Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2007

BÀI LẤY TỪ INTERNET

Mong mọi người thân tâm thường luôn an lạc.

A.

Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ.
- Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Cá không thể sống nổi với nuớc trong hồ và khi con người uống phải thứ nước trong hồ cũng bị bệnh. ai ai cũng đều không muốn sống gần đó.
- Biển hồ thứ hai là Galilee. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này....

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển hồ Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển hồ Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilee cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.


AB.

Cũng vì đó người ta nhận chân ra một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình:
- một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan toả.
- Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi.
- Đôi môi có hé mở mới nhận được nụ cười.
- Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.

Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. "Sự sống" trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển hồ Chết.

B. VÀ ĐÂY LÀ TOP 10 "ĐỪNG"

1. Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.
2. Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.
3. Đừng lấy của cải vật chất đo lường thành công hay thất bại. Chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ "giàu có" trong cuộc sống của mình.
4. Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua.
5. Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ, ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời.
6. Đừng chạy chốn mà hãy tìm đến tình yêu, đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.
7. Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.
8. Đừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn đã sụp đổ, vì biết được thêm một điều mới mẻ thì đó là lúc bạn tiến bộ rồi.
9. Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bạn.
10. Đừng quên tìm cho mình một người bạn thật sự, bởi bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.

Và cuối cùng đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng

C.

Đây là 14 điều Phật Dạy , đã được các vị Học Giả Quốc Tế sưu tầm từ Chùa Thiếu Lâm , Hà Nam , Trung Quốc đem về giảng dạy tại nhiều Đại Học danh tiếng khắp Thế Giới.

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là Chính Mình .
2. Thất bại lớn nhất của đời người là
Tự Đại.
3. Ngu dốt nhất của đời người là Dối Trá.
4. Bi ai nhất của đời người là
Ghen tị.
5. Sai lầm nhất của đời người là Tự đánh mất mình (
Vong Thân ).
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là
Lừa mình , Dối người.
7. Đáng thương nhất của đời người là
Tự Ti.
8. Đáng khâm phục nhất của đời người
là Ý Chí Vươn Lên .
9. Phá sản lớn nhất của đời người là
Tuyệt Vọng.
10.Tài sản lớn nhất của đời người là Sức Khỏe.
11.Món nợ lớn nhất của đời người là
Nợ Tình.
12.Lễ Vật lớn nhất của đời người là
Khoan Dung.
13.Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là
Kém hiểu biết.
14.An ủi lớn nhất của đời người
là Bố Thí.

D.

Người ta cũng kể lại rằng Người Xưa có căn dặn con cháu nên săn sóc nuôi dưỡng cái tâm lòng của mình, được hàng ngày, hàng giờ hàng phút, hàng giây ... càng tốt ... có nhiều cách thực tập, ngay tai nhà, ngay khi xếp hàng ở bưu điện, chờ trả tiền ở chợ hay ngân hàng ...

1. Thở chậm và điều hoà, và nếu có thể mỉm cười, dù bằng mắt hay dù trong lòng ... cùng lúc hài hoà với mọi sự mọi vật chung quanh.

2. Buông nhẹ 2 vai xuống thả lỏng thân thể cho mọi phiền muộn, không may xuống chân chạy thẳng tan biến vào lòng đất ...

3. Dùng một cái chai bằng thủy tinh để giữa nhà chỗ dễ nhìn thấy nhất. Mỗi lần đi ra, đi vào thấy chai thủy tinh thì xem mình có tiền lẻ, tiền cắc, hãy bỏ vào chai và tâm niệm " tôi đóng góp để dành tiền này để giúp đỡ những trẻ mồ côi, những người già yếu, những ai kém may mắn, vất vả thiếu thốn trên đường đời ..."

E. Mong mọi người thân tâm thường luôn an lạc.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2007

GIỚI THIỆU MỘT CÂY VIẾT MỚI



Kỷ niệm một chuyến đi

Một màn đen chợt bao trùm thị giác. Cảnh vật như nhoà đi một vài giây.
Ngồi trên xe, trên đường về nhà bạn, tôi thấy quang cảnh hai bên đường như rung rinh nhẩy múa.

Tôi đã hiểu. Cơ thể tôi đã lên tiếng cho tôi biết sự bất bình thường của nó. Sống với cái bệnh này gần 5 năm nay, tôi hiểu là tôi đã có…vấn đề.
Có lẽ là mấy hôm nay, cuộc sống của tôi đã bị sáo trộn quá nhiều bởi vì chuyến đi chơi xa này tôi đã quá ham vui và quyên đi một vài liều thuốc tôi phải dùng hàng ngày.

Rồi bữa ăn tối hồi chiều, tôi đã “quá chén” với nhiều thức ăn phải kiêng cữ. Tôi nhớ là trước khi đi ăn, tôi đã dằn trước một liều thuốc để phòng hờ nhưng có lẽ không đủ. Tình trạng này mà không kiểm soát ngay thì có thể trở thành rất lôi thôi phiền phức.

Theo chương trình thì sau bữa ăn tối, chúng tôi về nhà gia đình anh bạn để có thêm thời gian tri kỷ, vì ngày mai tôi phải trở về Mỹn nhưng tình hình này thì không ổn rồi. Tôi nói với anh bạn cho tôi về hotel vì trong người không được khoẻ. Anh hiểu và đổi hướng đi. Chỉ hơn 10 phút sau, tôi đã về tới khách sạn.

Tôi cảm thấy mệt nhiều. Tay tôi run run. Vợ tôi giúp tôi uống thuốc. Tôi mới nằm xuống thì thiếp đi. Mơ mơ tỉnh tỉnh một vài phút.

Tôi loáng thoáng nghe thấy vợ tôi lo lắng hỏi:

- Em gọi emergency nhé.

Tôi lắc đầu. Tôi biết rõ tình trạng của mình. Chuyện này đã xẩy ra một lần cách nay 2 năm.

Lần đó tôi đi mổ răng. Bị đánh thuốc mê sau gần hai tiếng trên ghế nha sĩ, vợ tôi đưa tôi về nhà, dặn tôi nằm nghỉ chốc lát để nàng nấu cháo. Tôi thấy trong người khó chịu bất thường, nhưng nghĩ rằng đó là vì ảnh hưởng của thuốc mê. Nhưng khi tôi ngồi trước tô cháo, chưa kịp ăn thì đã ngất xỉu. Tôi không biết gì nữa cho tới khi mơ mơ màng màng nghe thấy tiếng nói lao sao của nhóm paramedic. Người ta đo áp xuất của tôi, vào nước biển cho tôi, rồi cấp tốc đưa tôi vào emergency. Người tôi như một miếng rẻ rách.

Lúc đó có lẽ trông tôi rách rưới thảm thương lắm. Cả vợ tôi cũng vậy vì hiển nhiên đám y tá không coi tôi ra gì. Một ả trong bọn ra lệnh cho tôi: “sit up,put on the gown” (ngồi dậy và mặc áo vào!).
Mặc dù tôi đã tỉnh nhưng tôi vẫn còn quờ quạng lắm. Một ả y tá khác giúp tôi ngồi dậy và thay áo cho tôi. Sau đó họ làm đủ thứ chuyện. Họ gắn khoảng hơn 10 sợi giây điện vào ngực tôi, liên tục đo áp xuất, rồi lấy ra vài ông máu.

Đột nhiên tôi nghe có nguời to tiếng ở phòng ngoài, tiếng vợ tôi:

- I don’t want you to work on him!
(Tôi không muốn bà “mần” ông ấy!)

Tiếng trả lời gay gắt:

- What’s the problem, I’m his nurse…
(Có việc gì đâu nào, tôi là y tá giúp ông ấy mà...)

Vợ tôi to tiếng hơn:

- I don’t care. Get me the Head Nurse.
(Thây kệ tôi! Tôi chỉ muốn nói chuyện với người y tá trưởng mà thôi.)

Vài phút sau có tiếng người Head Nurse:

- Mam, what can I help you?
(Thưa bà, bà gọi tôi có việc gì ạ?)

- Your service and care are unacceptable. She was too rough on my husband.
(Tôi không chịu được cách chăm sóc bệnh nhân của quý vị. Người y tá đã chẳng coi chồng tôi ra gìcả)

- Could you please give me the details…
(Xin bà cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện...)

Tôi nghe thấy tiếng vợ tôi than phiền rồi tiếng bàn bạc với những người có mặt, cuối cùng tôi nghe được tiếng xin lỗi của giới thẩm quyền...

- I apologize.….
(Tôi xin lỗi!)

Từ đó về sau, “the hospital staff treated me like a King” (Tôi được đối xử như một ông vua trong nhà thương vậy!).

Một người bác sĩ vào phòng niềm nở hỏi thăm tôi và nói:

- Xin lỗi ông nhé. Tôi đang đợi một cú điện thoại, khi phone nó reo, ông cho phép tôi trả lời nhé. Sau đó thì tôi sẽ tắt điện thoại ngay.

Tôi xin mở ngoặc kép ở đây: hệ thống y tế ở nước Mỹ chỉ nhằm 2 mục đích. Ðó là làm tiền và tránh bị đem ra toà. Hai mục đích này hổ trợ cho nhau và họ đã đem tôi ra làm trăm thứ tests khác.

Nằm cứng trên giường bệnh viện, với 2 ba ống nylon truyền vào mũi và vào cánh tay, cộng thêm khoảng hơn 10 sợi giây điện dán vào ngực, đau răng đến tê dại một nửa cái đầu.

Mặc dù tôi đã cho bệnh viện đầy đủ chi tiết về bệnh trạng và những thuốc đã uống trước và sau cuộc mổ răng sáng nay, họ vẫn giữ tôi ở bệnh viện hơn nửa ngày.
Kết luận của họ là không kiếm ra nguyên nhân ngất xỉu của tôi.
Họ cho tôi về nhà. Nhưng tôi biết là tôi bị xỉu vì cuộc mổ răng đã làm xáo trộn những liều thuốc tôi phải dùng cho căn bệnh kinh niên của tôi….

Bây giờ tôi đang ở Canada, ngoài nước Mỹ, tôi không muốn lôi thôi với cái vụ “paramedic, emergency room”, vì tôi cho rằng những triệu chứng ngày hôm nay tương tự như hai năm trước.

Tôi nằm một lát, cho rằng thuốc đã ngấm, nhưng tôi chưa cảm thấy dễ chịu hơn chút nào. Vợ tôi thì cứ lo ngại đòi gọi “emergency”.
Chúng tôi không ai bảo ai mà cùng nghĩ đến 6 năm về trước, cũng ở thành phố này năm 2001 khi chúng tôi bị kẹt ở phi trường gần một tuần vì vụ khủng bố 911.

Vợ tôi nói:

- Anh gàn quá, sức khoẻ của anh mà anh cứ để nó nguy kịch. Em gọi cho anh chi Phán đây, mình ở lại đây một tuần cho tới khi anh khoẻ hẳn.

Nhớ lại sáu năm trước, khi chiếc máy bay thứ nhất lao vào World Trade Center Tower 1 thì chúng tôi đang ở phi trường Toronto đợi lên máy bay trở về Mỹ. Chỉ 20 phút sau đó, họ huỷ bỏ tất cả các chuyến bay. Những ngày kế tiếp là những ngày chúng tôi lang thang chờ đợi ở phi trường. Năm đó chúng tôi đi chơi Canada mà không biết rằng mình có người bạn ở đây. Sau mâý ngày đợi chờ vô vọng ở phi trường, tôi bắt đầu gọi điện thoại đi khắp nơi tìm người quen ở Canada. Đã kẹt ở đây thì đi chơi luôn cho đã…

Tìm được chi Nga - một người họ hàng xa nhưng hai gia đình rất thân từ hồi ở VN - bây giờ đã lập gia đình, phu quân là anh Phán, một giáo sư đại học ở ngay thành phố Toronto. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi. Sau gần 30 năm không găp, biết bao nhiêu chuyện để kể.

Thế là trong cái sui lại có cái măy mắn. Anh chị Phán mời chúng tôi về nhà. Anh chị nhường phòng ngủ của họ cho chúng tôi. Sau nhiều ngày lo lắng đợi máy bay về Mỹ, tôi đã bớt bi quan, vui mừng được biết anh Phán rồi nhanh chóng trở thành tri kỷ với anh.

Ở nhà anh chi Phán được một hôm thì chúng tôi đươc tin có máy bay về Mỹ. Anh chị tha thiết giữ lại thêm vài ngày, chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Chúng tôi sốt ruột công việc ở nhà nên phải về, hứa sẽ trỏ lại thăm anh chị năm sau.

Thế rồi ngày tháng trôi đi. Sáu năm sau chúng tôi mới có dịp trở lại thành phố Toronto. Chuyến đi lần này, chúng tôi quyết tâm ở chơi với anh chị Phán cho thật đã. Mấy ngày qua, rong chơi khắp nơi, ăn uống lu bù. Hôm nay là hôm cuối, tình trạng sức khoẻ của tôi thế này thì có lẽ lại có dịp để anh chi Phán nuôi thêm mấy ngaỳ nữa. Hèn chi anh chi Phán cứ đùa chúng tôi: “Toronto đất lạnh tình nồng,,,đi thì dễ nhưng khó về….”

Nhưng ở lại thêm mấy ngày, tôi lại thấy không ổn vì còn bao nhiêu việc chờ tôi ở trong sở làm, vả lại tôi tin rằng, sau khi uống thuốc, tôi sẽ khoẻ lại rất nhanh chóng.

Tôi nhất định phản đối việc vợ tôi gọi cho anh chi Phán, và cố đóng kịch là tôi đã khoẻ nhiều rồi. Vợ tôi vẫn còn lo lắng nhưng cũng chiều tôi.

Hơn nửa tiếng sau thì tôi thấy tỉnh táo thêm chút ít. Đã quen với phản ứng của cơ thể, tôi ăn thêm một ít trái cây rồi lên giường nằm ngủ, hy vọng sáng mai, mọi việc sẽ trở lại bình thường.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi tỉnh dậy vì tiếng phone đánh thức của hotel, tôi cảm thấy đôi chân đau nhức, và đầu óc choáng váng như đang nằm trên thuyền.
Tôi cho là bình thường, ngồi bật dậy, nhưng lại thấy hoa mắt nên nằm vật xuống. Vợ tôi cũng đã tỉnh dậy, bật đèn hỏi:
- Anh khá chưa…?

Tôi bình tĩnh trả lời:
- Anh khoẻ rồi…

Vợ tôi dục:

- Thế thì dậy đi ông, mình phải ra phi trường lúc 5 giờ sáng đó…

Tôi im lặng nghĩ ngợi. Có thể là mình đã uống quá liều thuốc. Triệu chứng này không có vẻ trầm trọng nhưng mới lạ đối với tôi. Dù sao thì cũng nhất quyết phải về Mỹ sáng nay.

Tất cả đồ đạc vợ tôi đã sắp vào valises từ tối hôm trước, nàng dục nữa:

- Anh dậy đánh răng rửa mặt rồi đi, em xong hết rồi…

Tôi làm theo lời nàng, lảo đảo như người say rượu.

Vợ tôi nói tiếp:

- Xong anh ăn nốt mấy quả mãng cầu nhé, họ không cho mang trái cây vào Mỹ đâu.

Sau khi ăn lót dạ mấy món bánh chị Nga cho hôm tước, tôi đã cảm thấy khá hơn. Cố ăn thêm mấy trái mãng cầu nhưng còn măng cụt và chôm chôm thì đành phải mang theo, dự định sẽ ăn ở phi trường trươc khi vào hải quan.

Vợ tôi “ra lệnh”:

- Anh mặc cái áo của anh Phán cho, để lọ thuốc vào cái túi trên cùng, còn trái cây thì chất hết vào các túi khác, ra phi trường mình ăn.

Tôi mặc cái áo jacket đặc biệt của giới nhiếp ảnh mà anh bạn vừa tặng hôm qua, cái áo có cả chục cái túi, cẩn thận để lọ thuốc vào túi trên.

Rời khách sạn khi vừa hừng sáng. Đầu óc lâng lâng ngầy ngật, không biết vì sức khỏe chưa hồi phục hay vì bịn rịn tối qua chưa chia tay đủ với người bạn tâm đầu.

Lên máy bay mà không kịp gọi cho bạn, nhưng chân tình quyến luyến sẽ theo vợ chồng chúng tôi.
Dũng Kim Anh
May 2007

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2007

NẺO VỀ CÕI TỊNH



Xin trích trong Thư Viện Hoa Sen để tiễn người đi và đê? tă.ng Mẹ

Văn Khoa


---------


ĐI VỀ CÕI TỊNH Tịnh

Nghiêm-Nghiêm Xuân Cường

Sáng sớm nay nhận được tin buồn Đạo hữu Tịnh Nghiêm tức Thi sĩ Nghiêm Xuân Cường đã mệnh chung ngày 10 tháng 5 năm 2007, tại tiểu bang Michigan, hưởng dương 54 tuổi. Cách nay chưa đầy một tháng anh gửi cho chúng tôi bài tuỳ bút “Đi Về Cõi Tịnh” nói về người Mẹ thân yêu của anh đã đi về Cõi Tịnh gần một năm trước… Nay anh cũng theo Cụ, rũ bỏ trần gian mà về nơi ấy. Xin thành kính chia buồn cùng chị Như Hảo và tang quyến, Nguyện cầu hương linh của anh sớm về cõi Niết bàn. (Tâm Diệu). Sau đây là bài tuỳ bút cuối cùng anh viết:
Mẹ tôi mất vào một buổi trưa cuối tháng Bẩy. Mẹ đi nhẹ nhàng như một hơi thở. Một tuần trước khi mẹ mất, người chị lớn gọi tôi từ Cali: “Cường ơi, em có về được không, me sắp đi rồi- chắc cũng chỉ độ nay mai thôi.” Cũng lạ, mình sống với mẹ gần cả cuộc đời; mình lớn lên, mẹ già đi, sức khoẻ mỗi ngày một yếu như chiếc đèn dần cạn dầu, biết rằng sẽ có ngày mẹ ra đi nhưng dù ai có sửa soạn cách mấy, đến phút từ ly cũng chẳng thể nào sẵn sàng. Nước mắt từ đâu tràn đầy mắt tôi; vé đã lấy, chỉ chưa đặt tiền ‘confirm’ thì buổi tối chị tôi lại cho biết: “Chiều nay anh Hùng về, mẹ đã khoẻ lại rồi, mẹ nói sẽ ráng đợi em đó.” Các chị kể lại là mẹ từ bệnh viện về hôm thứ Tư, mê man không nói năng gì, bụng của mẹ không biết vì lý do gì trương cứng như trái banh, ăn gì cũng nôn ra. Anh Hùng về từ Oklahoma tối thứ Bẩy, anh niệm chú Quan Âm Quán Đảnh cầu an cho mẹ. Mầu nhiệm làm sao! hôm sau bụng mẹ xẹp xuống và mẹ dùng được đồ ăn lỏng chuyền qua ống dẫn vào bụng (gastric tube) Sáng thứ Ba 25 tháng 7, 2006. Tôi đi chuyến sớm nhất từ Detroit. Ngồi trên máy bay tôi cứ thấp thỏm, không biết mình đến nơi có còn kịp gặp mẹ phút cuối không. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện Chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho mẹ được tâm vắng lặng bình an khi ra đi; lòng thầm nghĩ, nếu còn duyên thì sẽ còn gặp mẹ, có lo cũng đâu ích gì. Tôi đến phi trường LA cũng đã hơn một giờ trưa, và về tới nhà chị Nhung cũng đã gần hai giờ. Tôi vội chạy lại giường nơi mẹ tôi đang nằm từ hơn hai tuần lúc ở bệnh viện về. Các chị lại nhắc mẹ: “Me ơi, em Cường về rồi này me!” Mắt vẫn nhắm như từ cả tuần trước, mẹ đưa bàn tay khẳng khiu về phía tôi. Tôi cầm lấy bàn tay mẹ tôi, nắm chặt lại. Đây cũng là đôi bàn tay thương yêu mà hơn bẩy chục năm trời đã miệt mài cho bố và tất cả các anh chị em chúng tôi. Tôi liên tưởng đến những lời thơ thật ngọt ngào về Mẹ của Chiếu Tuệ:
Bất chợt chiều nay nhìn lại Bàn tay Mẹ cắm hoa hường Đôi tay một đời nhẫn nại Bây chừ ...ngón đã trơ xương Từ lâu đôi bàn tay ấy Con quên cầm lấy một lần Ôi bàn tay thương biết mấy Dịu dàng, độ lượng, từ tâm ... Mẹ nằm đó, thân thể gầy yếu sau nhiều năm bị bệnh tiểu đường, tôi nhìn mẹ, lại nhìn tấm hình Bố Mẹ tôi chụp trước đó vài năm. Hơn bẩy mươi năm trời mà các cụ còn gắn bó như keo sơn, đi đâu cũng không rời nhau một bước. Mấy hôm nay về đây tôi sẽ đọc Bát Nhã Tâm Kinh cho mẹ. Tôi giở trang Kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt trong Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 của Thầy Nhất Hạnh đọc cho mẹ nghe: Bồ Tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật (tức diệu pháp trí độ) bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn… Mẹ ơi, mẹ ra đi an vui nhé không có gì để vướng bận đâu. Mà có lẽ mẹ hiểu điều ấy cũng dễ thôi vì tuy rằng ít đi chùa mẹ vẫn thực hành bố thí suốt cả đời mẹ rồi. Chi Khanh kể có một lần (lúc còn ở Việt Nam năm 1973) sau khi lãnh lương, chị vui sướng lắm đến gặp mẹ, nói: “Hôm nay con mới lãnh lương, me có cần mua sắm gì không?” Mẹ bảo: “Con đưa me một ngàn. Hôm nay con chở me lên Lăng Ông nhé.” Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, tên quen thuộc là Lăng Ông ở cách nhà chúng tôi nửa giờ xe. Trước cửa Lăng có hằng chục người ăn mày lúc nào cũng túc trực sẵn, chờ khách thập phương hảo tâm. Vừa thấy me và chị Khanh họ xúm chung quanh bà cụ. Me cầm lấy nắm tiền đưa cả cho một người có vẻ lớn tuổi nhất trong bọn: “Đây, các ông bà cầm lấy mà chia nhau nhé!” Me vừa đi, họ lại chạy theo xin nữa. Me cười, bảo: “Có bao nhiêu tôi đã đưa cả rồi còn đâu mà cho!” Chị Khanh ngạc nhiên hỏi me: “Sao me bảo cần tiền tiêu mà lại đưa cả cho họ?” Me cười hồn nhiên: “Thì họ tiêu có khác gì mình tiêu đâu.” Một lần khác, mẹ và chị Khanh đang ngồi trên xe buýt bỗng nhìn thấy một bà cụ đang che nắng cho người con trai, có lẽ là một thương phế binh cụt cả hai chân, giữa trời nắng gắt của trưa hè Sàigòn. Mẹ bảo ông tài xế xe buýt: “Xin ông dừng xe ngay được không, tôi muốn xuống cho bà cụ ít chục bạc.” Ông tài xế phản đối: “Phải có trạm mới dừng được chớ. Bà chờ trạm sau đi.” Về nhà, me kể lại mà cứ ấm ức thương hai mẹ con người thương phế binh ấy. Tính mẹ vốn rất thương người. Những người hoạn nạn, túng thiếu, chỉ cần hỏi là mẹ tìm cách giúp ngay. Nếu trong nhà (thường khi) không có, mẹ lại đi hỏi người khác để vay hộ, kết quả là có nhiều lần mẹ đã phải “trả nợ đậy”. Khốn nỗi, vì “chẳng có cái dại nào giống cái dại nào” đến lúc có người khác hỏi mẹ lại quên chuyện cũ và nhận lời giúp nữa. Những người giúp việc trong nhà, khi có việc đi đâu, ở nhà để dành phần cơm, mẹ cũng lựa miếng ngon nhất cho họ. Đối với những người nghèo, kém may mắn hơn mình, mẹ chẳng bao giờ có ý khinh khi mà luôn nói: “Chẳng qua là mình may mắn hơn họ mà thôi.” Nhà đông mười người con, lúc di cư vào Nam, bố làm công chức lương chẳng bao nhiêu nên lúc nào mẹ cũng phải lo toan sao cho các con đầy đủ. Mười tám năm ở với gia đình, tôi chưa thấy mẹ có nữ trang gì ngoài chiếc nhẫn cưới giản dị. Lúc mất mẹ cũng chỉ có vỏn vẹn một đôi bông tai nhỏ bằng cẩm thạch. Mỗi dạo Tết Trung Thu, tôi lại nhớ những năm còn bé- lúc ấy tôi khoảng 12-13 tuổi - mẹ lại làm bánh dẻo để bầy bán kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Gian nhà nhỏ bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp, chỗ này một nồi nước đường chỗ kia để nhân bánh, chỗ nọ để khuôn, chỗ khác nhồi bột… Những tiếng khuôn đập vào sạp gỗ cứ liên miên bất tận. Vất vả là vậy mà chẳng bao giờ thấy mẹ than phiền. Sau này khi mẹ mất vài tháng, các chị kiếm đuợc cuốn sổ tay nhỏ của mẹ có ghi những giòng mực đã phai:
-tháng 5, 25 1966 hôm nay bốc hụi -tháng 8, 1966 trả nợ cho ông bà M. -tháng 4, 1967 mua hụi tại nhà bà N. -tháng 10, 1967 mượn ông M. 100,000 lãi 6 phân -tháng 4, 1968 hốt hụi non… và sau cùng -từ tháng 7, 1978 các con đi Mỹ gởi tiền về bây giờ mới trả hết nợ.
Tuổi thơ của tôi là những ngày vui đánh đinh, đánh đáo, lớn hơn nữa thì dùi mài sách vở học thi, nào có biết gì đến những nỗi lo âu "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" của cha mẹ. Tôi đọc những giòng đơn giản đó mà thương mẹ xiết bao. Mấy chục năm trời mẹ sống với mình, có lúc ở ngay bên cạnh mà mình có hiểu mẹ đâu. Bố tôi thì trái lại, bố biết là mình có người vợ rất đảm đang và lo toan, bố viết bài thơ tặng mẹ:
Hiền Thê Điều khiển lo toan hết sức mình Xây nhà, mở tiệm việc linh tinh Kỹ sư nếu luyện dư bằng cấp, Gia chánh, chuyên theo mấy khoa trình. Giòng dõi nho phong nguồn đức tính Công, dung, ngôn, hạnh, nghĩa chung tình. Bao năm chỉ thắm duyên càng đậm, Thế sự thăng trầm chẳng kém xinh. 1965
Bố mẹ sống với nhau bẩy mươi hai năm, từ tháng 11 năm 1934. Năm ấy bố tôi hai mươi sáu tuổi (hăm bảy tuổi ta) mối mai nhiều đám nhưng không thành. Một buổi sáng chủ nhật, tháng 9 năm 1934, ông đi ngang qua công viên trước cửa Vọng Cung (Thái Bình) bỗng thấy mẹ băng qua vườn hoa về nhà. Bố tôi thuật lại như sau:
Hên Không hẹn mà nên Hăm bảy tuổi rồi ế thực ư? Gió đưa hạnh phúc đến không ngờ! Bình minh soi tỏ công viên tỉnh, Nhẹ gót băng qua bóng tiểu thư. Mối lái tuần đầu nhờ mẹ bạn, Tân hôn trong tháng thoáng như mơ! Tình yêu Hồng thắm tuần trăng mật, Tiếng sét âm thanh mãi đến giờ.
Đúng là tiếng sét âm thanh vẫn còn mãi tận hơn bảy mươi năm sau. Hai ông bà cụ già đi đâu cũng có nhau, những lúc còn khoẻ bố tôi vẫn nấu sữa cho mẹ dùng … Nấu cháo luộc khoai bừng tỉnh sang Bung ngô, pha sữa lúc lên đèn. Cơm lành canh ngọt thêm ngon miệng Dưa nén, mắm nêm vẫn thấy thèm…
Chị Nhung ở chung nhà để săn sóc bố mẹ, kể lại là mỗi đêm khi mẹ trở mình thì sẵn cái còi đeo ở tay bố lại thổi “toe-toe” lên mấy tiếng, chị lại chạy vội vào để xem bố mẹ cần gì, có đêm bố thổi còi cả mấy lần làm chị thật vất vả. Mấy hôm nay, bố tôi buồn lắm, bỏ ăn, bỏ ngủ. Tính ông cụ vốn đã ít nói, bây giờ lại càng khó cậy được nửa câu. Trưa thứ Tư, chú Tân đến thăm bố tôi, ông cụ nói:
“Bà ấy mà đi thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa!”
Chú Tân nói:
“Anh phải ráng ăn mà sống chứ, bây giờ mà anh cũng nằm xuống thì chúng nó lo không xuể đâu!”
Bố tôi bị ung thư bàng quang (bladder cancer) từ tháng 8, 2005, mấy lần tiểu giải phẫu, sức cũng đã rất yếu từ mấy tháng trước nhưng vẫn ráng gắng gượng vì ông cụ nói:
“Tôi mà đi trước thì bà ấy khổ lắm.”
Tối thứ Tư, 7-26-06. Hôm nay tôi lại đọc Bát Nhã Tâm kinh cho mẹ nghe:
…Nghe đây Xá Lợi Tử: Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không, không chính thực là sắc. Còn lại bốn uẩn kia, cũng đều như vậy cả. Xá Lợi Tử nghe đây: Thể mọi pháp là không, không sanh cũng không diệt, không thêm cũng không bớt, không nhơ cũng không sạch….
Tôi hát cho mẹ bài Năm Uẩn Chẳng Là Ta phổ nhạc từ Bát Nhã Tâm Kinh. Mắt mẹ vẫn nhắm chặt, hơi thở lên xuống đều đặn. Mẹ ơi, mẹ có nghe không chúng con đang hát ru mẹ đây? Chị Trang đứng cạnh tôi, hai chị em dựa vai vào nhau, tay nắm tay cùng hát cho mẹ nghe. Mấy chục năm trước mẹ ru cho chúng tôi ngủ, bây giờ chị em chúng tôi lại hát cho mẹ nghe. Gương mặt mẹ thật là bình yên.
Chiều thứ Sáu, 28 tháng 7, 2006. Hôm nay các anh chị trong Ban Hộ Niệm Đạo Tràng Long Hoa và Tổng Hội Cư Sĩ cũng đến cầu an và tụng kinh cho mẹ. Mấy tháng nay, anh chị Sâm-Khanh và quý vị trong Ban Hộ Niệm vẫn thường xuyên tới cầu an cho mẹ. Gần hai năm nay, mẹ bị lẫn (Alzheimer) hơi nhiều, có lẽ vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Có lần mẹ mơ thấy ông ngoại, thấy cậu Đôn –các vị đã ra đi từ hơn năm mươi năm trước, khi tỉnh dậy mẹ lại nước mắt ràn rụa nhớ thương. Những lần sau khi được cầu an, mẹ ngủ say một mạch tới sáng và không than phiền vì mộng mị nữa. Huyền diệu thay sức mạnh của những thời kinh!
Trưa thứ Bảy, 29 tháng 7, 2006. Buổi trưa sau 12 giờ, một người bạn thân của gia đình chúng tôi, anh Yến đến thăm mẹ. Chúng tôi đứng trong phòng với mẹ hơn nửa tiếng. Gần 1 giờ trưa, tôi mời anh bạn ra phòng ngoài dùng bữa trưa. Chúng tôi vừa ngồi xuống sửa soạn ăn thì anh Hùng gọi tôi vào trong. Anh bảo tôi:
“Mẹ mới đi rồi, lúc 1 giờ trưa, bình an lắm. Anh lỡ gọi mẹ lại, mẹ mở mắt nhìn anh. Anh thưa với mẹ: ‘Thôi mẹ đi vui, chúng con sẽ cầu Phật độ cho mẹ’ Thế là mẹ đi.”
Như vậy là mẹ đã đi, đi thật rồi. Mười tám năm trời ở bên cạnh mẹ tôi không hiểu hết tình mẹ bao la, lòng mẹ dịu hiền thế nào. Thầy Nhất Hạnh viết về mẹ, một đoản văn (Bông Hồng Cài Áo) mà tôi nghĩ không thể có một bài viết, khúc ca, một bài thơ nào ngọt ngào mà đằm thắm hơn:
…Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Ngon biết bao! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? hay là tơ trời đâu la miên?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. ….
Mười tám năm ở với mẹ…rồi mười sáu năm bố mẹ sang đến nước Mỹ. Tôi bận rộn, tôi mải mê hết cuộc hành trình này đến những giấc mơ đời khác, để không biết là bên cạnh mình có một kho tàng thương yêu mà hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Tôi đã mất cả một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc mà khi có tôi chưa biết trân quý. Tôi chợt nhớ một khúc nhạc rất thiết tha của Võ Tá Hân trong CD Những Ngày Bên Mẹ gần đây của anh:
Thao thức canh thâu dạ héo hon Ví như băng giá lạnh trong hồn Niềm đau mất mẹ còn trơ đó Ân đức cao vời tợ Thái sơn Mẹ hỡi giờ đây mẹ chốn nào? Biết chăng con nhớ mẹ con sầu Có nghe con gọi trong nước mắt Mẹ hỡi bây giờ mẹ ở đâu? (Bây Giờ Mẹ Ở Đâu, thơ Lệ Ngọc)
Tiếng hát của Vân Khánh với giọng Huế thật truyền cảm và tha thiết, từng nốt nhạc, từng lời thơ như rót vào tai tôi. Lòng tôi lúc này như có ngàn mũi kim châm, tôi muốn chạy đến níu mẹ lại mà nào có ích gì. Con trẻ hay người lớn mà mất mẹ thì cũng khổ chẳng kém gì nhau. Tôi biết sẽ có một ngày mẹ ra đi, nhưng biết không có nghĩa là có thể chuẩn bị cho nỗi nhớ tiếc tràn đến như giông bão khi mẹ ra đi.
Năm xưa tôi còn nhỏ Mẹ tôi đã qua đời Lần đầu tiên tôi hiểu Thân phận trẻ mồ côi Quanh tôi ai cũng khóc Im lặng tôi sầu thôi Ðể dòng nước mắt chảy Là bớt khổ đi rồi... Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ Mất cả một bầu trời
Ôi trời cao xa thẳm Có nghe rõ lời tôi Từ trần gian cát bụi Tôi đã mất mẹ rồi! (Mất Mẹ, thơ Xuân Tâm và Bảo Uyên) Đó là tâm trạng của tôi bây giờ, tôi đã mất cả một bầu trời, một bầu trời đầy yêu thương, bấy lâu nay tôi đi dưới bầu trời ấy mà nào có hay. Bài thơ Mất Mẹ của Xuân Tâm và Bảo Uyên, giản dị mà thật là thấm thía. Nước mắt tôi ướt đầm trên má khi nghe những lời nhạc như quyện vào thơ. Tôi vẫn ưa thích bài thơ này nhưng đến bây giờ mới thực sự cảm nhận được cái nỗi đau da diết và thiết tha của nó. Thật là một tình cờ đến lạ lùng. Anh Võ Tá Hân mới gởi tặng tôi CD này tháng trước. Vừa nghe tôi đã thích ngay vì nó có nhiều bài về Mẹ, bài nào cũng nói rõ được tâm trạng của người con xa mẹ và nhất là người con mất mẹ. Tôi thấm thía nhất là Thảnh Thơi Mẹ Về, thơ Tuệ Kiên
Con khóc mẹ lệ rơi thổn thức Cảnh từ ly thật quá đau thương Mẹ đi rồi ngõ trúc vắng tanh Đàn con trẻ từ nay mất mẹ Ðâu dáng mẹ từ bi thuở ấy Chờ đàn con tan lớp học về Trước bàn thờ đâu còn dáng mẹ Tay lần tràng miệng khẽ Nam-mô Mẹ niệm Phật Di Ðà sớm tối Lạy Quan Âm Bồ Tát tinh chuyên Niệm hồng danh Chư Tổ Thánh Hiền Cầu tịnh độ Tây Phương Cực Lạc Mẹ đi rồi cháu con ngơ ngác Thấy vô thường man mác buồn tênh Ðời như chiếc lá bồng bềnh Chiếc thân tứ đại lênh đênh bến nào? Theo ánh Ðạo chuyển tâm Bồ Tát Trọn đời nương Phật pháp huân tu Xa lìa trần cấu ngục tù Ta bà cõi tạm, phù du hão huyền Buông xác phàm thuyền đã mục nát Trọn đời tu vun phước trợ đời Vượt qua bờ giác Mẹ ơi! Tây Phương cõi tịnh thảnh thơi Mẹ về. Phải rồi, để cho mẹ đi để mẹ còn về cõi Tịnh, xa lìa trần cấu ngục tù. Mình giữ mẹ ở lại khi thân xác đã mỏi mòn thì thật là tội nghiệp cho mẹ. Tôi đã được thật nhiều an ủi từ ý thơ giòng nhạc, nhất là ở hai đoạn cuối. Tôi có cảm tưởng đang nghe một bài hợp tấu cổ điển, một Funeral March - thật buồn nhưng cũng thật trang trọng. Chín mươi mấy năm trời mẹ ở với cuộc đời, thời gian dù có dài đến mấy cũng chỉ là ta bà cõi tạm, phù du hão huyền mà thôi. Chúng ta, trong giờ phút đau thương của tử biệt sinh ly, đau khổ càng đau khổ hơn khi chấp cái vô thường là thường hằng. Bài học vô thường ở trước mặt mỗi giây, mỗi phút mà có mấy khi ta chịu nhìn sự vật như nó là. Than khóc buồn khổ là một chuyện tự nhiên mỗi khi ta xa cách, vĩnh biệt người thân, mà làm như thế cũng không đòi hỏi chút vốn liếng tuệ giác nào, điều quan trọng là người Phật tử có nhân cơ hội đó mà học hỏi để sống sao cho lợi mình, lợi người. Tôi chợt nhớ đến một bài pháp thoại của Thầy Trúc Thông Phổ mà tôi đã được nghe qua: “Chết Cũng Là Một Pháp Tu”. Sự ra đi của người thân là một cú “sốc” mạnh giúp chúng ta nhận rõ chân lý bất di bất dịch “sinh, lão, bệnh, tử” mà Đức Phật đã dạy từ hơn hai mươi sáu thế kỷ trước. Phật pháp đã cho tôi những phương thuốc vi diệu mà tôi sẽ phải đem dùng trong những ngày sắp tới để qua khỏi nỗi đau to tát này. Mẹ tôi mất vào buổi trưa, nhưng chúng tôi dặn nhà quàn gần nửa đêm mới đến đem mẹ đi để thần thức của mẹ được ít nhất 8 giờ yên nghỉ. Bố tôi mặc quần áo tươm tất đi chậm đến bên giường, cầm tay mẹ một hồi lâu, Bố nói: “Thôi bà đi vui vẻ nhé, hai tháng nữa tôi sẽ theo bà!” Trong tiếng cầu kinh của Ban Hộ Niệm Đạo Tràng Long Hoa cả gia đình chúng tôi đã từ biệt mẹ tôi, chờ đến ngày phát tang, Trưa Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2006. Hôm nay là Lễ Phát Tang của me. Tất cả họ hàng nội, ngoại gần xa, bạn bè đã tề tựu đông đủ. Trong tiếng đọc kinh của quý Chư Tôn Đức Chùa Bát Nhã và quý vị Ban Hộ Niệm Đạo Tràng Long Hoa, hai người nhân viên nhà quàn đặt mẹ vào trong áo quan. Mẹ nằm đó yên lặng như trong một giấc ngủ. Mẹ ơi, mẹ ngủ yên nhé! Mai đây mẹ đi về cõi Tịnh, hết những đau thương phiền lụy của cõi ta bà ô trược này. Anh Hùng đẩy xe lăn đưa bố tôi đến trước linh cữu của mẹ. Bố yên lặng một hồi lâu rồi gạt giòng nước mắt, không nói gì hơn, có lẽ những gì đáng nói bố đã nói, những gì làm đuợc bố đã làm lúc mẹ còn sinh tiền. Sau đó mọi người đưa bố tôi về nhà nghỉ ngơi. Bố đã chín mươi chín tuổi ta, sức đã cạn kiệt sau gần một năm vật lộn với căn bệnh ung thư. Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2006. Hôm nay là Lễ Hỏa Táng của mẹ. Sắp đến giây phút từ biệt mẹ vĩnh viễn. Chút nữa đây khi ngọn lửa thiêu đốt xác thân giả hợp của mẹ thành tro bụi, chúng tôi sẽ còn gì để nhớ về mẹ? Tôi nhớ lời dạy của Bát Nhã Tâm Kinh: Nghe đây Xá Lợi Tử: Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không, không chính thực là sắc. Còn lại bốn uẩn kia, cũng đều như vậy cả. Xá Lợi Tử nghe đây: Thể mọi pháp là không, không sanh cũng không diệt, không thêm cũng không bớt, không nhơ cũng không sạch. Cho nên trong tánh không, không có sắc, thọ, tưởng. Cũng không có hành thức, không có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý sáu căn. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp -sáu trần .... Hãy lấy cặp mắt tuệ giác mà Phật pháp đã cho ta để nhìn thật rõ, nếu nhìn như thế, tôi sẽ thấy mẹ chẳng đi đâu cả, mẹ vẫn còn đó trong tất cả các anh chị em, con, cháu nội ngoại chung quanh đây, và ngày nào chúng tôi, các con cháu vẫn tiếp tục hạnh nguyện của mẹ, ngày đó mẹ vẫn luôn luôn ở cạnh chúng tôi. Mẹ vẫn đang ở trong tôi, các con, các cháu chắt của mẹ, ngay bây giờ và ở đây như Thiền Sư Nhất Hạnh viết trong Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi (Việt dịch: Chân Huyền, NXB Lá Bối, San Jose CA 2004, nguyên tác No Death No Fear, Riverhead Books, 2002): Nếu bạn biết tu tập, thì tới giờ phút chia lìa, bạn sẽ không quá khổ sở. Bạn sẽ sớm nhận thức được rằng mẹ bạn vẫn đang sống trong bạn. Ngày mẹ tôi chết, tôi viết vào nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đời tôi đã xảy ra rồi. “ Tôi đau khổ hơn một năm sau khi mẹ qua đời. Nhưng rồi một đêm khi ngủ trong một cái cốc ở vùng cao nguyên Việt Nam, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi thấy tôi ngồi chơi bên bà và chúng tôi nói chuyện rất vui. Mẹ tôi trông trẻ đẹp, tóc bà thả dài xuống lưng. Thật là sung sướng được truyện trò với mẹ như thể lúc bà chưa chết vậy. Tôi tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng và có cảm giác thực sự là tôi chưa bao giờ mất mẹ. Cảm tưởng mẹ vẫn còn ở trong tôi nó rất rõ ràng. Tôi hiểu rằng ý tưởng mất mẹ chỉ là một ý tưởng mà thôi. Rõ ràng lúc đó tôi thấy mẹ luôn luôn còn sống trong tôi. Tôi mở cửa đi ra ngoài. Tất cả sườn đồi được tắm trong ánh trăng. Đó là một đồi trà và thất của tôi ở lưng chừng đồi, phía sau ngôi chùa. Khi đi bộ thong thả giữa các luống trà, tôi vẫn cảm thấy mẹ tôi ở bên tôi. Bà là ánh trăng vuốt ve như bà thường hay làm, thật dịu dàng âu yếm…thật là kỳ diệu! Mỗi khi chân tôi chạm đất, tôi biết mẹ tôi vẫn đang ở bên cạnh. Tôi biết cái thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ, cha, của ông bà, của cụ kỵ, của tổ tiên. Những dấu chân tôi tưởng của tôi, thực ra là của cả hai chúng tôi. Tôi và mẹ cùng để lại những dấu chân trên mặt đất ẩm ướt đó. Từ lúc ấy, ý nghĩ mất mẹ không còn hiện diện trong tôi nữa. Tôi chỉ cần nhìn vào bàn tay tôi, cảm nhận hơi gió mát trên mặt đất hay đất dưới bàn chân, là tôi nhớ mẹ tôi luôn luôn có mặt với tôi, trong mọi thời điểm... Thực tập quán chiếu như vậy, tôi bớt đau khổ vì ý tưởng đã mất mẹ. Tôi biết là mẹ luôn có mặt với tôi trong mọi giây phút, nhất là những giây phút tôi làm những việc lợi lạc cho tha nhân. Những lúc ấy, tôi cảm thấy mẹ đang cười và nói: “Con giỏi lắm, hãy tiếp tục như thế mãi con nhé!” Sau ngày mẹ mất, tôi thấy rõ ràng là dù ít khi đến chùa mẹ đã thực sự sống đúng như lời dạy của Phật pháp, thể hiện tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) bằng cuộc sống hằng ngày của chính mình. Bố mẹ đã không để lại cho chúng tôi một tài sản vật chất nào nhưng đã trao truyền lại cho thế hệ sau những bài học thương yêu vô giá. Tôi biết rằng mình chẳng bao giờ cách xa cha mẹ bởi vì trong tôi, trong tất cả các con cháu vẫn còn tấm gương hy sinh sáng ngời của hai đấng sinh thành. Nhờ ánh sáng mầu nhiệm của Phật pháp, tôi hiểu rằng báo hiếu không phải là khóc lóc sầu thương, xây bia dựng mộ, cúng giỗ linh đình… mà là tiếp tục truyền thống yêu thương của tổ tiên, ông bà cha mẹ đã trao truyền cho mình. Xin được phép trích dẫn sau đây một đoạn liên hệ trong bài viết sâu sắc “Đôi Điều Về Truyền Thống Và Hiện Đại” của Tiến Sĩ Thái Kim Lan ( trích từ Thư Viện Hoa Sen 12-2006,
www.thuvienhoasen.org)
“Truyền thống” do đó bao gồm phương thức thực hiện cho được sự chuyển tiếp sức sống hiện đại cho thế hệ hiện tại và tương lai. Ðó là ý nghĩa sinh động của truyền thống, chống lại mọi khuynh hướng rập khuôn, sao chép sáo rỗng cũng như khuynh hướng bắt chước, lặp lại, tùy tiện sử dụng nhầm lẫn loại hàng phế thải "second hand“ thay thế sản phẩm văn hóa đầu tay. Chính nghệ thuật giữ được ngọn lửa truyền thống văn hóa đem đến ý nghĩa sinh động cho khái niệm truyền thống như Thomas Morus (tác giả cuốn Utopia, 1478-1535) nhận chân:
"Truyền thống không có nghĩa gìn giữ đống tro, Mà là chuyển tiếp ngọn lửa”.
Hồi tưởng lại mấy năm trời, từ những ngày mẹ bắt đầu già yếu, qua đến bệnh tử, lòng tôi dào dạt niềm biết ơn Tam Bảo. Không có ngọn đèn của Chánh Pháp chắc hẳn tôi và các anh chị em trong gia đình sẽ bi ai sầu thảm vô ích, không biết quán chiếu:
Thân này từ đâu tới Thân mất ta về đâu Mỗi sáng, trưa chiều tối Hãy tự hỏi vì sao Sinh diệt trong hơi thở Sống chết như trò chơi Hết thành rồi đến hoại Là chân lý muôn đời… Như nước sông chảy mau Qua rồi không trở lại Đời người cũng như vậy Nuối tiếc nào được đâu… (Kinh Pháp Cú Thí Dụ,Việt dịch TT Thích Minh Quang)
Tôi nghe như có tiếng mẹ cùng tôi đọc:
….Chư Bụt trong ba đời, y diệu pháp trí độ Bát Nhã Ba La Mật. Vậy nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật là linh chú đại thần, là linh chú đại minh, là linh chú vô thượng, là linh chú tuyệt đỉnh, là chân lý bất vọng, có năng lực tiêu trừ tất cả mọi khổ nạn. Cho nên tôi muốn thuyết câu thần chú trí độ Bát Nhã Ba La Mật. Nói xong đức Bồ Tát liền đọc thần chú rằng: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha, Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha, Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha Mẹ ơi, thôi mẹ an lành đi về cõi tịnh nhé mẹ!
01-01-2007

TÂM LINH - GỌI HỒN



Xin giới thiệu đến Quý Vị bài viết này, rất lạ nhưng lại giống như những bài Gọi Hồn của Ðàm Trung Phán.

Xin mời đọc!

VietHaiNgoai

aka Ðồ Lãng Xẹt

------------

Chuyện Có Thật Trong Gia Đình Tôi

Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra ngay vào Má tôi. Tôi có một đứa em ruột, nếu nói theo kiểu người miền Nam, là cô em thứ Tư trong gia đình, chết đúng vào năm 12 tuổi. Lạ một điều là ngày chết của cô ấy so sánh với ngày, giờ năm sinh là vừa tròn một con Giáp, không thừa thiếu chút nào. Sau khi cô ấy chết được mấy năm, bỗng tự nhiên trở về nhập qua xác của Má tôi làm cho mọi người trong nhà hết hồn, nhưng sau nhiều lần như vậy dần dần gia đình cũng quen đi và không còn sợ nữa. Khi về cô cho biết là một nhân vật ở cõi trên (có chức sắc và danh hiệu đàng hoàng, nhưng tôi không muốn nêu lên đây). Cô ta cho biết vì có nhân duyên nên đã đầu thai vào trong gia đình chúng tôi... sau khi ở đúng một con Giáp (12 năm) thì hết nhân duyên nên về lại cõi trên... Nay vì muốn tạo phước cho bá tánh nên về lại trần gian, mượn thân xác của Má tôi để cứu người đời...

Tôi còn nhớ, mỗi lần về như vậy, cô bảo đốt cho cô nguyên một bó nhang lửa cháy đỏ hừng hực, rồi cầm bó nhang đang cháy vuốt qua lại trên tay, trên mặt (dĩ nhiên qua thân xác của Má tôi lúc đó, vậy mà sau khi cô ta xuất đi, Má tôi không bị một chút phỏng, hoặc thương tích gì hết).... Ban đầu cô chỉ giúp người nhà chữa bệnh, mà điển hình đầu tiên là chữa bệnh tim cho Má tôi. Má tôi có bệnh tim rất nặng, đi bác sĩ nào cũng đều bó tay. Bệnh tim của Má tôi nặng đến nổi chỉ cần có một người nào đó nói hơi lớn tiếng một chút, hoặc giả ai làm rớt bể một vật gì ngay bên cạnh, là đủ để bà ta xỉu rồi. Các bác sỉ chẩn bệnh cho Má tôi bảo rằng bà không thể sống quá một năm, nếu không được thay tim. Năm đó là năm 1969, gia đình tôi đang ở Nha Trang... vậy mà từ đó đến nay đã hơn 35 năm, sau khi cô em tôi về chữa cho Má tôi, bà vẫn còn sống…

Cô em tôi về chỉ dùng nhang khoáng vào ly nước lạnh và dặn sau khi cô ta xuất đi khỏi xác của Má tôi thì cho Má tôi uống liền… làm như vậy vài lần, đồng thời cô ta dặn người nhà đi ra đồng, kiếm giây chùm bao, nhổ cả thân, rể, lá mang về xắt nhỏ ra rồi đem phơi khô, sau đó nấu nước uống thay cho nước trà mỗi ngày… Ở nhà làm đúng như cô dặn, sau một thời gian bệnh tim của Má tôi không hiểu tại sao gần như không còn hoành hành Má tôi nữa, các bác sĩ khám lại cho bà cũng rất là ngạc nhiên, vì chính các vị này trước đây đã từng chẩn đoán cho Má tôi và kết luận rằng Má tôi sẽ không thể nào qua khỏi nếu không được thay tim... dần dần hàng xóm láng giềng biết được, kéo sang nhà van vái cầu xin cô em tôi về để chữa bệnh.

Cả gia đình lúc bấy giờ thật là rầu, cứ chiều chiều sau khi cơm nước xong thì hàng xóm và ngay cả những người ở thật xa nghe đồn, đã đến chật hết cả nhà… Ba Má tôi và anh em chúng tôi không muốn bị quấy rầy không khí gia đình sau một ngày làm việc vất vả... vì bà con cứ đến hàng ngày như vậy chịu sao nổi, một khi cô em tôi nhập về thì cũng phải hết mấy tiếng đồng hồ, bữa nào cũng khuya trờ khuya trật mới đi ngủ được... nhưng nghe bà con than van, cầu khẩn quá, Má tôi không còn biết làm sao hơn, đành phải cho họ vô nhà. Đôi khi chịu hết nổi, Ba Má tôi phải thắp hương cầu xin cô em tôi đừng về nữa, nhưng cô ấy vẫn cứ nhập về hoài và chữa bệnh cho không biết bao nhiêu là bệnh nhân, chỉ bằng vào phương pháp đơn giản dùng nhang khoáng vào ly nước lạnh hoặc vào các cây cỏ tầm thường... vậy mà hầu hết các bệnh nhân đều khỏi cả mới là lạ và tuyệt đối không lấy của ai một đồng bạc nào... cũng có nhiều người để tiền lại, nhưng cô em tôi la hét dữ lắm và bắt cầm tiền lại hết. Khoảng năm 1969, 1970 gia đình tôi ở đường Hùng Vương, Nha Trang rất nổi tiếng về chuyện này.

Sau đó gia đình tôi đổi về Saigon. Ba tôi mua một căn nhà ở cư xá Tô Hiến Thành, gần trường đua Phú Thọ, của một ông Đại Úy trong QLVNCH. Nhà ông này rất dài, ông ta cắt ngang phân nửa bán cho gia đình tôi. Hai bên vẫn qua lại với nhau hàng ngày rất thân tình. Trong thời gian này, thỉnh thoảng cô em tôi cũng có nhập về… Năm 1973, trong một chuyến công tác bằng trực thăng bị địch quân bắn rớt, ông Đại Úy này đã tử trận, không để lại một lời trăn trối nào cho vợ con... Ông ta chết được khoảng vài tháng thì một đêm cô em của tôi lại nhập về qua xác Má tôi nữa, chuyện vãn một hồi cô em tôi bảo đi gọi bà vợ ông Đại Úy đến để cô có chuyện giúp cho... Sau khi bà vợ ông Đại Úy sang, cô hỏi bà ta có muốn chồng bà về thăm hay không??... bà này sợ quá, chưa biết trả lời ra sao. Chúng tôi vì đã chứng kiến chuyện lạ nhiều lần rồi nên không có gì ngạc nhiên hết, vì thế cả nhà thúc dục bà ta xin cô em tôi cho chồng bà về thăm đi. Trong bụng bán tín bán nghi, bà ta đã xin thử cô em tôi. Cô ta nói được rồi, hãy chờ đó đi cô ta sẽ dẫn cho về gặp mặt… nói xong cô xuất đi. Một lúc lâu sau, ông Đại Úy nhập về qua xác của Má tôi. Lúc đầu mọi người không ai biết đó là ông ta, nhưng sau khi thấy bà vợ và mấy đứa con nhỏ ngồi trước mặt, ông ta khóc òa và sau đó là những lời kể lể, thì cả nhà mới biết đó là ông.

Chuyện làm cho mọi người giật mình là, có những chuyện chỉ có vợ chồng ông ta biết thôi chứ người ngoài không thể biết, đã được ông nói ra qua xác của Má tôi lúc bấy giờ... Đồng thời có một chuyện như sau xãy ra ngay lúc đó mà tôi còn nhớ rất rỏ: Đó là ông Đại Úy có cho bà vợ biết là ông có dấu một số tiền ở sau vách tủ đựng quần áo mà bà này trước đây không biết. Ông ta bảo bà chạy về xem coi còn tiền ở đó hay không? Đồng thời nếu nhà còn rượu thì mang cho ông uống với vì ông thèm rượu quá. (Khi sinh tiền ông này uống rượu như hũ chìm). Bà vợ sợ quá tay chân run lẩy bẩy, không dám về nhà một mình, phải rủ chị giúp việc cho nhà tôi đi cùng...

Một lúc sau thì bà ta trở lại với một gói tiền, được gói cẩn thận trong tờ giấy báo và một chai rượu Johnny Walker. Bà ta sợ đến nổi mặt mày tái mét, chân đi không muốn nổi, chị giúp việc cho gia đình tôi phải dìu bà ta đi. Sau đó bà rót rượu vào một ly cối, ông chồng bảo rót nhiều nhiều cho ông uống vì ông thèm quá và sẽ không có cơ hội uống nữa... cho nên bà vợ vừa khóc vừa run rẩy rót gần đầy cái ly cối đó, đến nổi chúng tôi phải cản lại. Ông Đại Úy qua thân xác của Má tôi, cầm ly rượu uống liền một hơi như người ta uống nước lạnh… Lúc đó tôi chứng kiến cảnh đó cũng hoảng hồn vì Má tôi không biết uống một giọt rượu nào cả. Ngay sau khi vừa uống xong ly cối rượu, bỗng ông ta trông có vẻ khúm núm sợ hãi lắm... lắp bắp nói với vợ rằng ông ta vừa bị quở trách là tại sao lại uống rượu, ông đã uống rượu là phạm luật và không thể ở lâu được, ông nói xong òa lên khóc và ôm hôn vợ con rồi bỗng dưng xuất đi.

Lập tức ngay sau đó cô em của tôi nhập về với một vẻ giận dữ chưa từng thấy và la mắng bà vợ của ông Đại Úy quá trời, cô ta bảo rằng trong thời gian này ông ta không thể hưởng dụng bất cứ thứ gì của dương thế, cho ông ta uống rượu chỉ là hại ông mà thôi... Cô ta còn nói trước khi xin cho về thăm vợ con, ông ta đã được dặn dò rất kỹ là không được hưởng dụng bất kỳ thứ gì cả, như vậy mà cũng làm sai... Bà vợ và các con của bà ta lạy như tế sao năn nỉ xin đừng phạt ông ta. Cả nhà tôi cũng năn nỉ xin cô em tôi cứu giúp dùm. Cô em tôi vẫn nổi giận đùng đùng, cho biết việc này ngoài khả năng của cô và chính cô cũng bị ảnh hưởng bởi chuyện này nữa. Sau đó với thái độ còn rất giận dữ, cô ta xuất đi.

Thật lâu sau khi cô ta xuất đi cả nhà vẫn còn bàng hoàng sợ hãi. Má tôi trở lại con người thật và lạ lùng là bà không bị ảnh hưởng của ly cối rượu Johnny Walker đó chút nào cả, ly rượu mà tôi nghĩ ngay cả tôi lúc đó còn thanh niên, nếu uống một hơi như thế cũng sẽ nốc ao tôi dễ dàng.


Một câu chuyện khác về cô em linh thiêng trong gia đình chúng tôi, nó kỳ lạ đến độ nếu như tôi không chứng kiến và không phải là người trong cuộc thì tôi cũng nghĩ là hoang đường. Chuyện lần này ảnh hưởng trực tiếp tới vợ chồng tôi. Lúc đó vào khoảng đầu tháng tư năm 1973, tôi vừa mới cưới vợ được mấy tháng. Một đêm cô em tôi nhập về, cả nhà tôi lúc đó đã quá quen với chuyện này rồi nên không ai thấy sợ nữa, ngoại trừ vợ tôi. Năm đó tôi đã đi lính rồi, đơn vị đóng tại Phan Rang lâu lâu mới về phép một lần, vợ tôi cùng theo ra ở ngoài Phan Rang với tôi. Nhân kỳ về phép nên tôi dẫn vợ về thăm Ba Má và các em bên gia đình tôi.

Mới lấy nhau mấy tháng, lại ít khi về bên chồng, vợ tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh như vậy hết cho nên rất là sợ hãi khi thấy cảnh cô em tôi về qua xác của Má tôi cầm bó nhang lửa đỏ rực vuốt lên tay, mặt… mà không bị phỏng… cảnh tượng kỳ quái như vậy bảo sao một cô gái mới lớn lên không hãi hùng cho được. Vợ tôi sợ quá kéo tôi ngồi xa xa chứ không dám ngồi gần. Sau khi chuyện vãn với mọi người chung quanh một hồi, bỗng cô em tôi chỉ tay về phía vợ chồng chúng tôi đang ngồi, ngoắc vợ tôi bảo tới gần, vợ tôi sợ điếng hồn không dám tới.

Tôi và mấy cô em gái tôi phải trấn an vợ tôi là:

-Không có gì đâu, hãy lại cho Kim Liên hỏi chuyện đi. (Cô em tôi lúc sinh tiền tên Thu, nhưng sau khi chết, nhập về cô ta cho biết ở cõi trên cô ta tên gọi Kim Liên, ngoài ra còn có chức sắc đàng hoàng).

Tôi phải kéo tay vợ cùng lên ngồi phía trước cho vợ tôi đỡ sợ. Cô em tôi ngắm nhìn vợ tôi hồi lâu, và hỏi vợ tôi rằng:
- Chị có biết Kim Liên là ai không?

Vợ tôi ấp úng trả lời:
- Không biết

Cô ta cười: -
Kim Liên là em của chị nè, chị không biết sao? Chị ngước mặt nhìn Kim Liên đi, Kim Liên giúp cho chị, chứ không hại chị đâu, chị đừng sợ.

Vợ tôi rụt rè ngước mặt lên nhìn. Cô em tôi bỗng dùng bó nhang cháy hừng hực khoáng khoáng trên mặt vợ tôi và bấm đốt ngón tay tính toán gì đó một hồi rất lâu không nói câu nào. Cả nhà hồi hộp chờ đợi không biết chuyện gì. Một lúc lâu sau cô ta bảo vợ tôi rằng: -
Kim Liên giúp chị chuyện này, chị phải nhớ làm đúng theo lời của Kim Liên, không được sai. Ngày mai chị đi mua cho Kim Liên xin một cành huệ trắng, chỉ một cành mà thôi không cần mua nhiều, về nhà chị cắm vào trong một ly nước lạnh, đặt trên bàn và nhớ nói như vầy: "Kim Liên ơi Kim Liên, chị cho Kim Liên cành huệ nè". Cứ kêu tên Kim Liên và nói y như vậy ba lần, xong đợi khi nào có một bông huệ rụng xuống thì lấy bông đó đốt cháy thành than, tán nhuyễn, trộn với nước lạnh rồi uống hết nó. Chị nhớ kỹ chưa?

Vợ tôi sợ quá, không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết ấp úng gật đầu.
Tôi cũng thấy kỳ, nên chen vào hỏi:
- Chuyện gì vậy, Kim Liên có thể cho biết được không?

Cô em tôi trả lời không được. Sau này sẽ cho biết còn bây giờ thì cứ làm đúng theo lời của cô ấy dặn. Sau đó cô quay qua nói chuyện với những người khác và không nói thêm lời nào với vợ tôi nữa.

Cả đêm đó vợ tôi sợ quá thức suốt đêm không ngủ được. Qua hôm sau, vợ tôi đi chợ mua ngay một cành huệ và làm đúng như lời cô em tôi đã dặn đêm qua. Cả ngày hôm đó vợ tôi cứ ngồi canh xem bông huệ có rụng không, chờ cả ngày mỏi mòn không thấy gì hết. Tôi thì bực dọc vì ngày về phép đâu có bao nhiêu, mà vợ tôi vì chuyện này không đi chơi được với tôi ngày hôm ấy để cuối cùng gần hết ngày rồi mà có thấy bông huệ rụng gì đâu.

Tôi còn nhớ lúc đó khoảng gần 5 giờ chiều, chị giúp việc cho nhà tôi đang nấu cơm sau bếp, bỗng chị ta gọi vợ tôi nhờ giúp dùm chuyện gì đó. Vợ tôi đi xuống bếp không bao lâu sau trở lên nhà trên liền, thì đã thấy một bông huệ rụng xuống bàn hồi nào không hay. Vợ tôi sợ quá mặt mày tái mét, la lớn lên kêu tôi. Lúc đó tôi đang nằm trên võng đu đưa ở trước nhà, nghe tiếng la cũng hoảng hồn chạy vào xem. Cành huệ có rất nhiều bông, nhưng chỉ có một bông rụng mà thôi. Vợ tôi chờ cả ngày không thấy bông nào rụng hết, vậy mà chỉ vắng mặt trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại rụng ngay vào lúc không ai có mặt ở đó. Đúng là kỳ lạ thiệt!!!

Sau đó vợ tôi làm đúng lời dặn, đem bông huệ đó đốt thành than, giã nhuyễn ra và pha với nước lạnh uống hết. Bẵng đi một thời gian sau không thấy có chuyện gì xảy ra, ban đầu chúng tôi còn để ý trông ngóng nhưng dần dần rồi cũng quên đi chuyện này. Tôi vẫn tiếp tục đời lính của mình ở đơn vị, còn vợ tôi lúc này đã có thai bụng lớn lắm rồi, cho nên để ở lại Saigon với gia đình bên vợ để Má vợ tôi chăm sóc.

Cuối năm 1973, vợ tôi bất cẩn té từ thang lầu xuống, cái thai bị động mạnh phải đưa vào bệnh viện Hùng Vương cấp cứu, sau đó vợ tôi bị sanh non, thai nhi lúc đó chỉ khoảng 6 tháng rưởi. Tôi được điện tín ở nhà cho hay nên tức tốc xin phép về ngay. Khi vào thăm vợ tôi ở bệnh viện Hùng Vương thì vợ tôi đã sanh rồi. Con đầu lòng của tôi là một bé gái sanh ra quá yếu nên phải nằm lồng dưỡng nhi trong một phòng khác để được chăm sóc đặc biệt, nhưng chưa tới 24 tiếng đồng hồ sau thì con tôi mất. Tôi và cả nhà biết được chuyện buồn này, nhưng dấu vợ tôi vì sức khoẻ của vợ tôi quá yếu. Để cho vợ tôi yên lòng, tôi chỉ nói là con vẫn mạnh khoẻ nhưng vì sanh thiếu tháng nên bác sĩ cần phải chăm sóc riêng đặc biệt mà thôi.

Qua hôm sau tôi lại vào thăm vợ tôi trong bệnh viện thì gặp bà bác sĩ đã đỡ đẻ cho vợ tôi trong ca cấp cứu vừa qua. Bà ta có cho tôi biết trong hơn hai chục năm kinh nghiệm trong nghề sản khoa, chưa bao giờ bà ta gặp một trường hợp lạ lùng như trường hợp của vợ tôi. Tôi hỏi trưòng hợp của vợ tôi như thế nào mà lạ lùng. Bà ta nói khi đỡ đẻ cho vợ tôi thì phát hiện vợ tôi có hai cái nhau. Một cái cho đứa bé gái đã được sanh ra, còn cái nhau kia teo tóp lại. Bà ta nói có 2 cái nhau tức là có song thai nhưng trong trường hợp này chỉ có một em bé mà thôi, trong khi cái nhau kia không phát triển được vậy mà tại sao lại không ảnh hưởng tới cái nhau thứ nhất và em bé gái vẫn phát triển bình thường… Tôi nghe thì nghe vậy thôi chứ không để ý lắm, vả lại lòng dạ rối bời qua tai nạn đứa con đầu lòng vừa mất, vợ bệnh còn nằm đó thì tâm trí đâu mà để ý đến chuyện bà Bác sĩ nói làm chi…

Sau khi vợ tôi qua cơn nguy hiểm, bác sĩ cho xuất viện. Mọi chuyện dần dần trở lại bình thường sau cơn đau buồn vừa qua. Chờ đến khi sức khoẻ của vợ tôi hồi phục tôi đưa vợ tôi trở ra đơn vị sống như trước, mọi người gần như quên bẵng đi câu chuyện cô em tôi nhập về và câu chuyện bông huệ mấy tháng trước …

Đầu năm 1974 tôi về phép, hai vợ chồng về thăm Ba Má tôi, đêm đó cô em của tôi nhập về nữa, lần này cô em tôi cũng ngoắc vợ tôi đến trước mặt vừa cười vừa nói rằng:

- Chị có biết là Kim Liên đã cứu chị hay không?

Vợ tôi và cả nhà ngạc nhiên không biết cô em tôi nói gì? Cô em tôi lúc đó mới nhắc lại chuyện trước đây và cho cả nhà hay rằng, lần đầu khi nói chuyện với vợ tôi năm trước, cô ta đã biết vợ tôi cấn thai rồi, mà lại là song thai, lúc đó cơ thể của vợ tôi ốm yếu lắm, cô đã biết là cái thai sẽ không "đậu", chúng tôi sẽ mất cái thai này, nhưng với cơ thể yếu đuối của vợ tôi như vậy, sẽ chịu không nổi khi mất một lần song thai. Theo lời cô em tôi nói thì cô ta đã tính toán và biết được cái thai vừa cấn, chưa vào "sổ bộ sanh bộ tử", cho nên cô ta tìm cách diệt cái thai mới vừa cấn đó để cứu mạng vợ tôi, nhưng cô ta không thể diệt được cả 2 cái, vì một cái đã bắt đầu tượng hình rồi, cái kia chỉ là một cục máu chưa có sự sống, nên cô ta diệt được. Do đó cô ta làm phép cho uống một bông huệ rụng là để diệt cục máu kia, chứ nếu không thì chắc là vợ tôi không thể qua được… Sau sự giải thích của cô em, tôi mới nhớ lại lời của bà bác sĩ ở bệnh viện Hùng Vương mà không khỏi rùng mình. Cả nhà của tôi ai nấy đều sợ hãi quá sức qua câu chuyện ly kỳ này. Bà xã tôi có xin cô em tôi che chở để cho vợ chồng chúng tôi có con, chứ cơ thể của vợ tôi sau tai nạn vừa qua, vẫn còn rất yếu kém, chính các bác sĩ khuyên chúng tôi không nên có con… Cô em tôi nhìn vợ chồng tôi chăm chăm và buồn phiền lắc đầu nói rằng:

- Nghiệp của anh chị nặng quá, còn phải trả nghiệp nhiều lắm. Kim Liên sẽ giúp cho nhưng nghiệp của ai thì người nấy phải trả, Kim Liên không thể làm gì hơn. Kim Liên sẽ giúp cho anh chị có cháu mà, đừng có lo. Sau đó cô ta lấy nhang khoáng khoáng vào mặt vợ tôi và không nói gì thêm nữa…

Vợ tôi sau đó còn bị hư thai thêm một lần nữa, mặc dù chúng tôi và gia đình đã tẩm bổ, bồi dưỡng cho vợ tôi rất nhiều, các bác sĩ cũng tận tình chăm sóc, vậy mà vẫn bị hư thai và đứa con thứ hai của chúng tôi cũng không cứu vãn được!

Năm 1975, vợ tôi sanh đứa con thứ ba là đứa con trai bây giờ, mặc dù nó cũng bị sanh thiếu tháng, nhưng rất khoẻ mạnh, cơ thể của vợ tôi từ đó khá hơn trước rất nhiều, đứa con gái sanh năm 1980 cũng khoẻ mạnh cho tới bây giờ. Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, vậy mà lúc ngồi viết lại câu chuyện này, tôi vẫn còn cảm thấy rợn cả người.

Sau 1975, gia đình tôi toàn là người của chế độ cũ, vì tránh đi kinh tế mới, nên có mua một miếng đất ở khoảng giữa đường đi Long Khánh thuộc ấp Hưng Bình, huyện Hưng Lộc, tỉnh Đồng Nai với vườn mít, chuối… rồi trồng trọt thêm các hoa màu khác sinh sống. Năm 1978 tôi đi tù cải tạo về, không còn tiền bạc gì cả, vợ chồng tôi và đứa con trai nhỏ cũng theo lên đây ở tá túc nhà Ba Má tôi, cùng nhau làm rẫy sống qua ngày.

Khoảng thời gian này, cô em của tôi cũng thường nhập về trị bệnh cho bà con… những người đã biết cô em tôi từ trước rủ rê những người khác, bảo nhau tìm đến gia đình chúng tôi để xin chữa bệnh rất đông. Có người ở tận các tỉnh thành xa, không hiểu nghe ai đồn, biết được cũng lần mò tìm đến. Nhiều lúc tôi bực mình thật sự. Nhà thì nghèo, Ba tôi thì còn kẹt tù chưa về. Má tôi cùng các anh em chúng tôi phải dậy từ sáng sớm, lo vác cuốc đi qua rẫy trồng trọt, tối mịt mới về, cơm nước xong, Má tôi chưa kịp nghỉ ngơi thì đã có người bệnh tới chờ cầu xin cho cô em tôi nhập về chữa bệnh rồi. Tuy Má tôi có đôi lúc mệt quá cũng tìm cách thoái thoát, nhưng vì lòng nhân từ và vì thấy bà con người ta ở xa xôi lần mò tìm tới xin chữa bệnh, không nỡ để họ thất vọng ra về, đa số bà con là người nghèo khổ không, cho nên cầm lòng không đậu, cuối cùng Má tôi cũng để cho bà con thắp nhang cầu xin cô em tôi về để chữa bệnh cho họ.

Một đêm tôi đi nhậu với ông cậu về ngà ngà say, thấy đông đúc bà con đầy nhà đang bao quanh Má tôi, lúc đó cô em tôi đã nhập về qua xác Má tôi, bực quá đang cơn say tôi chỉ vào cô em mà mắng rằng:

- Không có Kim Liên, thầy bà gì nữa hết… cả nhà cực khổ quá trời có thấy ai giúp đỡ cho đồng tiền bát gạo nào cho Má đỡ khổ đâu. Má đã cực khổ cả ngày, bây giờ còn hành xác của Má nữa…

Trong cơn say, đại khái tôi còn chưởi mắng nói nhiều điều nữa… làm mọi người trong nhà kể cả vợ tôi và mấy đứa em tôi đang ngồi thất sắc hết. Cô em tôi đang nhập qua xác Má tôi, ngước lên nhìn tôi rồi lớn tiếng nói rằng:

- Kim Liên là em của anh ở dương thế trước đây thôi, chứ giờ này Kim Liên đang ở cõi trên, đâu còn là em của anh nữa, anh không được hỗn với Kim Liên như vậy.

Đúng lúc đó, tự nhiên tôi cứng cả mình không nhút nhích gì được, dù chỉ là giơ cánh tay lên cũng không nổi, miệng thì không hả ra được. Nếu nói theo như truyện kiếm hiệp, thì tôi y như người bị điểm huyệt lúc bấy giờ, cứ đứng ỳ ra một chỗ, không cục cựa gì được nữa.

Cô em tôi giận dữ lắm nhưng cho hay cô không có phạt tôi, tuy nhiên những hộ pháp đi theo hộ giá cho cô đang đứng phía sau lưng cô, không chịu được sự hỗn láo của tôi nên đã trói tôi lại, và nếu cô em tôi không cản thì các hộ pháp đã cho tôi biết tay rồi.

Lúc đó hồn vía tôi không còn nữa! Sợ quá, bao nhiêu men rượu say sưa trong người bỗng nhiên tan mất hết! Vì không tin không được, người tôi cứ cứng đơ ra, đứng như trời trồng. Chưa bao giờ tôi gặp phải hiện tượng như vậy cả.

Cô em tôi chưa hết giận, nói với tôi như sau:

- Sao anh vô ơn vậy! Không có Kim Liên cứu anh 2 lần khi còn trong tù, liệu anh có còn đứng đó mà hỗn láo với Kim Liên nữa hay không? Khi anh bị phù thũng, chân sưng to chảy nước vàng trong tù, lúc đó tại sao lại nhớ đến Kim Liên mà kêu cứu. Nếu Kim Liên không đến cứu anh thì anh có còn sống nổi không?? Còn nữa, khi anh bị cây đè trong rừng, anh kêu cứu đến Kim Liên. Kim Liên đã đến đỡ cây cứu thoát cho anh, vậy mà sao anh không biết gì hết. Kim Liên về đây, mượn xác Má, tạo phước cho bá tánh, cũng là tạo phước cho Má và gia đình, tạo phước luôn cho anh chị sao anh lại trách Kim Liên…

Ôi thôi cô ta giận dữ la hét quá trời. Bà con và mọi người trong nhà lạy như tế sao xin tha cho tôi... Còn tôi thì sợ hãi không thể tả, người toát đầy mồ hôi lạnh ngắt. Qua lời của cô ta đã khiến tôi nhớ lại rất rõ những hình ảnh sự việc khi chúng tôi trình diện học tập cải tạo sau 30 tháng 4 năm 1975. Trước tiên bị đưa vào trại Trảng Lớn ở Tây Ninh. Thời gian này, Ủy Ban Quân Quản của MTGPMN còn kiểm soát chúng tôi, gạo cho chúng tôi ăn là gạo ẩm mốc lưu trữ trong hầm nhiều năm trước đây, cho nên hầu hết đã bị sâu mọt ăn hết, chất B1 trong gạo không còn nữa, do đó gần như các anh em chúng tôi ai nấy đều bị phù thũng nặng vì trong người thiếu chất B1.

Lúc đó chúng tôi chưa được thăm nuôi. Họ chỉ phát cho mỗi người một viên B1 nhỏ mỗi ngày khi bệnh phù thũng bắt đầu phát hiện, nhưng rồi thuốc không đủ cung cấp cho tất cả chúng tôi và bệnh phù thũng ngày càng nặng nề. Nhiều người trong đó có tôi, chân tay căng phù lên, da láng bóng trông thấy rất dễ sợ, lấy ngón tay ấn vào buông ra thì có một lỗ hủng sâu hoắm... trông kinh dị hết sức. Điều tệ hại hơn nữa là chúng tôi không nhấc chân lên đi được, cứ đứng lên là té xuống liền. Có mấy người bị đưa đi bệnh xá rồi chết trên đó. Tin tức truyền về từ những anh em khiêng bệnh nhân đi bệnh xá, thì nằm bệnh xá cũng chỉ chờ chết thôi chứ đâu có thuốc men gì trên đó đâu, cho nên thà là nằm ở trại còn hơn, có gì còn có anh em tù giúp đỡ. Bệnh phù thũng của tôi rất nặng, da căng mỏng dính, một vài chỗ bị rách da và chảy nước vàng… lúc đó tôi thật là thê thảm không đi đứng được mà cũng chẳng có thuốc men gì ngoại trừ mấy viên Xuyên Tâm Liên mỗi ngày, nhưng tôi nhất định thà nằm chết ở trại chứ không chịu xin đi bệnh xá. Tinh thần của tôi lúc đó thật tình mà nói đã xuống lắm, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết, nên tối ngày cứ nằm cầu nguyện, không thiết ăn uống gì cả. Trong những lúc cầu nguyện như thế, tôi đã cầu nguyện tới cô em Kim Liên của tôi nhiều lần và từ từ thì tôi hồi phục hồi nào không hay và khỏi hẳn. Tôi cũng cho đó là một điều may mắn và cũng nghĩ là số mình có ơn trên độ mạng, rồi theo ngày tháng hầu như tôi cũng đã quên đi chuyện này.

Lần thứ hai, khi chúng tôi chuyển trại lên Đồng Bang, chung quanh là rừng bạt ngàn bao quanh cho tới tận biên giới Campuchia. Một hôm chúng tôi nhận lệnh phải đi chặt tre, chỉ tiêu đưa ra cho mỗi người là hai cây tre dài. Sau khi chuyển đến trại Đồng Bang này rồi, chúng tôi không bị kiểm soát gắt gao như trước nữa, mỗi ngày nhận chỉ tiêu công việc trong ngày và cứ thế mà làm, miễn sao xong chỉ tiêu được giao thì thôi… Từ trại chúng tôi ở, đi đến rừng tre xa vô cùng, có thể cả 10 cây số chứ không ít, bởi vì các khu rừng chung quanh gần đó đã bị đốn sạch để lấy đất làm rẫy khai thác trồng trọt hết rồi. Chúng tôi đi đến rừng tre thì trời đã gần trưa. Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, ăn chút khoai mì luộc mang theo, sau đó tản mác ra, đi kiếm tre tốt chặt để còn về tới trại trước khi trời tối chứ nếu không, trời sụp tối không thấy đường sẽ rất khó đi… Sau khi kiếm được bụi tre vừa ý, phát hết các gai góc chung quanh cho trống chỗ để lần vào bên trong và bắt đầu chặt ngang gốc những cây tre đã chọn… sau đó sẽ kéo tre xuống và róc mấy cành lá nhỏ rồi chặt ngọn… Công việc này, anh em tù cải tạo chúng tôi làm nhiều lần rồi cho nên rất kinh nghiệm, gần như bụi tre gai cỡ nào đi nữa cũng không làm khó anh em chúng tôi được. Hôm đó trời xui đất khiến như thế nào mà 2 cây tre tôi đã chặt đứt gốc rồi nhưng kéo hoài không xuống được vì ngọn của nó cứ bị vướng vào mấy dây leo từ mấy cây cao khác. Bỏ đi chặt lại cây tre khác thì tiếc công mình đã bỏ ra quá lâu, vả lại bắt đầu lại từ đầu thì sợ trể giờ về không kịp trời tối, cho nên tôi liều đu theo dây leo, trèo lên cây cao gần đó với ý định chuyền ra cái cành to của nó rồi dùng rựa chặt mấy dây leo đã bám vào ngọn cây tre của tôi đã chặt, cho khỏi vướng nữa để tôi có thể kéo nó xuống… Ai ngờ cái cành đó lâu năm, bị mục một đầu tôi đâu có biết! Đang ngồi vắt vẻo trên cành cây to tổ bố và chặt đứt mấy dây leo dính với cây tre của tôi ngon lành thì bỗng nghe "rắc" một tiếng lớn. Cành cây bị gãy!! Tôi té từ trên cao xuống với nguyên cành cây lớn và bao nhiêu là dây leo chằng chịt quanh người.

Tôi ngất đi không lâu lắm, vì khi tỉnh lại thì vẩn thấy ánh nắng xuyên qua các kẽ lá. Cố gắng trườn ra khỏi đống dây leo phủ trên mình, nhưng tôi hoàn toàn không nhúc nhích được thân người. Toàn thân ê ẩm và đau đớn vô cùng mỗi khi tôi ráng nhích người lên. Không biết tôi đã ngã như thế nào mà cành cây lớn lại đè ngay lên trên thân mình, dây leo chằng chịt bao quanh, còn cái rựa không biết rơi mất nơi đâu. Tôi kêu cứu thật to, nhưng ngoài tiếng vang của chính mình, không nghe tiếng ai trả lời gì cả!! Các anh em khác hoặc đang tản mác đâu đó thật xa để kiếm tre tốt chặt hoặc tranh thủ đi đào rể sâm chỉ, hoặc kiếm cải trời, lá bứa, lá giang…đem về cải thiện thêm cho bữa ăn hằng ngày vốn chẳng có gì nhiều của chúng tôi. Tôi kêu cứu đến khan cả cổ mà không nghe tiếng đáp lại thì tuyệt vọng vô cùng! Cố rút chân ra khỏi đống dây leo, nhưng đau quá không làm được. Tôi bắt đầu dùng hai tay lôi những dây leo từng sợi một rồi dùng sức thảy mạnh nó qua một bên để tạo khoảng trống cho tôi có thể nhoài người ra được chút nào hay chút đó, khỏi cái mớ dây leo rối bung đang quấn xung quanh và cành cây to đang đè ngang trên mình. Không nhận thức được mình có bị thương hay gãy xương gì hay không, bản năng sinh tồn của tôi lúc đó cứ thôi thúc làm sao phải ra khỏi chỗ bị kẹt này trước khi trời tối… Nỗi sợ hãi làm cho tôi không còn biết đau đớn, mặc dù cảm nhận đôi tay trong khi bươi, cào, kéo... các dây leo chung quanh đã bắt đầu rướm máu. Trong những nổ lực tuyệt vọng như thế, miệng tôi không ngớt cầu nguyện, tôi đã gọi tên Kim Liên, cô em chết rất linh thiêng trong gia đình tôi nhiều lần, xin về cứu mạng… Thời gian như thế không biết qua bao lâu, trong một trạng thái mê sảng tôi mơ hồ cảm thấy thân hình mình có thể trườn ra khỏi được cành cây to đang đè trên người và từ đó tôi thoát ra được mớ dây nhợ lùng bùng chung quanh tôi.

Lúc này trời đã về chiều, tôi lượm một cành cây nhỏ, định chống đi theo con đường mòn ra khỏi rừng tre, nhưng chân phải tôi mổi lần đặt xuống đất là cứ đau nhói lên. Tôi tưởng bị gãy xương chân, nhưng sau khi ngồi xuống rờ nắn cẩn thận thì không phải gãy xương, vậy mà sao cứ đau quá không thể nào đi được! Tôi nghĩ chắc có thể đã bị mẻ một xương nào đó trên bàn chân phải của tôi thôi. Cuối cùng thì vừa lết vừa bò, tôi cũng ra khỏi được khu rừng tre rộng lớn đó… Tôi lết thêm một lúc lâu sau thì đến con đường mòn chính, chỗ các ngả tẽ qua các khu rừng khác để đi chặt tre, cắt tranh, hoặc đốn cây… mà các anh em chúng tôi hay gọi đùa là ngã tư quốc tế. Mệt muốn ngất, tôi không còn lết thêm chút nào được nữa. Trời lúc này khoảng 4 giờ chiều, thân thì bị thương mà tôi còn ở ngã tư quốc tế nơi còn cách trại chúng tôi cũng gần 8 cây số nữa chứ không ít!! Tôi nằm dài ra ngay trên con đường mòn mặc cho số phận đưa đẩy.

Nằm được một lúc, bỗng nghe có tiếng người, tôi nhỏm dậy nhìn thì thấy có 6 người đang gánh tranh đi tới, đó là các anh em tù cải tạo ở trại kế bên trại tôi đi cắt tranh về. Người nào cũng gánh một gánh tranh thật to. Thấy tôi bị thương nằm giữa đường, họ ngừng lại lấy nước cho tôi uống và sau một lúc bàn bạc hai người trong bọn bỏ tranh bên lề đường và kiếm dây rừng kết sơ sài thành một bệnh dây to để tôi ngồi lên đó, hai người võng tôi đi. Sáu anh em đó thay phiên nhau võng tôi, hì hục mãi cũng đến được trại tôi ở thì trời đã tối mịt lâu lắm rồi. Sau khi giao tôi cho mấy người vệ binh trong trại, một vệ binh khác hướng dẫn mấy anh em đó về trại của họ. Tôi tiếc một điều là từ đó đến nay, tôi không có dịp gặp lại 6 anh em đã cứu đưa tôi về trại an toàn để có dịp tạ ơn. Tôi cũng nghĩ là số mình may mắn, đi đâu cũng gặp ân nhân giúp đỡ, chứ không nghĩ xa hơn nữa. Năm đó là năm 1977.

Trở lại chuyện nói về cô em của tôi. Sau khi nghe cô em tôi la mắng như thế, tôi mới hoảng hồn vía, chuyện tôi bị phù thũng và bị nạn té trong rừng, cây đè... v...v… tôi chưa từng nói cho ai nghe, kể cả vợ tôi. Vậy mà cô em tôi nhắc lại chuyện đó và cho biết là đã cứu tôi thì thử hỏi tôi không khiếp vía sao được. Nhớ lại cái cảm giác trườn ra được cái cành cây to có vướng dây leo chằng chịt đè lên người năm xưa, tôi thấy đúng là kỳ lạ thật! Vì trước đó tôi đã cố gắng biết bao nhiêu lần mà vẫn không nhúc nhích gì cả, bỗng dưng lại trườn ra được khỏi cái bẩy đó? Đồng thời với độ cao mà tôi đã ngã xuống đất, lại bị cành cây to đè lên như thế mà không bị gãy xương, hoặc chết, thì quả là một điều lạ lùng thật… Sau một lúc giận dữ, cô em tôi cho tôi biết là lần này cô tha cho tôi, nếu lần sau mà còn nói hỗn với cô nữa thì cô sẽ mặc kệ và không lý gì tới tôi nữa. Tự nhiên ngay lúc đó chân tay tôi cử động lại được; viết tới đây tôi còn cảm giác thấy rờn rợn sau lưng; tôi ngồi bệt xuống nền nhà, mọi người xúm lại bảo tôi xin lỗi cô em tôi đi... lúc đó tôi đã hoảng vía quá rồi, nên ngỏ lời xin lỗi cô em tôi và cũng xác nhận với mọi người chung quanh về việc tôi bị nạn 2 lần trong tù trước đây, ngay cả việc thoát nạn một cách kỳ lạ mà tôi cho là do số mình may mắn thôi, chứ không biết là Kim Liên đã ra tay cứu tôi...

Sau khi mọi người yên ổn trở lại, cũng ngay trong bữa đó, tôi có nói với Kim Liên là tôi và gia đình lo ngại chính quyền địa phương sẽ làm khó dễ gia đình nếu cô cứ nhập về hoài, họ sẽ nghĩ là đồng bóng, dị đoan, làm tiền thiên hạ… và sẽ gán tội cho gia đình này nọ thì phiền lắm. Cô em tôi cho biết là không ai có thể làm khó dễ gia đình chúng tôi được, vì ngay cả những gia đình của chính quyền địa phương rồi sẽ đến nhờ cô cứu giúp... Cô nói với mọi người hãy chờ xem lời cô nói có đúng hay không? Đừng có lo lắng gì cả.

Chuyện cô em tôi nhập về Má tôi để chữa bệnh, quả nhiên đã đến tai chính quyền địa phương thiệt. Một buổi sáng đang ở bên rẫy, có người chạy kiếm Má tôi và tôi ra ấp Hưng Bình có chuyện. Linh tính báo chúng tôi biết là có điều không hay xảy ra rồi. Thật vậy, ngay sau khi ra đến văn phòng ấp Hưng Bình, thằng cha trưởng ấp đã lên tiếng nạt nộ Má con tôi về chuyện buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan… và cấm Má tôi từ nay không được lên đồng lên cốt, mê tín dị đoan, nếu không ông ta sẽ trình lên xã để bắt chúng tôi. Chúng tôi ra về, trong bụng rầu thúi ruột. Tôi nói với Má tôi, phải cầu xin sao cho Kim Liên đừng về nữa chứ như vầy hoài có ngày cũng bị địa phương khó dễ bắt bớ… gia đình tôi không lấy của ai đồng xu cắc bạc nào về chuyện này, Má tôi cũng đã nhiều lần cầu xin để cho Má tôi yên, chứ nào phải Má tôi muốn như vậy đâu. Ba tôi còn kẹt trong tù, tôi thì mới từ tù cải tạo về không bao lâu… mấy thằng địa phương mà làm khó bắt chẹt một cái là chết liền, chứ phải chơi đâu.

Mấy ngày sau trôi qua thật nặng nề, gia đình vẫn còn nơm nớp lo sợ tai hoạ có thể tới hồi nào không hay, thì một buổi tối gia đình thằng cha trưởng ấp Hưng Bình bồng một đứa con nhỏ, hớt ha hớt hải đi vào nhà chúng tôi. Bà vợ thằng cha trưởng ấp bồng theo một đứa con nhỏ khoảng 3, 4 tuổi gì đó. Cả nhà không biết chuyện gì, thì bà này đã mếu máo nói rằng con của bà ta bị bệnh dời ăn, lở lói hết cả người và chảy nước vàng, đi thầy thuốc không biết là bao nhiêu người mà bệnh tình càng ngày càng thấy nặng hơn. Có người bày cho vợ chồng bà ta hãy bế con vào xin Má tôi cứu chữa. Má tôi trả lời thật tình không biết cách chữa bệnh này… Bà vợ tay trưởng ấp nói nghe đồn Má tôi có đứa con gái chết linh thiêng lắm và hay về để chữa bệnh cứu người đời, vậy xin hãy làm phước cứu dùm cho con bà.… Má tôi nói:

- Ông trưởng ấp đã nói với tôi mấy ngày trước là gia đình tôi mê tín dị đoan này nọ… và cấm chúng tôi chuyện này, nay sao bà lại đến bảo chúng tôi cầu con gái tôi về để chữa bệnh cho con bà. Chúng tôi không dám đâu… thật tình chúng tôi không biết chữa bệnh này, xin bà hãy về kiếm thầy chữa cho cháu đi…

Bà vợ thằng cha trưởng ấp và mấy người bà con đi cùng khóc lóc năn nỉ hoài không được nên đành bồng đứa nhỏ ra về. Khoảng nữa tiếng đồng hồ sau, họ lại bồng đứa nhỏ đến, lần này có cả thằng cha trưởng ấp đi theo nữa. Hắn ta xuống nước năn nỉ Má tôi, nói rằng Má tôi đừng có giận, vì nhiệm vụ hắn phải làm như vậy thôi chứ không có ý gì hại gia đình tôi, hắn cũng có hỏi bà con thì được biết việc chữa bệnh của cô em tôi là hoàn toàn làm phước, không có gạt gẩm của ai và không lấy tiền bạc của ai cả… cho nên hắn ta không có báo cáo lên xã, nay chẳng may đứa con đầu lòng của hắn bị bệnh ngặt nghèo mà không ai chữa trị được, nên cầu xin Má tôi làm phước xin cho cô em tôi về để chữa trị dùm, nếu lỡ như không trị được cũng không sao, gia đình của hắn cũng biết ơn và hứa sẽ không bao giờ làm khó dễ gì gia đình chúng tôi cả … còn bà vợ của hắn thì cứ sụt sùi khóc, thấy cũng thảm thiết lắm. Má tôi là một người đàn bà nhân từ, hể thấy ai khóc lóc, năn nỉ điều gì là thế nào cũng mũi lòng và nếu giúp được gì thì sẽ giúp ngay, không giận ai lâu được. Tôi thấy Má tôi bắt đầu xiêu lòng, thì thật tình trong bụng tôi bực bội lắm nhưng không nói gì được. Tôi chỉ chen vô nói với thằng cha trưởng ấp:

- Đây là gia đình ông cầu xin chứ chúng tôi không muốn, sau này đừng có đổ thừa rồi khép cho chúng tôi là mê tín dị đoan, này nọ thì không được...

Hắn ta và bà vợ luôn miệng nói:

- Không có đâu. Không có đâu… gia đình tôi giúp cho thì vợ chồng hắn mang ơn không hết có đâu lại hại gia đình tôi này nọ…

Sau đó Má tôi thắp mấy nén nhang, lâm râm cầu xin.. Một lúc sau cô em tôi nhập về, cô ta dùng nhang khoáng lên người của đứa bé, sau đó dặn bà vợ của tay trưởng ấp, ngày mai đi ra ngoài đồng, hái 7 lá muồng trầu, vò nát rồi thoa lên lưng và thân thể thằng bé, làm như vậy mấy lần sẽ hết, chỉ đơn giản vậy thôi. Đâu đó xong xuôi, cô em tôi quay qua cầm bó nhang lửa cháy hừng hực, hỏi tay trưởng ấp có dám cầm ngay đầu bó nhang lửa đang cháy không...Tay này sợ quá nói:

- Không, không. Tôi không dám đâu.

Cô em tôi bảo:

- Cứ cầm đi, không có gì phải sợ, không có phỏng đâu.

Nói xong cô ta dúi ngay đầu bó nhang đầy lửa ngay vào tay của hắn. Hắn đang ngồi, hoảng hồn lết lui lại tránh, nhưng cô em tôi bảo cứ đưa tay ra. Hắn rụt rè đưa tay ra, cô em tôi dí sát ngay đầu lửa đỏ của nhang vào tay hắn, lạ thay hắn không bị phỏng gì cả. Cô em tôi sau đó có nói với hắn như sau:

-Gia đình này là gia đình đàng hoàng, chuyên làm phước thiện, chữa bệnh cho người đời, không lấy tiền lấy bạc của ai cả. Chứ không phải tà ma ngoại đạo, gạt gẩm lấy tiền của dân chúng đâu…

Sau đó cô ta còn răn đe hắn không được làm khó dễ gia đình tôi. Nếu hại tới gia đình chúng tôi thì sẽ thấy hậu quả liền...

Ôi thôi hai vợ chồng tay trưởng ấp và mấy người bà con của hắn lạy cô em của tôi lia lịa và hứa sẽ giúp đỡ cho gia đình tôi được dễ dàng trong việc cứu người sau này. Qua mấy ngày sau đó, hai vợ chồng hắn mang trái cây đến biếu gia đình tôi và cho biết là đứa con trai đã gần dứt bệnh, các chỗ lở lói do dời ăn đã lành miệng và cháu đã ăn ngủ được rồi… Dĩ nhiên sau đó gia đình tôi không còn bị làm khó dễ nữa.

Có một chuyện tôi muốn mở ngoặc ở đây, để nói về Ba tôi: Ba tôi trước 1975 là một Hạ Sĩ Quan binh chủng Không Quân, cấp bực Thượng sĩ nhất. Tuy cấp bực chỉ là Hạ Sĩ Quan,nhưng trình độ Anh Văn của Ba tôi rất giỏi, ông là một trong những giảng viên của trường Anh Ngữ Không Quân QLVNCH, quân nhân Không Quân các cấp, trước khi đi du học hoặc tu nghiệp ở Mỹ, đều phải qua một khóa huấn luyện về tiếng Anh ở trường Anh Ngữ này, phải đậu xong kỳ thi khảo hạch cuối khóa mới được đi du học… Do công vụ, Ba tôi đã được đi huấn nghiệp 3 lần tại Mỹ.

Vào những ngày cuối tháng Tư 1975, lẽ ra Ba Má và các em của tôi đã di tản theo trường Anh Ngữ Không Quân. Vào lúc bấy giờ tình hình rất phức tạp, nhiều vị sĩ quan cấp Đại Tá cũng không đưa gia đình đi được, chứ không phải hể có cấp bực lớn là muốn đưa gia đình đi lúc nào là đi, ngược lại có những người lính Quân Cảnh hoặc những nhân viên cấp bậc nhỏ, nhưng làm ở nơi quan trọng lại đi được dễ dàng. (Trong một số Hồi Ký của các cựu Đại Tá Không Quân đã viết lại rất rõ chuyện này). Ba tôi là một trong những trường hợp người có cấp bậc nhỏ nhưng lại có danh sách di tản với toàn bộ gia đình đàng hoàng. Ông có bạn bè thân làm ở cơ quan DAO (Defense Attaché Office) đã giúp đưa lọt được danh sách của gia đình vào trong list những người được di tản. Các giới chức Mỹ ở DAO đã lên danh sách những người trong gia đình Ba Má tôi và đã định ngày giờ đi rồi.

Khổ một nổi sau khi Ba tôi cho Má tôi hay, bà nhất định không chịu đi, có nhiều lý do Má tôi nại ra để không đi… nào là qua bên đó làm cái gì mà ăn, nào là cả nhà ngoại trừ Ba tôi ra, không ai biết tiếng Anh… nào là bà con dòng họ, mồ mả ông bà ở đây làm sao bỏ đi cho được... ôi thôi đủ lý do hết! Ngày nào Ba Má tôi cũng cãi vả về vấn đề này và cuối cùng thì Ba tôi đành chịu thua và bỏ cuộc không đi. Sau này tôi mới biết lý do chính mà Má tôi cương quyết không đi là vì vợ chồng và đứa con sắp ra đời của chúng tôi. Vào những ngày đó, chung quanh súng nổ ì xèo, mọi người nhốn nháo, lo sợ đủ thứ… trong khi đó vợ tôi thì lại sắp sửa sanh! (Hai lần trước vợ tôi đã bị hư thai như tôi đã nói, lần này là lần thứ ba). Tôi thì lúc đó còn kẹt lại ngoài Phan Rang sau ngày đơn vị tan hàng, không biết sống chết ra sao, cho nên Má tôi không đành bỏ đi… Ba tôi không dẫn gia đình di tản được, thì rầu rỉ lắm. Ông biết ở lại sẽ khổ lắm vì những thành phần như ông mặc dù là Hạ Sĩ Quan, không phải trình diện đi tù cải tạo, nhưng cũng đâu biết làm gì sống với cái lý lịch 3 lần đi Mỹ trước đây.

Quả nhiên sau 1975, lúc đó tôi đã đi trình diện học tập cải tạo rồi, Ba tôi không thể kiếm được một việc gì làm cả, tối ngày phường khóm cứ thúc dục Ba Má tôi đi kinh tế mới hoài, càng làm cho Ba Má tôi khủng hoảng thêm. Do đó sau khi gom góp vốn liếng và với sự giúp đỡ của bà dì; chị của Má tôi; Ba Má tôi mua miếng đất ở ấp Hưng Bình, Xã Hưng Lộc như đã nói ở phần trên, sau đó Ba tôi để cho Má và mấy em tôi lo việc canh tác, còn ông thì cứ đi khắp nơi tìm cách vượt biên. Khoảng thời gian này, phong trào vượt biên đã bắt đầu, tuy chưa rầm rộ lắm. Thế rồi trong một kế hoạch hùn hạp đóng ghe để cho toàn bộ gia đình tôi vượt thoát bị đổ bể, Ba tôi bị bắt giam và đưa đi lao động tại Mộc Hoá. Tiền bạc tiêu tán hết ! Chồng thì bị bắt, tôi là con trai lớn trong nhà cũng còn kẹt trong tù chưa biết ra sao? Má tôi phải quán xuyến cả đàn con dại 8 đứa còn lại cộng thêm con dâu và đứa cháu nội mới vừa biết chạy lẫm đẫm. Ở nhà hồi nào đến giờ có ai biết cầm cuốc, trồng trọt gì đâu? nhưng rồi cũng phải bương chải thôi. Má tôi đã có lúc muốn tự tử chết đi cho rồi, nhưng vì thương con cháu, nên phải cố gắng sống. Nhờ trời thương, các bệnh nhân ở địa phương mà cô em tôi chữa bệnh cho trước đây, thấy Má và các em tôi cực khổ quá, nên họ cũng đến giúp, vào những lúc mùa màng bận rộn, hoặc những lúc thu hoạch, họ bảo nhau đến giúp cho gia đình tôi, nhờ vậy mọi chuyện rồi cũng xong.

Đến năm 1978 thì tôi từ trại cải tạo được thả về cùng với gia đình tiếp tục sống như thế. Gia đình chúng tôi vẫn sống nhờ vào một rẫy mít, chuối và canh tác trồng trọt thêm bắp, đậu, khoai mì… dù quần quật cả ngày,nhưng vẩn không đủ đâu vào đâu cả, cuộc sống của chúng tôi lúc đó rất là khó khăn.

Khoảng giữa năm 1979 hung tin đưa tới. Ba tôi vì bị đày ải, lại thêm buồn rầu nên sanh bệnh và chết trong trại tù cải tạo tại Mộc Hóa, xác được anh em tù chôn ngay trong trại Môc Hóa. Gia đình tôi chịu cái tang lớn này thật không còn tai họa nào có thể sánh bằng. Chúng tôi làm đơn xin mang xác Ba tôi về, nhưng vì khi tin đưa tới Ba tôi đã chôn được gần 1 tháng rồi, đồng thời Mộc Hoá lúc đó bị lụt ngập nước hết, không làm sao vào được. Chính quyền địa phương nói lúc này không thể nào đào mộ lên được nữa. Cả nhà bàn thôi thì đợi 3 hoặc 5 năm sau hãy xin hốt cốt lên, hoả thiêu rồi mang tro về chùa thờ, chứ biết làm sao hơn!!

Đúng thất tuần 49 ngày, gia đình tôi làm một lễ cầu siêu cho Ba tôi, có một ni cô quen với gia đình đến giúp tụng kinh dùm cho Ba tôi. Sau khi làm lễ xong, mọi người đang ngồi quây quần nói chuyện thì cô em tôi nhập về qua xác Má tôi. Bẵng đi một thời gian, cô em tôi không về thường như trước nữa, chúng tôi đôi lúc cũng thắc mắc, không hiểu tại sao. Mấy đứa em và vợ tôi thấy cô em tôi về đều khóc oà lên, mếu máo nói:

- Ba chết rồi Kim Liên biết không??

Cô em tôi qua xác của Má tôi cũng khóc, nhưng không nói gì cả.

Trong cơn đau buồn, tôi đã giận dữ lớn tiếng trách cô em tôi:

- Nếu Kim Liên có linh thiêng, tại sao không cứu giúp Ba?? Tại sao không cản Ba khi Ba có ý định đóng ghe, hoặc có linh thiêng tại sao không giúp để cho Ba không phải bị bắt để rồi chết bỏ xác trong tù…

Cô em tôi ngồi khóc một hồi rồi nói với mọi người rằng:

- Chuyện của Ba, Kim Liên đã thấy, đã biết được từ lâu… cũng như mọi người đang ngồi trong nhà đây, Kim Liên cũng thấy và biết được nghiệp của mỗi người hết chứ không phải là không. Nhưng Kim Liên không thể làm gì được, ai tạo nghiệp cũng đều phải trả cả, không ai có thể cứu được chuyện này. Ngài Mục Kiền Liên đã tu thành Đại Bồ Tát mà còn không cứu được Mẹ của mình, phải nhìn Mẹ mình đọa địa ngục… cho nên xin đừng trách Kim Liên. Kim Liên cũng đau lòng lắm. Cũng như Kim Liên biết Má và gia đình cực khổ, nhiều lúc không đủ ăn, Kim Liên không thể giúp ngân tiền cho Má và gia đình được… Kim Liên chỉ có thể giúp tạo phước cho Má và gia đình sau này thôi, coi như để trả cái ơn Má đã cưu mang, dưỡng dục Kim Liên trên dương thế trước đây. Kim Liên muốn giúp Má và gia đình lắm, nhưng chỉ giúp được những gì Kim Liên có thể giúp thôi và từ từ thì gia đình sẽ thấy ứng nghiệm của sự tạo phước mà Kim Liên đã làm cho gia đình. Bây giờ Kim Liên không nói trước được đâu.

Đang giảng cho cả nhà một thôi một hồi như thế, bỗng nhiên cô ta quay lại chỉ bà ni cô đã đến tụng kinh cầu siêu dùm cho Ba tôi, vừa cười vừa nói rằng:

- Này vị ni kia, nãy giờ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tính xua đuổi Kim Liên đi đó phải không?? Kim Liên đâu phải là ma quỷ gì đâu mà xua đuổi. Quán Thế Âm Bồ Tát với Kim Liên tuy không cùng Đạo, nhưng cùng đường. Kim Liên tu theo đường Tiên của Kim Liên, còn Bồ Tát và ni tu theo đường Phật. Ni có đọc chú xua đuổi tà ma thì được còn Kim Liên đâu phải tà ma đâu mà sợ câu chú của ni.

Nói xong cô ta vẫn còn cười bà ni cô hoài. Bà ni cô hoảng hồn và thú nhận rằng bà ta không tin cho nên niệm thầm mấy câu chú của Quán Thế Âm Bồ Tát để nếu có phải là tà ma thì sẽ sợ mà xuất đi liền, không ngờ cô em tôi biết được nên nói toạt ra cho mọi người nghe.

Sau đó, câu chuyện trở lại đề tài cái chết của Ba tôi, tôi hỏi cô em tôi có thể xin cho Ba tôi về để gia đình thăm được không? Cô ta ngồi lấy mấy đầu nhang cháy đỏ tính toán gì đó trên mấy đốt ngón tay, một lúc sau nói với mọi người rằng, được rồi cô ta sẽ dẫn Ba chúng tôi về cho chúng tôi thăm và cô ta dặn, khi Ba tôi về, không được cho Ba tôi ăn uống gì cả, dù Ba tôi có hỏi cũng không được đưa cho. Chúng tôi hứa y như vậy. Cô ta xuất đi một lúc thật lâu, cũng khoảng hơn nữa tiếng, thì Ba tôi nhập về. Chúng tôi mới đầu tưởng là Kim Liên cô em của tôi, nhưng sau khi Ba tôi khóc và lên tiếng kêu tên từng đứa con lại gần vuốt ve, thì chúng tôi biết đúng là Ba tôi rồi. Ông về kể rằng ông bị bệnh tim mạch và đứt mạch máu não mà chết, chỗ anh em tù chôn Ba tôi bây giờ nước lênh láng, Ba tôi nằm lạnh lắm…

Cả gia đình khóc quá trời qua lời kể thương tâm đó của Ba tôi. Ông kéo đứa em út của tôi và con trai tôi vào lòng và khóc như mưa… Tôi hỏi Ba tôi chết như vậy là chết oan hay là chết đúng số. Ba tôi cho biết ông chết đúng số chứ không có oan, nhưng vì không gặp mặt được vợ con, gia đình nên còn ấm ức lắm… Sau một lúc khóc lóc kể lể, Ba tôi và cả nhà đã bớt bi thương, tôi hỏi Ba tôi có gặp Kim Liên không. Ba tôi trả lời có và ra vẻ sợ sệt lắm. Ba tôi nói Kim Liên bây giờ có chức sắc lớn lắm, ai thấy cũng sợ cả. Ba tôi cho biết lúc còn ở dương thế Kim Liên là con của ông, nhưng bây giờ ông cũng không dám nhìn thẳng vào Kim Liên nữa. Tôi mới hỏi Kim Liên có giúp gì cho Ba không. Ba tôi nói có chứ, Kim Liên giúp giảng đạo cho ông và khuyên ông ráng tu để mau dứt nghiệp… Ngay lúc đó, mặc dù rất là tin tưởng, nhưng trong lòng tôi vẫn muốn thử xem như thế nào. Tôi làm bộ hỏi Ba tôi một số chữ và thành ngữ tiếng Anh mà tôi không biết nghĩa, mặc dù tôi có biết mấy chữ đó. Ba tôi giảng cho tôi nghe răm rắp từng chữ, từng câu thành ngữ một... Đến đây thì tôi hoảng hồn đến nổi lạnh cả người. Như vầy thì không thể nào giả được cả, vì Má tôi có biết một chữ tiếng Anh nào đâu…

Ba tôi về được khá lâu, đang còn tiếp tục nói chuyện với gia đình, bỗng dưng Ba tôi nói ông phải đi rồi, nói xong khóc oà và kêu từng người tới ôm hôn… Sau đó thì xuất đi, được một chốc thì cô em tôi nhập về lại, cả nhà xin cô thỉnh thoảng dẫn Ba tôi về cho cả nhà thăm nữa. Cô ta nói:

- Thôi, làm vậy không tốt cho Ba, để yên cho ông tu tập, ông còn nhiều nghiệp nặng lắm, đừng làm phiền ông.

Rồi cô lãng qua chuyện khác. Cô ta còn cười nói với tôi là:

-Thử như vậy đã tin chưa hay còn muốn thử nữa..

Tôi hết hồn, ngồi im ru không dám nói gì cả. Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất Kim Liên cho Ba tôi về thăm, ngày hôm đó đúng vào thất tuần làm lễ cầu siêu 49 ngày cho Ba tôi, sau này chúng tôi có xin mấy lần nữa nhưng cô ta không cho.

Sau cái chết của Ba tôi, Má tôi buồn lắm, tinh thần suy sụp thấy rõ, cộng thêm cuộc sống ruộng rẫy quá khó khăn mà vẫn không đủ sống, làm cho Má tôi càng lo rầu hơn. Chúng tôi bàn bạc với nhau bán hết nhà cửa đất đai về Saigon tìm cách khác sinh sống. Khổ một nổi vấn đề hộ khẩu và với số người trong gia đình tôi đông như thế, đâu phải chuyện nói là làm được ngay đâu, đa số các em tôi tuổi thì còn quá nhỏ, Má tôi lại nhất quyết không cho các em tôi bỏ học, làm gì thì làm nhưng cũng phải tiếp tục học. Cho nên chuyện bỏ hết đi về Saigon sinh sống thật không dễ dàng chút nào cả? Vả lại nhà cửa ở Saigon đâu còn nữa mà về. Cho nên tính là một chuyện mà không biết thực hiện bằng cách nào?

Năm sau 1980, vợ tôi sinh được một đứa con gái, cảnh nhà khó khăn đến nổi nhiều lúc vợ tôi phải cho con gái tôi bú nước cháo pha với đường, chứ không có tiền mua sữa cho nó mà cơ thể vợ tôi lúc đó cũng không được tốt lắm, cho nên không đủ sữa mẹ cho đứa bé. Nhân một dịp cô em tôi nhập về, tôi xin cô ta nếu có linh thiêng thì hãy tìm cách cứu giúp cho gia đình, chứ hoàn cảnh như thế này hoài thì làm sao sống nổi, qua đó tôi cũng nói là ý của Má và chúng tôi nhất quyết bán hết tất cả để về thành phố sinh sống. Cô em tôi buồn bã lắm và cho tôi biết rằng sắp tới đây cô sẽ ít về được vì bận lắm.Cô đã tính toán, tạo phước để cứu giúp cho gia đình rồi, chẳng qua thời cơ chưa tới, và nghiệp của Má tôi, của vợ chồng tôi cũng như mọi người còn phải chịu cay đắng khó khăn thêm một thời gian nữa, thì mới an nhàn được.

Tôi hậm hực hỏi:

- Như vậy thì còn phải chịu đựng bao nhiêu lâu nữa?

Cô ta chỉ lắc đầu buồn bã, không trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên cô ta có khuyên gia đình là hãy cố gắng lên, mọi chuyện rồi sẽ được an bài tốt đẹp. Tuy sẽ còn nhiều nạn tai, khó khăn, nhưng bất kỳ gặp chuyện gì cũng có cô ra tay cứu đỡ cho tai qua nạn khỏi, tiền hung hậu kiết hết… Riêng vợ chồng tôi, cô có nói thêm, bất kỳ gặp chuyện nguy nan gì, hãy kêu đến tên cô, cô sẽ về giúp cho, phải ráng vững lòng tin. Thật tình mà nói, tuy tôi chứng kiến nhiều chuyện rất lạ lùng của cô em tôi đã làm, nhưng chuyện cô ta nói sẽ cứu cho cả gia đình tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại, tôi không tin tưởng chút nào hết cả !! Có mấy ai ở vào hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ mà còn vững lòng tin vào những lời nói của cô ấy chứ? Tuy nghĩ thế nhưng tôi không dám nói ra.

Không lâu sau đó, gia đình tôi bán hết nhà cửa đất đai ở ấp Hưng Bình, dắt díu nhau về Saigon, tá túc ở nhà bà dì, chị ruột của Má tôi. Mặc dù bà dì rất thương gia đình chúng tôi, nhưng bao bọc cho cả đại gia đình chúng tôi vào lúc bấy giờ quả thật là một điều khó khăn vô cùng, không những khó khăn về tài chính, mà còn khó khăn về mặt chính quyền địa phương. Bị kêu lên kêu xuống mấy lần riết gia đình tôi đâm liều, cũng may sau đó có một anh chàng công an khu vực còn trẻ, tánh tình rất dễ chịu không hiểu từ đâu đổi về phụ trách khu vực phường chúng tôi đang ở, thỉnh thoảng tôi cũng mời anh ta đi nhậu, nhưng thật tình mà nói tôi biết không phải vì vấn đề này mà anh ta tốt với gia đình chúng tôi, mà có lẽ vì anh ta thấy gia đình tôi nheo nhóc nên tội nghiệp hay sao đó? Anh ta đã ngó lơ cho gia đình tôi nhiều lần, một vài lần xét hộ khẩu, anh ta cho biết trước để gia đình tôi đi tránh. Nhờ vậy nên cũng đỡ khổ.

Thời gian này tôi ngồi sửa và bơm quẹt gas sống qua ngày, bà dì tôi có một trường dạy may, bà để cho vợ tôi và hai đứa em gái đứng ra dạy, còn một cô em nữa thì xin được một chỗ bán trong tiệm sách, nói chung cuộc sống tương đối dễ thở hơn lúc trước còn trên rẫy. Đồng thời trong lúc này, nhiều bệnh nhân ngày trước cô em tôi về chữa cho hết bệnh, thấy gia đình chúng tôi quá khó khăn, nên cũng giúp đỡ bằng nhiều cách, sau này có người có thân nhân làm trong UBND quận Phú Nhuận đã giúp đỡ cho gia đình chúng tôi vào được hộ khẩu thành phố.

Riêng vợ chồng tôi vẫn còn gặp nhiều lận đận lắm, tôi còn bị nạn hai lần tù nữa!! Trong cảnh khổ lại gặp được cứu tinh khác giải nạn cứu vớt chúng tôi, nhưng đó là những câu chuyện khác trong cuộc đời của tôi. (Được ghi lại trong Hồi Ký Chí Hòa đã xuất bản và Hồi Ký Vượt Biên của cùng tác giả)

Câu chuyện của cô em trong gia đình mà tôi vừa kể quả thật rất kỳ lạ và rất khó tin, nhưng đó là một câu chuyện thật mà cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn cái cảm giác rợn người. Ngồi viết lại câu chuyện này, tôi không hiểu điều mà cô em tôi nói đã tạo phước cho gia đình ứng nghiệm như thế nào? Nhưng có một điều tôi thấy rất là lạ lùng: Đó là sau khi bán hết nhà cửa đất đai bỏ về Saigon, những may mắn tình cờ đưa đẩy đến, gia đình tôi được nhiều người giúp đỡ, lần lượt bằng những lần vượt biên khác nhau, hơn 10 người đã qua Mỹ được hết mà không tốn kém gì cả. Má tôi và đứa em út cũng được anh em tôi bảo lãnh qua diện đoàn tụ, nhưng vì cuộc sống ở Mỹ không thích hợp với bà, cho nên sau đúng một năm bà đã về lại VN. Giờ đây các anh em tôi, ai cũng có gia đình đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định, các con cháu ngoan ngoãn, học hành tốt đẹp... Mặc dù không bằng ai, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy thoả mãn lắm rồi. Không biết điều này có phải là kết quả do sự tạo phước trước đó của cô em linh thiêng trong gia đình tôi hay không??

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, ngày 15 tháng 6 năm 2005