Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

CÁC VẤN ÐỀ VỀ GIÁO DỤC


Nghiệp Dậy Kèm: Kiếp tằm nhả chữ

Trong đời về hưu, tôi thấy khoan khoái có được những giờ giấc cho riêng tôi, muốn làm gì thì làm mà chẳng phải làm cho xong theo đúng hạn định (deadline) trong một thời gian khá gấp gáp như khi tôi còn phải “kéo cầy trả nợ”. Tôi thấy nhẹ nhàng, vui vẻ sống với chuỗi ngày còn lại của đời tôi, nhưng cũng có nhiều lúc, tôi bâng khuâng chợt nhớ đến những lần trong lớp học chỉ có riêng thầy trò chúng tôi đang cùng chia xẻ với nhau những bài học trong lớp lồng khung với những bài học ngoài đời. Tôi nhớ tiếng nói, tiếng cười đùa và những ánh mắt học trò. Nhớ nhẹ nhàng, nhớ thoang thoảng với đầy trìu mến.

Bước đầu chẳng mấy thích thú

Tôi cũng có dịp nói chuyện và vấn kế cho một số cha mẹ người Việt đang có con học tiểu học, trung học hay sắp vào đại học. Tuy rằng họ rất quan tâm về việc học hành của con cái nhưng họ không thể theo kịp bài vở của chúng được vì nhiều lý do khác nhau. Cũng vì lẽ đó mà 3 năm trước đây, tôi đã xung phong dậy thử vài cháu đang học tiểu học tại nơi chúng tôi đang cư ngụ. Tôi chưa biết rõ chương trình tiểu học và trung học tại đây vì tôi chỉ biết dậy cấp cao đẳng (college) mà thôi. Không quen các chương trình ra sao nên tôi nhắc các cháu mang tất cả các bài vở của nhà trường cho tôi xem mỗi lần chúng đến học. Tôi đã quen dậy các sinh viên có thể tự học lấy được bài vở sau khi tôi đã chỉ dẫn những điểm chính, bỗng dưng tôi phải ngồi xuống chỉ bảo từng li từng tí với các cháu mới học Lớp 1, Lớp 2, Lớp 3 nên tôi không cảm thấy thích thú cho lắm. Một mình tôi phải chỉ dẫn cho 4, 5 đứa con nít trong cùng một đêm, tôi có cảm giác như đang ngồi giữ trẻ (babysit) vì chúng quậy phá và ồn ào. Sau mỗi lần dậy như vậy, tôi thấy mệt nhoài. Ðiều làm tôi cảm thấy thất vọng nhất là cha mẹ của các cháu không tiếp tục chỉ bảo chúng sau khi chúng đã học tôi. Tôi hết cái hứng thú dậy kèm này nên tôi “xin về hưu vụ dậy kèm để về hưu dưỡng già lần thứ nhì”!

Nghiệp dĩ dậy học

Trong đợt “hưu trí kỳ nhì” này, tôi tiếp tục cái thú vui đi bộ ra công viên, ra bờ hồ rồi ngồi viết lách. Cũng trong thời kỳ này mà vợ chồng chúng tôi tiếp tục đi du lịch trước khi chúng tôi có cháu nội, cháu ngoại. Thế rồi một tháng trước khi chúng tôi về thăm Việt Nam vào cuối năm 2005, một bà mẹ Việt Nam - MN, còn khá trẻ - mang đứa con trai - CV, 13 tuổi - đến nhờ tôi giúp ý kiến về việc học. MN phải đi làm kiếm tiền tự nuôi thân và 2 đứa con còn nhỏ. Bà mẹ trẻ này cho tôi biết nhà trường đã báo động cho biết rằng CV đang có triển vọng bỏ học vì không theo kịp được các môn học ở nhà trường. Trông nó hiền lành, ngoan ngoãn cho nên tôi có thiện cảm với nó ngay. Tôi xem cuốn vở của hắn chép các bài học tại nhà trường, tôi thấy hoàn toàn thất vọng: chữ to, chữ nhỏ và các dòng chữ viết Anh Văn bất thành cú, tôi chẳng hiểu hắn đã viết những gì. MN cho biết là CV mới từ Việt Nam sang Canada được 1 năm.Vốn liếng tiếng Anh quá ít ỏi, nhà trường cho hắn học ESL (English as a Second Language) trong một thời gian ngắn hạn rồi xếp hắn vào lớp học cùng với những học sinh Canadian cùng cỡ tuổi với hắn. CV còn là một học sinh chậm hiểu (slow learner) cho nên anh chàng chới với trong “biển học”. MN muốn nhờ tôi dậy kèm cho hắn. Qua kinh nghiệm “đợt đầu dậy kèm”, tôi không cần do dự mà trả lời ngay lập tức:

- Cháu ơi, cháu nên nhờ các thầy, cô người Canadian để dậy thêm cho hắn đi vì chú không quen dậy các cháu học sinh ở đây!

Nói xong, nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của MN, tôi cảm thấy áy náy và tôi suy nghĩ: “Chết thật, với số lương ít ỏi của bà mẹ này, làm sao mà MN có đủ tiền để mà trả công cho những người dậy kèm chuyên nghiệp được? Vả lại, người dậy kèm gốc Canadian làm sao mà họ có thể hiểu được những cái khó khăn, nhất là sự khác biệt về văn hóa của người di dân mới từ Việt Nam đến như MN và CV? Nếu thằng bé không có người chỉ dẫn việc học cho đàng hoàng, e rằng hắn sẽ bỏ học (drop out) mà thôi! Qua những kinh nghiệm mà tôi đã thấy trong những năm sinh hoạt với Hội Phụ Huynh tại Toronto,

một khi mà CV nó bỏ học hay trốn học, hắn sẽ còn có thể bỏ đi theo đám con nít bụi đời, tôi sẽ ân hận suốt đời.”

Sau khi tôi đã “ngộ” ra điều này, tôi nói với MN:

- Thôi được rồi! Sau khi cô chú đi chơi xa về, chú sẽ cố gắng dậy CV dùm cho cháu. Chú dậy với một điều kiện: ở nhà, cháu phải bắt thằng nhỏ làm bài tập (homework). Nếu nó không hiểu, nó có thể gọi điện thoại cho chú, chú sẽ chỉ dẫn cho nó qua điện thoại! Cháu cũng phải bắt nó đến học đều đặn với chú nữa, được không?

Ðợt dậy kèm thực sự bắt đầu: Toán và Anh văn

Tôi quên béng việc dậy kèm trong lúc đi du lịch. Sau khi chúng tôi đã về lại Canada, MN gọi điện thoại nhắc tôi khi nào bà mẹ này có thể mang con đến cho tôi dậy kèm. Tôi cảm thấy khá lúng túng, phần vì đầu óc của tôi còn đang mơ mơ màng màng ở những nơi mà tôi vừa thăm viếng sau 45 năm xa cách, phần vì tôi chưa nắm vững được chương trình Lớp 8 của CV! Thôi thì “đã liều nhắm mắt, đưa chân” và tôi nhớ lại “chuyện ngày xưa” của tôi: khi mới đi dậy College tại Canada, tôi đâu có biết gì về hệ thống Cao Ðẳng gì đâu, ngoài ra tôi lại còn chưa bao giờ có kinh nghiệm dậy học nữa! “Ô kê, thì mình cứ dậy thử lại xem sao”, tôi tự nhủ!

Tôi nhắc CV mang tất cả các bài vở đến cho tôi xem. Tôi “dò đường” từ những bài vở này và sau đó, tôi bắt đầu đi lùng kiếm các tài liệu, sách vở, chương trình học qua Internet và các hiệu sách. Tôi cũng dành thì giờ để vào thư viện tìm kiếm các tài liệu, sách vở...từ Lớp 4 trở lên giống như ngày xưa mỗi lần tôi phải dậy một môn học mới vậy.

Tôi tự viết bài thi trắc nghiệm về môn Toán gồm có các câu hỏi từ Lớp 4 đến Lớp 8 cho hắn. Nhờ vậy mà tôi biết rõ cậu học trò của tôi đã mất căn bản từ nhiều phần của các lớp dưới. Mất căn bản không những chỉ riêng môn Toán mà còn nhiều môn khác nữa - chỉ là vì hắn không có đủ vốn liếng tiếng Anh mà thôi! Nhà trường tại vùng Ontario của chúng tôi khá “kỳ cục”: các học sinh gốc di dân thường được xếp vào lớp học dựa theo lứa tuổi của chúng để học cùng với học sinh bản xứ chứ không phải theo lực học của chúng! Ðể “đo lường” (measure) môn Anh Văn, tôi cho hắn viết một bài luận tả niên học Lớp 7 của hắn bằng Anh Ngữ. Sau một giờ ngồi nắn bút, anh chàng không viết được nửa trang giấy khổ nhỏ và những điều hắn viết đều bất thành cú. Biết được điều đó, tôi dùng cuốn ”Complete English Smart, Grade 5” của nhà xuất bản “Popular Book (Canada) Ltd” để dậy hắn phần Anh Văn cho hắn có căn bản về Văn Phạm, Ngữ Vựng và cách hành văn. Nói tóm lại, tôi phải giúp hắn học môn “Anh Văn Vỡ Lòng”, lồng khung với môn Toán (Math), môn Khoa Học (Science)...thấp hơn Lớp 8 mà hắn đang học những mong hắn sẽ tránh khỏi cái vụ trốn học hay bỏ học cái đã!

Mỗi lần học tiếng Anh với tôi, hắn ngồi bên cạnh tôi và đọc to cho tôi nghe một bài viết (text) trong cuốn sách Anh Văn này. Khi mới bắt đầu học, hắn đọc sai rất nhiều từ ngữ và chính vào những lúc này mà tôi dậy hắn cách đọc (pronunciation). Tôi cũng hỏi nghĩa (meaning) của những từ ngữ thông dụng. Hóa ra anh chàng chưa biết quá nhiều những từ ngữ thông thường này. Tôi phải giải nghĩa từng từ ngữ và cách cấu trúc văn phạm như chủ từ (subject), động từ (verb)... Sau khi đọc xong bài viết (text), CV phải ngồi xuống tự hắn trả lời các câu hỏi liên quan tới nội dung của bài viết. Ðây là phần để các thầy cô “đo lường” (measure) phần hiểu biết (comprehension) của học trò. Trong mỗi bài học (learning unit), ngoài phần trả lời các câu hỏi của bài viết (text reading and comprehension), còn có các phần thực tập về Văn Phạm (Grammar), Ngữ Vựng (Vocabulary).

Số học trò của tôi bắt đầu gia tăng từ Lớp 1 đến Lớp 12 cho môn Toán và từ Lớp 1 đến Lớp 8 cho môn Viết Tiếng Anh (English Compostion and Grammar).

Sau khi tôi đã dậy một số học trò khác, tôi mới “ngộ” ra rằng rất nhiều trường tiểu học ở đây đã “quên” dậy học trò cách viết chính tả (spelling) và phần Văn Phạm của tiếng Anh khi chúng còn nhỏ. Một tai hại đáng kể cho học trò vì sự thiếu sót hay quá tự tin của Bộ Giáo Dục!

Khi còn đi dậy tại College ở Canada, tôi đã có dịp dậy vài môn Toán và nhiều môn Kỹ Thuật có phần Toán Áp Dụng (Math-related Technical Subjects) trong Phân Khoa Kỹ Thuật (School of Engineering Technology) và Phân Khoa Thương Mại (School of Business). Tôi đã biết được những cái khó khăn của nhiều sinh viên trong 2 môn Toán và Anh Văn. Trong những năm đó, tôi rất muốn biết các sinh viên này đã học được những gì tại cấp Trung Học và Tiểu Học nhưng tiếc nỗi tôi không có thì giờ để tìm ra nguyên do. Cũng vì lẽ đó mà bây giờ, tôi đang đóng vai một “thám tử” đi lùng kiếm các nguyên do tại sao mà nhiều sinh viên đang đi học College mà yếu Toán và Anh Văn đến như vậy.

Tựu chung, mỗi môn học (subject/course) của từng Lớp (Grade) đều có chương trình học (course outline) rõ rệt do Bộ Giáo Dục Tỉnh Bang (Ministry of Education) soạn thảo. Tuy nhiên tại sao học trò lại không học được đến nơi, đến chốn? Lý do chính có lẽ là vì cách dậy tại các Ty Học Chính (Board of Education) không đồng đều, kỷ luật nhà trường không chặt chẽ và nhất là cha mẹ không để ý tới việc con cái tự học và làm bài tập ở nhà. Ngoài ra, nhiều học trò coi TV hay vào Internet quá nhiều, bỏ phí mất thì giờ để làm bài tập (homework) ở nhà.

Vấn đề và trách nhiệm

Tôi nhận thấy một số các cháu tuy chịu khó làm bài ở nhà nhưng phụ huynh lại không đủ khả năng để chỉ dẫn đúng cách cho chúng. Lâu dần, chúng không còn tự tin chúng làm bài đúng hay sai nữa. Ðiều này làm chúng trăn trở rồi đâm ra chán nản với việc học.

Dựa vào những nhận xét trên, tôi đi kiếm thêm tài liệu để dậy kèm một cách hữu hiệu, vừa dễ cho học trò tự học (self-learning), vừa dễ cho cách chỉ dậy (teaching) của tôi và để theo đúng phương pháp giảng dậy và học hành mà người Bắc Mỹ mệnh danh là “the Teaching-Learning process” (phương pháp Dậy và Học). Tôi đã “tha về” nhà một số sách dậy kèm cho 2 môn Toán và Anh Văn từ Lớp 1 đến Lớp 8 và tôi “chịu nhất” các cuốn sách dậy kèm này do công ty “Popular Book Company (Canada) Ltd.” xuất bản.

Nhiều cháu, như cháu CV chẳng hạn, tuy rằng đang học Lớp 8 nhưng thực sự phần Anh Văn, các cháu chưa đạt được tiêu chuẩn của một học trò đang học Lớp 5. Tôi đã phải giải thích cho các cháu và cha mẹ chúng về điều này sau khi tôi đã cho chúng thi trắc nghiệm về phần Viết Luận và phần Văn Phạm. Tôi chỉ dậy kèm các cháu này theo lối dậy và điều kiện của tôi nếu họ đồng ý.

Nhận định vấn đề và kinh nghiệm bản thân

Sau khi đã dậy kèm được ít lâu tôi nhận thức được vài điều dưới đây:

· Phần đông các học trò Tiểu Học ở đây không thuộc làm lòng Bảng Cửu Chương cho nên chúng rất lúng túng khi phải làm tính Nhân hay tính Chia. Nhà trường không bắt buộc chúng học thuộc lòng nên “mới ra nỗi này”! Tôi tự làm lấy Bảng Cửu Chương với hàng dọc từ 0 đến 10 và hàng ngang cũng từ 0 đến 10.Tôi bắt học trò tự điền vào chỗ trống những con số của Bảng Cửu Chương. Chúng không được phép ngó vào bất cứ sách vở nào hết, nhất là không được dùng cái “calculator”! Cứ lâu lâu, tôi lại bắt các cô, các cậu làm như vậy để đầu óc chúng phải làm việc một cách chủ động (proactive). Phần lớn, học trò cũng không thật hiểu khái niệm về Mẫu Số Chung (common denominator) cho nên chúng làm tính cộng, tính trừ của Phân Số “không giống con giáp nào hết”! Phần Anh Văn, rất nhiều học trò không biết cách cấu trúc văn phạm của một câu văn, vì nhà trường “không cần dậy” các cháu điều căn bản này! Học trò thường hay lẫn lộn những chữ như: “Who” với “Whom”, “Its” với “It’s”, “Where” với “Were”…

· Các cháu cần có một người có đủ kiến thức và căn bản để dậy kèm (tutoring) các cháu cách làm bài và chấm bài cho các cháu. Các cháu phải tự làm bài, chỗ nào không làm được, các cháu có thể hỏi lại người dậy kèm (tutor). Người tutor sẽ chấm bài và chỉ dẫn lại cho học trò những lỗi lầm. Học từ những lỗi lầm, học trò sẽ hiểu rõ hơn và từ đó, sẽ tiến bộ nhanh chóng. Ðây là những kinh nghiệm tôi đã gặt hái được qua nhiều năm dậy phần “tutorial” cho nhiều môn Kỹ Thuật mà ngày xưa tôi đã từng dậy tại College.

· Tôi tin rằng các cháu nhỏ có đủ trí thông minh (thông minh phần trí óc mà người Tây Phương gọi là Intelligence Quotient, IQ) để học hỏi và lĩnh hội, nhưng sự cần cù và tính khí của các cháu thuộc phần thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, EQ) có lẽ còn quan trọng hơn trong việc học hỏi này. Tôi đã thấy có nhiều cháu tuy thông minh đầu óc nhưng chúng hay học “cóc nhẩy” hoặc vì không đủ kiên nhẫn, hoặc vì thiếu kỷ luật, hơặc vì ham chơi, hoặc vì thiếu tự tin, hoặc vì lười biếng không dám hỏi thầy cô… Các cháu này cần phải có người Tutor để chỉ dẫn và uốn nắn để vượt qua khỏi cái “bức tường cản học” này. Ðây là một thử thách cho cha mẹ, thầy cô và nhất là người dậy kèm. Một khi mà chúng vượt qua được những khó khăn này, chúng sẽ học một cách thoải mái hơn và sẽ tiến bộ trông thấy.

· Không phải rằng tất cả các cuốn sách giáo khoa, sách dậy kèm nào cũng đều có những chi tiết đầy đủ và được trình bầy theo đúng “logic” giảng dậy hết (dễ hiểu, rành mạch, theo thứ tự từ dễ đến khó) …Tôi đã thấy có những bài tập (Toán và Anh Văn), những câu hỏi không những chẳng thích hợp với trình độ của học sinh (quá khó, quá trừu tượng), mà lời văn lại không được rõ ràng, mạch lạc làm cho học trò đâm hoang mang mất cả cái hứng thú để học hỏi. Các tác giả, các thầy cô và người dậy kèm cần phải có một cái nhìn tổng thể (holistic view) của Chương Trình Học (curriculum) của cấp Tiểu Học hay Trung Học để dìu dắt học trò cho đúng với các “course outlines” (nội dung của từng môn) trong toàn thể Chương Trình Học (curriculum).

Tôi đã từng nghe sinh viên hỏi tôi nhiều câu hỏi rất “ngây thơ”:

- Học những thứ này để làm gì, có cần lắm không, thưa Thầy?

hay:

- Hôm nay có gì quan trọng để học trong lớp không Thầy, nếu không thì em xin phép được ở nhà để làm việc khác!

Ðể linh động hóa việc giảng dậy (motivate the students), các thầy cô, tutor nên nói rõ cho học trò biết trước lý do tại sao chúng phải học (direct approach) những bài học (learning units) sắp được giảng dậy. Thí dụ như phân số (fraction) dùng để làm gì, cho vài thí dụ rồi hỏi lại học trò vài câu hỏi liên quan tới phân số trước khi thực sự dậy phân số. Mục đích là để làm chúng phải suy nghĩ một cách chủ động (proactive) thay vì chúng chỉ ngồi yên mà nghe bài giảng một cách thụ động (passive). Một vấn đề nan giải nữa mà tôi đã thấy: học trò thường nghĩ rằng chúng học cho cha mẹ, cho thầy cô, cho nhà trường chứ không phải cho chính bản thân chúng!

· Có chấm bài mới biết được học trò gặp khó khăn ở những chỗ nào của phần mới học (new learning units). Tôi thường ngồi giải thích cho học trò những phần chúng làm sai và bắt chúng làm bài lại trong những phần sai này.

Cha mẹ, người dậy kèm nên theo dõi các bài vở của học trò sau mỗi ngày chúng đi học về, nhất là các bài đã được thầy cô chấm điểm để biết lực học của chúng ở trường ra sao. Nếu chúng được điểm cao, nên khen chúng một câu. Nếu chúng được ít điểm, nên ngồi xem kỹ lại bài vở để chỉ dẫn cho chúng biết chỗ nào sai và bắt chúng làm bài lại. Chớ nên quá nặng lời hay sỉ nhục chúng để tránh việc chúng có thể bị tự ti mặc cảm về sau này.

Thêm một vấn đề rất thực tế

Không ngờ qua kinh nghiệm dậy kèm này, một vài người đã học xong College và đang đi làm đã bắt đầu đến học tôi môn English Communication (gồm có phần “Composition”, “Grammar” và “Oral presentation”) nữa. Tại nơi làm việc, họ đã không lên chức được vì không có khả năng viết và nói Anh Văn cho đâu ra đó, hay nói cho đúng hơn, họ đã bị mất căn bản khá nhiều khi họ học tiếng Anh như một ngoại ngữ (English as a Second Language). Tôi đã từng tham dự những lần thuyết trình (topic presentation) của sinh viên trong lớp tôi dậy hay trong các lớp khác. Tôi đã thấy những lỗi lầm về Chính Tả (Spelling), về Cách Hành Văn (writing skills), về Văn Phạm (Grammar). Tôi cũng đã từng ngồi họp với các Giáo sư dậy cách Viết Anh Văn (English Communication) để các nhà giáo chúng tôi cùng có thể “bắt mạch” và “chẩn bệnh” Anh Văn cho các bài viết của học trò theo tiêu chuẩn của nhà trường. Giờ đây, tôi cảm thấy may mắn đang có cái cơ duyên để chỉ dẫn môn Anh Văn cho những cô cậu học trò và cựu sinh viên Việt Nam này. Tôi cũng cảm thấy niềm vui trong cái “Thú Dậy Kèm” này - giống như cái “Thú Chơi Lan” của những lần ngày xưa khi tôi đi thăm viếng những nơi trồng lan và mua về nhà được những giò lan đang nở rộ trong độ xuân thì vậy!

Thú dậy học

Tôi thấy phấn khởi: sau 1 năm học với tôi, điểm số trung bình của CV đã lên thêm được 15%, cu cậu không những đã không bỏ học ở nhà trường mà còn luôn luôn muốn đến học với tôi nữa. Tôi đã may mắn kiếm được cái “Thú Dậy Kèm” này không những để cho đầu óc tôi đỡ bị lú lẩn trong lúc tuổi già mà còn để cho tôi đỡ nhớ lớp học của ngày xưa nữa. Tôi chẳng phải chấm bài đến mờ cả mắt như ngày xưa. Chẳng phải mệt nhọc lái xe trên xa lộ trong giờ cao điểm. Chẳng phải nghe lời “eo xèo mà cả” về vụ chấm điểm với học trò. Chẳng phải để ý tới những tị hiềm của “office politics”… Tôi còn một niềm vui khác: ngay tại nơi tôi cư ngụ ở Canada, tôi có cơ hội được dậy các cháu học sinh Việt Nam mà ngày xưa khi còn đi dậy, tôi chỉ ước mong có cơ hội dậy riêng cho người Việt thì giờ đây, ước mong đó đang được toại nguyện.

Ðã mang nghiệp dậy vào thân,

Tôi chẳng trách móc Trời gần, Trời xa!

Thế là tôi đã mãn nguyện lắm rồi!

Ðàm Trung Phán

Mississauga

Tháng Mười 2007

3 nhận xét:

viet nói...

Thằng nhóc của VĐ hiện cũng đang được bác LX gõ đầu hàng tuần.
Thằng nhóc rất thích bác Lãng Xẹt, Bận rộn trong việc sinh kế hàng ngày, VĐ không thể theo dõi việc học của cháu, nên phải mang cháu đến bác Xẹt , sau vài tuần thì cháu rất tiến triển trong việc học, và điều quan trọng nhất mà VĐ thấy là qua bác, cháu đả có thêm phần tự tin vào mình, có sự thích thú trong chuyện học. đó là những điều mà VĐ nghĩ là rất cần thiết và quan trọng
cho tương lai của cháu.

Xin cám ơn bác Xẹt đã bỏ công sức ra trong việc làm rất cao quý này.

lam hoai thi nói...

Rất tiếc , vợ chồng ĐL không có một trự, một cô nương nào, nếu không , thì vẫn phải nhờ Bác ĐLX kềm kẹp .
ĐL

Ðồ Lãng Xẹt nói...

Ðồ Liêm:

Rất tiếc là ÐLX có 2 trự con giai mà ÐLX cũng bị(số kiếp?)kìm kẹp mất 25 năm mới rành biết được thế lào nà "Ðộc Lập, Tự Do và Hạnh... Phước"!

Cheers!

ÐLX