Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008

Nụ Cười Thiền

Nụ Cười Thiền

Các vị thiền-sư nói họ có thể vừa đi vừa thiền, vừa nằm vừa thiền, nói tóm lại, đi đứng nằm ngồi chi cũng đều thiền được, dĩ-nhiên cũng có thể vừa cười vừa thiền, đó là thiền chánh-niệm. Nhưng ngược lại đôi khi không phải! Xin mời quý vị thưởng-thức vài câu chuyện Thiền và Nụ cười trong các ngày cuối năm. Giờ này chỉ nên nằm nhà ngó trời bảo tuyết để đón “Xuân”. Nằm nhà là vì trời này đi ra đường trơn-trợt lắm, rũi té một cái ở tuổi gần “cổ lai hy” hay trên nữa, dễ nghe cái “crack” lắm và khi đó thì thật là khó nhập thiền hay nhập-định, bởi vì có thể nhập…cái khác!

Mặc kệ ngoài trời đông bảo tuyết,
Mong sao trong… nụ cười Xuân.

Tác-giả không phải thi-sĩ nên thiếu một chữ trong câu “thơ” trên! Ban đầu định iết “trong…bụng”, nhưng sao đọc lên nghe nó có vẻ “khoa-học quan-sát” quá, không chất thơ tý nào nên xin quý thức-giả bạn-hữu bổ-túc cho vui.


Bây giờ xin mời quý vị đi “vào thiền” bằng vài nụ cười nhẹ…


Đáo bĩ ngạn

Một nhóm thiền-sinh không biết lội, đi đến bên bờ một con sông thật mênh-mông. Mọi người nhìn qua bờ bên kia và tham công-án “làm sao đáo bĩ ngạn”. Người thì tìm một cây dài dò thử sông có sâu không, người thì đi men theo bờ xem có chỗ nào hai bên bờ gần nhất, kẻ tìm xem có thuyền đò chi đưa qua bên kia. Nhưng cuối-cùng không tìm ra phương-cách, bèn ngồi xuống tại chỗ để suy-tư, tham-thiền. Đến khi trời hừng sáng, mọi người chợt thấy bên kia bờ có bóng một vị sư già, râu dài quá rốn, đang ngồi nhập-định. Bọn thiền-sinh chụm tay làm loa gọi lớn lên:”Xin lão sư-phụ khai-ngộ cho chúng con làm sao đáo bĩ ngạn?”. Vị sư già mở mắt ra, uể-oải đứng lên nói:

“Các cậu trẻ ơi! ba mươi năm trước, ta cũng đứng bờ này và tìm mọi cách để qua bờ bên kia, cuối-cùng ta nhận thấy là chính chỗ ta đang đứng ba mươi năm nay mới là bờ bên kia!”.

Cái gì động ?

Có bốn người đứng trước lá cờ trong gió. Một người 20 tuổi nói: “Coi kìa lá cờ đang động!”. Người 30 tuổi nhìn lên cột cờ nói: “Không! chính gió đang động!”.

Người thứ ba 40 tuổi, nhìn hai người kia và nói : “Chính tâm các ông đang động!”.
Ba người nói xong nhìn qua người thứ tư tỏ ý hỏi ý-kiến. Ông thứ tư, không biết bao nhiêu tuổi, cũng không nhìn cờ, cũng không nhìn người, chỉ lơ-đểnh đáp: “Tôi nghĩ, miệng các ông đang động!”.

Phải chánh-niệm và từ-bi

Một anh du-đãng bụi đời làm ăn lăn-lóc ở khu Harlem mấy chục năm, ngày nọ bỗng nhiên chán cảnh bắn giết và muốn tìm hiểu về thiền chắc để cho thanh-thản tâm-hồn. Anh ta nghe nói có một tay cao-bồi già xưa ở Texas khét tiếng giang-hồ, nay đã thành một vị thiền-sư và đang ẩn-dật trong một hang-động nào đó ở Ấn-Độ. Du-đãng Harlem lên đường tìm “đạo”, mấy tháng trời mới tìm ra chỗ của “thiền-sư cao-bồi”. Sau khi chịu-đựng những thử-thách như đấm lưng, giặt quần áo, đổ “bô”…một bữa kia đang kỳ-cọ lưng cho sư-phụ tắm, thấy Thầy mình hôm nay có vẻ vui, “thiền-sinh” Harlem rụt-rè thưa: “Bẩm sư-phụ, làm sao mà một người như con, mang nghiệp bắn giết từ “bẩm-sinh” lại có thề học thiền được?”.

“Thiền-sư” Texas mắt nhìn sững học-trò, miệng đang nhai xì-gà La Havane, chỉ thấy trước mặt “thiền-sinh” hoa lên và hai tiếng “bốp, bốp”, đã thấy “thiền-sinh Harlem” hai tay ôm má kêu “ối!”. Thủ-pháp của “thiền-sư” cực-kỳ cao-siêu! “Thiền-sư” lè-nhè khai-ngộ: “Ngươi phải biết nguyên-tắc của thiền là chánh-niệm và từ-bi. Khi đưa cây súng lên, nhắm thẳng mũi súng vào tam-tinh (điểm giữa hai chân mày) của đối-tượng, mắt chỉ thấy có một điểm đó, ngoài ra không thấy gì hết. Đó là chánh-niệm!”
“Thiền-sinh” lẩm-nhẩm…”chỉ thấy một điểm, ngoài ra không thấy gì hết. Dạ! con hiểu chánh-niệm rồi. Nhưng còn từ-bi là làm sao?”. Vị thầy quát: “Đồ ngu, thì phải bóp cò ngay chứ còn chần-chờ gì nữa!”. Trò lí-nhí: “Nhưng thưa Thầy, từ-bi ở đâu?”.
“Chân-sư” từ-tốn giãng : “Con ơi! kẻ đối-diện của con đâu có thì-giờ suy-nghĩ hay cảm thấy chi, nó chỉ nghe tiếng bộp nhỏ rồi ngã lăn quay ra một cách “thanh-thản”, nó được chết thật “đẹp”còn đòi hỏi gì nữa!:
Nghe đến đó, hoát-nhiên trò la lên :”Bạch Thầy con đã ngộ rồi!”, cùng lúc ấy người ta nghe một tiếng “bộp” và vị Thầy ngã xuống, trên môi còn mĩm cười với điếu xi-gà chưa tắt. Từ đó giới giang-hồ truyền-tụng phái thiền Texas nay đã có truyền-nhân đời thứ hai, và gọi là phái thiền Harlem.


Bách-tiếu

Brossard by Night , 25 tháng chạp năm Đinh-Hợi
(Nhiệt-độ bên ngoài -6C, đường 10cm tuyết)

Không có nhận xét nào: