Thứ Tư, 16 tháng 5, 2007

GIỚI THIỆU MỘT CÂY VIẾT MỚI



Kỷ niệm một chuyến đi

Một màn đen chợt bao trùm thị giác. Cảnh vật như nhoà đi một vài giây.
Ngồi trên xe, trên đường về nhà bạn, tôi thấy quang cảnh hai bên đường như rung rinh nhẩy múa.

Tôi đã hiểu. Cơ thể tôi đã lên tiếng cho tôi biết sự bất bình thường của nó. Sống với cái bệnh này gần 5 năm nay, tôi hiểu là tôi đã có…vấn đề.
Có lẽ là mấy hôm nay, cuộc sống của tôi đã bị sáo trộn quá nhiều bởi vì chuyến đi chơi xa này tôi đã quá ham vui và quyên đi một vài liều thuốc tôi phải dùng hàng ngày.

Rồi bữa ăn tối hồi chiều, tôi đã “quá chén” với nhiều thức ăn phải kiêng cữ. Tôi nhớ là trước khi đi ăn, tôi đã dằn trước một liều thuốc để phòng hờ nhưng có lẽ không đủ. Tình trạng này mà không kiểm soát ngay thì có thể trở thành rất lôi thôi phiền phức.

Theo chương trình thì sau bữa ăn tối, chúng tôi về nhà gia đình anh bạn để có thêm thời gian tri kỷ, vì ngày mai tôi phải trở về Mỹn nhưng tình hình này thì không ổn rồi. Tôi nói với anh bạn cho tôi về hotel vì trong người không được khoẻ. Anh hiểu và đổi hướng đi. Chỉ hơn 10 phút sau, tôi đã về tới khách sạn.

Tôi cảm thấy mệt nhiều. Tay tôi run run. Vợ tôi giúp tôi uống thuốc. Tôi mới nằm xuống thì thiếp đi. Mơ mơ tỉnh tỉnh một vài phút.

Tôi loáng thoáng nghe thấy vợ tôi lo lắng hỏi:

- Em gọi emergency nhé.

Tôi lắc đầu. Tôi biết rõ tình trạng của mình. Chuyện này đã xẩy ra một lần cách nay 2 năm.

Lần đó tôi đi mổ răng. Bị đánh thuốc mê sau gần hai tiếng trên ghế nha sĩ, vợ tôi đưa tôi về nhà, dặn tôi nằm nghỉ chốc lát để nàng nấu cháo. Tôi thấy trong người khó chịu bất thường, nhưng nghĩ rằng đó là vì ảnh hưởng của thuốc mê. Nhưng khi tôi ngồi trước tô cháo, chưa kịp ăn thì đã ngất xỉu. Tôi không biết gì nữa cho tới khi mơ mơ màng màng nghe thấy tiếng nói lao sao của nhóm paramedic. Người ta đo áp xuất của tôi, vào nước biển cho tôi, rồi cấp tốc đưa tôi vào emergency. Người tôi như một miếng rẻ rách.

Lúc đó có lẽ trông tôi rách rưới thảm thương lắm. Cả vợ tôi cũng vậy vì hiển nhiên đám y tá không coi tôi ra gì. Một ả trong bọn ra lệnh cho tôi: “sit up,put on the gown” (ngồi dậy và mặc áo vào!).
Mặc dù tôi đã tỉnh nhưng tôi vẫn còn quờ quạng lắm. Một ả y tá khác giúp tôi ngồi dậy và thay áo cho tôi. Sau đó họ làm đủ thứ chuyện. Họ gắn khoảng hơn 10 sợi giây điện vào ngực tôi, liên tục đo áp xuất, rồi lấy ra vài ông máu.

Đột nhiên tôi nghe có nguời to tiếng ở phòng ngoài, tiếng vợ tôi:

- I don’t want you to work on him!
(Tôi không muốn bà “mần” ông ấy!)

Tiếng trả lời gay gắt:

- What’s the problem, I’m his nurse…
(Có việc gì đâu nào, tôi là y tá giúp ông ấy mà...)

Vợ tôi to tiếng hơn:

- I don’t care. Get me the Head Nurse.
(Thây kệ tôi! Tôi chỉ muốn nói chuyện với người y tá trưởng mà thôi.)

Vài phút sau có tiếng người Head Nurse:

- Mam, what can I help you?
(Thưa bà, bà gọi tôi có việc gì ạ?)

- Your service and care are unacceptable. She was too rough on my husband.
(Tôi không chịu được cách chăm sóc bệnh nhân của quý vị. Người y tá đã chẳng coi chồng tôi ra gìcả)

- Could you please give me the details…
(Xin bà cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện...)

Tôi nghe thấy tiếng vợ tôi than phiền rồi tiếng bàn bạc với những người có mặt, cuối cùng tôi nghe được tiếng xin lỗi của giới thẩm quyền...

- I apologize.….
(Tôi xin lỗi!)

Từ đó về sau, “the hospital staff treated me like a King” (Tôi được đối xử như một ông vua trong nhà thương vậy!).

Một người bác sĩ vào phòng niềm nở hỏi thăm tôi và nói:

- Xin lỗi ông nhé. Tôi đang đợi một cú điện thoại, khi phone nó reo, ông cho phép tôi trả lời nhé. Sau đó thì tôi sẽ tắt điện thoại ngay.

Tôi xin mở ngoặc kép ở đây: hệ thống y tế ở nước Mỹ chỉ nhằm 2 mục đích. Ðó là làm tiền và tránh bị đem ra toà. Hai mục đích này hổ trợ cho nhau và họ đã đem tôi ra làm trăm thứ tests khác.

Nằm cứng trên giường bệnh viện, với 2 ba ống nylon truyền vào mũi và vào cánh tay, cộng thêm khoảng hơn 10 sợi giây điện dán vào ngực, đau răng đến tê dại một nửa cái đầu.

Mặc dù tôi đã cho bệnh viện đầy đủ chi tiết về bệnh trạng và những thuốc đã uống trước và sau cuộc mổ răng sáng nay, họ vẫn giữ tôi ở bệnh viện hơn nửa ngày.
Kết luận của họ là không kiếm ra nguyên nhân ngất xỉu của tôi.
Họ cho tôi về nhà. Nhưng tôi biết là tôi bị xỉu vì cuộc mổ răng đã làm xáo trộn những liều thuốc tôi phải dùng cho căn bệnh kinh niên của tôi….

Bây giờ tôi đang ở Canada, ngoài nước Mỹ, tôi không muốn lôi thôi với cái vụ “paramedic, emergency room”, vì tôi cho rằng những triệu chứng ngày hôm nay tương tự như hai năm trước.

Tôi nằm một lát, cho rằng thuốc đã ngấm, nhưng tôi chưa cảm thấy dễ chịu hơn chút nào. Vợ tôi thì cứ lo ngại đòi gọi “emergency”.
Chúng tôi không ai bảo ai mà cùng nghĩ đến 6 năm về trước, cũng ở thành phố này năm 2001 khi chúng tôi bị kẹt ở phi trường gần một tuần vì vụ khủng bố 911.

Vợ tôi nói:

- Anh gàn quá, sức khoẻ của anh mà anh cứ để nó nguy kịch. Em gọi cho anh chi Phán đây, mình ở lại đây một tuần cho tới khi anh khoẻ hẳn.

Nhớ lại sáu năm trước, khi chiếc máy bay thứ nhất lao vào World Trade Center Tower 1 thì chúng tôi đang ở phi trường Toronto đợi lên máy bay trở về Mỹ. Chỉ 20 phút sau đó, họ huỷ bỏ tất cả các chuyến bay. Những ngày kế tiếp là những ngày chúng tôi lang thang chờ đợi ở phi trường. Năm đó chúng tôi đi chơi Canada mà không biết rằng mình có người bạn ở đây. Sau mâý ngày đợi chờ vô vọng ở phi trường, tôi bắt đầu gọi điện thoại đi khắp nơi tìm người quen ở Canada. Đã kẹt ở đây thì đi chơi luôn cho đã…

Tìm được chi Nga - một người họ hàng xa nhưng hai gia đình rất thân từ hồi ở VN - bây giờ đã lập gia đình, phu quân là anh Phán, một giáo sư đại học ở ngay thành phố Toronto. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi. Sau gần 30 năm không găp, biết bao nhiêu chuyện để kể.

Thế là trong cái sui lại có cái măy mắn. Anh chị Phán mời chúng tôi về nhà. Anh chị nhường phòng ngủ của họ cho chúng tôi. Sau nhiều ngày lo lắng đợi máy bay về Mỹ, tôi đã bớt bi quan, vui mừng được biết anh Phán rồi nhanh chóng trở thành tri kỷ với anh.

Ở nhà anh chi Phán được một hôm thì chúng tôi đươc tin có máy bay về Mỹ. Anh chị tha thiết giữ lại thêm vài ngày, chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Chúng tôi sốt ruột công việc ở nhà nên phải về, hứa sẽ trỏ lại thăm anh chị năm sau.

Thế rồi ngày tháng trôi đi. Sáu năm sau chúng tôi mới có dịp trở lại thành phố Toronto. Chuyến đi lần này, chúng tôi quyết tâm ở chơi với anh chị Phán cho thật đã. Mấy ngày qua, rong chơi khắp nơi, ăn uống lu bù. Hôm nay là hôm cuối, tình trạng sức khoẻ của tôi thế này thì có lẽ lại có dịp để anh chi Phán nuôi thêm mấy ngaỳ nữa. Hèn chi anh chi Phán cứ đùa chúng tôi: “Toronto đất lạnh tình nồng,,,đi thì dễ nhưng khó về….”

Nhưng ở lại thêm mấy ngày, tôi lại thấy không ổn vì còn bao nhiêu việc chờ tôi ở trong sở làm, vả lại tôi tin rằng, sau khi uống thuốc, tôi sẽ khoẻ lại rất nhanh chóng.

Tôi nhất định phản đối việc vợ tôi gọi cho anh chi Phán, và cố đóng kịch là tôi đã khoẻ nhiều rồi. Vợ tôi vẫn còn lo lắng nhưng cũng chiều tôi.

Hơn nửa tiếng sau thì tôi thấy tỉnh táo thêm chút ít. Đã quen với phản ứng của cơ thể, tôi ăn thêm một ít trái cây rồi lên giường nằm ngủ, hy vọng sáng mai, mọi việc sẽ trở lại bình thường.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi tỉnh dậy vì tiếng phone đánh thức của hotel, tôi cảm thấy đôi chân đau nhức, và đầu óc choáng váng như đang nằm trên thuyền.
Tôi cho là bình thường, ngồi bật dậy, nhưng lại thấy hoa mắt nên nằm vật xuống. Vợ tôi cũng đã tỉnh dậy, bật đèn hỏi:
- Anh khá chưa…?

Tôi bình tĩnh trả lời:
- Anh khoẻ rồi…

Vợ tôi dục:

- Thế thì dậy đi ông, mình phải ra phi trường lúc 5 giờ sáng đó…

Tôi im lặng nghĩ ngợi. Có thể là mình đã uống quá liều thuốc. Triệu chứng này không có vẻ trầm trọng nhưng mới lạ đối với tôi. Dù sao thì cũng nhất quyết phải về Mỹ sáng nay.

Tất cả đồ đạc vợ tôi đã sắp vào valises từ tối hôm trước, nàng dục nữa:

- Anh dậy đánh răng rửa mặt rồi đi, em xong hết rồi…

Tôi làm theo lời nàng, lảo đảo như người say rượu.

Vợ tôi nói tiếp:

- Xong anh ăn nốt mấy quả mãng cầu nhé, họ không cho mang trái cây vào Mỹ đâu.

Sau khi ăn lót dạ mấy món bánh chị Nga cho hôm tước, tôi đã cảm thấy khá hơn. Cố ăn thêm mấy trái mãng cầu nhưng còn măng cụt và chôm chôm thì đành phải mang theo, dự định sẽ ăn ở phi trường trươc khi vào hải quan.

Vợ tôi “ra lệnh”:

- Anh mặc cái áo của anh Phán cho, để lọ thuốc vào cái túi trên cùng, còn trái cây thì chất hết vào các túi khác, ra phi trường mình ăn.

Tôi mặc cái áo jacket đặc biệt của giới nhiếp ảnh mà anh bạn vừa tặng hôm qua, cái áo có cả chục cái túi, cẩn thận để lọ thuốc vào túi trên.

Rời khách sạn khi vừa hừng sáng. Đầu óc lâng lâng ngầy ngật, không biết vì sức khỏe chưa hồi phục hay vì bịn rịn tối qua chưa chia tay đủ với người bạn tâm đầu.

Lên máy bay mà không kịp gọi cho bạn, nhưng chân tình quyến luyến sẽ theo vợ chồng chúng tôi.
Dũng Kim Anh
May 2007

Không có nhận xét nào: