(Như một Lời Chia Tay)

b)-Cám ơn người:
Sống có đôi tay đôi tay thật dài ôm quanh tình người
(Giọt Lệ Thiên Thu)
Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hót cho cha
(Có Nghe Đời Nghiêng)
Nhìn lại quanh đây lô nhô loài người
Một ngày bỗng thấy gắn bó cuộc đời
Mọi người vẫn tới ta chưa lạc loài
Dù còn phút cuối xin em nụ cười.
(Vẫn Nhớ CuộC Đời)
Tôi biết tôi yêu, những con người, những con người
Người còn nuôi hoài trái tim
Biết nghe nhỏ (…) lệ đời héo hon
Ðang (…) chờ đợi ngày tái sinh.
(Tôi Biết Tôi yêu)

c)-Cám ơn bạn bè:
Tôi sẽ nhớ màu nắng nơi quê nhà
Nhớ những chiều lặng lẽ cơn mưa
Cùng tôi đang sống là biết bao bạn bè
Có tấm lòng như một đóa hoa
(Tôi Sẽ Nhớ)

d)-Cám ơn Em:
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, ta ơn ai
đã đưa em về chốn này tôi xây mãi cuộc vui.
(Tạ Ơn)

II)-Nguyên Tắc Sống:

1)-Trong Tình Yêu:
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài
(Biết đâu nguồn cội)
Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau.
(Chiều Một Mình Qua Phố)
Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời
(Hãy Yêu Nhau Đi)
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn
(Như Một Lời Chia Tay)
Như Chúa Jesus dạy là hãy yêu Kẻ Thù của mình, TCS chẳng những yêu người mà còn yêu luôn Tình phụ nữa, nếu không có cái tâm từ bi, hỉ xả của bồ Tát thì không làm được việc này :
Yêu em, yêu thêm tình phụ
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ
(Ru Em)
Và muốn cho tình xanh thắm thì hãy vun trồng tình yêu …
”Cho” nhiều, “San Xẻ” nhiều hơn là “Nhận” và “Đòi Hỏi”:
Hãy yêu cho tình còn xanh mãi
Hãy chia cho đều những cuộc đời vui
(Tôi Sẽ Nhớ)
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều
(Hãy Yêu Nhau Đi)

2)-Trong ĐờI Sống :

a)-Đời sống thật ngắn ngủi, đừng chạy theo ảo tưởng hay làm phí thời gian:
Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao
(Hãy Cứ Vui Như mọi ngày)
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
(Mưa Hồng)

b)-Và vui với những gì mình có được :
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay
(Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui)
Đời cho ta thế cứ hãy sống tới như mọi ai
Mặc giòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi
(Đời Cho Ta Thế)

c)-Và tập nhìn cho ra những cái tích cực quanh mình:
Đời sống quanh đây có vạn lời mời,
Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào.
(Này Em Có Nhớ)

d)-Nhất là luôn giữ niềm Tin và Hy Vọng trong cuộc đời:
Đừng tuyệt vọng,
tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng,
em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
(Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)

e)-Hãy Yêu..Hãy Yêu và Hãy Tiếp Tục Yêu cuộc đời:
Hãy yêu ngày tới.
Dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui Dù vắng (...) bóng (...) ai
Dù vắng (...) bóng (...) ai
(Để Gió Cuốn Đi)

Montréal, ngày 01 tháng mười 2007
đồ khỉ gió


6 nhận xét:

Đồ Khỉ Gió nói...

TCS một lần đã viết
Những khi chiều xuống
cần có một tiếng cười
để làm gì em biết không?
để gío cuốn đi..
để gió cuốn đi..
(Để Gió Cuốn Đi)

Và hôm nay hát lại những câu hát ấy thì
BN hát ..sai (*_*) đi một chút.. để phù hợp hơn với những ao ước riêng tư:
Những khi chiều xuống
cần có một tiếng cười
để làm gì anh biết không?
để ấm trái tim
để ấm trái tim.

BN tin rằng TCS va`... gió tha lổi cho BN hát sai (*_*),
anh chị nghỉ thế chăng các anh chị?

Thân,
BN

Đồ Khỉ Gió nói...

Bắt chước BN, đkg hát sai:
Những khi chiều xuống
cần có một chút mồi
để làm gì em biết không ?
để nhấm với Bia
để nhấm với Bia.

đkg.

hoalai nói...

hl và cả đlh lẫn HM chac' cũng đồng ý lắm lắm với BN,
sống trong đời sống
cần có 1 tấm lòng
để làm gì, anh biết không?
dể biết có em
để biết có em...

:)
bác ĐKG ơi, rất cám ơn bác đã đăng bài tham khảo về TCS, rất là phong phú tỉ mỉ. hl là big fan củc nhạc sĩ TCS luôn đó.

viet nói...

Wow... ĐKG nói hết không còn cho ai nói thêm vào được nữa . :))

Nhưng VĐ thử ráng phụ đề thêm về ý kiến cá nhân của mình.

Nhạc TCS chíếm hết một nửa trong những bài nhạc VĐ thích .


Nơi Em về ngày vui không Em ?
..Ta nghe nghìn giọt lệ rớt xuống đời thành sóng lênh đênh ..

Thích vì dòng nhạc đơn giản, nhè nhẹ nhưng len lõi vào những phần sâu kín của tâm hồn, nhưng thực sự nhạc TCS được yêu và thích không phải vì nhạc mà vì lời .

Theo ý VĐ thì nhạc TCS đa số âm điệu đều .. melancholy, nhẹ nhưng không dìu dặt, buồn nhưng không da diết ( trừ vài bài trong tập Ca Khúc Da Vàng như bài Xin Cho Tôi)
đều đều tà tà rất phớt đời như giòng thời gian. Thành ra nhạc của ông nếu chỉ nghe qua nhạc cụ hòa tấu thì rất bình thường và có thể nói là không có gì đặc sắc. Phải đợi khi giọng ca cất lên, với những lời nhạc thì người ta bị mê hoặc. Lối dùng chữ, xếp đặt chữ của TCS hoàn toàn khác hẳn những nhạc sĩ khác. Như trong bài Diễm Xưa, bài hát gần như đâu tay của ông đã cho ông thành danh nhạc sĩ đã có câu mở đầu rất .. mới :

" Mưa vẫn mưa bay trên thành tháp cổ...
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao

Và :

Nhợ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau .
Hằn lên nỗi đau .
Bước chân Em xuôi về đâu "

( Wow !!! )

"Hằn lên nỗi đau" Trước TCS chưa có ai viết như vậy, " hằn " thường chỉ dùng như một danh từ hay trạng từ . hiếm hoi dùng là động từ , ông đã khéo xử dụng cái đặc biệt của ngôn ngữ Việt, mờ ảo trong cấu trúc câu, tuỳ theo ý người nói, tuỳ theo ý người nghe.

"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau " ( WOW !! )

Lời rất đơn giản , nhưng nghe chưa gì đã thấy nao nao mang mang ..


Lời trong nhạc TCS dường như tiềm ẩn một thông điệp , một hoài vọng, một ước ao, một nỗi niềm và nhất là mang mang một nét u mặc của Thiền ( đây là chỗ ... ăn tiền của nhạc TCS )

..thôi về đi đường trần đâu có gì ..


Trong mỗi bài hát của ông, hính như mỗi người đều tìm thấy được ít nhát là một câu hơp ý.

Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau


hay

Tình còn đầy không Em ?


và còn rất nhiều ...

Tất cả các bài tình ca của ông, đều vế những cuộc tình không lối thoát, vô kết cuộc, những mong chờ , trông ngóng hay những tiếc nuối, những hoài vọng mông lung ngóng về một người đã xa .
Có ai trong chúng ta mà không có một hình bóng để nghĩ để nhớ, để hoài niệm ..? Có thể cái hoài niệm đó chỉ là tưởng tượng , chỉ là một ước mơ, hoặc chỉ là một kỷ niệm nhạt nhòa... và bất chợt đã được khơi dậy, đành thức từ một lời ca điệu nhạc TCS.

" Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ .."


Chưa có cơ hội được nghe hết nhạc của TCS, nhất là những bài ông viết sau 1972. Nhưng qua một số bài VĐ đã nghe thì ở những bài sau này TCS đã ... đạt đạo cao hơn, không còn bị bủa vây trong cái phạm trù tình yêu.

"Nghe tiền thân về chào bóng lạ
Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu."

"Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà "


Nếu trong Thơ , Thanh Tâm Tuyền đã mở hướng cho một thể loại thơ siêu mới thì Trịnh Công Sơn viết lời cho nhạc của ông cũng đã mở ra một thể loại nhạc thơ cũng rất siêu mới. Tiếc thay ! Cả hai mất đi đều không có ai tiếp nối.


"Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ ..."


Vài giòng thô thiển góp ý .
Cám ơn ĐKG.

Đồ Khỉ Gió nói...

-Hahaha! bây giờ bác VĐ mới biết tại sao ĐKG lanh chanh đòi đi tiên phuông :-).

-Có những bản nhạc (như nhạc cổ điển tây phương), nhạc tự nó đã diễn tả rồi không cần lời; còn nhạc TCS thì ĐKG thấy chỉ là những nốt nhạc dùng để chuyên chở lời ca sâu sắc, thơ mộng của ông (giống như những con đường sắt dùng để mở đường cho những toa tàu đồ sộ là lời ca của ông chuyển chạy mà thôi).

-Bửu Ý có viết một số bài tiết lộ sự liên hệ giữa các người tình thực tế của TCS và các bản tình ca của ông (như Thương một người, Diễm Xưa, Trả Nợ Cho Người, Bống bồng bông..). Đọc để hiểu thêm đời tư của TCS.
-Về Diễm Xưa, có bản là "...hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau"
Về Một Cõi Đi Về có bản là "Con tim yêu thương vô tình chợt gọi" ...

-Cám ơn bác VĐ. Rất thú vị đọc những lời bình của bác.

viet nói...

:) Xin lỗi vì typo nên "Con Tim" đã thành " Con Tinh " trong phần trích bài Một Cõi Đi Về.

VĐ thich " Bước chân Em xuôi về đâu " hơn là " Bước chân em xin về mau "