Xin nhường lời cho hai anh Đàm Trung Pháp và Đàm Trung Phán giới thiệu về thân thế và tác phẩm cuả người cha kính yêu của mình: Cụ Ông Đàm Duy Tạo.
Khi hai anh em chúng tôi, Đàm Trung Pháp và Đàm Trung Phán, viết những trang này chúng tôi đã quá nửa lứa tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận.” Ngoài ý nghĩa “tới lớp tuổi sáu mươi thì lẽ trời nghe đã thuận tai,” thời điểm này cũng là lúc chúng tôi đã bớt làm việc và có thì giờ suy ngẫm về cuộc đời và nhớ lại những ngày thơ ấu bên cạnh thân phụ chúng tôi.
Thân phụ chúng tôi, húy danh Đàm Duy Tạo, sinh năm Bính Thân (1896) tại làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ có thi hương khoa Nhâm Tý (1912), nhưng ngay sau khi các kỳ thi chữ nho bị bãi bỏ, cụ theo học chữ Pháp một thời gian và trở thành một giáo viên tiểu học vào khoảng năm 1920. Tuy dạy học bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, cụ suốt đời tự trau giồi chữ Hán và chữ Nôm và sống trong phong cách của một nhà nho. Cụ góa vợ hai lần và hai lần cụ sống trong cảnh “gà trống nuôi con” mà chẳng bao giờ than thân trách phận. Cụ bà thứ nhất họ Ngô, quê ở làng Cói Lộc Hà, sinh ra người anh cả chúng tôi năm 1921, rồi vài năm sau đó qua đời lúc mới 26 tuổi. Cụ bà thứ hai họ Nguyễn, quê ở làng Lim, là thân mẫu của bốn anh em trai và người chị gái lớn của chúng tôi. Thân mẫu chúng tôi mất năm 1955 tại Saigon khi mới 50 tuổi. Lúc ấy thân phụ chúng tôi đã 60 tuổi và nhất quyết ở vậy một mình nuôi dưỡng hai anh em chúng tôi và chú em út hãy còn thơ dại. Ngày quốc hận 30-4-1975, ở tuổi 80, cụ di tản qua Mỹ cùng chú em út chúng tôi là Đàm Trung Thang lúc ấy sắp hoàn tất năm chót chương trình bác sĩ y khoa tại Đại Học Saigon. Cụ mất vào mùa hè năm Mậu Thìn (1988) tại Montréal, Gia Nã Đại, thọ 93 tuổi.
Từ 1920 đến suốt thế chiến thứ hai, cụ dạy học ở Giai Lạc, Phúc Yên. Theo truyền thống “đại gia đình” đẹp đẽ thuở trước, cụ mang theo một số con cháu để cụ đích thân dạy dỗ và trông nom. Người về sau thành đạt nhất trong số môn sinh đặc biệt ấy là cố Đại Tá Cảnh Sát Quốc Gia Đàm Trung Mộc (1917-1982), người cháu ruột giỏi giang và hiếu thảo mà cụ hết mực thương yêu. (Anh Mộc chúng tôi tốt nghiệp Trường Luật Hà Nội, từng làm thẩm phán ở Bắc Giang, và giữ chức vụ Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tại Saigon). Sau năm 1945, cụ phải ngưng dạy học để trở về Bắc Ninh trông nom ruộng vườn với thân mẫu chúng tôi. Rồi vì thời cuộc, phải tản cư nay đây mai đó, hai anh em chúng tôi không được đi học như những học trò cùng lứa tuổi ở nơi khác. May thay có bố là nhà giáo lúc nào cũng kề bên, chúng tôi được cụ dạy dỗ kỹ càng đến nơi đến chốn. Trước hết là phần “viết tập”: cụ viết bằng bút chì làm mẫu để hai anh em Pháp và Phán dùng bút mực “đồ” lên phần bút chì của cụ. Cụ nghiêm lắm, đứa nào mà “đồ” sai là cụ cho “ăn thước kẻ” vào tay ngay!
Trong khoảng 1950-1952, hai anh em chúng tôi được cụ mang theo lên tỉnh lỵ Phúc Yên theo học, khi cụ được chính phủ quốc gia tái tuyển. Trong thời gian này, chúng tôi được cụ dạy rất kỹ về môn “tính đố” để bù lại cho những thiếu hụt về học hành trong thời kỳ tản cư. Nhờ thế mà chúng tôi không gặp trở ngại gì trong những năm học kế tiếp. Có những buổi chiều tà nhớ mẹ, chúng tôi trèo lên thang gác của những căn nhà bị bỏ hoang vì chiến tranh, ngó nhìn vào những chuyến xe “ca” từ Hà Nội lên Phúc Yên với hy vọng mong manh có mẹ ngồi trong đó. Nhưng tất cả chỉ là hy vọng hão huyền mà thôi!
Rồi cụ được thuyên chuyển về Hà Nội tiếp tục dạy học. Như thường lệ, cụ dạy trường nào chúng tôi theo học trường đó. Vì các thầy dạy chúng tôi đều là đồng sự của cụ, chúng tôi không có chọn lựa nào khác là phải học hành hết sức mình! May thay, cả hai đứa đều là “học trò cưng” của các thầy. Trong những năm này, cụ bỏ nhiều thì giờ dạy chúng tôi tiếng Pháp. Cụ bắt chúng tôi chia động từ, làm phân tích câu (analyse logique) và phân tích văn phạm (analyse grammaticale), và viết chính tả (dictée). Thời gian ngắn ngủi 1952-1954 với toàn thể gia đình đoàn tụ tại Hà Nội trong một căn nhà trên đường Kim Liên bên cạnh Hồ Bảy Mẫu là thời kỳ hạnh phúc nhất cho gia đình chúng tôi.
Cuộc di cư 1954 xảy ra vào lúc gia đình chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Thân mẫu chúng tôi đang đau yếu, em trai út mới học lớp năm, và thân phụ chúng tôi sắp tới tuổi phải về hưu! Rồi thân mẫu chúng tôi đột ngột qua đời vào đúng đêm trung thu năm 1955, lúc ba anh em út chúng tôi mới 14, 13, và 7 tuổi. Chị Đàm Thị Đán phải đi làm xa nhà để có thêm tiền cho gia đình. Anh Đàm Trung Thao thì đã “tự lực tự cường” khi thi được học bổng để theo học ngành nông lâm súc tại Blao. Giúp bố trong cảnh “gà trống nuôi con,” Pháp và Phán phải đi chợ và nấu cơm cho gia đình gồm một cha già và ba con trai nhỏ, trú ngụ trong căn nhà khiêm tốn trong một hẻm đường Võ Di Nguy rồi đường Yên Đổ, Saigon. Nếp sống vất vả và cô đơn thời niên thiếu ấy đã khiến hai anh em ruột thân thương Pháp và Phán cũng trở thành tri âm tri kỷ từ đó đến nay.
Thân phụ chúng tôi là một thành trì kiên cố che chở, nuôi nấng, uốn nắn, và dạy dỗ ba con trai nhỏ của cụ. Lúc này cụ đã về hưu, nhưng vẫn dạy một số giờ Hán văn mỗi tuần tại trường Nữ Trung Học Gia Long và có khế ước dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục.. Chiều tối, cụ ngồi đọc sách với Thang tại một bàn, trong khi Pháp và Phán lặng lẽ ngồi học bài hoặc làm bài tại một bàn bên cạnh. Cụ thường bắt chúng tôi đọc to những đoạn văn, những bài thơ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Với chủ trương “đã học điều gì thì phải hiểu cho đến nơi đến chốn,” cụ giải thích tận tường những chỗ nào anh em chúng tôi hãy còn “lơ tơ mơ” khi cụ hỏi đến. Nào là điển tích, nào là thi pháp, nào là tại sao đoạn văn này hay, đoạn văn kia không chỉnh. Cụ thức khuya lắm, và chắc để giải khuây, cụ thường ngâm nga nho nhỏ những câu buồn não nuột trong Truyện Kiều như:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Rồi vài năm sau đó, cảnh nhà lại càng hiu quạnh, khi lần lượt Pháp đi Mỹ du học năm 1959 và Phán đi Úc du học năm 1961.. Lúc đó ở nhà chỉ còn cụ và Thang mới 12 tuổi và vừa vào trung học. Qua những thư từ cụ viết đều đều cho chúng tôi ở Mỹ và Úc, chúng tôi biết là sự thành công học vấn của anh em chúng tôi đã mang lại niềm vui lớn cho cụ, mặc dù cụ rất thương nhớ chúng tôi..
Và cụ thực mãn nguyện khi thấy hai anh em chúng tôi đã chọn nghề dạy học làm kế sinh nhai. Pháp về Việt Nam cùng vợ năm 1965 và dạy Anh văn tại Đại Học Saigon, và Phán cùng vợ rời Úc sang Canada lập nghiệp năm 1969 và dạy môn công chánh tại Centennial College ở Ontario. Cụ hài lòng vì hai anh em chúng tôi đã tiếp nối truyền thống dạy học của họ Đàm từ nhiều thế hệ, trong đó nhiều người được trọng vọng từ thời nhà Lê tới thời nhà Nguyễn.
Trong thời gian về hưu, ngoài cuốn KIẾN VĂN LỤC (của Võ Nguyên Hanh) mà cụ dịch sang tiếng Việt và được Trung Tâm Học Liệu xuất bản năm 1969, cụ còn dịch và hiệu khảo các cuốn NAM THIÊN TRUNG NGHĨA BẢO LỤC (của Phạm Phi Kiến), LÊ TRIỀU TIẾT NGHĨA LỤC (của một tác giả khuyết danh), và BẮC HÀNH TÙNG KÝ (của Lê Quýnh). Cụ cũng hoàn tất hai cuốn sách rất ưng ý của cụ là HOA VĂN TRÍCH DỊCH TẬP (gồm thơ và văn từ Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đào Tiềm, Lương Khải Siêu, vân vân) và VIỆT HÁN CỰU VĂN TRÍCH DỊCH (gồm những thi phú chữ Hán của các bậc khoa bảng Việt Nam, đa số xuất thân từ tỉnh Bắc Ninh). Trong hai cuốn sau cùng này cụ đã dịch thơ chữ Hán sang thơ tiếng Việt qua một vài thể thơ khác nhau. Tiếc thay, các tác phẩm này chưa kịp xuất bản thì xảy ra quốc nạn 1975.
Phán đã bảo lãnh cụ sang Canada năm 1976, sau khi cụ rời Saigon cùng với Thang vào cuối tháng 4 năm 1975. Lúc này cụ đã 80 tuổi, mắt đã mờ phải dùng kính “lúp” để đọc sách báo, và rất dễ bị xúc động mỗi lần nghĩ đến các con cháu còn kẹt lại bên quê nhà khốn khổ. Để cho cụ vui, Phán nói chuyện với cụ về Truyện Kiều, và mừng thay cụ nhập cuộc hăng say! Cụ ngâm nga vài câu Kiều và tận tường giải thích các điển tích trong đó. Như một phép lạ, sau ngần ấy năm, Phán còn giữ được cuốn Truyện Thúy Kiều (do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) mà chính cụ đã gửi sang cho Phán khi đang du học ở Úc! Phán biếu lại cụ cuốn sách ấy như một món quà vô giá, vì ở thời điểm đó làm sao kiếm ra được sách báo Việt Nam?
Trong những đêm dài lạnh lẽo tại Canada, cụ mải mê đọc đi đọc lại từng câu thơ Kiều. Rồi, để giải sầu nơi đất khách, cụ bỏ ra hơn sáu năm trời để hoàn tất một công trình văn học sâu sắc cuối đời, quá mức tưởng tượng của anh em chúng tôi. Đó là cuốn TRUYỆN KIM-VÂN-KIỀU GIẢO-ĐÍNH TƯỜNG-GIẢI, với Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo là đính giải giả. Cuốn sách 570 trang này đã được cụ thuê người đánh máy từng trang, và cụ viết tay từng chữ Hán và chữ Nôm vào trong các chỗ cần thiết. Như cụ viết trong phần mở đầu của cuốn sách, “Các bản Truyện Kiều ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí.” Mục đích việc giảo-đính tường-giải của cụ là so sánh các chữ, các câu khác nhau trong các bản Truyện Kiều qua những giải thích và dẫn giải rõ ràng và dễ hiểu trên căn bản chữ Hán, chữ Nôm cũng như các điển tích, phong dao, tục ngữ, để cải chính lại những sai lầm trong một số bản Truyện Kiều đã được lưu hành.
Chúng tôi đã tiếp xúc vài nhà xuất bản, nhưng họ đều đề nghị chúng tôi đánh máy lại cho “đẹp mắt” hơn. Đây là một ý kiến rất hay, nhưng cũng “bất khả thi” vì phần chua chữ Hán và chữ Nôm thì không thể kiếm ra người có khả năng. Vì vậy, để tránh nạn “tam sao thất bản,” chúng tôi mạo muội đưa bản chính của cuốn sách lên mạng lưới toàn cầu như một món quà văn học của một nhà giáo nghiêm túc nay đã khuất núi.
Công ơn trời biển của cụ đã nuôi nấng, che chở, uốn nắn, và dạy dỗ chúng tôi thành người hữu dụng để đi theo vết chân dạy học của cụ là một di sản tinh thần vô giá cụ đã để lại cho hai anh em chúng tôi.
Xin trân trọng chia xẻ cùng quý độc giả tâm sự của chúng tôi để quý vị biết thêm về thân phụ chúng tôi: Cụ Ðàm Duy Tạo.
Một lần nữa, xin kính mời quý vị vào đọc Truyện Kim-Vân-Kiều Giảo-Ðính Tường-Giải trong blog dưới đây:
Kính thư,
Đàm Trung Pháp, Giáo Sư Thực Thụ (Ngữ Học), Texas Woman’s University
Đàm Trung Phán, Giáo Sư Hồi Hưu (Công Chánh), Centennial College, CanadaMùa Thu 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét