Kính bái.
ĐKG.
Vài dòng về anh Võ Thành Nhẫn
Anh Võ Thành Nhẫn tốt nghiệp Kỹ Sư ở Paris nhưng khi về VN anh lại học tiếp ngành Luật rồi ra làm Biện Lý Tòa Án Quân Sự Mặt Trận SàiGòn. Ngay khi còn ở Pháp anh đã đam mê nghiên cứu về Tử Vi và Phong Thủy. Về Sàigòn anh lại càng có cơ hội phát triển nhiều hơn về bộ môn này.Sau 1975 khi đi học tập cải tạo, như duyên số đưa đẩy, anh gặp ông Hồ Hữu Tường trong trại Cải Tạo và trao đổi hằng ngày về Lý Số, Phong Thủy với nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lão thành này. Ông Hồ Hữu Tường đã chỉ điểm thêm cho anh rất nhiều.
Đến khi qua Canada anh đi làm cho chính phủ Toronto trong ngành Legal Aid và làm thêm nghề cố vấn về Phong thủy cho các cơ sở thương mại tư nhân.
Anh qua đời vào năm 2004 vì bị bệnh (?).
Võ THÀNH NHẪN
Địa Lý Phong Thủy Là Gì ?
Địa Lý Phong Thủy là một trong những bộ môn của khoa Văn Minh học đông phương, là khoa phối hợp của Âm Dương Ngũ Hành với sự quan sát cách thế của các Mạch đất, đồi núi, cùng cách lưu thông của sông ngòi suối lạch để tìm nơi có chứa tụ khí Mạch của đất dùng làm nơi đất kết để xây nhà ở hoặc mả mồ.
Người Trung Hoa cho rằng sự thành công hay thất bại của con người không hoàn toàn do tài năng và sức lực của mình mà phần lớn là do ảnh hưởng của CHÍ, một loại sinh khí thiên nhiên của Trời và Đất đã tạo sinh ra mọi vật trong vũ trụ. Qua nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống, con người đã nhận thấy rằng tại sao có nơi làm ăn được thịnh vượng còn có nơi thì bị thất bại liên miên. Từ những thất bại và thành công này, con người mới nhận thức được rằng, khung cảnh chung quanh từ một cái đồi, một tòa nhà, một cao ốc cho đến một con đường, một con sông, con suối, chắc chắn là phải có một sự liên hệ vô hình nào đó giữa con người và ngọai cảnh thiên nhiên. Khi thiên nhiên thay đổi cảnh vật, thì sự thay đổi hay ảnh hưởng đến đời sống con người. Con người hình như đang chịu một số phận cùng với đất đai và ngọai cảnh thiên nhiên. Khi đất đai và cảnh vật kết tụ được nhiều sinh khi tốt, thì con người cũng có một đời sống thoải mái và mọi việc làm ăn đều phát đạt vươn lên.
Đây chính là thời điểm mà con người và thiên nhiên tạo được sự hòa hợp.
Chương I : Lai Lịch và sự phát triển của khoa Địa Lý Phong Thủy
Theo Giáo sư Needham (1) thì khoa Địa Lý Phong Thủy bắt đầu được biết đến dưới đời nhà Hán (200 năm trước Tây Lịch) và cho đến thế kỷ thứ nhất (sau Tây Lịch) có một số cổ thư xác nhận khoa này có liên quan mật thiết đến công cuộc cải tạo thủy lợi của triều đình. Mãi đến dưới thời Tam-Quốc (220-265 sau Tây Lịch) thì khoa này thật sự được hoàn chỉnh và có phương pháp kỹ thuật rõ ràng.
Khoa Địa Lý Phong Thủy đặt trọng tâm vào sự khảo cứu đất dai, tìm cho được Long Mạch (nguồn CHÍ của vũ trụ) và huyệt kết là nơi hội tụ các loại sinh khí tối hảo của thiên nhiên và vũ-trụ. Để đạt được mục đích này, khoa địa lý Phong Thủy, một mặt chú trọng đến các hình thể của đồi núi, sông ngòi, mặt khác thì dựa vào những Nguyên tắc về Thiên vận, Lý số, Kinh Dịch phối hợp với thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Đạo Giáo. Do sự khác biệt này mà khoa Địa Lý Phong Thủy được chia ra hai trường phái :
-Một trường phái được gọi là Phong Thủy Thiên Văn (Cosmology FengShui) đặt trọng tâm vào Lý số, Thiên văn và Kinh Dịch. Theo ông Needham thì phái này do ông Wang Chi sáng lập vào thế kỷ thứ XI và được gọi danh là Trường phái Fukien vì lúc bấy giờ ông Wang Chin hành nghề tại Fukien.
-Một trường phái được gọi là Phong Thủy Hình thể (Form Fengshui) đặt trọng tâm vào hình thể các đồi núi, sông ngòi và ngoại cảnh thiên nhiên, được sáng lập bởi ông Yang Yun-Sung vào thế kỷ thứ IX. Ông Yang Yun-Sung trước đây là một quan lại của triều đình và là tác giả của hai quyển sách về Phong Thủy rất có giá trị. Đó là quyển "Sự di động của Long khí" (Manual of the moving dragons) và quyển "Phương pháp tìm Long Mạch qua 12 giai đọan" (Method of the twelve staves).
Tiến sĩ Stephen D. R. Feuchtwang (2) cho biết mặc dù hai trường phái nêu trên được sáng lập từ thế kỷ thứ IX và thế kỷ thứ XI, nhưng khoa Địa Lý Phong Thủy đã có từ lâu và được ghi lại trong sử sách sau dây :
-Lịch sử đời Tiền Hán (History of the former Han Dynasty).
-Vàng son khoa Địa Lý (Golden Box of Geomancy).
-Chọn đất cho dinh thự và nhà cửa (Terrestrial conformations for Palaces and houses) do Kuan Lo viết vào thế kỷ thứ 3 (209-256).
-Chôn cất cổ điển (The burial classic) do Kuop'o viết vào thế kỷ thứ IV.
-Cung điện Hoàng Đế (The yellow Emperor's dwellings manual) do Wang Wei viết vào thế kỷ thứ 5.
Ngày nay sự phân biệt hai trường phái nói trên hầu như không còn nữa vì từ cuối thế kỷ thứ XIX về sau, các thầy địa lý đều áp dụng cả hai phương pháp Hình thể và Thiên Văn phối hợp.
Các Hoàng Đế Trung Quốc trước đây, khi quyết định thành lập một Thủ Đô hay Thị Trấn hoặc trước khi giao chiến với một nước nào, đều phải tham khảo ý kiến của Pháp Quan về Phong Thủy của Triều Đình. Có người cho rằng Tưởng Giới Thạch (Chiang-Kai-Shek) sở dĩ được lên ngôi Hoàng Đế chính là nhờ mả mồ Tổ Tiên của ông được chôn nơi có Phong Thủy tốt, nhưng sau đó bị mất ngôi chỉ vì mả này đã bị du kích cộng sản đào phá làm đứt long mạch. Khi ông chạy sang Đài Loan, Tổng Thống Phủ của ông tại Formose cũng được xây cất đúng theo phép Phong Thủy cổ truyền.
Từ năm 1949, tại Trung Quốc, khoa Phong Thủy mặc dù đã bị nhà cầm quyển công sản cấm áp dụng nhưng vẫn tồn tại ở các vùng thôn quê của nhiều địa phương trong nước. Riêng tại Hồng-Kông thì khoa Địa Lý Phong Thủy rất thịnh hành không những chỉ đối với các người dân bản xứ mà cả đối với các người ngoại quốc có cơ sở làm ăn tại Hồng-Kông. Giám Đốc của Ngân Hàng Hồng-Kông Thương Hội đã có xác nhận với báo chí như sau: "Nếu thân chủ của chúng tôi tin tưởng thì tại sao chúng tôi không tin ?." Phòng Thương Mại Hoa-Kỳ (American Chamber of Commerce), Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông tại Hồng-Kông và ngay cả Ngân Hàng Thương Mại Anh-Quốc đều có nhờ đến Phong Thủy mới đạt được sự phát triển trên thương trường. Kiến Trúc Sư Ignatius Law xác nhận rằng chính quyển bảo hộ Hồng-Kông mỗi khi cần thay đổi hay tân trang một khu phố đều có tham khảo ý kiến của các nhân viên Phong Thủy. Chính ông Maynard Parker, phụ tá Giám Đốc tờ Newsweek tại Hồng-Kông xác nhận rằng mặc dù ông không biết gì về Phong Thủy nhưng khi ông được sự khuyến cáo của một chuyên viên Phong Thủy cho rằng tòa soạn mà ông đã thuê không có Phong Thủy tốt, nên ông không dám ngủ lại ở tòa soạn và ông phải thuê một nơi khác để cư ngụ. Cái chết đột ngột của tài tử Lý Tiểu Long cũng có liên quan đến Phong Thủy. Một tờ báo tại Hồng-Kông đã đặt câu hỏi : "Phải chăng vì Phong Thủy xấu mà Lý Tiểu Long (Bruce Lee) phải chết ?" Nhà ở của Bruce Lee trước đây tại thành phố Kowloon đã được một thầy Phong Thủy khuyến cáo là nơi không có sinh khí. Bruce Lee đã có mời một thầy Phong Thủy nổi tiếng nhờ sửa sai lại Phong Thủy. Ông này cho đặt một kiến soi cảnh tượng nhà của Bruce Lee nhưng sau đó một cuồng phong làm cho cái kiến này bị bể. Chỉ một thời gian ngắn sau đó thì Bruce Lee bị chết một cách bất ngờ và cho đến nay vẫn chưa ai biết được cái chết lạ kỳ này của Bruce Lee.
Ngày nay khoa địa lý Phong Thủy cũng đang bành trướng đến Hoa-Kỳ. Nhà in nổi tiếng Graphic Artist Milton Glaser tại Hoa-Kỳ đã bị cướp đến phá sáu lần trong một thời gian ngắn. Ông chủ tiệm nhà in này liền chụp hình cách bày trí bên trong và bên ngoài của tiệm của ông và gửi qua Hồng Kông nhờ một chuyên viên Phong Thủy giúp đỡ. Sau khi nghiên cứu chuyên viên Phong Thủy đề nghị ông treo một cái đồng hồ tròn, bên ngoài viền màu đỏ, mặt quay ra hướng cửa cái. Từ đó tiệm của ông không có một tên cướp nào lai vãng.
Tại Washington D.C, một nhà hàng lớn tên là The House of Hunan đã bị đổi chủ hai lần vì làm ăn bị thất bại. Từ năm 1980, người chủ mới là ông Johnny Khan cho sửa sang lại theo đúng với sự khuyến cáo của một thầy Phong Thủy. Sau sáu tháng hoạt động, ông Johnny Khan cho biết ngày nào cũng có trên 20 người khách đứng đợi bàn trống và con số doanh thu vượt ngoài sự mong ước của ông.
Riêng tại Việt-Nam, khoa Địa Lý Phong Thủy đã có từ lâu, nhưng không được quảng bá sâu rộng trong dân chúng. Phần lớn các thầy Phong Thủy Việt-Nam có óc bảo thủ và cho rằng Địa Lý Phong Thủy là một khoa huyền bí, chỉ truyền dạy cho những người có duyên phận. Một khác khoa Địa Lý Phong Thủy, phần lớn chỉ nhằm mục đích tìm điểm kết cho mả mồ để chôn người chết hầu sau này con cháu của họ được đỗ đạt và thong dong trong quan trường. Chính Vì vậy mà ông bà chúng ta thường nói rằng : "sống về mồ, về mả, chớ không ai sống về cả bát cơm".
Sự ích lợi của Long Mạch, nguồn sinh khí CHÍ của vũ-trụ được ông cha chúng ta xác nhận qua nhiều huyền thoại vàng son được truyền khẩu trong dân gian hoặc viết trên sách vỡ, để chứng minh sự quan trọng và ảnh hưởng to lớn của khoa Địa Lý Phong Thủy đối với con người Việt-Nam.
CHƯƠNG II : Nguyên Lý căn bản của khoa Địa Lý Phong Thủy.
Mục tiêu của khoa địa lý Phong Thủy là tìm đất đai, khu vực nào có sự hội tụ của CHÍ, nguồn sinh khi tối hảo của thiên nhiên và vũ trụ. Muốn tìm được Nguồn CHÍ này, khoa địa lý Phong Thủy phải dựa vào một số nguyên lý căn bản của Kinh Dịch, Đạo Giáo, Thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Nguồn CHÍ.
A.-Về Kinh Dịch.
Kinh Dịch là bộ sách căn bản chứa tất cả nguyên lý sinh thành của vũ trụ và con người. Theo khoa triết này thì vũ trụ và mỗi tạo vật ở trên đời đều bắt nguồn từ một Tiên Thiên Khí gọi là Thái Cực, một thứ linh can bất diệt vô cùng huyền diệu.Thái Cực là đạo cực trung, là khí thuần hóa chưa bị phân đôi. Nói cách khác đó là bầu điện khí chưa phân âm điển và dương điển. Gọi là âm điển hay dương điển thật sự không phải là hai vật khác nhau, mà chỉ là một chất điện nhưng mức độ khác nhau hóa ra có hai luồng điển khác nhau (la différence de potentiel produit le courant). Hai luồng điển này vì khác tính nên thu hút lẫn nhau giống nhu trong hiện tượng từ tính, cực âm và cực dương của nam châm hút nhau gây ra sự va chạm và phát sinh ra ánh sáng. Tất cả những cuộc biến hóa nhỏ lớn gì ở trên đời đều bắt nguồn từ hai lý Âm Dương này mà ra. Có cả Âm lẫn Dương mới có biến hóa. Nếu chỉ có một Âm hay một Ddương thì Âm này hay Dương này sẽ bị tiêu diệt. Bởi vậy không bao giờ có trạng Thái cô Âm hoặc cô Dương vì Kinh Dịch cho rằng vật bất khả chung tồn.
Vì vậy cái khí của Thái Cực còn được gọi là Nguyên khí (souffle original) trong đó tìềm ẩn hai lý Âm Dương.
Hai lực khí Âm Dương này ờ với nhau sinh ra bốn lực khí gọi là Tứ Tượng gồm có :
Thái âm
Thiếu âm
Thái dương
Thiếu dương
Rồi Tứ Tượng sinh ra Bát quái gồm có Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Để biểu hiệu cho những lực khí này, người ta dùng một gạch liền (__) để biểu thể khí dương và một gạch đứt (- -) để biểu thể khí âm.
Bát quái gồm có :
Kiền : Biểu tượng cho Trời
Đoài : Biểu tượng cho Ao, Hồ
Chấn : Biểu tượng cho sấm sét
Ly : Biểu tượng cho Hỏa
Tốn : Biểu tượng cho Gió
Khảm: Biểu tượng cho Nước
Cấn : Biểu tượng cho Núi
Khôn : Biểu tượng cho Đất
Ngoài việc Biểu tượng các hình thể thiên nhiên như Trời, Đất, Ao Hồ, Sấm Sét như đã nêu trên, Bát quái còn biểu hiệu cho những ý nghĩa khác như Cha, Mẹ, Vợ Chồng, Con cái, tám phương, bốn hướng trong Không gian và Thời gian, cùng những bộ phận trong cơ thể con người, và những giai đọan chuyển biến của tạo vật.
Khoa địa lý Phong Thủy đã áp dụng những nguyên lý căn bản và hình tượng này của Kinh Dịch trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Bát Quái Đồ được dùng nhiều nhất trong việc định hướng nhà cửa và tìm huyệt kết.
Sau đây là một thí dụ về Bát Quái Đồ được áp dụng trong Khoa Phong Thủy.
B.-Về Đạo Giáo
Đạo Giáo đưa ra một triết lý dựa vào thiên nhiên, cho rằng con người có một sự liên hệ mật thiết với vũ trụ, và ví con người như một giọt nước trong biển cả của vũ trụ cho nên con người bị lệ thuộc vào sự lên xuống của thủy triều vũ trụ. Căn bản triết lý của Đạo Giáo là chữ Đạo. Đạo là một danh từ thường dùng để chỉ cái lẽ tuyệt đối, cái bản thể của Trái Đất. Đạo theo Lão-Tử là một nguyên lý quân bình, cho nên không cho cái gì Thái quá hay Bất cập.
Trong Đạo Đức Kinh có câu :
Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
Nhất đây là chỉ về cái Thể của đạo, Nhị là chỉ về hai lý âm Dương , tức là hai nguyên lý mâu thuẩn, dạng có trong mọi vật, nhưng giữa sự xung đột của hai nguyên lý này có một cái gì nắm đấu mối và làm cho nó dung hòa nhau: đó là cái Dụng của Đạo. Đến được cái số ba đó là vạn vật thành hình. Vì vậy theo Đạo Giáo, Đạo chính là sợi giây nối liền con người với vũ trụ và thiên nhiên theo một nhịp để điều hòa và cân bằng. Đạo của Trời Đất, sự thành tựu của vạn vật đều phải có hòa hợp rồi sau mới hanh thông.
Khoa địa lý Phong Thủy cũng lấy nguồn gốc từ ý niệm thiên nhiên này của Đạo Giáo. Cho nên một trong những Nguyên tắc căn bản của địa lý Phong Thủy là sát gần với thiên nhiên và tạo mọi điều kiện để đạt được sự dung hòa và điều hợp giữa con người với thiên nhiên trong vũ trụ.
C.- Thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
Âm, Dương là hai khí lực của Trời và Đất. Tuy là đối nhau nhưng lại bổ túc cho nhau. Âm Dương vận hành sinh ra mọi vật. Cho nên mọi vật trong vũ trụ đều có hàm chứa Âm và Dương. Âm và Dương gặp nhau trong sự hòa lực. Vai trò của Dương là sinh bất tận còn vai trò của âm là làm cho sự vật hiện ra rõ ràng.
Tuy vậy, không có Dương thì hình cũng không thể hiện, mà không có Âm thì khí cũng không thể biến mà sinh ra được. Hai bên phải nương tựa vào nhau.
Vạn vật phụ Âm nhi bảo Dương. Vạn vật, vạn sự đều cõng âm bồng dương, nghĩa là bề trái là Âm, bề mặt là Dương, bề lưng là Dương, bề bụng là Âm, bên ngoài là vật chất (Âm), bên trong là tinh thần (Dương). Âm dễ thấy hơn vì Âm chỉ về hình tượng, thể chất, còn Dương thuộc về vô hình, chỉ có thể cảm được mà không nhìn thấy được. Dương là khí thanh thuộc về Trời còn Âm là khí trược thuộc về đất. Dương nhẹ, Âm nặng. Dương nhẹ thì lên cao, Âm nặng nên xuống thấp. Nhưng sự gì vật gì cũng bắt đầu từ dưới lên trên. Dương sáng, Âm tối. Đứng trên bình diện siêu hình thì sáng tối là một, nhưng đứng trên bình diện thường lý thì sáng sỡ dĩ có là nhờ có tối nổi lên, cho nên có thể nói rằng Âm là căn bản của Dương. Không có Âm, Dương khí không bao giờ trụ được. Âm Dương là cặp lưỡng nhất nghĩa là không có cái nào sinh cái nào, cái nào có trước cái nào có sau, mà cả hai đồng sinh, nhưng về công dụng thì Dương xướng Âm họa. Trong các cuộc biến hóa bất cứ là hiện tượng nào cũng đều do Dương điều khiển và Âm thuận tùng. Dương đi đến đâu thì Âm theo đến đó, cũng giống như trong y học Khí dẫn Huyết, Huyết theo Khí để luân lưu trong cơ thể.
Yếu tố quan trọng nhất của nguyên lý này là sự cân bằng và điều hòa của Âm Dương và Ngũ Hành. Y học đông phương cũng lấy nguyên tắc này làm căn bản. Phần trong cơ thể là Âm, phần ngoài cơ thể là Dương. Khi cơ thể bị suy yếu là do sự mất cân bằng của khí lực. Ta hãy lấy một thí dụ cụ thể như sau: Khi bao tử bi đau (âm) ta muốn nôn mửa nên miệng của ta phải hả ra (dương) và khi ói mửa xong ta thấy khỏe lại (vì có sự thăng bằng âm và dương). Khi tâm của ta bị xúc động mạnh (âm) thì ta khóc, nước mắt chảy ra (dương) ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Khoa địa lý Phong Thủy cũng dựa vào nguyên lý Cân Bằng Âm Dương này để xây dựng thành những kỹ thuật tìm lấy khí cho huyệt kết và định hướng thích hợp cho cuộc sống của con người. Một điểm kết tốt (nhà ở hay tiệm buôn) cần phải hội đủ yếu tố Âm Dương Cân Bằng, Ngũ Hành Sinh Vượng thì mới giữ được khí tốt, đem lại may mắn và thịnh vượng cho người cư ngụ.
D.-Tìm Nguồn CHÍ (Long Mạch).
CHÍ là một yếu tố quan trọng của khoa Địa Lý Phong Thủy. CHÍ là một lọai sinh khí tối cần thiết cho sự tồn tại của mọi tạo vật trong vũ trụ. Khoa Địa Lý Phong Thủy phân lọai CHÍ ra làm 3 lọai :
-Một lọai lưu thông ngầm dưới đất làm động lực cho mọi nguồn nước di động;
-Một lọai bay trên không gian để tạo nên hình thể các đồi núi và sông ngòi;
-Một lọai đi vào cơ thể con người để nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn của chúng ta.
Không có CHÍ mọi tạo vật kể cả con người sẽ mất đi sự sống. Theo Kinh Dịch, CHÍ chính là lọai khí Lưỡng Nhất, gồm hai lý Âm, Dương do Thái Cực sinh ra. Tuy hai lực khí khác nhau nhung không đối chọi nhau mà bổ túc cho nhau để sinh sinh hóa hóa ra mọi tạo vật và nuôi dưỡng muôn loài trong vũ trụ. CHÍ còn được gọi là Long Mạch vì người Trung Hoa cho núi là Long và CHÍ đã tạo ra hình thể của núi, cho nên danh từ tìm Long Mạch chẳng qua là tìm hướng di chuyển của CHÍ.
Giáo sư Lin Yun (3) giải thích như sau: CHÍ quây quần trong trái đất luôn luôn biến đổi. Lúc thì bay trên một đất, lúc thì đi sâu vào lòng đất, khi thì bay cao trên các ngọn núi, lúc thì xuống các thung lũng... Nơi nào không có CHÍ đi qua thì nơi đó thế đất bằng phẳng và cằn cỗi, thiếu hẳn sự sống. Cho nên khu vực tốt nhất là khu vực nào có CHÍ đi qua vì có CHÍ thì núi sông mới thành hình, nước trong, khí tốt, cây cảnh và hoa màu mới tốt tươi.
Cụ Tả Ao (4) còn mô tả chi tiết của CHÍ như sau :
Mạch có Mạch âm Mạch dương
Mạch nhược Mạch cương, Mạch tử Mạch sinh
Sơn cước Mạch đi rành rành
Bình dương Mạch lẫn nhân tình khôn thông
Có Mạch qua ao qua sông
Qua đầm, qua núi, qua đồng, qua non ...
Trong cơ thể con người, CHÍ là một lọai sinh khi tối hảo để nuôi dưỡng thể xác và tinh thần của chúng ta. Trong cơ thể của chúng ta, CHÍ phải được lưu thông điều hòa và mạch lạc. Nếu nó bị tắt nghẻn ở một nơi nào đó, thì bộ phận ở nơi đó bị tổn thương. Có CHÍ lưu thông đến chân, ta mới đi được, CHÍ đến tay ta mới viết được, CHÍ đến miệng, ta mới nói được .
Khoa địa lý Phong Thủy không những chỉ áp dụng ý niệm căn bản này trong kỹ thuật tìm Long Mạch mà còn áp dụng nó trong lĩnh vực luyện CHÍ để giúp con người từ bảo vệ sức khỏe, tăng tuổi thọ và trị bệnh (như khoa trị bệnh bằng nhân điện tại Hoa-Kỳ (HIGH TOUCH HEALING NETWORK).
Chuong III : Nguyên Tắc Kỹ thuật của Khoa Địa Lý Phong Thủy.
Để tìm hướng đi của CHÍ và nơi hội tụ của nó, khoa địa lý Phong Thủy có đề ra một số kỹ thuật căn bản dựa vào những nguyên lý của Đạo Học, Kinh Dịch và Thuyết Âm Dương Ngũ Hành .
1. Nguyên tắc hòa hợp và cân bằng.
Nguyên tắc này bắt nguồn từ Thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Những cảnh vật tại điểm kết phải hợp đủ điều kiện thăng bằng và hòa hợp về hình thể, kích thước và vóc dáng. Thí dụ: tại điểm kết để chôn được, các núi tượng trưng cho Thanh Long, Bạch Hổ, phải có sự tương hợp đúng cách như Thanh Long phải là núi lớn hơn núi Bạch Hổ và cả hai đều phải ôm choàng vào nhau để tạo sự hòa hợp. Chúng ta đã biết mọi ngọai cảnh đều có những hình thể được xếp lọai theo Âm Dương Ngũ Hành và sự cân bằng của những yếu tố này là một điều thiết yếu cho một điểm kết. Nếu thiếu sự thăng bằng này, Phong Thủy sẽ gây tác hại và cần phải sửa sai chế hóa để đem lại sự thăng bằng và hòa hợp giữa hai lực âm dương. Sau đây là một thí dụ điển hình đã áp dụng nguyên tắc này.
Tại thị xã Andong (Đại Hàn) có một cái núi có hình thể giống như bộ sinh dục của một phụ nữ, được gọi danh là núi Vagina. Phụ nữ trong làng này bi dân ở các làng kế cạnh chỉ trích, chê bai là có tính tà dâm. Khi ông Maeng Sasong được bổ nhiệm làm Thị Trưởng (dưới triều đại Choson), với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng về Phong Thủy, ông liền cho xây một sự hình tượng có hình dáng giống như bộ sinh dục nam giới ngay trước núi Vagina nói trên. Quả nhiên tính tà dâm của phụ nữ trong làng đã không còn nữa nhờ sự chế hóa này của ông.
2. Nguyên tắc cân đối.
Nguyên tắc này được áp dụng nhiều trong khoa Phong Thủy. Sự cân đối về phía trước, phía sau, bên phải, bên trái của một điểm kết là một điều quan trọng cần phải lưu ý. Một điểm kết mà phía sau có núi chánh nhỏ hơn núi ở phía trước, hay núi tượng trưng cho Thanh Long nhỏ hơn núi tượng trưng cho Bạch Hổ đều là những chỉ dẫn xấu về Phong Thủy tại điểm kết. Một căn nhà mà phần trước lớn hơn phần sau hay ngược lại, sự mang lại nhiều bất lợi cho người cư ngụ.
3.-Nguyên tắc biểu tượng và ngôn ngữ.
Đây là một Nguyên tắc phát xuất từ nguyên lý của Đạo Giáo và Kinh Dịch. Đạo Giáo cho rằng mỗi tạo vật và vũ trụ có cùng một cơ cấu sinh tồn vì cùng do một Nguồn CHÍ tạo thành. Con người cũng là một tạo vật, cùng hấp thụ Nguồn CHÍ này, cho nên giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ có sự liên đới hỗ tương mật thiết. Một khác, Kinh Dịch cho rằng Thiên ý không thể truyền cảm trực tiếp cho con người mà phải qua những hình tượng. Vì vậy một trái núi được biểu tượng là con rồng; một con sông có thể là con rồng nước hoặc là con rắn độc; một bờ giốc cao thẳng đứng được ví như một cái móng cọp, một hòn đá lớn có hình dáng nhu một cái ly được biểu tượng cho một nữ y tá hoặc một bà nội trợ. Phái Phong Thủy hình thể cho rằng thiên nhiên là một cánh đồng đầy những biểu tượng, một sở thú lớn với nhiều loài vật, và động vật khác nhau. Vì vậy khi luận đoán Phong Thủy, cần phải có óc tưởng tượng để xem những hình tượng nói lên cái gì ?. Một giòng sông có thể là một con rồng nước đem phúc lợi cho người cư ngụ trong vùng, nhưng nó cũng có thể là một con rắn độc thường xuyên đe dọa mạng sống của dân cư. Biết được hình tượng và hiểu rõ được ngôn ngữ của ngoại cảnh, người xem Phong Thủy sẽ tùy trường hợp mà chế hóa cái xấu hoặc khai dùng nó thành một lợi ích đối với con người.
Giáo su Lin Yun đã áp dụng kỹ thuật này cho một nhà hàng lớn ở Hồng-Kông. Trong một khu đất có hình bầu dục, lại có đến hai nhà hàng lớn được phân ranh bởi một hàng cây chạy dọc trên thuở đất bầu dục nói trên.
(xem hình dưới dây)
Chủ của nhà hàng A vì muốn cạnh tranh với nhà hàng B nên mời ông Lin Yun đến giúp về Phong Thủy. Sau khi quan sát khu vực và hình thể khu này, ông Lin Yun để nghệ cấm hai cọc sơn màu xanh khoảng hai thước và trên đầu mỗi cọc gắn hai con vịt tàu. Chỉ một thời gian ngắn sau dó, nhà hàng A làm ăn rất phát đạt, khách đến ăn phải xếp hàng chờ đợi trong khi nhà hàng B chỉ có lưa thưa vài thực khách. Ông chủ nhà hàng B biết rõ nhà hàng A đã nhờ Phong Thủy mà phát đạt nên cũng bắt chước nhà hàng A cấm hai cọc ở đầu ngõ giống y như của nhà hàng A. Nhưng vì muốn phát đạt hơn nhà hàng A, ông cho sơn hai cọc này thành màu đỏ là màu tượng trưng cho tiền tài theo tín ngưỡng của đa số người Trung Hoa ở Hồng-Kông. Nhưng lạ thay, từ ngày nhà hàng B cho sửa lại Phong Thủy như trên, thì thương vụ ngày càng xuống dốc và sắp đi đến vỡ nợ. Chủ nhà hàng B liền mời ông Lin Yun đến xem lại Phong Thủy. Ông Lin Yun thoáng nhìn qua hai cây cọc sơn màu đỏ, liền nói ngay với chủ nhà hàng B rằng: ông đã bị luộc chín rồi ! ông Lin Yun giải thích rằng thế đất mà nhà hàng của ông tọa lạc có hình dáng giống nhu một con tôm mà ông lại sơn hai cái càng của nó màu đỏ, tức là tôm đã bị luộc chín rồi.
4. Nguyên tắc nhân cách hóa tạo vật.
Nhân cách hóa ở đây là đồng hóa cá tính, bản năng của tạo vật với con người và động vật trong vũ trụ. Núi là Biểu tượng con Rồng, mà Rồng là biểu hiệu của nhà Vua, nên mang một ý nghia cao quý ban phúc cho thiên hạ. Một đồi cao có hình dáng như một mẫu tự được đồng hóa như một con người có văn hay chữ tốt, biểu hiệu cho sự thành công về học vấn. Cái giốc thẳng đứng ở trên đảo Lantao gần Hồng-Kông có hình thể giống nhu một người đàn ông lỏa thể được đồng hóa với một con người có cá tính khích động sinh lý, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến giới phụ nữ trong làng.
Nguyên tắc nhân cách hóa này còn nới rộng đến loài động vật nhu sau :
Vào thế kỷ thứ XIX, tại một khu vực thuộc Tỉnh Kwang Tung ở Trung Quốc, đã nhiều năm liên tiếp, năm nào cũng bị thất mùa. Các nông dân trong làng phải nhờ đến thầy địa lý để chữa trị Phong Thủy trong vùng. Sau khi quan sát, thầy địa lý cho biết sỡ dĩ bị thất mùa vì ở phía Tây có một cái núi có hình dáng giống một con chuột to lớn. Chuột là một động vật lấy lúa gạo làm thực phẩm chính nên mùa màng bị thất thoát là là đương nhiên. Ông để nghị lập một bẩy chuột thật lớn trước cái núi này. Quả nhiên kể từ đó về sau các nông dân được trúng mùa liên tiếp và nạn thất mùa hầu như không còn nữa.
5. Nguyên tắc Phát huy và Phục hồi Phong Thủy.
Nơi có Phong Thủy tốt không hẳn là nơi có Nguồn CHÍ hội tụ cố định. Chúng ta đã biết một sự mất thăng bằng về Âm Dương Ngũ Hành tại khu vực sẽ làm cho Long Mạch bị đứt và Nguồn CHÍ bị phân tán. Con người do nhu cầu giao thông hay phát triển thành phố, có thể sự mở thêm đường xá băng ngang các đồi núi hoặc phá rừng, lấp sông để lập thêm thành thị. Chính những công trình phát triển này làm cho Long Mạch tại khu vực bị đứt và Nguồn CHÍ bị phân tán gây tác hại cho dân cư trong khu vực.
Nguyên tắc này đã được người Nhật Áp dụng trước đây khi xâm chiếm lãnh thổ nước Đại Hàn như sau :
Sau khi đã xâm chiếm được vùng biên giới nuớc Đại Hàn, quân đội của Tướng Nhật Hideyoshi đã tạm thời đóng quân tại núi Sonsan. Một sĩ quan ngành Phong Thủy của Nhật đã phát hiện được dãy núi "The Mountain Ridge of Sonsan" có một Phong Thủy rất tốt sau này sự tạo nên nhiều tướng lĩnh tài ba lỗi lạc cho nước Đại Hàn. Sau khi được phúc trình, Tướng Hideyoshi liền cho binh sĩ đốt cháy một khu trọng yếu ở phía sau dãy núi đồng thời chôn những thỏi sắt dài băng ngang núi để cắt đứt Long Mạch của CHÍ. Quả nhiên, một thời gian dài sau đó không có một anh tài nào của Đại Hàn được xuất đầu lộ diện và Nhật Bản hiển nhiên đã đồng hóa luôn cả dân tộc Đại Hàn.
Mặt khác, khi Phong Thủy của một khu vực bị phá, bằng sự điều chỉnh và sửa lại các khuyết điểm, Phong Thủy vẫn có thể phục hồi như cũ. Câu chuyện về mộ của gia đình ông Yi tại làng Kosong ở Đại Hàn là một thí dụ cụ thể về nguyên tắc này.
Mộ tổ tiên của gia dình họ Yi được chôn cất tại một nơi có Phong Thủy rất tốt có hình thể giông như một con bò đang nằm vui vẻ hưởng thú an nhàn. Liên tiếp sáu đời con cháu đều làm quan to trong triều đình. Chính vì con cháu ai cũng đều là quan cận thần của triều đình nên mỗi lần về tham mộ Tổ Tiên dân chúng trong làng đều bị trưng dụng làm việc nặng nhọc nên than phiền đến tai một thầy Phong Thủy nổi tiếng trong vùng. Ông thầy Phong Thủy này đề nghị với dân làng là đập phá hòn đá to ở phía trước mộ vì hòn đá này là thực phẩm để nuôi dưỡng con bò đang nằm kia. Quả nhiên sau khi phá vỡ hòn đá nói trên, giòng họ nhà họ YI lần hồi bị thất sủng của triều đình và từ đó về sau không có người nào trong họ YI được làm quan cả. Gia dình họ YI bắt đầu nghi ngờ mộ của Tổ Tiên có thể bị phá đứt Long Mạch và nhờ thầy Phong Thủy cho sửa sang lại mộ. Sau khi quan sát, thầy Phong Thủy chỉ để nghị một phương pháp đơn giản, đó là cho gắn lại các hòn đá đã bị phá vỡ trở lại hình thù cũ. Chỉ một thời gian sau, con cháu nhà họ YI được phục hồi lại chức vị và cơ nghiệp lại phát đạt như xưa.
6. Nguyên tắc tương quan túc trợ.
Tương quan túc trợ là bổ xung cho nhau để đạt thành một ý nghĩa, một câu chuyện, một lý lẽ. Địa Lý Phong Thủy là một khoa sát gần với thiên nhiên. Những hình tượng của thiên nhiên bao giờ cũng thiếu sót và phản ý, cho nên thầy Phong Thủy phải có óc sáng tạo, phải có sáng kiến dồi dào để bổ xung thích hợp ý nghĩa của một hình tượng. Các thí dụ sau đây sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa của nguyên tắc này.
a.) Câu chuyện về cái chợ Chongchon
Mộ của Tướng Song Siyol được chôn cất đúng phép Phong Thủy tại một khu vực có huyệt kết của một nhà tướng quân sĩ. Nhung tiếc thay, khu vực này ở quá xa thành phố nên không có quân. Tướng mà không có quân thì chẳng khác gì một ông Tướng bù nhìn, mất hẳn uy quyển của một vị Tuớng Lãnh. Do dó con cháu không huởng được lợi ích của cái mộ này. Gia dình họ Song mời một thầy Phong Thủy đến giám định mộ và sau khi quan sát kỹ khu vực, ông để nghị lập một cái chợ ngay trước khu vực của mộ. Quả nhiên khi lập xong cái chợ nói trên, người bán, kẻ mua tấp nập. tạo thành những binh sĩ cho vị Tướng nằm ở mộ, nên về sau con cháu nhà họ Song ai nấy đều phát võ và có người lên đến chức Tướng Soái.
b.) Câu chuyện về núi Phượng Hoàng ở thành phố Sonsan
Tại thị xã Sonsan ở Đại Hàn, núi Pibong vì những cảnh bao phủ lấy khu vực của văn phòng thành phố Sonsan, có hình dáng giống như một con chim Phượng Hoàng đang bay. Nhờ Phong Thủy tốt của núi này mà dân cư trong vùng làm ăn ngày càng phát đạt. Dân làng sợ rằng một ngày nào đó Phượng Hoàng này sẽ bay đi nơi khác nên nhờ ỏ một thầy Phong Thủy tìm cách giữ lại. Sau khi quan sát kỹ khu vực, thầy Phong Thủy để nghị với dân làng là làm thêm năm cái núi nhỏ cạnh bên núi Phượng Hoàng để tượng trưng cho năm quả trứng do Phượng Hoàng sinh ra. Nhờ có năm quả trứng nhân tạo này mà Phượng Hoàng phải ở lại để bảo vệ trứng.
c.) Câu chuyện đào giếng
Tại vùng Pyongyang (Đại Hàn) dân cư đều sống xa sông rạch nên dân trong làng, cứ mỗi nhóm 10 gia đình hùn tiền để đào một giếng nuớc. Nhưng mỗi lần đào giếng đều có xảy ra hỏa hoạn trong khu vực. Ông chủ làng phải nhờ đến một thầy phong thủy để duyệt xét địa lý cho khu vực. Sau khi quan sát kỹ khu vực, thầy địa lý cho biết khu đất của làng Pyongyang có hình thể của một chiếc thuyền đang luớt trên sông. Nếu đào giếng, tức là vô tình đã khoét một lỗ hổng vào thuyền sẽ bị chìm và tài sản sẽ bị tiêu hủy. Do dó ông để nghị dân làng nên lấy nuớc sông thay vì đào giếng. Từ đó về sau không có một cuộc hỏa hoạn nào xảy ra trong vùng.
Chuong IV : Giới hạn của khoa học địa lý Phong Thủy.
Khoa địa lý Phong Thủy đã được biết đến từ dưới đời nhà Hán (200 trước Tây Lịch) và cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại. Hầu hết nhân dân Trung Quốc và các nuớc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán tộc như Việt-Nam, Nhật-Bản, Đại-Hàn, Singapore... đều biết đến hiệu quả linh diệu của khoa này. Đặt mả mồ đúng phép Phong Thủy, con cháu có thể trở thành Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, hay cắt đứt Long Mạch của một ngôi mộ tốt có thể làm sụp đổ ngai vàng của một Hoàng Đế.
Người giàu có bỗng nhiên trở thành bần đinh chỉ vì đào thêm một cái giếng để lấy nước. Kẻ nghèo khó bổng trở thành một nhà triệu phú nhờ tìm được nơi đất kết có nhiều tú khí hội tụ, thì dù gia thể trước kia có hèn kém cũng có thể trở nên trâm anh thế phiệt, con cháu gần xa đều được huởng. Đất phát văn thì làm quan văn, đất phát võ thì hiển đạt về võ nghiệp, đất phát phú thì được giàu có đời đời...
Khoa địa lý Phong Thủy đã có nhiều thành quả như vậy, cho nên có một số người cho rằng Địa lý Phong Thủy là một khoa vặn năng có thể hoán cải cả số mệnh con người. Thật ra con người cũng chỉ là một tạo vật, và điểm đứng của con người cũng lệ thuộc và hai trục: trục đứng (tung độ = Thiên Mệnh) và trục ngang (hoành độ = Vận thời). Lệ thuộc vào trục đứng, con người phải chịu sự an bài số mệnh của Trời Đất. Lệ thuộc vào trục ngang, con người phải chịu ảnh hưởng của thiên nhiên, đất đai khí hậu và ngọai cảnh chung quanh (mà khoa Địa Lý Phong Thủy đóng vai trò chủ yếu). Cho nên nói đến Vận Mệnh, người ta thường liên tưởng đến số Trời. Thật ra Vận và Mệnh tuy thường được đi đôi với nhau nhưng có phần khác biệt. Mệnh là tính cách của con người; Vận là sự tao ngộ giữa người với hoàn cảnh. Tính cách thì được định trước (Thiên mệnh) còn tao ngộ (tức là Vận thời) thì tùy thời tùy thế mà biến. Như Thiên Mệnh đã quy định cuộc đời anh A phải qua một con sông, thì chắc chắn anh A không thoát được (vì Thiên Mệnh đã định trước), nhung nếu đương sự gặp được tao ngộ tốt như thuyền, bè hay phao nổi thì đương sự sẽ không bị chết chìm và quần áo cũng không bị ướt.
Như vậy, khoa địa lý Phong Thủy chỉ chi phối được con người bằng trục ngang, tức là sự liên hệ giữa con người với ngọai cảnh giúp cho con người tạo được sự tao ngộ thuận lợi trong cuộc sống.
Với sự phân tích như trên chúng ta thấy rằng Địa Lý Phong Thủy không phải là một khoa vạn năng có thể cải lại số mệnh con người. Tuy nhiên, theo mệnh lý học thì số mệnh chỉ chi phối những gì liên quan đến đại sự mà thôi. Không thể nói: từ miếng ăn miếng uống đều do thiên định (nhất ẩm nhất trác giai do tiền định).
Mặc dù, con người chịu ảnh hưởng của Trục đứng (Thiên Mệnh), và khi nói về Thiên Mệnh thì con người khó có khả năng biết được cơ Trời, nhưng con người vẫn còn có Trục Ngang (Phong Thủy) để cải thiện giữ lại được sự thăng bằng cho cuộc sống. Cho nên từ quan hệ cha me, vợ con, bè bạn cho đến sống lâu, chết yểu, sự nghiệp thành bại, gặp họa phúc không phải chỉ được định đọat hoàn toàn bởi Thiên Mệnh (Trục đứng), mà vẫn còn có trục Ngang để cho con người ta góp phần cải thiện cho cuộc sống của mình. Số nghèo thật đấy, nhung nếu chăm chỉ siêng năng, thì vẫn có thể tránh được cảnh nghèo đói khổ cực.
Võ THANH NHẪN
_____________________________________________________________________________________
1.- Needham, Joseph.- Science anđ a Civilisation in China, University Press, Cambridge, Vol II, 1954.
2.- Stephen D. R. Feuchtwang.- An Anthropological Analysis of Chinese geomancy - Collection Connaissance de l'Asie, Vol I, 1ère édition 1974 Vithagna (Vientiane Laos)
3.- Lin Yun -. Chuyên viên Phong Thủy nổi tiếng tại Hồng-Kông. Ông là sáng lập viên khoa Phong Thủy, Tibetan Tantric Black Hat Feng Shui bao gồm những Nguyên tắc hỗn hợp của Kinh Dịch, Đạo Giáo và Thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
4.- Cao Trung - Địa Lý Tả Ao, Xuân Thu xuất bản, Houston, Texas, U.S.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét